Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Tiền của công là tiền… của ông

"Chúng ta đang chứng kiến một thực tế là Nhà nước không kiểm soát được lỗ, lãi, phân bổ đầu ra của DNNN. Chúng ta đang có vô số ví dụ về những mức lương khủng khiếp bất chấp kết quả kinh doanh, bất chấp hiệu quả hoạt động, và bất chấp đời sống của những người đóng thuế".
Đào Tuấn:
Tiền của công là tiền… của ông
Người ta từng nói về “những nghịch lý” khi đặt cạnh nhau 2 con số “lương giám đốc”
- ở trên giời và “kết quả kinh doanh” của DNNN- luôn “chui sâu dưới 3 thước đất”
Một tờ báo đã tính toán: Mỗi năm có 365 ngày, trừ đi 52 ngày chủ nhật thì còn lại 313 ngày làm việc. Với tiền lương 2,6 tỉ đồng/năm, vị chi ông giám đốc công ty thoát nước Thành phố đang nhận lương 8,3 triệu đồng/ngày.
8,3 triệu cho 8 tiếng đút chân gậm bàn, chứ không phải chui xuống cống cả tháng, cũng chỉ để nhận 8 triệu tiền lương.
8,3 triệu và để những người dân thường niên sống trong cảnh “bà con đắp đê trong nhà, co hết chân lên giường mà sao nước vẫn không chịu ra”.
Báo chí đã nói đến sự phẫn nộ, trước mức lương khủng đến vô lý của những người lãnh đạo các doanh nghiệp gắn với hai chữ “công ích”, trong tương quan với mặt bằng lương và thu nhập của những người đóng thuế.

Thậm chí, dư luận đã dùng đến chữ “liêm sỉ” trước thực tế rằng trong nhiều cách làm tiền, người ta “tiết kiệm” luôn cả các khoản bảo hiểm, phúc lợi xã hội…bằng cách ký hợp đồng thời vụ với hàng trăm lao động thường xuyên, hoặc ký hợp đồng xác định thời hạn, thay vì không xác định thời hạn. Một hình thức bóc lột tàn bạo, một kiểu bớt xén, một lối ăn bẩn còn đen thối hơn nước dưới cống.

Nhưng có lẽ, vấn đề cần phải đặt ra sau những scandal lương khủng này không phải là việc nói đến hai chữ “liêm sỉ”, cũng không chỉ là “thu hồi”, hay thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự, như phản ứng dữ dội của dư luận, mà phải đặt ra và trả lời câu hỏi về cơ chế kiểm soát lương.

Chủ tịch HĐQT Petrolimex lương hơn 50 triệu đồng/tháng. Trong khi năm 2011, Petrolimex đã kinh doanh thua lỗ 1.671 tỷ đồng.

Lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) hưởng lương 79,749 triệu đồng/tháng trong khi giá bán gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới, còn những người làm ra hạt gạo thì phải bỏ ruộng.

Và bây giờ: 2,6 tỷ cho giám đốc thoát nước. 2,2 tỷ cho giám đốc chiếu sáng…

Những dữ liệu về lương của Petrolimex, Vinafood, hay thoát nước, chiếu sáng có được trong mối liên hệ với những con số khác: Petrolimex chiếm trên 60% thị phần bán lẻ xăng dầu mà mỗi cú tăng hoặc giảm giá có tính chất quyết định đến toàn bộ thị trường.

Vinafood, chính xác là “thương lái” của các loại thương lái.

Còn thoát nước, chiếu sáng, giao thông thì ODA hay NSNN tất thảy đều phải vào túi của họ.


Người ta từng nói về “những nghịch lý” khi đặt cạnh nhau 2 con số “lương giám đốc”- ở trên giời và “kết quả kinh doanh” của DNNN- luôn “chui sâu dưới 3 thước đất”.

Người ta cũng nói cấu thành nên lương, có khi lại là những giọt mồ hôi nông dân đang được bán với giá bèo bọt.

Nhưng đó vẫn mới chỉ là cái đỉnh của tảng băng DNNN mà thôi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc có lần thốt lên, rằng: DNNN là nơi tiêu tiền của quan chức.
Nguyên Viện trưởng Khoa học lao động xã hội, TS Nguyễn Hữu Dũng có lần phân tích đáng ra DNNN phải chia tiền lương trên cơ sở giá trị gia tăng của họ, chứ không phải là tính lương trên tổng doanh thu, trên vốn của nhà nước (và cũng là tính lương trên thuế của dân). “Lương DNNN đang ăn vào tài sản chứ không phải ăn vào hiệu quả… Nếu tính lương trên cơ sở giá trị gia tăng thì lỗ chổng vó lấy đâu tiền mà chi lương”- ông nói.

Blog Đào Tuấn

Chúng ta đang chứng kiến một thực tế là Nhà nước không kiểm soát được lỗ, lãi, phân bổ đầu ra của DNNN. Chúng ta đang có vô số ví dụ về những mức lương khủng khiếp bất chấp kết quả kinh doanh, bất chấp hiệu quả hoạt động, và bất chấp đời sống của những người đóng thuế. Đó là còn chưa kể đến một sự thật mà Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi khẳng định “Tiền lương theo chế độ quy định của lãnh đạo tại các doanh nghiệp nhà nước là 1 đồng thì lương thực hiện phải đến 5, 7 đồng”.

Bởi vậy, nếu như hôm nay, cơ chế lương và cơ chế kiểm soát lương trong các DN công ích TP HCM, và cả các DNNN đang độc quyền trên rất nhiều lĩnh vực, không được nghiêm túc xem xét, thì có lẽ, chỉ ngay ngày mai, ngay trong cuộc kiểm toán kế tiếp, bản danh sách đen những điều bất hợp lý xung quanh một chữ lương vẫn sẽ còn được nối dài dài, và, nói một cách cay đắng như ý kiến của một người dân đóng thuế: Tiền của công sẽ vẫn mãi là tiền của ông mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét