"Xó bếp" sẽ có vị thế mới
VĨNH KHANG. Ngô Thanh Hòa gây ấn tượng cho người đối diện bằng lối trò chuyện khó “chệch khỏi đường ray” nấu nướng, đi loanh quanh đủ mọi câu chuyện rồi cũng sẽ quay về “căn bếp” của riêng mình. Trò chuyện với anh, tôi thấy, ngoài căn bếp trong đời thực, tôi còn tự hỏi mình: “Bếp của Ngô Thanh Hòa nằm ở đâu?”. Có lẽ, ở đâu đó trong tâm hồn anh.Dù học về chuyên ngành marketing nhưng anh luôn dành cho công việc làm bếp một vị trí quan trọng, với anh, làm bếp đã thoát ra khỏi khuôn khổ của sở thích, mà đó là một nghề. Trong cuộc trò chuyện này, anh tin tưởng, cái công việc ở trong “xó bếp” vốn không được đánh giá cao sẽ có vị thế mới trong tương lai…
NGHỀ LÀM BẾP CÓ GIÁ TRỊ RIÊNG
Tôi có câu chuyện này, muốn kể cho anh, cách đây vài năm, cạnh nhà tôi, có một cậu bé muốn theo đuổi nghề làm bếp sau khi tốt nghiệp cấp 3. Bố cậu ta xé cuốn sách nấu ăn trước mặt cậu và quát: “Tại sao đàn ông, con trai, mày lại phải rúc vào cái xó bếp làm công việc đó?”. Anh nghĩ sao khi nghe câu chuyện này?
Tôi cũng sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện, tôi nghĩ tôi đến với căn bếp thực sự rất tình cờ. Sau nhiều năm tháng, do nhu cầu rất cơ bản của con người, ai cũng phải ăn, và tôi cũng vậy nên tôi phải trau dồi kĩ năng đó, trước hết là cho bản thân tôi. Có một điều may mắn, tôi được tiếp xúc khá nhiều với môi trường làm bếp.
Trong quá trình đi du học ở Úc, chuyên ngành của tôi là marketing, và tôi đi làm thêm ở nhà hàng để trang trải thêm. Tôi bắt đầu bằng công việc rửa chén, đi học xa cũng đồng nghĩa là tôi phải tự chăm sóc bản thân mình, mà nấu ăn để tôi có những món ăn đảm bảo sức khỏe cho mình là một trong những thứ tôi phải làm.
Qua quá trình làm việc và tiếp xúc với môi trường nhà hàng, có nhiều món ăn lạ, đặc sản, tôi cũng muốn làm để cải thiện bữa ăn cho mình, hơn nữa, ẩm thực ở Úc phát triển không ngừng và có những thứ lạ lắm mà tôi chưa bao giờ có dịp thưởng thức.
Tôi học việc qua quan sát, qua bạn bè, tôi đi ăn ở nhà hàng và tự nghiệm ra: vì sao nó ngon? Và vì sao ăn xong mình lại muốn quay lại lần thứ 2 để thưởng thức món ăn đó. Tôi tìm hiểu và tự mày mò tìm công thức nấu nướng.
Trở lại câu chuyện của bạn, cho đến giây phút này, nhận thức về nghề nấu nướng thì chắc chắn ở Việt Nam, nhiều người vẫn có quan niệm như vậy. Nghề làm bếp không bao giờ được đánh giá cao, cho dù mọi người luôn luôn nghĩ rằng, ăn là nhu cầu cơ bản, ai cũng có nhu cầu được ăn ngon, ăn sạch.
Tôi nhìn nhận, nấu ăn là kĩ năng cơ bản, ai cũng có thể nấu, ở đâu cũng có hàng ăn, quán ăn, trong gia đình, vợ hoặc chồng phải biết nấu ăn, chúng ta xem nấu ăn để tồn tại.
Đó là việc phổ biến nên nó sẽ không được coi trọng và không cần phải trau dồi, học hỏi, cũng như nâng tầm việc làm bếp lên. Tôi cũng biết, bậc làm cha, làm mẹ, nếu như họ có con cái muốn theo nghề làm bếp, họ sẽ ngăn cản.
Tuy nhiên, có điều tôi thấy được, nghề bếp nó không như mình nghĩ, nó có giá trị riêng, cũng như các ngành nghề khác trong xã hội mình. Nếu là người trong cuộc của nghề này, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn.
Những năm tháng du học ở Úc đã giúp anh có được sự nhìn nhận như vậy?
Ở một nước phát triển như Úc thì mọi ngành nghề đều được nhìn nhận bình đẳng, tôi làm bếp thì đó là công và sức lao động của tôi bỏ ra, làm nghề ẩm thực là nghề tạo ra những món ăn ngon.
Trong xã hội, ai cũng có nhu cầu ăn ngon, làm nghề đầu bếp mà anh tạo ra những món ăn ngon, đặc sắc, anh sẽ nổi tiếng và được đánh giá rất cao, cũng như các nước khác như Mỹ, Italia…, nghề làm bếp rất được coi trọng.
Về ẩm thực của Úc, thì thực sự Úc không có nền ẩm thực đậm bản sắc. Úc là nơi tập trung của đa dân tộc, đa văn hóa nên ẩm thực được pha trộn từ nhiều công thức khác nhau, phong phú nhưng không có bản sắc, có chút xíu từ Thái, Mỹ, Úc, Ấn…, yếu tố đó khiến nó không đặc sắc như ẩm thực của Việt Nam, hay Thái, Italia…
CHƯA BAO GIỜ ÁM ẢNH VỚI MIẾNG ĂN
Ở Việt Nam, có nhiều người đam mê nấu nướng nhưng với họ, đó là sở thích hơn là nghề nghiệp?
Sau khi thắng danh hiệu “Vua đầu bếp”, tôi nghĩ làm bếp với tôi là một cái nghề hơn là một sở thích. Trước đấy, tôi xem nó là sở thích nhưng bây giờ, tôi thích thú lắm, có thể ngồi nghiên cứu, nói chuyện về làm bếp hàng giờ mà không chán, có thể đó là sự chuyển biến mới trong con người tôi.
Đến với nghề này, tôi nghĩ, tôi cũng có chút xíu năng khiếu, vì từ nhỏ, tôi cũng được tiếp xúc với công việc làm bếp, phụ mẹ làm bếp, nhưng trên hết thì phải có đam mê.
Nhiều người đến với công việc nấu nướng, cũng là cách họ giải tỏa những ám ảnh với miếng ăn mà họ từng đối diện. Anh có những ám ảnh của riêng mình không?
Thực sự mà nói, ngay từ nhỏ, tôi có những món ăn tôi thích khiến nó gắn liền với tôi đến tận bây giờ. Ví dụ như cá kho, canh cua nấu ngót, đến bây giờ tôi cũng hay nấu những món này vì quê tôi ở Phan Thiết, quen thuộc với những món ăn đó.
Tôi chưa bao giờ ám ảnh với miếng ăn, nhưng ở thế hệ của tôi, hẳn ai cũng trải qua những khó khăn khi phải đối diện với cái ăn cái mặc nên tôi xem đó là chuyện bình thường. Tôi chưa bao giờ bị đói dù tôi từng trải qua thời ăn uống rất khổ, thiếu thốn.
Hồi tôi 4 tuổi, thời đó gạo rất đắt, tôi phải ăn cơm trộn với khoai lang phơi khô, khi nấu cơm thì độn chung vào cơm. Tôi ăn đến mức không chịu nổi, ngán đến phát sợ.
Tôi từng phải ăn gạo cháy, rồi sử dụng lại và nấu thành cơm ăn tiếp. Tuy nhiên, có nhiều nhà khá giả hơn, họ không ăn những món đó. Đó là những trải nghiệm, những kí ức về thời khốn khó, miếng ăn không đến nỗi là sự ám ảnh nhưng cho tôi những kỉ niệm đáng nhớ.
Anh có hi vọng anh sẽ thành “sao đầu bếp” kiểu Luke Nguyễn hay Christine Ha ngay tại Việt Nam?
Nấu ăn là công việc gần gũi với mọi người, tôi xem việc tôi thành công trong một chương trình truyền hình về nấu ăn là chia sẻ với mọi người về công việc này và những suy nghĩ của riêng mình về công việc làm bếp.
Qua đó, tôi cũng hi vọng, chương trình đó sẽ giúp ích gì đó cho mọi người, ít ra thì cải thiện được nhu cầu ăn uống, xa hơn nữa là nhìn nhận và đánh giá cao công việc làm bếp hơn.
Sau khi thi xong, tôi đi chợ, đi siêu thị mua đồ, người ta cũng nhận ra tôi, hỏi tôi hôm nay định nấu món gì, phải mua những nguyên liệu gì, công thức chế biến và nấu ra sao để làm theo. Tôi cảm nhận, có thể họ biết tôi qua truyền hình như vậy, họ ngưỡng mộ, hỏi thăm nhưng tôi thấy, cũng chẳng là gì ghê gớm.
NẤU ĂN SẼ KHÔNG CÒN LÀ “XÓ BẾP”
Hình tượng “người đàn ông giỏi nấu nướng như anh” cũng là một hình ảnh gây tranh cãi ở Việt Nam đấy?
Tất nhiên, ở Việt Nam, đàn ông cần phải biết nấu nướng, đúng là sự tranh cãi. Ở đây, người ta luôn quan niệm, người đàn ông phải làm những công việc trọng đại hơn, bếp núc là công việc của phụ nữ.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy, thời gian gần đây, Việt Nam chúng ta đang dần thay đổi, lớp trẻ họ dần thay đổi nhận thức, nấu ăn không còn là “xó bếp” và cũng không phải công việc kiểu đặc quyền của phái nữ.
Tôi tiếp xúc với nhiều người, tôi thấy nhiều người đều mong muốn nhà mình phải có một căn bếp đẹp, khang trang, được trang bị đầy đủ đồ dùng, các loại gia vị. Nhìn rộng ra ngành dịch vụ, nhiều quán ăn phục vụ những món ăn đơn giản nhưng không gian, trang trí tươm tất và có chất riêng.
Từ đó, tôi cảm thấy, đó là sự thay đổi lớn, chưa kể bây giờ người ta cũng muốn ăn ngon hơn, hợp vệ sinh hơn và thậm chí, sản xuất đồ ăn riêng cho gia đình mình. Đó là sự thay đổi nhận thức lớn đấy chứ.
Nhưng trong xã hội Việt Nam, tôi nghĩ cần có thêm thời gian để thay đổi suy nghĩ về câu chuyện “xó bếp”. Tôi nghĩ, giới trẻ là nhân tố cởi mở và tiếp nhận những quan niệm mới, tôi tin cái “xó bếp” sẽ có vị thế mới phù hợp và xứng đáng với nó.
Đạo diễn Việt Tú, một nghệ sĩ cũng thích thú với nấu nướng từng chia sẻ với tôi rằng: “Trong nhà tôi, căn bếp còn quan trọng hơn phòng khách”. Anh nghĩ sao?
Tôi nghĩ, lời chia sẻ đó đúng. Cái gì giúp mình tồn tại, tất nhiên đó là bữa ăn. Phòng khách, phòng ngủ có thể hơi nhỏ, nhưng căn bếp buộc phải có. Căn bếp nói lên không khí gia đình đó, nhìn có ấm cúng và có sinh khí hay không.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đối diện với nhiều áp lực, nhiều mối quan hệ phức tạp, con người có thể có mâu thuẫn nhưng ngồi trên bàn ăn, tôi có cảm giác mọi thứ sẽ giúp con người xích lại gần nhau hơn và có không khí quây quần vui vẻ hơn.
Trong suốt cuộc thi “Vua đầu bếp”, anh cũng bị không ít khán giả đánh giá “ít sáng tạo trong các món ăn”. Dường như anh là người không dám mạo hiểm?
Sinh sống và làm việc tại Úc gần 18 năm, Ngô Thanh Hòa trở về Việt Nam vì chuyện gia đình đột xuất, chuyến trở về lần này như một cơ duyên đánh dấu bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời của chàng Việt kiều khi anh tình cờ biết được thông tin cuộc thi "Vua đầu bếp Việt" (MasterChef Vietnam) trên mạng.
Xuất sắc vượt qua thí sinh của chương trình, chàng Việt kiều Úc Ngô Thanh Hòa chính thức trở thành chủ nhân của chiếc cúp Vua đầu bếp mùa đầu tiên và nhận giải thưởng 500 triệu đồng cùng cơ hội xuất bản một cuốn sách nấu ăn của riêng mình.
|
Sáng tạo trong nấu ăn luôn được hoan nghênh nhưng sáng tạo phải dựa trên sự phù hợp. Nhiều khi sáng tạo không đúng, thì đồ ăn cũng rất gần với “thuốc độc”, khi tôi sáng tạo, thì tôi phải tính toán, món ăn của tôi có phù hợp với người ăn món đó hay không.
Tôi có thể “ngông” trong nấu ăn nhưng không hợp với người ăn thì “cái ngông” đó cũng là thứ vứt đi. Tôi từng làm hỏng một món bánh, mà tôi làm đi làm lại mãi không xong, sự thất bại khiến tôi sôi sục lên, tôi thức đến 3 giờ sáng để làm cho bằng được.
Làm khoảng 10 cái bánh thì tôi thành công mới được 1 cái nhưng cảm giác sướng lắm. Cảm giác như đam mê của tôi đền đáp. Từ đó, tôi thấy cẩn thận trong công việc nấu nướng là điều quan trọng.
Anh có cảm thấy xót không khi nấu một món ăn, nhưng người khác sẵn sàng đổ món ăn đó vào thúng rác?
Dĩ nhiên là xót, nhưng tôi cũng nghĩ, nếu một món ăn mà không thể ăn được thì nên vứt đi chứ không nên giữ lại. Bởi, nó ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người ăn.
Cuốn sách nấu ăn của anh sắp ra mắt sẽ chứa đựng nội dung gì?
Trong thời đại hiện nay, tìm công thức nấu ăn thì người ta có thể tìm được ở nhiều nơi với những phương tiện khác nhau. Cho nên, ngoài công thức nấu ăn thì tôi viết cuốn sách của tôi bằng những câu chuyện ẩm thực.
Mỗi món ăn tôi viết đều gắn liền với những gì tôi từng trải qua, mỗi món ăn đều gắn liền với trải nghiệm cuộc sống và tôi viết ra những câu chuyện đó để chia sẻ những cảm nhận, suy nghĩ và tất nhiên, người đọc sẽ hiểu được vì sao tôi thích thú với món ăn đó.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
LUKE NGUYỄN - “SAO" ĐẦU BẾP TẠI ÚC
Luke Nguyễn (sinh năm 1978) là một đầu bếp người Úc gốc Việt, anh thành công với hệ thống nhà hàng Việt Nam Red Lantern tại Surry Hills, Sydney.
Anh cũng tham gia viết sách nấu ăn và dẫn chương trình cho chương trình riêng của mình mang tên “Luke Nguyen's Vietnam”, một bộ phim tài liệu về ẩm thực Việt Nam cũng như cách thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Việt. Anh xuất hiện với tư cách đầu bếp khách mời trong cuộc thi nấu ăn “Vua đầu bếp Úc”.
Những câu chuyện ẩm thực của Luke được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, anh có tác động không nhỏ đến những người yêu ẩm thực Việt Nam. Với ẩm thực, Luke thành danh bằng những con đường riêng của mình, anh xuất hiện trên truyền hình, xây dựng chương trình riêng, đâu đó, người ta vẫn gọi anh là “sao" đầu bếp.
Luke chia sẻ rằng, anh không bao giờ có suy nghĩ theo đuổi nghề đầu bếp không phải để trở thành ngôi sao, đơn thuần, nấu nướng chỉ vì đó là anh yêu công việc này. Anh cũng cho rằng, không thích từ “sao” được đặt cạnh tên mình bởi vì mình chỉ là một đầu bếp mà thôi. Trở thành “sao" đầu bếp, với anh, là một điều hài hước nhất là trước tới giờ.
Đến nay, cái tên Luke Nguyễn được nhiều chuyên gia trong giới ẩm thực đánh giá cao, với họ, Luke không những là cái tên đảm bảo cho món ăn ngon mà còn là thương hiệu riêng của một “vua bếp”.
Chia sẻ về nghề nghiệp làm bếp, Luke thú thận: “Tôi đã làm bố mẹ tôi thất vọng. Tôi cũng vào đại học, nhưng không trở thành bác sỹ - một nghề định danh sự thành công như cách họ vẫn nghĩ. Bản thân bố mẹ tôi cũng là đầu bếp, biết nghề này khó khăn, cực nhọc thế nào, nhưng tôi đã nói: “Ba mẹ, đây là đam mê, và nghề nghiệp con muốn làm. Nấu ăn và mở nhà hàng khiến con hạnh phúc. Con có thể kiếm nhiều tiền hơn khi làm những nghề khác, nhưng con thấy không hạnh phúc. Vậy điều đó có nghĩa lý gì đâu”.
CHRISTINE HA: NHIỀU NGƯỜI XEM TÔI LÀ CẢM HỨNG NẤU NƯỚNG
Đến nay, Christine Ha là “vua đầu bếp” gốc Việt nổi tiếng nhất. Với danh hiệu “Vua đầu bếp” Mỹ, cô gái khiếm thị Christine thu hút mọi sự quan tâm bởi làm bếp – khó có thể là nghề nghiệp thích hợp cho cô.
Christine Hà là một cô gái cá tính, ẩn trong một vẻ ngoài hiền dịu, giản dị là một tính cách nổi loạn. Từ khi còn nhỏ, Hà đã phải đối mặt với việc luyện tập vị giác và khứu giác một cách đặc biệt, cô phải biết được mức độ của món ăn hay nước dùng bằng tai và phải tập sự chính xác hơn nhiều lần so với người bình thường. Cô cho rằng, “làm mọi thứ thì nên quyết liệt một chút, phải đặt cả trái tim của mình vào đó”.
Christine thú nhận: “Ngày bé, tôi chỉ biết làm trứng cuộn, luộc trứng và nấu mỳ ramen ăn liền (một món mỳ của Nhật). Nhưng sau đó, tôi mua được nhà và có 1 gian bếp, tôi nghĩ rằng, đã đến lúc tôi phải học nấu ăn, bởi dù tôi bị khiếm thị, tôi cũng không muốn phụ thuộc vào ai. Tôi mua được mấy cuốn sách nấu ăn từ 1 cửa hàng sách cũ. Tôi thấy, có nhiều công thức nấu các món ăn Việt và tôi bắt tay thực hiện chúng, càng nấu ăn, tôi càng đam mê”.
Trong lần trở về Việt Nam gần đây, Christine đã chia sẻ: “Bây giờ, tôi kiếm sống bằng chính đam mê đó, với tôi nấu ăn còn là một nghề nghiệp ổn định. Tôi nấu những món ăn ngon giúp mọi người thưởng thức, là người đưa công thức cho mọi người, nhưng tôi vui hơn cả, nhiều người xem tôi là nguồn cảm hứng cho công việc mang tính sáng tạo này”.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét