Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Vương quốc Champa lịch sử 33 năm cuối cùng

Vương quốc Champa lịch sử 33 năm cuối cùng 
1148952_158929844308434_565514466_n
Tóm tắt: Lịch sử Panduranga giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX là đề tài ít được quan tâm nghiên cứu đến trong giới sử học Việt Nam. Trên cơ sở hệ thống về tư liệu của lịch sử Việt Nam và thành tựu nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á trên thế giới. Đặc biệt, là việc khai thác nguồn thư tịch viết bằng tiếng Chăm Pgs.Ts. Po Dharma đã làm rực sáng lên một thời kỳ lịch sử của Champa từ năm 1802-1835. 
Trong khoảng thời gian 33 năm trải qua hai triều đại cai trị của nhà Nguyễn đã ảnh hưởng rất lớn đến con đường phát triển của dân tộc Champa. Ngày nay, một số người Việt theo Phật giáo thường cho rằng, phải chăng tổ tiên của người Việt đã mắc nợ trong quá khứ vì đã có những hành động đối xử quá đáng đối với dân tộc nhỏ bé như người Chăm. Cho nên, theo quan niệm nhân quả người Việt Nam phải chịu bao nhiêu cảnh thương tâm do chiến tranh gây ra trong thời kỳ 1945-1975. 
Đối với người Chăm, họ truyền miệng nhau qua nhiều thế hệ về sự tàn bạo của binh lính vua Minh Mệnh đã tước đoạt quyền được sống của dân tộc Champa. Tác phẩm Vương quốc Champa lịch sử 33 năm cuối cùng (1802-1835) của Pgs.Ts. Po Dharma sẽ giúp độc giả nắm bắt được bối cảnh lịch sử xã hội Champa đã diễn ra trên vùng lãnh thổ Panduranga ở nửa đầu thế kỉ XIX.

Champa là một Nhà nước liên bang được hợp nhất từ 5 tiểu quốc Indrapura (Quảng Bình, Quảng Trị), Amavarati (Quảng Nam, Thừa Thiên Huế), Vijaya (Bình Định), Kauthara (Phú Yên, Khánh Hoà) và Panduraga (Ninh Thuận và Bình Thuận)(1). Sau năm 1471, khi Lê Thánh Tông thực hiện một cuộc viễn chinh quân sự đánh phá vào kinh đô Vijaya và thiết lập thành công bộ máy trực trị trên vùng lãnh thổ rộng lớn của Champa. Từ đó về sau, bước phát triển của vương quốc Champa về nhiều mặt như kinh tế, quân sự, chính trị và ngoại giao ngày càng phụ thuộc vào Đại Việt sâu sắc.
Để tái dựng lại lịch sử Panduranga- một đề tài còn rất nhiều ẩn khuất và mù mịt mà các nhà sử học Việt Nam và trên thế giới chưa nhận thức sáng tỏ. Trong khoảng hố trống của lịch sử đó, Pgs.Ts. Po Dharma đã chú trọng nghiên cứu đến và  đạt được thành công vô cùng quan trọng. Tác phẩmVương quốc Champa lịch sử 33 năm cuối cùng (1802-1835) là một công trình có giá trị về mặt khoa học, phản ánh về những biến cố lịch sử đã từng diễn ra tại Panduranga qua hai triều đại Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1840). Đặc biệt, là những cuộc nổi dậy của nhân dân Champa chống lại chính sách cai trị mới của vua Minh Mệnh.
Tác phẩm Vương quốc Champa lịch sử 33 năm cuối cùng (1802-1835) được ấn hành bằng tiếng Việt tại Hoa Kỳ vào năm 2013, dưới sự bảo trợ của tổ chức Phát triển Văn hoá-Xã hội Champa (The Council for the social-cultural development of Champa) và Văn phòng Quốc tế Champa (International office of Champa). Nội dung chính của tác phẩm gồm có 280 trang, được chia làm 6 chương.
Trong chương 1, Champa dưới triều đại Po Saong Nyung Ceng (1779-1822).
Tác giả trình bày về mối quan hệ giữa triều đại Po Saong Nyung Ceng với triều đình Huế. Khi đã đánh bại tập đoàn Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long (Năm 1802). Gia Long đã thống nhất được toàn vẹn lãnh thổ đất nước như ngày nay và  đặt tên nước là Việt Nam. Vua Gia Long đã ban nhiều đặc ân để trả ơn cho những người đã cùng mình chiến đấu chống Tây Sơn. Mục đích của chính sách này, nhằm tránh làm xáo trộn quá nhiều các cấp hành chính và các cấp bậc quan lại. Đặc biệt, là coi trọng việc cất nhắc, đãi ngộ, các công thần(2).  Chính sách của Gia Long đã giúp phục hưng lại nền độc lập của Champa thông qua sự bảo hộ của triều đình Huế bằng việc tấn phong cho Po Saong Nyung Ceng (gọi theo tên Việt Nam là Nguyễn Văn Chấn) làm quốc vương Champa (3). . Sự thiện cảm của vua Gia Long dành cho Po Saong Nyung Ceng đã mang lại bầu không khi hoà bình cho nhân dân Champa. Nhưng, đồng thời cũng tìm ẩn những rạn nứt, mâu thuẫn xung đột giữa mối quan hệ giữa Champa với Tổng trấn Gia Định thành và mối quan hệ giữa Champa với triều đình Huế. Sự thật của những bất ổn trong mối quan hệ đã xảy ra khi vua Gia Long băng hà (Năm 1820). Vì, những đối đầu giữa Tổng trấn Gia Định thành là Phó vương Lê Văn Duyệt với người kế vị ngai vàng của vua Gia Long là Minh Mệnh.
Tháng 6 năm 1822, quốc vương Champa là Po Saong Nyung Ceng băng hà tại thủ đô Bal Canar (Thôn Tịnh Mỹ, tỉnh Bình Thuận ngày nay), Phó vương Po Klan Thu (gọi theo tên Việt Nam là Nguyễn Văn Vĩnh) bị loại khỏi quyền kế vị ngôi vương. Thay vào đó, vua Minh Mệnh  tấn phong người thân cận của mình là Bait Lan lên làm vua Champa. Quyết định này, đã làm xáo trộn lớn trong nội bộ quan lại, hành chính và quân đội Champa (3). Yếu tố này, nói lên rằng, vua Minh Mệnh chỉ lựa chọn những người nào ủng hộ chính sách, chủ trương của mình nhằm hạn chế việc li khai khỏi triều đình Huế hoặc có thể gây ảnh hưởng đến quyền lực của vua Minh Mệnh.
Trong chương 2, Champa dưới triều đại Po Klan Thu (1822-1828).
Tác giả trình bày và phân tích sự nhúng tay của triều đình Huế gây ra lũng đoạn chính trị trong nội bộ Champa, thực hiện chính sách đồng hoá cưỡng bức đối với người Chăm. Việc triều đình Huế tấn phong cho Bait Lan đã không được quan lại Champa ủng hộ và trả lời bằng cuộc nổi dậy của Ja Lidong vào tháng 2 năm 1823. Cuộc nổi dậy đã buộc triều đình Huế phải thay đổi lại quyết định nối ngôi vương bằng cách tấn phong cho phó vương Po Klan Thu giữ cương vị Trấn thủ. Và, triều đình Huế sử dụng trấn thủ Po Klan Thu để đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân Champa chống lại chính quyền trung ương.
Nhân dân Champa phải làm lao dịch nặng nhọc, xây dựng các công trình quân sự, làm các công trình công cộng mà phải bỏ cả công việc đồng áng ở gia đình. Mặt khác, sự bất mãn của nhân dân Champa đối với Po Klan Thu vì quá nhu nhược chỉ biết thi hành mệnh lệnh, chỉ thị của triều đình Huế cộng với việc phải đóng nhiều thứ thuế nặng nề khác (5). Điều đó càng châm ngòi cho cuộc khởi mới xuất hiện. Tiếp nối cuộc nổi dậy của Ja Lidong là cuộc khởi nghĩa vũ trang của Nduai Kabait chống lại triều đình Champa và bài trừ những công dân gốc Việt đang sinh sống trên lãnh thổ Champa. Cuộc khởi nghĩa của Nduai Kabait lan toả nhanh chống trong một không gian rộng lớn từ Phú Yên, Khánh Hoà cho đến khu vực Đồng Nai Thượng, có sự tham gia của tộc người Churu, Raglai, và Kaho.
Để đảm bảo an ninh và tính mạng của các lưu dân người Việt trên lãnh thổ Champa, triều đình Huế chỉ thị bằng mọi giá phải tiêu diệt nghĩa quân Nduai Kabait (6). Vì, không ngăn chặn nổi khởi nghĩa của Nduai Kabait, ngày càng phát triển và lan rộng. Po Klan Thu đã dùng chiến thuật thương thuyết hoà bình để chiêu hồi. Tuy nhiên, khi nghĩa quân của Nduai Kabait đến tham dự cuộc thương thuyết thì đại diện của Po Klan Thu đã ra lệnh bắt toàn bộ binh lính và tra tấn dã man để gây khiếp sợ cho quân nổi dậy. Cuộc khởi nghĩa của Nduai Kabait thất bại hoàn toàn.
Trong chương 3, Champa dưới triều đại Po Phaok The (1802-1832).
Tác giả phân tích về vai trò chính trị của Lê Văn Duyệt trong việc đề cử quan lại Champa giữ vai trò lãnh đạo tối cao của đất nước lấn lướt cả quyền lực của triều đình Huế. Lê Văn Duyệt giữ cương vị là Phó vương với vai trò là Tổng trấn Gia Định thành, đồng thời cũng là một thế lực lớn có nguy cơ đe đoạ ngôi vương của Minh Mệnh. Năm 1828, Lê Văn Duyệt đề cử con của Po Saong Nyung Ceng là Po Phaok The (gọi theo tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thừa) lên làm vua Champa mà không cần biết có sự đồng ý của vua Minh Mệnh. Trong khi đó, Minh Mệnh cũng muốn tấn phong cho người trung thành với mình để giảm thiểu quyền lực của Lê Văn Duyệt ở Champa.
Sau khi Po Phaok The lên ngôi vương, Lê Văn Duyệt tiếp tục đề cử Cei Dhar Kaok (gọi theo tên Việt Nam là Nguyễn Văn Nguyên) làm phó vương Champa. Từ đó, Champa chấm dứt mọi mối quan hệ với triều đình Huế mà thiết lập chặt chẽ mối quan hệ với Lê Văn Duyệt kể cả việc triều cống. Việc đặt quan hệ song phương này, đã khiến cho quan lại Champa bất bình, nội bộ Champa mâu thuẫn vì những chia rẽ thành phe phái theo Lê Văn Duyệt và phe phái theo triều đình Huế. Minh Mệnh đã lợi dụng tình hình này triệt để, khi Lê Văn Duyệt đang đau ốm Minh Mệnh ra lệnh bắt Po Phaok The và quy tội chống lại triều đình trung ương. Tháng 7-1832, Lê Văn Duyệt qua, Minh Mệnh quyết định xoá bỏ cơ chế li triều của Champa và đặt nền cai trị thống nhất trong cả nước.
Trong chương 4, Minh Mệnh trừng phạt dân tộc Champa (1832-1833).
Năm 1832, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt qua đời. Đây là thời cơ tốt nhất để loại bỏ những tư tưởng “li triều” và đẩy mạnh chính sách cải tổ của Minh Mệnh trên phạm vi cả nước. Nếu như trước đây, Phó vương Lê Văn Duyệt là bà đỡ đẻ quan lại chủ chốt của Champa thì khi ông mất Minh Mệnh liền vô hiệu hoá những quan lại do Lê Văn Duyệt tấn phong. Cụ thể, Minh Mệnh ra lệnh bắt Po Phaok The và Cei Dhar Kaok về triều đính Huế. Minh Mệnh thực hiện chế độ lưu quan, để ngăn chặn xu hướng “li tâm” Minh Mệnh muốn thủ tiêu chế độ Thổ quan, chính thức bổ nhiệm quan lại triều đình lên cai trị trực tiếp các châu, huyện ở một số vùng dân tộc ít người bằng cách cho các chức thổ quan đã có trước hợp lưu với lưu quan để làm việc (7). Cuộc cải cách của Minh Mệnh đã tăng cường được tính thống nhất quốc gia, củng cố được vương triều Nguyễn (8).
Sau chính sách lưu quan là hàng loạt các chính sách khác được áp đặt cho công dân Champa như lao dịch, sưu thuế, trưng mua trưng dụng đất đai, ngăn cấm sinh hoạt tín ngưỡng-tôn giáo, phá bỏ cơ cấu tổ xã hội Chăm truyền thống. Vì rằng, công dân Champa cũng là công dân của triều đình Huế, phải tuân thủ tuyệt đối luật pháp quốc gia Việt Nam. Nếu không, họ sẽ bị kết tội là thành phần phản động (9).
Trong chương 5, phong trào Hồi giáo của Katip Sumat (1833-1834).
Năm 1831-1832, Minh Mệnh bỏ cơ cấu hành chính tản quyền, bãi chức Tổng trấn chia cả nước thành 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên. Tất cả đều thuộc chính quyền trung ương (10). Một khi đã mất chỗ dựa vào Phó vương, Tổng trấn Gia Định thành cộng thêm hàng loạt các chính sách cải cách hành chính mới không cho phép sự tồn tại cơ cấu tổ chức “li tâm, li triều”. Tức là Minh Mệnh không chấp nhận sự tồn tại của một quốc gia nằm trong một quốc gia mà vua Gia Long và Po Saong Nyung Ceng đã thiết lập. Với việc tôn trọng Champa tồn tại với tư cách là một quốc gia độc lập nhận sự bảo hộ của Việt Nam và thực hiện chế độ triều cống cho triều đình Huế, luật pháp của Việt Nam không có ý nghĩa gì đối với thần dân Champa.
Những đặc ân này, đã không được phép duy trì dưới thời Minh Mệnh đã làm giáy lên làn sóng phản đối của nhân dân Champa. Và đỉnh cao của nó là nổ ra những phong trào đấu tranh vũ trang chống lại triều đình Huế do các tầng lớp chức sắc Po Acar khởi xướng, đặt dưới ngọn cờ của tôn giáo do Katip Sumat và Ja Thak Wa làm chỉ huy. Phong trào Jihâd (Thánh chiến) có sự tham gia của quân viễn chính nước ngoài kết hợp với nhân dân Champa lan toả trong không gian lãnh thổ Panduranga thu hút cả tộc người Churu, Raglai ở các vùng miền núi. Cuộc nổi dậy của Katip Sumat gây mối đe doạ thật sự cho triều đình Huế, buộc vua Minh Mệnh phải gởi một đội binh hùng mạnh hơn 1.000 người và ra lệnh vũ trang cho những cư dân gốc Việt ở phủ Bình Thuận để họ tham gia chống quân nổi loạn (11).
Đoàn quân Katip Sumat tập trung những người Chăm, Raglai, Churu, luôn luôn tin tưởng vào đấng Allah sẽ phù hộ  chiến thắng trong quá trình đấu tranh chống lại triều đình Huế. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Champa thoát khỏi sự cai trị của Minh Mệnh dưới sự lãnh đạo của chức sắc tôn giáo, dựa vào nền tảng của lý tưởng tôn giáo là yếu tố mới xuất hiện trong lịch sử Champa ở nửa đầu thế kỉ thứ XIX.
Cũng trong khoảng thời gian này, khắp cả nước Việt Nam xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh vũ trang nhằm chống lại chính sách cai trị của vua Minh Mệnh như cuộc khởi nghĩa của Nùng Vân Vân ở Bắc thành, cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Gia Đình thành. Cuộc đấu tranh của nhân dân Champa dưới sự lãnh đạo  của Katip Sumat  nhanh chống bị thất bại vào cuối năm 1833.
Trong chương 6, cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa 1834-1835.
Sự thất bại của phong trào Hồi giáo do Katip Sumat khởi xướng đã làm khủng hoảng trong hàng ngũ lãnh đạo. Ja Tha Wa li khai khỏi đoàn quân của Katip Sumat để xây dựng một tổ chức quân sự mới chống lại triều đình Huế. Việc đầu tiên mà Ja Thak Wa thực hiện là chuẩn bị lại lực lượng, đưa Po War Palei lên làm vua Champa. Ja Thak Wa nhanh chóng tập hợp được người Churu, Raglai, Kaho vào chung một mặt trận chiến đấu, xây dựng các mật khu ở Phú Yên, Khánh Hoà, đến Bình Thuận và Biên Hoà. Để nêu cao tinh thần chiến đấu, Ja Thak Wa đưa ra chiến thuật tuyên truyền về sự áp bức bóc lột, chống lại chính sách thực dân của vua Minh Mệnh chứ không giơ cao ngọn cờ đấu tranh theo lý tưởng Hồi giáo.
Tháng 7-1834, Ja Thak Wa phát động cuộc tấn vào các đồn luỹ quân sự của triều đình Huế. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng khốc liệt. Đến tháng 10-1834, Ja Thak Wa châm ngòi nổ cuộc tấn công quân sự lần thứ hai giành được thắng lợi liên tiếp, quân đội của triều đình Huế không thể dập tắt nổi. Triều đình Huế liền gởi 3.000 binh lính ở các tỉnh miền Trung vào ứng cứu tình thế, quân đội của triều đình kết hợp với các lưu dân gốc Việt được vũ trang hợp thành lực lượng chống lại cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa.
Để làm phá sản phong trào đấu tranh của Ja Thak Wa triều đình Huế một mặt cương quyết tiêu diệt quân nổi dậy, mặt khác thực hiện chiến sách mua chuộc một số tù binh và quan lại Champa từ bỏ đấu tranh vũ trang về hợp tác với triều đình Huế. Lạm dụng chỉ thị của vua Minh Mệnh, các binh linh tha hồ chém giết người Chăm vô tội, không cần biết họ có tham gia hay liên hệ gì với phong trào Ja Thak Wa để được nhận tiền thưởng (12). Đây là những trang lịch sử đen tối nhất mà vua Minh Mệnh đã gây ra bao nhiêu đau thương cho dân tộc Champa.
Tháng 4-1835, Po War Palei và Ja Thak Wa bị tử nạn trên chiến trường. Tháng 6-1835, Po Phaok The (gọi theo tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thừa) và Cei Dhar Kaok (gọi theo tên Việt Nam là Nguyễn Văn Nguyên) bị dẫn độ đi Huế và bị kết tội tử hình. Mặc dù, tất cả những thành viên lãnh đạo chủ chốt không còn nữa nhưng phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình Huế vẫn không bị dập tắt hẳn. Tháng 7-1835, cuộc đấu tranh của Lê Văn Khôi ở thành Phiên An ở Gia Định thành bị thất bại. Minh Mệnh đạp tan xong cuộc khởi nghĩa ở miền Nam tiếp tục làm phá sản hoàn toàn phong trào của Ja Thak Wa.
Tóm lại, lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa là lịch sử đấu tranh nhằm bảo vệ cơ cấu tổ chức Champa truyền thống trước sức mạnh của chính sách cải cách đầy bạo lực của vua Minh Mệnh nhằm xoá bỏ vĩnh viễn mọi tư tưởng cát cứ, li triều. Minh Mệnh vì muốn bảo vệ ngài vàng, củng cố và bảo vệ quyền lực của mình đã từng bước loại trừ các võ tướng ở Bắc thành và Gia Định thành, đề cao vai trò của Nho giáo đã lỗi thời không còn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đối với hoàn cảnh Champa ở nữa đầu thế kỉ XIX vừa phải tiến hành củng cố lại tổ chức xã hội vừa phải thực hiện nghĩa vụ triều cống với triều đình Huế. Chính sách ngoại giao thân thiện được thiết lập từ thời Gia Long dành cho Champa đã bị vua Minh Mệnh phá bỏ hết. Sự sai lầm của vua Minh Mệnh trong nhận thức một quốc gia nằm trong một quốc gia Việt Nam thống nhất đã tiễu trừ một quốc gia dân tộc Champa./.
Chú thích:
(1), (3), (4), (5), (6), (9), (11), (12): Po Dharma. 2013.  Vương quốc Champa Lịch sử 33 năm cuối cùng (180-1835). Hoa Kỳ: Ấn hành bởi IOC, tr.54, tr.92, tr.101, tr.105, tr.107, tr.127, tr.139, tr.154.
(2), (7), (8): Văn Tạo. 2006. Mười cuộc cải cách đổi mới lớn trong lịch sử Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Đại học Sư phạm., tr.216, tr.243, tr. 251.
(10): Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên). 2007. Tiến trình lịch sử Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.190.
Tài liệu tham khảo
  1. Po Dharma. 2013.  Vương quốc Champa Lịch sử 33 năm cuối cùng (180-1835). Hoa Kỳ: Ấn hành bởi IOC.
  2. Đinh Xuân Lâm (Chủ biên). 2010. Đại cương lịch sử Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
  3. Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên). 2007. Tiến trình lịch sử Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Giáo dục
  4. Văn Tạo. 2006. Mười cuộc cải cách đổi mới lớn trong lịch sử Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Đại học Sư phạm.
  5. Nhiều Tác giả. 2011. Lịch sử nhà Nguyễn một cách tiếp cận mới. Hà Nội: Nxb. Đại học Sư phạm.
    Nguồn : Gilaipraung.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét