Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Ba dự báo lớn cho kinh tế nước Mỹ

Ba dự báo lớn cho kinh tế nước Mỹ
Ngành sản xuất quay trở về, người dân di cư về miền Trung và những ngành mới nổi xuất hiện được dự báo là viễn cảnh của kinh tế Hoa Kỳ.
Năm 2007, Meredith Whitney, chuyên viên phân tích ngân hàng cho CNBC, Fox Business, Bloomberg... đã viết cuốn sách "Fate of the States: The New Geography of American Prosperity" (Vận mệnh Hoa Kỳ: Sự phân bổ mới của thịnh vượng). Cuốn sách chứa đựng nhiều phân tích và dự báo cho tương lai nền kinh tế nước này.
Dự đoán 1: Việc làm đang quay trở về Mỹ
Ngành sản xuất sẽ "tái xuất" tại Mỹ trên tầm vĩ mô. "Tăng trưởng kinh tế sẽ đến từ chế tác, sản xuất. Dĩ nhiên không phải những thứ như bánh Big Mac hay e-card mà là các mặt hàng quan trọng như xăng, hóa chất và ô tô". Trên thực tế, Mỹ đang có xu hướng sản xuất dầu nhiều hơn cả Ả rập Saudi. "Lần đầu tiên trong hơn 20 năm, sản xuất dầu và khí đốt trong nước đã tăng lên. Mỹ đang tự hào về giá khí đốt tự nhiên thấp nhất thế giới, đó là cục nam châm khổng lồ thu hút các nhà sản xuất quốc tế".
Nguyên nhân do đâu?
Giờ không còn là thời đại chuyển hàng hóa ra nước ngoài để sản xuất với giá rẻ nữa, sản xuất trong nước sẽ tiết kiệm hơn nhiều. Khoảng cách giữa chi phí sản xuất toàn bộ giữa Trung Quốc và Mỹ đã thu hẹp đáng kể. 


Nếu tính cả những chi phí cắt cổ liên quan tới vận chuyển thành phẩm cỡ lớn từ các quốc gia khác, cũng như trạng thái ổn định xã hội và chính trị tương đối của đất nước, bạn sẽ thấy Mỹ đang được định vị để trở thành một "tay chơi" lớn trong lĩnh vực chế tạo. Rõ ràng, từ năm 2010 sản xuất đang quay trở về với Mỹ khi 500.000 việc làm mới đã xuất hiện tại nước này.

Ảnh hưởng ra sao?

Cầu sản phẩm trong và ngoài nước tăng chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho thị trường lao động. Theo như cuốn sách miêu tả, "nhiều thành phố, thị trấn dọc hành lang trung tâm còn không đủ nhân công để lấp vào những vị trí trống". Tuy nhiên, Whitney cũng cảnh báo mặt trái của nó: "Nếu các bang không đủ kinh phí xây dựng những cơ sở hạ tầng thuận lợi cho kinh doanh để bắt kịp lượng cầu đang tăng và tập trung đào tạo nhân lực, cộng đồng bang đó sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả."

Dự đoán 2: Di cư nội địa

Trong 30 năm tới, cư dân và doanh nghiệp sẽ di cư về hành lang trung tâm nước Mỹ (kéo dài về phía bắc từ Texas lên Bắc Dakota, và kéo dài sang phía đông từ Colorado về Indiana). Không còn là những vùng đất bị "quên lãng", khu vực này sẽ đưa kinh tế đi lên giống như dải Sun Belt và các bang duyên hải đã từng làm trong suốt 60 năm qua. Đây sẽ là thị trường mới nổi của Mỹ.

Nguyên nhân do đâu?

Rất đơn giản: Thuế. Các bang ở khu vực trung tâm có nhiều nguồn lực hấp dẫn các doanh nghiệp lớn vì thuế ở đó không cao như California hay New Jersey. Mức thuế cho doanh nghiệp lẫn cá nhân sống ở đây đều thấp hơn. Trên thực tế, những thay đổi lớn đang diễn ra: Google, Amazon và eBay đã chi hàng trăm triệu để xây dựng cơ sở mới tại Texas.

Nếu những bước dịch chuyển của các doanh nghiệp lớn chưa đủ thuyết phục, hãy xem xét các con số: Năm 2011, những bang này đóng góp 25% GDP nước Mỹ, so với 23% trong năm 1999. 2% nghe chẳng thấm vào đâu nhưng quy đổi ra tiền mặt thì đó là một con số khổng lồ tương ứng với 300 tỉ USD.

Ảnh hưởng ra sao?

Điều đó sẽ đem lại một mức sống thấp hơn cùng những cơ hội kinh tế mới cho những người sống ở khu vực này.

Dự đoán 3: Một ngành công nghiệp mới hoặc cũ sẽ nổi lên

Lương thực sẽ lại lên ngôi. Whitney lập luận: "Sức tăng trưởng của ngành nông nghiệp thay đổi theo chu kỳ. Giờ đây cầu lương thực tại Mỹ cao hơn bao giờ hết và đang vươn tầm ra quốc tế."

Nguyên nhân do đâu?

Cầu lương thực tăng do nhiều nguyên nhân: "Đô thị hóa, hiện đại hóa và dân số tại các nước thế giới thứ ba đều tăng đáng kể. Theo Bộ Nông Nghiệp Mỹ, xuất khẩu lương thực Mỹ đang được kỳ vọng đến năm 2012 sẽ tăng 28% để đáp ứng nhu cầu."

Trong khi Mỹ đang đẩy mạnh sản xuất thì các đối thủ cạnh tranh lại làm điều ngược lại. "Mức độ tăng trưởng của Trung Quốc - đối thủ lớn nhất - đang giảm tốc liên tục, còn châu Âu có vẻ đang mắc kẹt trong tình trạng bất ổn kiểu Nhật năm 2000".

Ảnh hưởng ra sao?

Lượng cầu tăng gây áp lực lên ví tiền người tiêu dùng vì chi phí nông nghiệp đã tăng lên khi Mỹ mở rộng quy mô sản xuất. Ví dụ, giá ngô tăng vọt từ 2 USD trong năm 2006 lên 7 USD một giạ. Đất canh tác cũng tăng 15% trong năm qua tại Iowa, Illinois, Indiana, Wisconsin và Michigan.

Dĩ nhiên, nếu biết cách đầu tư thì hiệu suất trong quá khứ chưa chắc là yếu tố dự báo chính xác cho tương lai. Chưa có gì khẳng định như đinh đóng cột rằng nền nông nghiệp sẽ quay lại một cách lâu dài, nhưng khi chúng ta đang mong đợi dấu hiệu khởi sắc của kinh tế, còn gì đáng tin cậy hơn các con số?

Thùy An
Theo Forbes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét