Dự tiệc vô ngôn
TTCT - Liệu bao nhiêu phần trăm trong số 2,5 triệu người khiếm thính ở Việt Nam (*) được chia sẻ và vượt khỏi biên giới lời nói để thật sự sống đời nồng nhiệt?
Một tiết mục văn nghệ trong đêm tiệc vô ngôn - Ảnh: Yến Trinh
Đầu tháng 8-2013, tiệc vô ngôn (silent party) lần thứ năm được tổ chức ở TP.HCM đã cố gắng tìm câu trả lời.Đặc điểm của tiệc vô ngôn là lời nói tạm thời bị quên lãng, thế giới câm lặng hiện ra không phải trong phim hài Charlot mà từ những người khiếm thính và người nói được bình thường.
“Cứ gọi tôi là người điếc”
Nguyễn Thị Hoài Trang, 22 tuổi, đã gạch hai chữ “khiếm thính” khi chúng tôi ghi lên giấy hỏi về bản thân cô. Cô viết: “Cứ gọi tôi là người điếc, chẳng sao cả”. Sau những tiết mục văn nghệ không lời, khi khách tham dự vẫn theo thói quen vỗ tay thành tiếng, một nhóm khoảng 10 người ngồi hàng ghế đầu giơ tay cao đến khuỷu, lắc lắc hai bàn tay làm động tác vỗ tay và mỉm cười, trong đó có Trang.
Lần đầu tiên tham gia tiệc vô ngôn, cô “vỗ tay” khá lâu và trò chuyện sôi nổi với bạn bè ngồi gần bằng thủ ngữ. “Hầu hết mọi người đều nói được, ngoại trừ số ít chúng tôi. Khi mới đến tôi không thoải mái lắm, chỉ ngồi cùng nhóm bạn của mình. Tuy tôi trò chuyện vui vẻ nhưng nhìn ra xung quanh vẫn không sao tránh được nỗi buồn” - Trang cho biết.
Trang khiếm thính do bệnh viêm màng não lúc nhỏ nên đã nỗ lực học chữ và học tiếng Anh. Chị gái của cô đã mất khi mới 26 tuổi do ung thư. Hiện Trang làm việc tại quán cà phê Sozo (Q.1) - quán của người nước ngoài và phục vụ khách chủ yếu bằng tiếng Anh. Trang thích nhất tiết mục kịch câm trong phần văn nghệ mở đầu tiệc, nhưng hơi buồn vì không làm quen được với những người không khiếm thính nào ngoài chúng tôi.
Vì thế, ánh mắt Trang vẫn kiếm tìm một sự sẻ chia: “Tôi biết những người nói được cố gắng để hòa nhập với chúng tôi. Một cộng đồng lớn hơn đang vì cộng đồng nhỏ, tôi vui vì điều đó”.
Buổi tiệc kéo dài khoảng 90 phút, gồm các tiết mục ngôn ngữ không lời như kịch câm, đố vui bằng hình, đoán chữ, giao lưu với người khiếm thính... Không gian tiệc khá mở khi mọi người thoải mái di chuyển, chọn chỗ ngồi và do đó, việc tình cờ ngồi gần một người khiếm thính là hoàn toàn có thể.
Nguyễn Minh Thiện, 21 tuổi, sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM, kể: “Khi tôi quay sang cô gái bên cạnh chia sẻ rằng vở kịch câm hay, cô giơ hai ngón tay làm ký hiệu đồng tình, tôi tưởng cô mải xem nên không trả lời. Khi kịch kết thúc, tôi quay sang hỏi cô có phải là sinh viên thì mới nhận ra cô không nghe được”. Và Thiện “đơ” người một lúc rồi nở nụ cười thật chân thành, cô gái khiếm thính ấy cũng vậy.
“Lúc đó tôi mới biết ngôn ngữ ký hiệu khó và cực kỳ cần thiết cho người khiếm thính. Tôi sẽ không thờ ơ khi trông thấy họ sau này nữa, ít nhất sẽ tặng họ nụ cười của tôi” - Thiện chia sẻ.
Phần thú vị nhất của buổi tiệc là khi những người khiếm thính bước lên giao lưu. Không còn những tiếng chân di chuyển, mọi ánh mắt tập trung vào họ và họ bắt đầu nói bằng ngôn ngữ của mình. Buổi tiệc có mặt Peter Yang, người khiếm thính gốc Việt đang định cư ở Canada.
“Không những tôi mang nỗi thất vọng vì khiếm thính bẩm sinh, cha mẹ cũng rất buồn. Lúc 3 tuổi, cha mẹ định đưa tôi đến trường. Tôi không thể, nhưng nỗi đau đã giúp tôi tự học mọi thứ ở nhà. Đến năm 9 tuổi, tôi bắt đầu đến trường, rồi tốt nghiệp đại học, kinh doanh. Giờ nỗi đau không còn đè nặng nữa” - Yang kể bằng ngôn ngữ không lời.
Anh cho biết có lẽ việc tiếp xúc với người khiếm thính ở quê hương mình đã truyền cho anh cảm hứng “nói”, và anh mong muốn cùng mọi người góp chút gì đó cho người khiếm thính Việt Nam có cuộc sống tốt hơn. “Vì tôi nhận thấy người khiếm thính học thấp, như vậy họ sẽ mất đi nhiều cơ hội. Chính chúng ta phải truyền cảm hứng cho họ cố gắng” - anh giải thích.
Cô “phiên ngôn” và vị khách xe lăn
Peter Yang, Trang và người khiếm thính của các CLB khiếm thính ở TP.HCM và Đồng Nai biết đến tiệc vô ngôn một phần nhờ cô “phiên ngôn” Đỗ Thị Thanh, 26 tuổi. Khiếm thính từ nhỏ, Thanh vẫn có thể nghe bằng máy trợ thính. “Việc tôi có thể trò chuyện và nghe được mọi người nói không phải là điều kỳ diệu mà từ những nỗ lực rất bền bỉ của bản thân” - cô nói hơi to vì khả năng nghe hạn chế.
Từ đó, Thanh đem cái sự “nghe được” giúp nhiều người khiếm thính khác ở Trung tâm nghiên cứu thúc đẩy văn hóa điếc - Trường ĐH Đồng Nai và làm MC, phiên dịch cho tiệc vô ngôn đây là lần thứ ba.
Mỗi lần như vậy, Thanh từ Đồng Nai lên TP.HCM ở nhờ nhà bạn trong nhóm Phiên Ngôn do cô thành lập năm 2009, chuyên phiên dịch cho người câm điếc và dạy ngôn ngữ ký hiệu cho bạn trẻ hằng tuần ở TP.HCM. Thanh quen biết với Trang, Peter Yang và những bạn khác qua Internet vì theo cô, “những người khiếm thính dễ biết nhau và có cách biểu hiện tình cảm thân quen cũng đặc trưng”.
Khi Trang và Peter Yang ôm vai nhiều lần trong tiệc và thể hiện thủ ngữ “cảm ơn”, Thanh cảm thấy việc mình làm thật ý nghĩa. Những người khiếm thính khác cũng làm vậy, lấy thức ăn nhẹ trong tiệc cho nhau và ôm vai lúc tạm biệt - đôi lúc lại truyền cảm hứng gắn bó cho người bình thường khi trông thấy.
Suốt buổi tiệc, có một vị khách khá đặc biệt: cô gái xinh đẹp ngồi xe lăn. Cô đến rất sớm cùng một người bạn, đẩy vòng xe ngắm từng bức tranh bằng giấy xoắn của người khiếm thính. Đó là những bức vẽ hoa, vẽ chân dung tinh tế, cảnh thôn xóm bình yên...
“Tôi cảm được tình yêu cuộc sống của họ thể hiện qua tranh vẽ, tôi đã mua vài bức. Khi nhìn họ say sưa phiên dịch cho chúng tôi những thủ ngữ, tôi hiểu rằng họ muốn chúng tôi đón nhận tâm hồn và thế giới của họ” - Lê Tường Vy, 27 tuổi, nhân viên một công ty tổ chức sự kiện tại Q.Tân Bình, chia sẻ.
Bị liệt từ nhỏ, Vy thấu cảm với những người không may như mình nên tham dự buổi tiệc này như một lựa chọn ưu tiên. Đi cùng với mẹ, bé Trần Minh Nghĩa, học lớp 5 Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, rất thích buổi tiệc dù không hiểu hết những gì các anh chị truyền đạt. Nghĩa cho biết lớn hơn một chút em sẽ đi học ngôn ngữ ký hiệu vì muốn trò chuyện với các bạn không nghe không nói được.
Lắng nghe chính mình
Tiệc vô ngôn là ý tưởng của một nhóm bạn trẻ hoạt động trong nhiều ngành nghề tổ chức lần đầu vào tháng 8-2011 tại Hà Nội, sau đó hai lần ở TP.HCM năm 2012 và một lần ở Campuchia đầu năm 2013. “Cộng đồng người khiếm thính ở Việt Nam luôn muốn giao lưu với thế giới bên ngoài cộng đồng của họ. Thế nên tiệc vô ngôn là một nhịp cầu phi lời nói, chỉ có những cử chỉ chân thành của bàn tay, ánh mắt và tình thương kéo họ lại gần nhau” - Nguyễn Nhật Lâm, một thành viên sáng lập tiệc vô ngôn, cho biết.
Qua năm lần tổ chức, tiệc vô ngôn thu hút hơn 800 khách tham dự trực tiếp cảm nhận và hàng trăm ngàn người gián tiếp biết đến loại hình này. Không chỉ có người trẻ, khách tham dự ngày càng đa dạng độ tuổi, ngành nghề. Bà Đỗ Thanh Thúy, nội trợ, thay vì ăn tối xong thường đi dạo nói chuyện với hàng xóm thì đã đến buổi tiệc cùng con trai 12 tuổi. Bà muốn con trai mình sống nhân ái hơn, hiểu hơn về thế giới xung quanh và bà hài lòng khi đến đây.
Cũng như bà Thúy, sau những tò mò ban đầu, trong giờ phút không tiếng nói của tiệc, người tham dự đã dần yêu thích ngôn ngữ ký hiệu và hiểu hơn về người khiếm thính. Đồng thời, người khiếm thính đến với tiệc đã có dịp “nói” ngôn ngữ của mình một cách bình yên.
Thế giới âm thanh của họ vĩnh viễn tắt ngấm, nhưng thế giới của những ký hiệu, những cung bậc cảm xúc sẽ thêm giàu có. Quan trọng hơn, họ nhận ra rằng nếu không lắng nghe mong muốn của chính mình để có những bước đi phù hợp, đời sống sẽ mãi mãi lặng im.
YẾN TRINH - LÊ DIỄM
Tiền vé từ chương trình (170.000 đồng/vé) một phần trang trải chi phí tổ chức, phần còn lại tạo quỹ để giúp đỡ người khiếm thính gặp khó khăn. Nguyễn Thị Huệ, trưởng ban tổ chức tiệc vô ngôn lần năm, cho biết: “Ban tổ chức và tình nguyện viên tất cả khoảng 30 người, có người cũ người mới để cách tổ chức không nhàm chán và mọi người thêm nhiều trải nghiệm. Chúng tôi lạc quan vì dần dần có thêm những nhà hảo tâm, những tình nguyện viên đóng góp tiền của và sức lực”.
Minh Phát, tình nguyện viên đến từ ĐH Sài Gòn, chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui vì có trải nghiệm quý báu. Tuy không nghe được nhưng người khiếm thính có nội lực và nhiều tài. Cuộc sống của họ thật đặc biệt và đáng trân trọng”.____________
(*): Cả nước có 2,5 triệu người khuyết tật về nghe, chiếm 20% trong tổng số 12,1 triệu người khuyết tật ở Việt Nam, theo số liệu từ báo cáo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của Tổng cục Thống kê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét