Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)
Nghe nói Nguyễn Đình Thi đã viết "Xung kích" ở đây
(tiếp theo)
Tuy nhiên, tác phẩm xuất sắc nhất trong thời kỳ chống Pháp, làm NĐT có thể rung đùi yên trí “ hoàn thành chỉ tiêu sáng tác” trên “mặt trận cầm bút” theo đúng yêu cầu của “ bác Hồ” “mỗi nhà văn cũng là một chiến sĩ” lại là một “tiểu thuyết” đã được đưa vào sách giáo khoa cho không biết bao nhiêu thế hệ con em chúng ta ngồi trên ghế nhà trường phải phân tích và bình luận nhằm bồi bổ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cả nhân vật trong truyện lẫn người viết ra nó.
Đó là “tiểu thuyết” “ Xung kích” – một trong những tác phẩm đưa NĐT lên bục nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, viết vào năm 1951 sau khi đã được “quán triệt” sâu sắc “đề cương văn học Diên An” của Mao, tức những quy phạm ngặt nghèo của chủ nghĩa hiện thực XHCN phục vụ công nông binh đã hằn sâu trong quả tim và cả khối óc của nhà văn.
Gọi là “tiểu thuyết” nhưng cũng chỉ vỏn vẹn hơn 100 trang in, trong đó chương mở đầu “tường thuật” dân công, bộ đội hành quân tới cái cầu qua suối nhỏ bị sập giữa trời rét cắt thịt. Không lẽ nằm chờ công binh tới bắc cầu như chị em dân công; bộ đội nảy sáng kiến “chuổng cời” lội suối , nước dâng ngang ngực, nhờ vậy đến được điểm tập kết đúng thời hạn. Chuyện có vậy thôi mà ông nhà văn “cà kê” mất gần chục trang.
Rồi trước lúc vào trận, bộ đội tập trung nghe thư “bác Hồ”, ông nhà văn cũng bê nguyên si thư Bác :
“ Chiến dịch này là lần đầu tiên đánh đồng bằng mà địch có chuẩn bị. Chính vì lẽ đó mà ta quyết phải thắng ...Nào đơn vị nào hứa với Bác và Chính phủ sẽ lập nhiều công nhất nào ? Chính phủ, đoàn thể và Bác đang chuẩn bị sẵn sàng thưởng cho những chiến sĩ, cán bộ và đơn vị lập công to nhất…”
Tất nhiên tiếng “xin hứa, xin hứa” phải vang như sấm. Chỉ có điều sao trong thư , “bác” không viết “ Đảng , Chính phủ, và Bác” mà lại viết :” Chính phủ, đoàn thể và Bác” ? Đó là vì lúc này Đảng rút vào “bí mật” , tuyên bố giải tán, thành lập “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác” nên khi nói tới lãnh đạo, phải đưa “chính phủ lên trước” rồi mới đến “đoàn thể” chứ chữ “đảng “ chưa được công khai nhắc tới như bây giờ.
Sau phần động viên "trong nước”, tới phần “quốc tế “ :
“ Tiếng anh trung đoàn trưởng vang lên :
“ Tôi báo tin để các đồng chí biết. Bên Triều Tiên, các bạn chúng ta vừa mở cuộc tấn công mới, làm cho quân Mỹ lao đao. Chúng ta hứa với Bác thi đua với chiến sĩ Triều Tiên, đánh thật mạnh để hưởng ứng với các bạn chúng ta. Chúng ta hứa với Bác hôm nay không thắng không về…”
Cứ như vậy, người đọc ngỡ ông nhà văn viết “báo cáo chiến dịch” chứ chẳng phải tiểu thuyết. Tuy thế, trong “Xung kích” NĐT cũng “sáng tác” ra nhiều nhân vật “anh hùng thời đại” để gắn nhãn “tiểu thuyết” cho nó.
Trước tiên là chú bé giao liên đại đội tên Luỹ, khi máy bay Pháp tới ném bom, “ chú đứng bên cạnh bến nước , nhìn về mé có tiếng bom, hai tay đút túi quần :
“ Ăn thua mẹ gì . Chỉ chết mấy con ngan là cùng. Rời thằng Mỹ ra thì ông bóp mũi…”
Ghê gớm chưa, chú bé Việt Nam của NĐT xem ra thấm nhuần chính trị tới mức lúc nói chơi cũng vạch rõ được “âm mưu can thiệp Mỹ”.
Giống như nhân vật chú nhóc Gavroche của văn hào Pháp Victor Hugo trong Les miséables , “bóng loắt choắt của chú bé liên lạc vẫn thoăn thoắt chạy đi giữa những tràng đạn lửa ngoằn ngoèo…Luỹ đã chạy qua hết sân đồn, bỗng đứng lại . Một thằng quan hai đang giơ tay từ một cái ngách nhỏ chui ra . Luỹ thét “ra nhanh” . Thằng quan hai bỗng hạ tay xuống, sau lưng nó , một tràng tiểu liên bắn ra. Bóng chú liên lạc lăn xuống đống gạch vụn…giữa trán nó , một lỗ thủng sâu hoắm rỉ máu…”
Người “tây học” như NĐT chắc đã đọc “Les misérables” và chú bé giao liên Lũy hẳn đã được gợi ra từ chú nhóc Gavroche .
Một trong những nhân vật trung tâm cuốn tiểu thuyết là đại đội trưởng Kha. Anh này chắc không xuất thân “bần cố nông” vì trong người có chút máu tạch-tạch-sè (tiểu tư sản) nên trước khi ra trận còn muốn …diện đồ mới :
“ Anh mở ba lô, tìm bộ quần áo mới, vải thơm sạch, thay vào bộ nâu vẫn còn mặc trên người…Kha nghĩ :” Có chết mình cũng chết cho đẹp..”.
Mải mê khắc hoạ “nhân vật” cho có “cá tính” độc đáo, ông nhà văn quên bẵng “cái chết đẹp” hiểu theo lập trường cách mạng chỉ mang ý nghĩa “hy sinh cho Chính phủ, cho đoàn thể và cho bác Hồ” chứ không phải quần áo đẹp, hình như sợ cấp trên quở, ông vội vàng “sửa sai” :
“ Cầm cái áo lên , anh bỗng nhìn thấy cái huy hiệu Thanh niên dân chủ quốc tế…”
Và anh đại đội trưởng vừa sa đà chút xíu vào “ cá nhân chủ nghĩa” vội vàng củng cố ngay lập trường cách mạng :
“ Kha tháo huy hiệu xem kỹ : một quả địa cầu và mặt ba người thanh niên trắng đen vàng. Chiều hôm nay ở đây sẽ lại có những người thanh niên Việt Nam chết cho thực hiện cái cảnh hoà bình thân ái ghi trên tấm huy hiệu này…”
Tuy nhiên phải đợi tới giai đoạn 2 của chiến dịch, vào một trận tấn công cứ điểm Pháp trên đồi, Kha mới chứng nghiệm dự cảm về cái chết của mình. Trong trận đó, anh dẫn đầu đại đội tràn lên đánh địch .
“Một tiếng xoẹt , Kha nằm nấp xuống hố đạn. Đất xới lên lấp chân Kha. Qua rồi, Kha nhảy lên miệng hố. Kha hét :” Xung pho…ong …”. Kha bỗng choáng óc như bị một nhát búa. Đất lạo xạo đầy mồm. Tiếng trung liên tắc tắc. Kha thấy mình nằm úp mặt xuống đất…”
Bị trúng đạn rồi, Kha vẫn :
“ Tay nắm chặt súng lục, Kha cố đứng dậy đưa tay trái sang tìm vết thương. Sờ đến bả vai, thấy những ngón tay dính nháp nong nóng. “À đây, máu chảy nhiều.”…Luồng đạn qua mặt mát lạnh, Kha như ra khỏi sương mù. “ Không thể lui xuống lúc này được. Phải lên ngay cho kịp anh em. “ Kha cắn răng chạy lên…’
Thế rồi Kha lại nhận thêm một viên đạn vào cánh tay , anh vẫn “ quên hết hai vết thương ở vai và ở tay chỉ còn một ý nghĩ “ Chạy thẳng lên đồi giết hết, giết hết…”.
Rồi anh lại bị một quả đạn cháy “khắp bên trái người cháy bỏng , anh khuỵ xuống, ngáp ngáp cố thở . Kha vẫn không chịu ngất đi , tự bảo “cố lên, cố lên…”.
Chỉ đến khi anh bị tiếp một quả đạn cháy thứ hai “cả người Kha xèo xèo, Kha giãy giụa hai ba cái trong đám lửa…” , anh mới chịu gục ngã.
Tuy nhiên, ông nhà văn vẫn chưa cho phép nhân vật được chết. Người anh hùng không thể chết câm lặng vậy được, cái chết đó phải được nhấn mạnh góp phần đắc lực cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Kha được khiêng về trạm quân y chờ chính trị viên tới thăm .
“Trong đám sương mù liên miên, trí khôn đã lạc lõng của Kha bỗng nghe thấy xa tít có tiếng gọi. “ Kha ơi, Sản đây-Sản đây…” ( Sản là chính trị viên) “ Kha cuống quýt …mấp máy cặp môi phồng rộp, tưởng mình đang kêu to mừng rỡ . Hai lòng trắng mắt động đậy. Bàn tay Kha giơ lên quờ quờ :” Ồ đồng chí Sản, sao bây giờ anh mới tới ? Ồ Sản, Thế nào ? Tối hôm ấy thế nào ?”. Sản nói to :” Ta tiêu diêu diệt được toàn bộ quân địch ở dãy đồi. Tiêu diệt toàn bộ quân đội…”
Vậy là phút giây thiêng, anh đại đội trưởng Kha vẫn chờ tin thắng trận, giống y chang anh đại đội trưởng trong truyện ngắn “ Anh hùng cứ điểm”, Nguyễn Đình Thi lại cũng viết :” trước khi hy sinh, Còm còn thều thào hỏi : ”Vào đến đâu rồi ?” .
Hơn hẳn anh đại đội trưởng Còm, sau khi nghe tin chiến thắng, “ Kha cười :” Tao lo quá mày ạ. Mày mà đổ thì cả chi bộ và đại đội lao đao…”. Rồi Kha căn dặn người ở lại :” Đồng chí Na phải đề nghị huân chương chiến sĩ hạng nhất mới xứng đáng. Nhấc lên làm trung đội phó…”.Vậy là tới lúc chết , người anh hùng vẫn chưa được nghỉ ngơi, vẫn lo công việc tới hơi thở cuối cùng. Cho tới khi chính trị viên ghé tai hỏi :
” Anh có điều gì dặn lại không ?”
Kha vội lắm, Anh còn ít thời gian lắm :
“ Chào Đảng, các đồng chí..chi bộ…”
Vậy là làm xong nhiệm vụ đảng viên trước khi chết rồi, Kha mới dặn dò riêng tư :
“ Sản nhớ cho Lý cái bật lửa…Hết”
Chẳng hiểu sao, cứ trước lúc chết, các nhân vật anh hùng của Nguyễn Đình Thi cứ phải tặng ai một kỷ vật gì đó , anh Còm thì gửi lại cho chú giao liên chiếc đồng hồ đeo tay, anh Kha cũng gửi cái hộp quẹt cho cô bạn cũ gặp lại trên đường hành quân. Có lẽ ông nhà văn muốn có thêm chút ít ‘chất người “ cho nhân vật, nếu không cứ dặn dò, cứ hô khẩu hiệu trước khi chết thì “ khô khan, người máy” quá chăng ? Có điều ngay cả những chi tiết ‘tình người” đó cũng khó xúc động lòng người vì sự khiên cưỡng và lặp lại .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét