NHẬN
DIỆN MỘT SỐ NHÂN TỐ XÁC ĐỊNH THÀNH CÔNG TRONG PHÁT TRIỂN NGÀNH SẢN PHẨM TẠI
VIỆT NAM
TS. BÙI THỊ MINH HẰNG
Trên cơ sở các học thuyết về quy luật
lợi thế so sánh, mô hình xác định lợi thế cạnh tranh quốc gia, và các kết quả
nghiên cứu của tác giả cùng với các đồng nghiệp tại VN hơn 10 năm qua về 12 ngành
công nghiệp chế biến, bài báo trình bày một số nhận định về các nhân tố
có ảnh hưởng quan trọng tới thành công của ngành sản phẩm tại VN. Các nhân tố
này là cơ sở hình thành khung phân tích hỗ trợ các nhà quản lý, hoạch định
chính sách lựa chọn ngành sản phẩm ưu tiên phát triển và xây dựng
các chính sách kèm theo để đạt tới thành công trong bối cảnh một nước đang phát
triển.
Phát triển kinh tế thành công không chỉ là mục tiêu của các nhà
quản lý nhà nước, của các doanh nghiệp mà cũng là mong ước của toàn dân. Sau 15
năm đổi mới, chính sách mở cả với trong nước và với thế giới đã khơi
thông nguồn nội lực tiềm tàng của đất nước, đưa VN từ một nước không tự
đảm bảo lương thực thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới; từ xuất khẩu
nông thủy sản thô bước sang xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến (may, giầy dép,
điện tử, linh kiện máy tính). Bên cạnh những thành công đó, những bài học
kinh nghiệm từ chương trình mía –đường, sắt thép cũng cho thấy rất cần thiết
nhận diện được những nhân tố quan trọng xác định thành công của các ngành công
nghiệp, của mỗi chủng loại sản phẩm. Đó sẽ là cơ sở của việc hình thành khung
phân tích hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách xây dựng các chính sách phát
triển ngành sản phẩm của Nhà nước, của ngành. Với doanh nghiệp, kết quả phân
tích đánh giá các nhân tố xác định thành công của ngành sẽ cung cấp những luận
cứ cơ sở cho việc lựa chọn ưu tiên đầu tư, lường trước các khó khăn trở ngại và
hình thành các giải pháp để vượt qua những thách thức.
Từ những lý thuyết của thế giới:
Những nhân tố quan trọng tác động tới thành công của một ngành sản
phẩm đã được các nhà khoa học nổi tiếng của thế giới đề cập đến trong các mô hình lý thuyết về lợi thế so sánh,
lợi thế cạnh tranh quốc gia, chuỗi giá trị.
1. Lợi thế so sánh – là khái niệm kinh tế so sánh tỉ suất chi phí sản
xuất sản phẩm A của một nước X chia chi phí trung bình của thế giới, với tỉ
suất chi phí sản xuất sản phẩm B của nước X chia chi phí trung bình của thế
giới. Các tác giả của lý thuyết lợi thế so sánh (Ricardo, Heckscher,
Ohlin, Samuelson) đã chứng minh mỗi quốc gia sẽ được lợi từ việc
chuyên môn hoá sản xuất loại sản phẩm mà quốc gia đó có lợi thế so sánh. Thuyết
“lợi thế so sánh” sau đó đã được thực tế kiểm nghiệm minh chứng tính đúng đắn
và được sử dụng làm cơ sở lý luận của thương mại toàn cầu. Từ nhiều năm nay,
nhiều tổ chức thế giới như WB, IMF cũng sử dụng chỉ tiêu này làm công cụ tính
toán, làm cơ sở cho các khuyến nghị về chính sách phát triển các ngành sản phẩm
cho các quốc gia đang phát triển. Tại VN, quy luật lợi thế so sánh cho đến nay
vẫn đảm bảo cho thành công của những ngành sản phẩm xuất khẩu chủ lực như thủy
sản, gạo, cà phê, may, giày dép,…
2. Bốn nhóm nhân tố xác định lợi thế cạnh tranh quốc
gia trong mô hình viên kim cương (diamond) quốc gia của M. Porter gồm
có:
° Điều kiện của các yếu tố
đầu vào, trong đó bao gồm cả những yếu tố cơ bản như vốn , lao động, nguyên
liệu và những yếu tố cao cấp như tri thức, bí quyết công nghệ, trình độ
quản lý…;
° Điều kiện của cầu, thể
hiện ở quy mô, mức độ thịnh vượng và đặc tính tiêu dùng gồm cả trong nước và
xuất khẩu;
° Chiến lược, cấu trúc, mức
độ cạnh tranh của các doanh nghiệp trong quốc gia. Các doanh nghiệp có
chiến lược, cơ cấu, phù hợp với các định chế, chính sách của quốc gia, hoạt
động trong môi trường cạnh tranh trong nước cao hơn sẽ có năng lực cạnh tranh
quốc tế mạnh hơn;
° Các ngành công nghiệp có
liên quan và hỗ trợ bao gồm các nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hỗ
trợ.
Porter cho rằng các ngành kinh tế của quốc gia sẽ thành công nếu
“hệ thống kim cương” này vận hành thuận lợi. Tác động hỗ tương của các nhóm
nhân tố này thúc đẩy sự phát triển của ngành. và lợi thế của một yếu tố này sẽ
tạo điều kiện thuận lợi phát triển các nhóm yếu tố khác (Porter,1990). Luận
điểm này cũng được thực tiễn phát triển các ngành công nghiệp ở VN khẳng định,
tuy có một số điểm khác biệt mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau.
3. Hệ thống chuỗi giá trị ngành và chuỗi giá trị của doanh nghiệp
(Porter, 1990)
Đây cũng là một nhóm nhân tố có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát
triển thành công của mỗi ngành sản phẩm mà nhà quản lý không thể không xem
xét.
Hệ thống giá trị ngành bao gồm :1. Chuỗi giá trị của nhà cung cấp;
2. Chuỗi giá trị của nhà sản xuất; 3. Chuỗi giá trị của kênh phân phối; 4.
Chuỗi giá trị của khách hàng
Chuỗi giá trị của doanh nghiệp bao gồm các hoạt động chính như :
hậu cần đầu vào; sản xuất; hậu cần đầu ra; tiếp thị và bán hàng; dịch vụ sau
bán; và các hoạt động hỗ trợ như quản lý nguồn nhân lực; nghiên cứu và
phát triển công nghệ; tài chánh – kế toán; ….
Cho đến nay có rất ít kết quả nghiên cứu phân tích, đánh giá dây
chuyền tạo giá trị của các ngành sản phẩm tại VN. Thiếu những luận cứ cơ
sở này, các nhà hoạch định chính sách phát triển của VN chưa thấy hết toàn cảnh
những tác động của hệ thống kinh tế – xã hội tại nước ta, dẫn tới hiệu quả của
các chính sách phát triển có những hạn chế.
Đến việc áp dụng vào VN
Từ 1992 tới nay, chúng tôi đã thử nghiệm vận dụng các lý thuyết
trên để giải quyết một số vấn đề về chiến lược, chính sách phát triển kinh tế
của nước ta trong các đề tài nghiên cứu đánh giá lợi thế so sánh của VN, định
hướng phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu của TP.HCM, giải pháp phát
triển công nghiệp chế biến tại Xuân Lộc – Đồng Nai, xây dựng mô hình công
nghiệp hoá nông thôn ở Ô Môn, Cần Thơ, giải pháp phát triển doanh nghiệp vừa và
nhỏ tại TP.HCM. Kết quả nghiên cứu đã cho chúng tôi rút ra nhận xét về một số
nhân tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sự thành công/ thất bại trong việc phát
triển một số ngành sản phẩm trong điều kiện cụ thể của VN. Bên cạnh những nhân
tố được kể đến ở phần “lý thuyết của thế giới” mà kết quả nghiên cứu của chúng
tôi vẫn khẳng định giá trị cần thiết của chúng (nhóm A). Đồng thời nghiên
cứu cũng đã phát hiện ra tác động của một vài nhân tố quan trọng cần được bổ
sung (nhóm B) vào khung phân tích như điều kiện chuyển giao công nghệ, tác động
kéo của mắt xích sau trong chuỗi giá trị với vai trò chủ đạo; và sự cần thiết
xem xét riêng một số nhân tố đặc biệt quan trọng như khả năng cạnh tranh của
việc nghiên cứu/ thiết kế/ tự chế tạo trong nước, nguồn nhân lựcđủ trình độ
thích hợp với yêu cầu phát triển. Sau đây chúng tôi xin trình bày rõ hơn về một
số nhân tố này:
1. Sử dụng hệ số nguồn lực nội địa (DRC) làm thước đo lợi thế : Cho đến
nay ở VN có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý đồng tình với việc cần xây
dựng quy hoạch, chiến lược phát triển dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng,
nhưng cụ thể mỗi vùng có lợi thế so sánh
về sản phẩm nào thì rất ít được chỉ ra cụ thể. Hạn chế đó, theo chúng tôi,
là do việc các nhà quản lý kinh tế gặp khó khăn trong việc xác định sản phẩm có
lợi thế so sánh khi sử dụng công thức gốc của Ricardo, vì ít người có được con
số về chi phí sản xuất sản phẩm (i) trung bình của thế giới. Để khắc phục vấn đề
đó, trong các nghiên cứu kể trên, chúng tôi đã chọn hệ số nguồn lực nội địa
(DRC) làm chỉ tiêu so sánh để phát hiện các sản phẩm có lợi thế của VN so
với thế giới, của Đông Nam Bộ so với Tây Nam Bộ. Cách tính như sau:
Bước 1: Tính DRC của từng loại sản
phẩm (i) theo công thức:
DRC (i) = [Tổng
chi phí sản phẩm (i) - Tổng chi phí nhập khẩu (i)] / [Giá
bán FOB của sản phẩm (i) - Tổng chi phí nhập khẩu (i)]
|
Bước 2: Thực hiện so sánh DRC của các nhóm sản phẩm với nhau. Nếu DRC
của nhóm sản phẩm A nhỏ hơn có nghĩa là vùng đó có lợi thế (về chi
phí thấp) trong việc sản xuất loại sản phẩm A nhiều hơn.
Với cách tính như trên, chỉ số DRC đã thể hiện được
một phần tác động của các nhóm nhân tố trong mô hình “viên kim cương” của
Porter. Do chi phí sản xuất sản phẩm không chỉ phản ánh giá lao động mà
cả năng suất lao động, năng lực quản lý, phát triển sản phẩm, chi phí thiết bị,
năng lượng, vật liệu phụ - đây là nhóm “ điều kiện các yếu tố đầu vào” và
“các ngành công nghiệp có liên quan/ hỗ trợ”. Giá bán FOB phản ánh cả “điều
kiện cầu” và “mức độ cạnh tranh trong ngành”.
Với phương pháp trên chúng tôi đã tính toán DRC cho một số loại
nông hải sản chính. Chỉ số DRC đã khẳng định những sản phẩm có lợi thế
của VN như lúa gạo, thủy sản, cà phê, tiêu, điều,… Bên cạnh đó, DRC
cũng chỉ ra rằng mía đường, bông vải,… là những sản phẩm VN không có lợi thế
(xem bài cùng tác giả trên tạp chí Phát triển Kinh tế các số 48, 57, 80
).
2. Một chỉ số khác đã được phát hiện trong quá trình nghiên cứu của
chúng tôi là tỉ lệ chi phí lao động/ tổng chi phí sản xuất sản phẩm (L) có mối
tương quan thuận với mức độ thành công của nhiều ngành sản phẩm công
nghiệp tại VN những năm qua. Cuộc khảo sát tiến hành trên 20 ngành sản phẩm.
Căn cứ vào chỉ số L các ngành sản phẩm được xếp vào 3 nhóm: Nhóm A: L= 20%;
Nhóm B: L = 10 - 20%; Nhóm C: L 10%.
Số liệu thực tế cho thấy ngành may thuộc nhóm A, dệt thuộc nhóm B,
chế biến đường, luyện cán thép – nhóm C. Một chỉ số khác cũng cho kết quả tương
tự: Tỉ lệ vốn/ lao động của ngành dệt là cao nhất khi so sánh 3 ngành may
– giày dép – dệt. Tỉ lệ này của các công ty dệt cao gấp 5-10 lần so với các
công ty may, gấp 3-5 lần các công ty sản xuất giày dép. Đồng thời, tốc độ tăng
trưởng 15 năm qua của ngành may, ngành giày dép cao hơn nhiều so với
ngành dệt. Hiện tượng trên có thể giải thích như là một tác động của quy luật
lợi thế so sánh: Nhờ có nguồn lao động giá rẻ - một lợi thế của VN- dẫn đến
việc các ngành sản phẩm thâm dụng lao động như may có chi phí sản
xuất sản phẩm rẻ hơn thế giới. Ngược lại, những ngành sản phẩm trong đó hàm
lượng lao động thấp, hàm lượng vốn cao (ví dụ như dệt tự động hoá cao ) có chi
phí sản xuất sản phẩm đó tại VN cao hơn. Điều này giải thích cho việc vì sao
may phát triển thuận lợi hơn trong lúc ngành dệt gặp nhiều khó khăn hơn(cả vì
việc trả nợ tiền vay vốn nhập thiết bị công nghệ mới và cả vì nguồn cung bông
trong nước không thuận lợi).
Những số liệu về xuất khẩu của VN 1988 tới 2004 cho thấy rõ những
sản phẩm xuất khẩu thành công sớm nhất của VN và có được vị thế vững chắc trên
thị trường thế giới, có tỉ trọng lớn trong GDP nhiều năm qua như thủy sản, lúa
gạo, cà phê, tiêu, may, giày dép, lắp ráp điện tử là những sản phẩm có chỉ số DRC thấp, nghĩa là VN có lợi thế
về chi phí thấp. Đó là minh chứng thực tiễn cho thấy tác động của quy luật lợi
thế tới sự thành công của ngành được khẳng định tại VN.
Những điểm vừa trình bày hoàn toàn không có ý nghĩa rằng VN không
thể phát triển những ngành công nghệ cao, hàm lượng lao động ít. Bởi vì lợi thế
về chi phí chỉ là cơ sở của một trong ba phương thức cạnh tranh cơ bản: chi phí
thấp, khác biệt hoá, tập trung trọng điểm. Kết quả nghiên cứu đó chỉ cho chúng
ta thấy được hiện tại VN mới chỉ thành công trong cạnh tranh quốc tế chủ yếu bằng
chi phí thấp. Ngay cả trên thị trường trong nước, do khách hàng nhạy cảm với
giá chiếm đa số nên những ngành sản phẩm có chi phí thấp thuận lợi hơn trong
cạnh tranh. Đồng thời nó có tác dụng báo cho các nhà quản lý khi hoạch định
chính sách, kế hoạch phát triển những ngành công nghệ cao, hàm lượng lao động
ít, biết trước rằng cần chú ý chọn chiến lược cạnh tranh khác.
Trước khi chuyển sang các nhân tố nhóm B, xin được nhắc tới một số
đặc điểm kinh tế – xã hội của VN như một nước đang phát triển. Theo chúng tôi
có 3 đặc điểm có ảnh hưởng nhiều, nổi lên như những trở ngại chính trong
quá trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá: (1) Trình độ khoa học công nghệ còn
thấp, kinh nghiệm quản lý kinh tế thị trường còn ít; (2) Nghèo, vốn ít, dẫn đến
nhiều hạn chế trong đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm công nghệ mới, hạn chế trong
đào tạo; (3) Khách hàng nhạy cảm với giá chiếm đa số.
Từ đó có những hệ quả sau: (1) Công nghệ thứ cấp là phổ biến. Đây
là xu hướng chung tại các nước đang phát triển, công nghệ mới ra đời trước -
giới thiệu cho khách hàng - khách hàng dùng thử - mua hàng. Khác với các nước
công nghiệp phát triển là chính khách hàng chủ động đặt hàng cho công ty nghiên
cứu làm ra sản phẩm công nghệ mới. (2) Tác động kéo của cầu mạnh hơn tác lực
đẩy của cung; (3) Nguồn nhân lực với trình độ thích hợp chưa có đủ. Với những
đặc điểm hoàn cảnh của VN vừa kể trên, dẫn tới những điều kiện cần thiết
để một ngành sản phẩm phát triển thành công cần bổ sung một số nhân tố
quan trọng như sau:
3. Điều kiện chuyển giao công nghệ của thế giới: Như trên vừa nói,
trình độ công nghệ của VN còn hạn chế, nên chuyển giao công nghệ từ bên ngoài
trở thành một nhân tố quan trọng giúp cho nhiều ngành công nghiệp của VN đổi
mới thành công. Mặt khác, đó cũng là rào cản đối với một số ngành công
nghiệp khác, đặc biệt là các ngành công nghệ cao. Chúng tôi đã phân loại điều
kiện chuyển giao công nghệ của thế giới thành 3 loại: (a) rất thuận lợi; (b)
chuyển giao có điều kiện; (c) không chuyển giao. Thuộc nhóm (a) “rất thuận lợi”
- chuyển giao miễn phí, dễ dàng, sẵn sàng- có thể kể đến các ngành như
chế biến thủy sản xuất khẩu, may, giày dép xuất khẩu. Do xu hướng dịch chuyển
của các trung tâm dệt may thế giới từ các nước NICs sang các vùng có chi
phí lao động, đất đai rẻ hơn, từ những năm cuối thập kỷ 80s, các nhà đầu tư của
NICs đã sẵn sàng ký nhiều hợp đồng hợp tác/ liên doanh với các công ty VN với
hình thức nước ngoài cung cấp máy móc thiết bi công nghệ, VN sản xuất trả bằng
sản phẩm; thuộc nhóm (b) “chuyển giao có điều kiện”- có chuyển giao duới hình
thức mua lại thiết bị, bản quyền, lập nhà máy 100% vốn nước ngoài - có thể kể
đến ngành dệt, điện tử; thuộc nhóm (c) là các ngành công nghệ cao. Trong nghiên
cứu của chúng tôi, lịch sử phát triển của ngành điện tử tại VN là một
chứng minh rõ nét tác động trước và sau khi xu hướng chuyển giao công nghệ của
thế giới trở nên thuận lợi hơn. Xu hướng này có liên quan rất nhiều với vòng
đời sản phẩm công nghệ trên thế giới.
4. Tác động kéo của mắt xích sau trong chuỗi giá trị giữ vai trò
chủ đạo. Trong các mô hình, Porter đã đề cập tới 4 nhóm nhân tố , các mắt xích
trong chuỗi giá trị nhưng không so sánh về mức độ ảnh hưởng của các nhóm nhân
tố. Khi nghiên cứu sự phát triển các ngành công nghiệp tại VN, chúng tôi nhận
thấy ràng tác lực kéo của cầu là nhân tố có tác động chủ đạo kéo theo sự phát
triển thành công của mắt xích trước trong chuỗi giá trị. Một ví dụ điển hình là
thành công của ngành lúa gạo xuất khẩu đã tạo ra nhu cầu trong nước về máy xát
gạo, lau bóng gạo với tiêu chuẩn chất lương quốc tế. Điều này đã lôi kéo các
viện nghiên cứu thiết kế, các công ty sản xuất các thiết bị chế biến lúa gạo
xuất khẩu. Kết quả là trong khi ngành cơ khí chế tạo của VN còn non yếu thì từ
hơn 5 năm qua lượng thiết bị xay xát, lau bóng gao được xuất khẩu ngày càng
tăng , đạt trên 3.000 cái/năm. Trong khi đó lực đẩy của cung (thuận lợi của các
yếu tố đầu vào) chưa có tác động rõ rệt trong việc thúc đầy một ngành đổi mới
công nghệ, cạnh tranh thành công. Một ví dụ điển hình là ngành cà phê: Nguồn
cung dồi dào thuận lợi đã không thúc đẩy được việc đổi mới công nghệ thiết bị
sơ chế cà phê, do việc các công ty xuất khẩu chấp nhận cà phê thô loại 2;
5. Trong dây chuyền tạo giá trị của một ngành sản phẩm hoàn chỉnh
có các khâu: nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu thị trường,… là
những khâu VN còn non yếu. Bên cạnh đó việc không có người có đủ trình độ
chuyên môn, ngoại ngữ,… để tiếp nhận công nghệ của thế giới đã và đang thực sự
là cản trở việc chuyển giao- tiếp nhận công nghệ, ảnh hướng tới khá năng thành
công của ngành. Những vấn đề vừa nói tới không thể khắc phục được ngay, không
thể bằng nỗ lực của một doanh nghiệp. Đây chính là bài toán cần tới những chính
sách đúng đắn của Nhà nước trong thời gian dài. Chính vì vậy chúng tôi cho rằng
các nhân tố: khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm/ công nghệ trong nước;
nguồn nhân lực thích hợp cần được đưa vào sơ đồ khung hình thành chính sách
công nghiệp hoá để hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách lưu tâm đến việc có
những kế hoạch/ chính sách để giải quyết những vấn đề này.
Trong bài tiếp chúng tôi sẽ trình bày khung phân tích hỗ trợ hình
thành chính sách công nghiệp hoá được xây dựng dựa trên những nhân tố vừa được
trình bày trong bài và các kết quả kiểm nghiệm sơ đồ khung. Những nhân tố thành
công được đề cập trong bài này không chỉ có ý nghĩa riêng với VN mà còn có khả
năng ứng dụng tại nhiều nước đang phát triển có điều kiện tương tự. Thiết nghĩ
đây là một chủ đề rất đáng được quan tâm và cần tới sự đóng góp kinh nghiệm của
các nhà quản lý, kết quả nghiên cứu của nhiều cán bộ khoa học & công nghệ.
Chúng tôi rất mong được biết những ý kiến trao đổi xung quanh chủ đề này ª
Tài liệu tham khảo:
Hoàng Thị Chỉnh, Xuất khẩu VN năm 2003 và dự báo, Phát triển kinh
tế số 160, 2004.
Bùi Thị Minh Hằng, Nghiên cứu tình huống chiến lược, Đại học bách
khoa, 1996.
Bùi Thị Minh Hằng, các bài đăng trên Phát triển kinh tế số 48, 57,
80.
Võ Văn Huy, Chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. HCM, Đề tài NCKH của Sở
KH & CN TP.HCM, 2004.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét