Thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia của Michael Porter: Bài học từ ngành CNTT Ấn Độ
Ngay từ đầu thập niên 90, chính phủ Ấn Độ đã xây dựng nhiều chính sách và chiến lược phù hợp để phát triển ngành CNTT: tập trung nghiên cứu phát triển, ưu tiên hàng nội, tin học hoá nông thôn, giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm… Con đường dẫn tới thành công bắt đầu từ cung cách quản lý lấy hiệu quả làm trọng tâm.
Phương
pháp "Michelangelo" và mô hình kim cương
Trên
thế giới có 2 con đường phát triển công nghệ. Một là con đường của Mỹ, đi từ
phát minh, đến cải tiến, rồi phổ biến ứng dụng. Hai là con đường ngược
của Nhật Bản, đi từ ứng dụng, đến cải tiến, rồi mới phát minh. CNTT Ấn Độ phát
triển trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản. Ấn Độ mong muốn phần mềm Made
in India một ngày nào đó sẽ nổi tiếng như các sản phẩm Made in Japan.
Để làm được điều đó, cần có chính sách đúng đắn và phải kiên định với chính
sách của mình.
Người
ta hỏi Michelangelo, thiên tài điêu khắc Italy, "Làm thế nào mà ông biến một
khối đá xấu xí thành tượng David tuyệt đẹp?". Ông trả lời: "Hãy tập
trung suy nghĩ về David, gọt bỏ những phần của khối đá không thuộc về David, và
rồi David sẽ xuất hiện". Chính phủ Ấn Độ nghĩ về chính sách CNTT - thần
David của mình, về tiềm năng của con người Ấn Độ - khối đá, và về chính sách
kết hợp hài hoà mọi nguồn lực để biến toàn bộ ngành CNTT thành một khối - India
Incorporated.
Chuyên
gia kinh tế nổi tiếng thế giới Michael Porter đề xuất mô hình kim cương
với 4 yếu tố tạo nên thế mạnh của một đất nước: nỗ lực của doanh nghiệp, xuất
phát điểm, các ngành có liên quan và nhu cầu của thị trường. Tựu trung lại, các
yếu tố này nhắm đến một điểm mà Lenin đã chỉ ra từ lâu là làm thế nào để tăng
năng suất. Trung Quốc giải quyết bài toán này bằng cách giảm giá thành, kích
cầu và từ đó tăng năng suất. Nhật Bản áp dụng phương pháp của môn võ nhu đạo,
biến điểm mạnh của đối phương thành điểm mạnh của mình: khi đồng yen mạnh thì
đầu tư ra nước ngoài, khi đồng yen yếu thì tăng cường xuất khẩu. Singapore giải
bài toán tăng năng suất bằng cách giáo dục người dân với những mô hình thực tế.
Vậy tại sao Ấn Độ lại để các kỹ sư của mình thất nghiệp - họ có thể chuyển sang
làm cái gì đó ra tiền. Đó chính là ý tưởng của Bộ CNTT về sản xuất phần mềm.
Tuy
nhiên, Bộ CNTT cũng nhận thấy đây là một môi trường cạnh tranh khốc liệt, vì
nước nào trên thế giới cũng coi phần mềm là ngành công nghiệp trọng điểm. Vì
thế giữa các quốc gia sẽ không có chuyện trao đổi đôi bên cùng có lợi, mà sẽ là
một ăn một thua. Là một nước nghèo, Ấn Độ thấy không có cách nào hơn là phải
tìm cách đoàn kết các doanh nghiệp phần mềm trong nước và đưa chúng vào một quỹ
đạo chiến lược cụ thể thì mới có thể cạnh tranh với Trung Quốc, Singapore,
Israel, Ireland, Nga hay Hungary.
Nếu
áp dụng mô hình kim cương của Porter vào Ấn Độ thì thấy:
-
Về nhu cầu thị trường: Ấn Độ có 800 triệu dân, trong đó 150 triệu có khả năng
mua sắm. Đây là một thị trường lớn tương đương với Nhật Bản. Tuy nhiên, người
tiêu dùng Ấn Độ không khó tính như Nhật Bản. Đó là một điểm yếu, vì như vậy sẽ
không tạo sức ép cho doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giữ
gìn chữ tín.
-
Về xuất phát điểm của người Ấn Độ: biết tiếng Anh (khoảng 3% dân số) và hiểu
các khái niệm nhanh. Họ có thể trở thành mỏ nhân lực cho CNTT trên toàn thế
giới.
-
Về các ngành có liên quan: để phát triển, chính phủ cần phải nắm được ngành nào
là chính, ngành nào là phụ. Ở Ấn Độ, trước khi phát triển phần mềm chính phủ đã
đầu tư rất nhiều vào công nghiệp vi mạch. Ngành này chỉ chiếm 8% doanh thu
ngành điện tử, nhưng nó là điểm then chốt của CNTT. Nếu không đầu tư ngay bây
giờ, một lúc nào đó Ấn Độ sẽ bị tụt hậu. Có lúc, chính phủ đã sai lầm khi nghĩ
rằng hình thành các khu công nghiệp là mấu chốt phát triển. Tuy nhiên, chính
phủ đã nghĩ lại: đầu tư theo chiều sâu (vào một số ngành có tác dụng thúc đẩy)
vẫn tốt hơn là đầu tư dàn trải.
-
Về nỗ lực của doanh nghiệp: doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ
yếu ở 2 điểm: nghiên cứu phát triển (R&D) và kiểm soát chất lượng. Để nâng
cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường quốc tế, môi trường
trong nước cũng phải là môi trường cạnh tranh. Để làm được điều này, phải hiểu
được câu nói của Khổng Tử tịnh tâm, tu
thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nghĩa là ngay trong từng doanh
nghiệp phải tạo được môi trường cạnh tranh, khuyến khích nhân viên phát biểu ý
kiến, cải tiến sản phẩm, coi mỗi một lời phàn nàn về cung cách sản xuất hiện
tại là điểm khởi phát để cải tiến chất lượng sau này. Ngay trong các cơ quan
cũng phải cải tiến lề lối làm việc để giảm bớt nạn quan liêu. Ấn Độ cần phải
học Nhật Bản và Mỹ về điều này. Bộ CNTT đã cử các đoàn sang tham quan, học tập
cách quản lý của Texas Instruments và áp dụng vào doanh nghiệp Ấn Độ. Kết quả
đã có những bước tiến rõ rệt.
Cung
cách quản lý tập trung vào hiệu quả
Mô
hình kim cương
mới chỉ là tìm ra khối đá để tạc tượng David. Muốn tạc được tượng cần phải có
một cung cách quản lý mới - đó là mọi
việc phải nhắm đến hiệu quả. Nói thì dễ nhưng như thế nào để
biết trước được việc mình làm có hiệu quả hay không? Có nhiều cách để dự đoán:
một là lập bảng phân tích mạnh - yếu - thời cơ - nguy cơ, hai là tính toán đầu
vào - đầu ra… Sau đó, tập trung giải quyết ngay những gì có thể có hiệu quả tức
thì.
Thứ
nhất là xoá bỏ nạn quan liêu: bãi bỏ giấy phép con, giảm thuế đối với các sản
phẩm phần mềm, thực hiện chính sách "một cửa, một dấu". Thứ hai là bỏ
các dự án nghiên cứu cơ bản vì Ấn Độ chưa thể cạnh tranh được với các quốc gia
phát triển về vấn đề này, thay vào đó tập trung nghiên cứu ứng dụng. Thứ ba là
mở rộng đối tượng tài trợ kinh phí R&D, không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà
bất kỳ doannh nghiệp nào có dự án khả thi và phù hợp với chiến lược CNTT sẽ
được tài trợ một phần. Thứ tư là tạo sự thông suốt trong thông tin giữa chính
phủ và doanh nghiệp qua việc chia sẻ cơ sở dữ liệu và thực hiện cơ chế phối hợp
thông qua các dự án của chính phủ.
Một
ví dụ về hiệu quả là Dự án tự động hoá các ngành công nghiệp (AAPP) bao gồm
đường sắt, luyện kim, phân bón, hoá chất, xi măng, dệt, giấy, chế biến thực
phẩm và năng lượng. Doanh nghiệp CNTT được khuyến khích xuống các nhà máy thu
thập ý kiến cải tiến quy trình sản phẩm, sau đó suy nghĩ xem làm thế nào ứng
dụng CNTT để biến các ý tưởng thành hiện thực. Sau khi có dự án, doanh nghiệp
trình lên Bộ CNTT để xin tài trợ R&D.
Ngoài
ra, Bộ CNTT còn thành lập các trung tâm xúc tiến ứng dụng CNTT (IEPP), thu thập
tất cả thông tin ứng dụng CNTT để nghiên cứu khả năng tiếp tục ứng dụng vào các
ngành công nghiệp khác nhau theo mô hình Kaizen
của Nhật Bản. Thông qua AAPP, doanh nghiệp Ấn Độ làm quen với việc sử dụng các
công cụ sản xuất phần mềm như CAD, CAM, CNC, IMACS, ISIS…, tạo tiền đề cho việc
xuất khẩu phần mềm sau này. Ngay từ năm 1992, Ấn Độ đã đứng trong hàng ngũ 10
nước đang phát triển có khả năng cạnh tranh nhất trên thế giới.
Ví
dụ thứ 2 là thu hút đầu tư nước ngoài vào CNTT. Ấn Độ có nhân công rẻ nhưng
năng suất lao động, trình độ tay nghề thấp, cộng thêm nạn quan liêu tham nhũng
làm nản chí nhà đầu tư. Để thu hút đầu tư, việc đầu tiên mà Bộ CNTT làm là xoá
bỏ quan liêu, sau đó tìm ra những điểm mà nước khác chưa hoàn chỉnh để mình có
thể chào mời nhà đầu tư nước ngoài như: lập trường đào tạo tay nghề cho người
lao động, lập phòng thí nghiệm cho các công ty CNTT, tạo điều kiện chuyển ngoại
tệ dễ dàng… Nếu điều này không làm được trên phạm vi toàn quốc thì ít nhất làm
ở một số đặc khu kinh tế, cụ thể là các công viên phần mềm. Kết quả là nhiều
công ty lớn như Microsoft, Motorola, IBM… đã thành lập các trung tâm nghiên cứu
của mình tại Ấn Độ.
Ví
dụ thứ 3 là chống vi phạm quyền tác giả và tiêu chuẩn chất lượng. Nhằm thu hút
đầu tư nước ngoài và bảo vệ doanh nghiệp phần mềm trong nước, Ấn Độ đã ban hành
Luật bảo vệ bản quyền máy tính 1994 với chế tài nặng đối với các hành vi xâm
phạm. Ngoài ra, các doanh nghiệp phần mềm trong và ngoài nước còn thành lập
Hiệp hội phần mềm (NASCOM) và Hiệp hội chống vi phạm tác quyền (INFAST). Kết
quả là tỷ lệ xâm phạm tác quyền ở Ấn Độ đã giảm còn 75%. NASCOM còn giúp đỡ
doanh nghiệp lập hồ sơ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000 để có thể xuất hàng đi
châu Âu. Năm 1992, Bộ CNTT thành lập 4 trung tâm kiểm định chất lượng phần mềm
(STQC) với sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu và UNDP.
Ví
dụ thứ 4 là việc đào tạo nhân lực phần mềm. Tuy kim ngạch xuất khẩu phần mềm
năm 1990 chỉ đạt 100 triệu USD nhưng Bộ CNTT đặt chỉ tiêu xuất khẩu 400 triệu
USD phần mềm trong năm 1991. Để hoàn thành mục tiêu, Ấn Độ cần có một lượng
nhân lực là 300.000 người. Bộ CNTT dành 25 triệu USD trong khoản vay 210 triệu
USD dành riêng cho CNTT để hỗ trợ giảng dạy cho 32 cơ sở đào tạo của các trường
đại học và dạy nghề. Trước tiên là nhập học cụ, giáo trình, mở khoá huấn luyện
giảng viên do Ấn kiều và người nước ngoài đến giảng. Sau đó, cho doanh nghiệp
phần mềm vay số tiền còn lại để họ có thể cử nhân viên theo học các khoá đào
tạo nhân lực do những trung tâm đào tạo quốc tế uy tín như MAIT, TCS… tổ chức.
Bộ CNTT còn ký kết hợp đồng với các công ty viễn thông để sử dụng băng thông
nhàn rỗi vào mục đích đào tạo nhân lực phần mềm qua mạng.
Vai
trò của chiến lược trong phát triển CNTT
Tầm
quan trọng của CNTT không chỉ nằm ở lợi nhuận do xuất khẩu phần mềm mang lại,
mà còn ở tác động của nó đến việc tăng năng suất. Để làm được điều này, cần có
những chiến lược áp dụng CNTT cho mục tiêu trước mắt và lâu dài. Mục tiêu trước
mắt là thu hút đầu tư nước ngoài vào CNTT, tận dụng suy thoái kinh tế ở Mỹ hay
châu Âu để thu hút đầu tư vào những nước có thể giảm giá thành mà không giảm
năng suất như Ấn Độ. Ngoài ra, do CNTT thay đổi rất nhanh chóng, cần nghiên cứu
kỹ các chính sách của chính phủ Âu Mỹ về định hướng phát triển CNTT trong tương
lai để xem xét khả năng tham gia của Ấn Độ. Mục tiêu thứ 2 là thương mại hoá
sản phẩm nghiên cứu. Ấn Độ tránh nghiên cứu theo phong trào mà nghiên cứu có
lựa chọn và tập trung vào những gì hiệu quả, nghĩa là nghiên cứu một lần nhưng
ứng dụng nhiều chỗ. Thêm nữa, người Ấn Độ ủng hộ hàng nội CNTT sau khi chính
phủ làm gương. Mỗi cơ quan bỏ ra 1-3% kinh phí để đầu tư cho phần mềm sản xuất
trong nước.
Mục
tiêu lâu dài của Ấn Độ là xây dựng nền công nghiệp và cuộc sống tin học hoá.
Điểm xuất phát của công nghiệp tin học hoá là quốc phòng, vì đó là ngành mà nhà
nước sẵn sàng đầu tư nhiều hơn tư nhân. Bộ CNTT là nơi khởi xướng dự án dùng
CNTT vào mục đích quân sự - C4I. Từ năm 1988, Ấn Độ đã xuất khẩu được những sản
phẩm CNTT phục vụ quốc phòng như dự báo thời tiết, tăng cường khả năng cho
radar, xác định mục tiêu tấn công… Để làm được điều này, Bộ CNTT và Bộ Quốc
phòng đã phải bàn thảo kỹ xem cái gì là bí mật quân sự, cái gì có thể thương
mại hoá. Sau đó, các sản phẩm này được ứng dụng vào các mục đích dân sự như
thăm dò dầu khí, sản xuất xi măng, thanh toán liên ngân hàng… Bộ CNTT xây dựng
một cơ sở dữ liệu về các sản phẩm CNTT hiện tại và khả năng ứng dụng của chúng
vào nhiều ngành khác nhau.
Điểm
xuất phát của cuộc sống tin học hoá là giáo dục. Đầu tiên, chính phủ Ấn Độ thực
hiện chương trình CLASS - phổ cập máy tính đến bậc tiểu học. Tuy nhiên, kết quả
không khả quan do thiếu giáo trình và giáo viên không chịu đổi mới phương pháp
giảng dạy. Bộ CNTT đã áp dụng phương pháp "lấy nông thôn bao vây thành
thị" - áp dụng CNTT vào những trường không có phản kháng trước, lấy thành
công của nơi này làm tấm gương cho nơi khác noi theo, rồi phát động phong trào
ứng dụng CNTT. Không chỉ đơn thuần dạy học sinh sử dụng các phần mềm thông
dụng, Bộ CNTT còn thống nhất dùng phần mềm hỗ trợ giáo trình toán, lý, hoá...
Ví dụ, nhờ phần mềm, giáo trình địa lý Ấn Độ của học sinh cấp II đã rút từ 3
năm xuống còn 1 năm. Dùng CD-ROM thay cho sách vở cũng tiết kiệm được rất nhiều
chi phí xây dựng thư viện. Ngoài ra, buổi học còn sinh động và thú vị hơn.
Thành
công của ứng dụng CNTT vào giáo dục đã được nhân rộng ra dịch vụ bưu điện.
Ngành này đã thành công với dịch vụ thu tiền và phát hàng hộ các doanh nghiệp
bán hàng qua mạng, khi mà thẻ tín dụng ở Ấn Độ còn chưa phổ biến. Như vậy, trái
với dự đoán của nhiều người là CNTT sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, ngành này đã
tạo thêm việc làm cho các nhân viên bưu tá. Tiếp theo dự án bưu điện là dự án
cơ sở dữ liệu đất đai. Thành công của dự án không phải là tạo công ăn việc làm
mà là giảm tham nhũng ở chính quyền làng xã. Tất nhiên có những nơi chính quyền
địa phương phản đối tin học hoá vì việc làm này ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân
của họ. Tuy nhiên, với phương châm nêu trên, Ấn Độ đã thành công trong việc áp
dụng CNTT vào cuộc sống. Khi đi vào từng dự án tin học hoá cụ thể, Bộ CNTT đã
dựa trên 6 nguyên tắc của Pilzer [7], trong đó có một điểm nổi bật là: không
chỉ hỏi mọi người cần gì, cần phải nghĩ ra cái mà mọi người cần từ CNTT.
Đặc
điểm vùng nông thôn quá rộng và thu nhập của người dân quá thấp đã làm giảm khả
năng ứng dụng CNTT trên diện rộng. Để phát triển CNTT ở nông thôn, bài toán mà
chính phủ Ấn Độ cần giải là làm thế nào phối hợp nhân lực, tài lực và thời gian
có hiệu quả nhất. Bộ CNTT đã giải được bài toán nhờ những kinh nghiệm rút ra từ
Cách mạng xanh. Giống như cung cấp giống lúa mới cho nông dân trong Cách
mạng xanh, Bộ CNTT mở các điểm huấn luyện CNTT cho người dân, dạy cách
thành lập và điều hành doanh nghiệp, để họ không sợ bị thất nghiệp khi không có
ai thuê [8]. Chẳng hạn, bang Tây Bengal đã thành lập mạng máy tính nông thôn
(MIS), cung cấp cho người dân số liệu đất đai, cách trồng luá, phương pháp vệ
sinh phòng bệnh… MIS còn kêu gọi sinh viên CNTT truyền bá kiến thức cho học
sinh ở nông thôn. Ở những nơi phải trang bị nhiều máy tính như trường học, Bộ
CNTT cấp kinh phí cho các trường thuê máy tính ở bên ngoài. Kể từ năm 1994 khi
mạng Internet Ấn Độ ra đời, viễn thông trở thành một phần không thể tách rời
của CNTT. Bộ CNTT từ năm 1992 đã đề nghị tư nhân hoá ngành viễn thông, khuyến
khích các thành phần kinh tế cùng cung cấp dịch vụ viễn thông, cho phép doanh
nghiệp tự do áp dụng biểu giá cho dịch vụ viễn thông ở nông thôn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét