Phát triển công nghiệp phụ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Lợi thế cạnh tranh
của một doanh nghiệp, một ngành không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố trong nội
bộ doanh nghiệp hay ngành đó, mà còn có thể đến từ nhiều yếu tố trong môi
trường quốc gia, bao gồm: chiến lược, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp và môi
trường cạnh tranh trong ngành; Sự sẵn có và chất lượng của các nhân tố sản
xuất; Đặc điểm cầu trong nước về các sản phẩm của ngành và sự phát triển của
các ngành công nghiệp hỗ trợ. Những yếu tố này có liên quan mật thiết với nhau
và đã được Michael Porter (giáo sư Đại học Harvard, Hoa Kỳ) tổng hợp lại trong
mô hình "viên kim cương".
Chính mô
hình này đã lý giải những lực lượng thúc đẩy sự đổi mới và năng động của các
doanh nghiệp và qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên
thị trường. Thông thường, ở các nền kinh tế phát triển cao, hàm lượng chất xám
đóng góp trong tổng sản phẩm quốc dân lớn, động lực cho sự phát triển kinh tế
không phải ở chỗ thiên nhiên ban tặng những loại tài nguyên gì, trữ lượng bao
nhiêu, mà là việc khai thác, sử dụng, nâng cấp các nguồn lực của mình như thế
nào trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nếu như Nhật Bản giàu có về tài nguyên
thiên nhiên hơn, có thể họ sẽ đạt được "sự thần kỳ kinh tế" trong
khoảng thời gian ngắn hơn, nhưng mấu chốt không phải là tài nguyên thiên nhiên
dồi dào như thế nào, mà là việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực đó ra
sao.
Chúng ta
đã từng cảm nhận thấy rất "yên tâm" về lực lượng lao động dồi dào,
người Việt Nam cần cù, chịu khó và khéo léo; và hy vọng những điều đó sẽ biến
thành lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm - dịch vụ và của cả nền kinh tế trên
thương trường quốc tế. Nhưng chúng ta biết rằng, lợi thế đó không tự nhiên mà
có được. Cho đến nay, chúng ta chưa có thương hiệu sản phẩm nào nổi tiếng toàn
cầu. Ngay như ngành Dệt-May, vốn được coi là ngành sử dụng nhiều lao động và có
thể tận dụng được lợi thế nói trên của lực lượng lao động trong nước, song hiện
vẫn có quá ít sản phẩm và doanh nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế. Năm 2003 kim
ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,6 tỷ USD tăng khoảng 40% so với năm 2002. Đó là
một thành tích lớn của ngành đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 20% trong
tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế. Nhưng chúng ta đánh giá tốc độ
tăng trưởng cao đó là chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào các thị trường có
hạn ngạch. Sau năm 2004. Tổ chức thương mại thế giới sẽ loại bỏ hạn ngạch trong
buôn bán hàng dệt may giữa các nước thành viên trong tổ chức này, nếu Việt Nam
không đàm phán thành công để sớm gia nhập WTO, thì quả là bất lợi lớn trong
buôn bán mặt hàng dệt may với thế giới. Hiện tại, sản phẩm dệt may vẫn chủ yếu
là hàng gia công (chiếm khoảng 80%), hàng sản xuất bằng nguyên liệu, phụ kiện
trong nước mới chiếm khoảng 20%. Do vậy, ta không thể bằng lòng với cách giải thích
về lợi thế chi phí thấp nhờ yếu tố lao động rẻ. Vấn đề nằm ở chỗ, các doanh
nghiệp khai thác, sử dụng nguồn nhân lực như thế nào, nâng cao tay nghề cho
công nhân, đầu tư đổi mới và hiện đại hoá máy móc thiết bị công nghệ, đổi mới
mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, có chiến lược thị trường hợp lý đồng thời
với việc phát triển nền công nghiệp phụ trợ mới có thể nâng cao sức cạnh tranh
trên thương trường quốc tế.
Đặc biệt,
trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, để nâng cao khả năng cạnh tranh, thì vai
trò của các ngành hỗ trợ và ngành có liên quan là rất quan trọng. Các nhà cung
cấp trong nước có năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ tạo lợi thế ngành công nghiệp
sản xuất sản phẩm cuối cùng theo nhiều khía cạnh. Trước hết, các doanh nghiệp
cung ứng sẽ cung cấp những đầu vào chất lượng tốt nhất, đảm bảo thời gian giao
hàng, cùng các dịch vụ khách hàng nhanh chóng, thuận tiện. Ngành công nghiệp
vàng bạc và trang sức của Italia dẫn đầu thế giới một phần là do các doanh
nghiệp khác của Italia cung cấp hai phần ba máy móc thiết bị phục vụ chế tạo và
tái sử dụng kim loại quý cho toàn thế giới.
Lợi thế
thứ hai mà các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành hỗ trợ đem lại cho các
doanh nghiệp khách hàng của mình là khả năng hợp tác chặt chẽ và trao đổi thông
tin cập nhật về đổi mới, nâng cao chất lượng của các yếu tố đầu vào, thông qua
đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cuối cùng phục vụ người tiêu dùng.
Công nghiệp giày da của Italia nổi tiếng thế giới có nguyên nhân quan trọng từ
mối liên hệ chặt chẽ và thường xuyên giữa các doanh nghiệp sản xuất giày với
những nhà cung ứng nguyên liệu da, mà tất cả họ đều có năng lực cạnh tranh mạnh
trên bình diện quốc tế. Những doanh nghiệp cung ứng được thông tin cập nhật về
xu hướng mốt mới đối với các kiểu giày, màu da, loại da, các kỹ thuật chế biến
da tiên tiến... giúp họ lập kế hoạch hành động thích hợp ngay từ những khâu đầu
tiên của quá trình sản xuất kinh doanh.
Nói về
ngành Thép của Việt Nam, thực tế khả năng cạnh tranh là chưa cao, thể hiện ngay
qua những cơn "sốt" giá thép trong thời gian qua. Lý do chủ yếu là
chúng ta không chủ động được nguồn nguyên liệu, phôi thép phải nhập ngoại.
Nhưng nếu chỉ nhìn vào đó để kết luận ngành Thép của Việt Nam kém khả năng cạnh
tranh thì chưa toàn diện. Một trong những ngành hỗ trợ trực tiếp cho thép là
ngành Năng lượng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép.
Nhưng hiện nay, giá điện của Việt Nam rất cao so với các nước khác trong khu
vực (cao gấp 2 lần so với Indonesia, 1,5 lần so với Thái Lan). Công nghiệp khai
khoáng của chúng ta cũng đang trong tình trạng công nghệ lạc hậu, đầu tư ở khâu
thượng nguồn cho ngành Thép không đáng kể. Các doanh nghiệp hiện nay vẫn chủ
yếu gia công cán thép với nguyên liệu chủ yếu nhập ngoại, rồi kết cấu hạ tầng
chưa phát triển... tất cả chưa hội đủ điều kiện cho một ngành công nghiệp thép
lớn mạnh và đủ sức cạnh tranh. Vì vậy là chưa đủ sức cạnh tranh. Vậy là chưa
nói đến sự phát triển của các ngành sử dụng thép làm nguyên liệu đầu vào như
công nghiệp ôtô, xe máy, công nghiệp cơ khí chế tạo,... cũng thiếu sức cạnh
tranh trên thị trường quốc tế. Cho nên, mỗi ngành cần có chiến lược phát triển
của ngành mình trong tổng thể sự phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế quốc
dân. Sẽ không có một ngành công nghiệp mạnh, nếu các ngành hỗ trợ hoặc liên
quan với nó không có sức cạnh tranh.
Các ngành
có liên quan cũng giúp tạo một môi trường thông tin nhiều chiều, toàn diện và
thúc đẩy tốc độ đổi mới trong ngành công nghiệp chính. Không thiếu những ví dụ
về một ngành công nghiệp lớn mạnh ngày hôm nay có nguồn gốc từ những thế mạnh
trong các ngành có liên quan. Sự thành công của ngành bào chế dược phẩm
Thuỵ Điển xuất phát từ những thế mạnh mà nước này có được trong ngành nhuộm;
Nhật Bản dẫn đẩu thế giới về sản xuất các nhạc cụ có sử dụng phím bấm (như đàn
piano, đàn organ...) có một phần nhờ những thành tựu vượt trội trong ngành Điện
tử dân dụng.
Với những
tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, quá trình thu thập, xử lý, lưu trữ và
truyền đạt thông tin giữa các doanh nghiệp được sự trợ giúp hiệu quả của máy
tính và mạng máy tính. Các doanh nghiệp trong một ngành và trong các ngành hỗ
trợ và có liên quan khác cũng ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện quá
trình trao đổi, hợp tác chặt chẽ với nhau trong "chuỗi cung ứng".
Quản trị chuỗi cung ứng (supply chain management) là một chủ đề nghiên cứu
"nóng hổi" trong quản trị kinh doanh hiện đại.
Chiến
lược, cơ cấu tổ chức, và sự cạnh tranh bao gồm những điều kiện về thành lập
doanh nghiệp, quan điểm về tổ chức và quản lý doanh nghiệp và bản chất của sự
cạnh tranh trong nội bộ ngành (trong phạm vi quốc gia). Mỗi quốc gia có
"kiểu cách truyền thống" riêng trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, có
thể thúc đẩy hoặc cản trở các doanh nghiệp của quốc gia đó tạo dựng lợi thế
cạnh tranh quốc tế. Ví dụ, xu hướng của các tổng giám đốc ở các công ty Đức và
Nhật trưởng thành từ giám đốc phụ trách kỹ thuật đã khiến các sản xuất và đổi
mới thiết kế, mẫu mã sản phẩm. Trong khi đó, nhiều tổng giám đốc công ty Mỹ lại
là những người được đào tạo bài bản về quản trị tài chính, ít hiểu biết về kỹ
thuật nên nảy sinh xu hướng muốn tối đa hoá lợi nhuận trong ngắn hạn, rút ngắn
thời gian thu hồi vốn. Phải chăng, chính điều này đã khiến các công ty Mỹ mất
đi lợi thế cạnh tranh từ đổi mới sản phẩm, quy trình sản xuất và do đó mất dần
khả năng cạnh tranh trên bình diện quốc tế như đối với các sản phẩm màn hình
tinh thể lỏng, đầu máy video, và cả trong ngành sản xuất ôtô vào thập kỷ 70,
80?
Bên cạnh
đó, môi trường cạnh tranh bình đẳng trong nội bộ ngành sẽ tạo động lực thúc đẩy
các doanh nghiệp liên tục đổi mới, sáng tạo, tìm cách hạ giá thành, nâng cao
chất lượng sản phẩm, và do đó trở nên có sức cạnh tranh hơn trên đấu trường
quốc tế.
Bốn nhóm nhân tố trong mô
hình viên kim cương của Porter phát triển trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn
nhau và tác động quan trọng đến việc hình thành và duy trì năng lực cạnh tranh
quốc tế của các doanh nghiệp trong một ngành kinh tế - kỹ thuật nào đó. Sự sẵn
có cả về số và chất lượng các nguồn lực cần thiết cho việc phát triển một ngành
có khả năng cạnh tranh; thông tin thông suốt về những cơ hội kinh doanh mà các
doanh nghiệp có thể tiếp cận; chiến lược của các doanh nghiệp trong khai thác
và sử dụng các yếu tố nguồn lực, quản trị viên, các nhân viên trong doanh
nghiệp,... đều có thể "cộng hưởng" thúc đẩy các doanh nghiệp trong
một ngành phải hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới
nhanh hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Vai trò của Nhà nước là
thông qua các chính sách vĩ mô tác động vào cả bốn "mặt" của "viên
kim cương" sao cho chúng cùng phát triển tương xứng, đồng bộ và hỗ trợ lẫn
nhau tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh
trên thương trường quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét