Tiết giảm tiêu dùng để bảo vệ tài nguyên và môi trường sống
Tôi cũng khá giống với bà cụ trong bài dưới đây của nhà văn Nga. Tôi chỉ vứt đi những đồ vật thực sự không thể sửa chữa để tiếp tục dùng dưới dạng này hay dạng khác được nữa. Còn nếu sửa chữa được hay có thể sử dụng làm việc khác thì tôi chưa chịu vứt đi.
Đáng nói là tôi không nghèo và thu nhập hàng tháng hiện nay của tôi vẫn rất cao, thậm chí ngoài sự tưởng tượng của rất nhiều người.
Tôi dùng thu nhập của tôi để nuôi tất cả vợ con, không cần tiền của vợ. Thế nhưng trong cả 2 gia đình cũ và mới của tôi, chỉ duy nhất tôi biết may vá, đan lát, sửa chữa mọi thứ trong nhà, đóng giường tủ bàn ghế đến xây nhà đào giếng trong khi tất cả các thành viên khác trong gia đình đều không biết làm những việc này.
Tôi tiết kiệm và phê phán tiêu dùng lãng phí chủ yếu không phải như cách giải thích của nhà văn trong bài dưới đây là thiếu tình cảm và sự tôn trọng dành cho các đồ vật trong nhà.
Mục tiêu tiết giảm mọi tiêu dùng không cần thiết của tôi là bảo vệ môi trường, vì mọi thứ chúng ta bỏ đi đều gây ô nhiễm môi trường.
Chúng ta đều biết mọi thứ hàng hoá và dịch vụ đều được sản xuất từ khai thác tài nguyên môi trường. Do đó, càng sản xuất nhiều càng phải khai thác, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường càng nhiều; càng tiêu dùng nhiều, rác thải càng nhiều càng làm ô nhiễm môi trường nhiều.
Thế nên nhân bài này, tôi kêu gọi các bạn hãy cố gắng sử dụng mọi đồ đạc, quần áo, giày dép,… càng lâu càng tốt; hãy tiêu thụ lượng lương thực thực phẩm càng phù hợp với nhu cầu bình thường của cơ thể càng tốt.
——————-
TÔI VẪN THÍCH…
Chúng ta đang sống trong thời đại thừa thãi chưa từng thấy. Chưa bao giờ trên thế giới, người ta lại sản xuất ra nhiều thứ đến thế: giày dép, quần áo, đồ gỗ, bát đĩa... Những thứ đắt tiền và rẻ tiền, chất lượng tốt và xấu, những thứ dùng một lần... Nhiều lắm, thậm chí là quá nhiều. Những chiếc tủ chật ních áo quần, những thùng rác ngập tràn rác rưởi.
Nhà tôi có chiếc máy khâu “Singer” bà tôi được tặng nhân ngày cưới vào mùa xuân 1917. Đó là một món quà rất kịp thời: bà tôi đã sử dụng chiếc máy khâu này để may vá cho cả gia đình gần như suốt cả cuộc đời.
Tôi nhớ những đồ vật trong gia đình đã sống qua nhiều đời – chiếc bành tô mất rất nhiều thời gian để “chế tạo”, nào là mua vải, lớp lót, diềm, viền, cổ áo, cúc áo, sau đó bà tôi trải vải lên tấm bìa, dùng một miếng xà phòng để vẽ, rồi cắt…Tóm lại, bà tôi phải làm việc rất lâu dài, chăm chỉ mới cho ra đời được một sản phẩm ưng ý...
Mẹ tôi đã mặc chiếc bành tô rất lâu, sau đó nó được sửa lại, và tồn tại thêm mười năm nữa, sau đó nó được tái sinh thành chiếc váy, áo gi-lê, rồi nhiều đồ lặt vặt khác trong gia đình. Cổ áo trước đây đã biến thành miếng lót giày... Chiếc áo bành tô gia đình này lẽ ra phải được gìn giữ như một hiện vật bảo tàng, nhưng điều này là không thể, vì nó đã phục vụ đến sợi chỉ cuối cùng. Những đồ vật đáng tự hào, yêu quý, trân trọng như vậy giờ không còn nữa.
Sự thừa thãi đã giết chết tình cảm của chúng ta đối với các đồ vật: chúng ta không còn yêu mến và trân trọng chúng nữa. Bà tôi đã mất từ lâu, nhưng cho đến hôm nay, khi cần một sợi chỉ hồng hay một chiếc cúc áo màu xanh, tôi vẫn tìm thấy chúng trong ngăn kéo máy khâu. Một thế giới khác, một nền văn hóa khác.
Cho đến nay tôi vẫn thích sự khắc khổ và nghèo nàn này, và tôi thích cái tài năng đặc biệt ngày càng hiếm hoi của người phụ nữ trong các công việc gia đình.
(Nhà văn Luydmila Ulitskaya)
SƯU TẦM
TRẦN HẬU
#8saigon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét