Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

CHUYỆN NHÂN SỰ: KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ

Tôi không đồng quan điểm với bác Văn trong bài viết dưới đây. Tôi tin là mâu thuẫn, cạnh tranh và mất lòng tin vào nhau trong tầng lớp chóp bu của Đảng rất lớn nên trong khi bác Trọng còn tại chức thì không ai muốn người khác trèo lên đầu mình cả, nhất là những người có khả năng cản trở khát vọng của họ đối với chức vụ hàng đầu của Đảng vào năm 2026. Họ sẽ níu chân nhau, không cho nhau lên, mà bác Trọng không muốn mất sự ổn định nên cũng đồng tình mặc kệ cho nước chảy bèo trôi, bác cũng có lợi. Việc tự nhiên đặt ra chức Chủ tịch đảng để nằm chơi trong hậu trường và đôi khi tham gia chỉ đạo chiến lược vừa phi lô gíc, vừa không thực tế, nên cũng không phải là lựa chọn của bác. Thêm nữa, quá trình lựa chọn nhân sự Chủ tịch nước trong bối cảnh số ứng cử viên tiềm năng hiện nay quá ít, đối tượng quá phức tạp và thời gian có hạn cũng rất có thể là nhân tố để ban lãnh đạo tối cao của Đảng không thể đi đến quyết định thống nhất về người kế nhiệm ông Thưởng trong thời gian ngắn. Khả năng lớn nhất theo tôi là bà Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ giữ vai trò quyền Chủ tịch nước trong thời gian khá lâu, cho đến khi Đảng có quyết định cuối cùng, thậm chí cho tới Đại hội Đảng khóa XIV đầu năm 2026.
LẠI HỨNG CHÍ BÀN CHUYỆN NHÂN SỰ: KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ
FB Lưu Trọng Văn - Thực tiễn đã rõ về vị thế và vai trò của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đảng cầm quyền hiện nay. Nhưng cũng phải nhìn thẳng một sự thật rằng bác Cả do tuổi cao sức yếu khó có thể xử lý, điều hành việc đảng, việc nước với mật độ cao được. Cách tốt nhất nửa khoá 13 này đảng nên tổ chức Đại hội đảng bất thường để sửa điều lệ đảng tôn vinh bác Cả là Chủ tịch đảng.
Với uy tín của mình trên cương vị chủ tịch đảng bác Cả vẫn có thể quyết được những chiến lược của đảng và đất nước. Khi sức khoẻ bác không được tốt thì chức chủ tịch đảng thành chủ tịch danh dự, luôn vinh danh công trạng của bác đối với đảng.

Nếu phương án trên được thực hiện(với đảng CSVN thì không gì là không thể) thì vấn đề nhân sự tứ trụ sẽ dẫn đến “vui vẻ cả làng” khi vị trí tổng bí thư không còn là vị trí quyền lực độc tôn bao trùm nữa.

Với việc bác Cả làm chủ tịch đảng thì bác cũng được giải toả khỏi sức ép dư luận và sức ép điều lệ đảng “không làm tổng bí thư quá hai nhiệm kì”, đồng thời tứ trụ sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Cụ thể, từ nay đến đại hội 14, sau khi ông Võ Văn Thưởng người trẻ nhất trong BCT nghỉ…hưu và bác Cả người già nhất trong BCT lên chủ tịch đảng, thì tứ trụ sẽ khuyết hai ghế chứ không phải chỉ khuyết một ghế. Như vậy sẽ chẳng cần phải lăn tăn khi cả bà Trương Thị Mai lẫn ông Tô Lâm những người hiện đủ tiêu chuẩn tham gia tứ trụ vì đã qua trọn vẹn một nhiệm kì uỷ viên BCT khoá 12, đều cùng vào tứ trụ.

Như vậy tứ trụ sẽ gồm ông Chính, ông Huệ, ông Lâm, bà Mai. Đại hội tới chỉ còn ông Trần Thanh Mẫn, Đinh Tiến Dũng và Trần Cẩm Tú là đủ tuổi để tái cử(do ông Thưởng và Tuấn Anh cũng đủ tuổi nhưng đã ra khỏi BCT), ông Dũng sinh tháng 5.1961, ông Tú sinh tháng 8.1961, ông Mẫn sinh năm 1962

đại hội đảng 14 khai mạc đầu năm 2026, các ông Mẫn,Dũng, Tú còn được vài tháng chưa tới tuổi 65- tuổi không được tái cử. Nếu các ông Mẫn, Dũng, Tú vẹn toàn không phải viết đơn “xin nghỉ hưu” như các ông Phúc, Bình Minh, Thưởng thì theo quy định của đảng và nếu được tái cử uỷ viên BCT khoá 14, thì 3 ông là người duy nhất đủ tiêu chuẩn tham gia tứ trụ khoá mới vì 3 ông là nhóm duy nhất trong BCT khoá 14 đã qua trọn một khoá uỷ viên BCT là khoá 13.

Và thêm một nếu nữa, nếu tứ trụ khoá hiện nay sẽ không ai là “trường hợp đặc biệt” để tái cử, thì tứ trụ khoá mới sẽ khuyết một ghế. Chính vì vậy, có khả năng những ai tham gia tứ trụ hiện nay sẽ “buộc” là trường hợp đặc biệt hết nếu các ông Dũng, Tú , Mẫn không được chọn tái cử hoặc không được chọn vào tứ trụ khoá mới.

Còn một khả năng “nếu” nữa do BCH Trung ương khoá 13 quyết định, nếu có chức chủ tịch đảng dành cho bác Cả rồi, còn lại tất cả uỷ viên BCT quá tuổi sẽ đồng loạt nghỉ hết thì BCT khoá 13 như trên đã nói chỉ còn ông Mẫn, ông Dũng, ông Tú tái cử khoá 14 cùng chức chủ tịch đảng của bác Cả.

Nhưng từ giờ đến mãn khoá 13, sự thể còn xoay vần, không biết trong tứ trụ có đột xuất ai nữa hứng chí “viết đơn xin nghỉ hay không”, hoặc ông Mẫn,ông Dũng, ông Tú cũng hứng chí “viết đơn xin nghỉ”hay không? Mọi sự lại chao đảo đúng “quy trình”nữa thì việc bầu bổ sung các uỷ viên BBT vào BCT khó mà không diễn ra.

Tuy vậy, theo quy định của đảng thì BCH Trung ương có quyền biểu quyết các trường hợp đặc biệt không phải uỷ viên BCT trọn một khoá vẫn có thể tham gia tứ trụ.

Như vậy sẽ có cơ hội cho lớp kế cận là thành viên BBT hiện nay tham gia tứ trụ khoá 14 nếu được bổ sung vào BCT khoá 13 hoặc được bầu vào BCT khoá 14.

Các uỷ viên BBT hiện nay còn đủ tuổi vào BCT khoá 13 và khoá 14 là:

Lê Minh Hưng chánh VP Trung ương đảng sinh năm 1970, Nguyễn Trọng Nghĩa trưởng ban Tuyên giáo sinh năm 1962, Đỗ Văn Chiến chủ tịch MTTQ sinh năm 1962, Bùi Thị Minh Hoài trưởng ban DV sinh năm 1965

Lê Minh Khái phó thủ tướng sinh năm 1964, Lê Hoài Trung trưởng ban Đối ngoại, sinh 27.4. 1961. Đó là chưa kể có không ít uỷ viên trung ương trẻ tài năng của khoá 13 sẽ được bầu vào BCT khoá 14 và được BCH Trung ương khoá 14 xét diện đặc biệt vào tứ trụ.

Hú hồn!
Vậy thì sẽ khỏi phải lo tứ trụ không có ai!

“Không gì là không thể.”
Nhưng có một điều bất biến đó là cái gì “không thể “mà hợp lòng Dân thì tồn tại. Cái gì “không thể”mà trái lòng Dân thì… biến.

Vậy thì tại sao lại không chọn những cái tưởng chừng không thể nhưng ích nước lợi Dân và được Dân ủng hộ, tôn vinh?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét