Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Cậu Còng đơm đó tép

Đây là bài đồng dao thời bé chúng tôi ai cũng thuộc: "Bà còng đi chợ mua rau / Cái tôm cái tép đi sau lưng bà / Tiền bà trong túi rơi ra / Tép, tôm nhặt được trả bà mua rau". Dưới đây là một truyện ngắn rất nhân văn.
Cậu Còng đơm đó tép
FB Nguyễn Quốc Văn • Lúc chúng tôi ra rả như cuốc kêu thuộc lòng bài "Bà Còng đi chợ mua rau", tôi vô tình liếc sang phía thằng Công. Nó có vẻ bối rối, mặt đỏ nhừ, miệng lí nhí. Tan học, cả lớp ùa ra sân. không ai để ý Công vẫn ngồi trong lớp, gục mặt xuống bàn, thổn thức. Thằng Mật ngoái lại, thấy trong bọn thiếu người, kêu: "Thằng còng? Còn thằng còng. Chúng mày xem nó lẩn đi đâu".
Cả bọn nhớn nhác tìm. Mấy đứa con gái, táo tợn nhất là cái Mít, réo: "Ớ còng".
Thằng Mật đã quay lại, giơ tay bịt miệng ra hiệu im, rồi trợn mắt, dọa: "Nó đang... Chúng mày có biết ngậm cái miệng cá ngão lại không?".

Không rõ sợ nắm đấm của thằng Mật hay sợ Công tủi thân khóc to hơn, cả bọn im thin thít, rón rén quay lại, đứa đứng bên cửa sổ, đứa đứng ở bậc cửa ra vào, mắt thao láo. Một lát sau, tất cả lặng lẽ bỏ đi. Bấy giờ chỉ còn tôi đứng ngẩn tò te cạnh cửa lén nhìn Công đang đưa tay áo lên ngang mặt, dụi dụi lau nước mắt. Nó đứng dậy, bỏ cuốn học vần vào cái tay nải khâu bằng vải nâu cũ, đi ra cửa. Thấy tôi, Công hỏi: "Mày không a dua với chúng nó gọi tao là còng à?".

"Ừ, tao đợi mày về cùng. Mà sao mày lại khóc?".

Hỏi vậy, nhưng bất ngờ nhớ tới dáng Công, cái lưng cong như con tôm, mặt như cứ úp xuống đất trên cái cổ cò bị đẩy ngang về phía trước, tôi biết mình đã lỡ lời. Hình như Công không để ý, nói: "Tao thương u tao quá. Cứ nhìn thấy tao là u tao khóc".

Nước mắt Công rỉ ra cùng tiếng nói cứ tắc nghẹn dần của nó.

Buổi tối, ăn cơm xong, cả nhà ngồi ngoài sân uống nước. U tôi bất ngờ bảo: "Con không được gọi Công là thằng. Nó ít tuổi nhưng ở hàng u cơ đấy. Như vậy thì phải gọi bằng cậu".

Bố tôi lừ mắt: "Ra thằng cu cá đối bằng đầu hả? Láo! Vậy là hỗn đấy con ạ! Không gì thì cậu ấy...".

Không hiểu sao bố tôi ngừng lời, bỏ lỡ một dịp nói tốt về cậu Công để làm gương răn chúng tôi. Nào là thằng bé bằng tuổi các con mà lần đêm mò hôm, đến con ma áo trắng ở cồn Rùa nó cũng không sợ, thả lờ bắt cá mú, đơm đó gom tôm tép; nào là nó vừa chăn trâu vừa mò cua bắt cáy ven sông. Người bé mà đã biết hiếu nghĩa vẹn tròn. Nuôi thân, nuôi mẹ già mù lòa đã đành, giỗ chạp họ hàng, cưới xin này nọ, mẹ con Công đều có phong bao đỏ... "Lưng nó còng nhưng lòng nó thẳng, chí nó cao. Từ nay, hễ bố còn nghe nói con gọi cậu ấy là thằng, thì...", ông nhìn cái roi mây cuộn tròn giắt ở góc trái hiên nhà: "Đét, đét... Hai chục roi!".

Bắt chước cậu họ, tôi nằn nì xin tiền mẹ mua mười cái đó tép. Hôm có đó, buổi chiều tôi ra đồng, nhè cánh ruộng gần cừ Dọc, be bờ, đặt đó, lắp trúm. Công việc xong xuôi, nghe tiếng tôm tép đi rào rào trong chạng vạng, tôi thơ thới đi về, vừ đi vừa huýt sáo. Ấy chết, sao lại "Bà Còng đi chợ". Ồ, chỉ có gió đồng nghe thấy. Chẳng có bố. Chẳng có cậu Công.

Khuya. Tôi đeo một cái giỏ tre lớn ra đồng. Lạnh. Tiếng côn trùng nỉ non. Thi thoảng, một con ếch nhảy tõm xuống cừ từ một mô đất nhô lên trông rất giống ai đó đang ngồi. Tôi bấm hai ngón tay cái vào nhau, lấy can đảm, lò dò đi trên bờ cừ vốn đã thuộc lòng từ những buổi chăn trâu. Bỗng, "tõm". Nước cừ bắn lên người, lên mặt tôi. Ối trời ơi! Ma!

Một con ma áo choàng trắng, lênh khênh trên cặp cà kheo, đang huơ huơ một cái trúm tép trên đầu. Tôi trợn mắt, quay đầu chạy, ú ớ kêu. Chân ríu lại, tôi vấp vào một mô đất, ngất lịm. Tôi thét lên khi con ma chạm vào người tôi. Nhớp nháp, tanh lợm mùi tôm tép ươn. 

Rồi tôi lơ mơ nghe bố nói: "Cậu dọa cháu phải không?".

"Em không biết là nó. Giá như bác bảo em trước, thì đâu ra nông nỗi này".

Sáng sớm, tỉnh dậy, tôi thấy u tôi đang ngồi nhặt rác lẫn trong tôm tép. Ái chà, những một thúng đầy! Cậu Công đi ngang nhà, gọi với vào: "Chị đưa lên Cổ Gia mà bán. Chợ Thượng ta tôm tép rẻ hơn cả bèo". Nói, rồi thở dài, chập choạng đi. Tay vung lên trời. Tất ta tất tưởi.

Càng lớn lên, chúng tôi càng ít dám chòng ghẹo Công. Từ ngày bà cụ mù loà mất, thấy Công hay ngồi thừ hàng giờ trước cửa, tôi rủ đám bạn trong xóm đến nhà cậu, chia làm hai phe nam nữ hát ví cho vui. Ở đời ai học được chữ ngờ. Hôm cái Mít hát kết với Công, chẳng biết vô tình hay hữu ý, nó hát: "Anh về sắm trái cau vàng - Thì em kết nghĩa đá vàng cùng anh...".

Công nghe xong, ứ miệng, chạy xuống bếp. Tôi biết cậu khóc. Thương cho cái phận nghèo mò tôm bắt tép! Giận cái đứa chanh chua đỏng đảnh châm chọc kẻ cô đơn. Buổi hát tan, tiễn Mít về tới ngõ, tôi tỏ ý trách. Mít tát yêu vào má tôi, nũng: "Thì em tưởng hát thế cho vui. Ai biết trước anh ấy tủi".

Cậu Công không tủi mà hi vọng. Vào một buổi hát vui vẻ, cậu bỗng cao hứng nói: "Cô Mít hứa rồi đấy nhé. Tôi mà sắm được cau vàng thì...".

Cậu liếc nhanh sang phía tôi, cười. Đang vui, mọi người cho rằng cậu đùa. Mít cũng cười ngặt nghẽo: "Thì em là vợ anh Công !".

Cả bọn lại cười nữa, ngéo tay thay cho lời hứa.

Chiến tranh lan rộng, tôi và đám trai làng lần lượt lên đường ra mặt trận. Trong một trận đánh, tôi bị bom mất cả hai bàn tay, trở về làng cũ với một tấm thẻ thương binh. Cậu Công đến thăm, buồn bã an ủi: "Vẫn còn đơm đó được. Chẳng chết đâu mà sợ !".

Từ đấy, hai cậu cháu đi thả đó tép chung. Sáng sáng, đổ tép xong, tôi và cậu ra bến sông tắm. Tôi lấy một hòn cuội nhỏ, cuội đầu nguồn Đạ Dâng, nhờ cậu cọ lưng hộ. Cầm hòn đá, cậu bảo: "Giống quả cau quá. Mang hỏi vợ đi !".

Tôi cười. Hòn đá rơi tõm xuống sông. Hai cậu cháu mò mãi mới tìm lại được.

Trai làng lần lượt trở về sau ngày ba mươi tháng tư. Vẫn đủ để nhóm một cuộc hát ví. Lần này, cậu Công đòi bạn bè đến hát ở nhà tôi. Hình như nhớ lại lời hứa năm xưa, cậu Công nhìn lướt qua cả bọn, dừng lại ở Mít, hát: "Trầu cay nay đủ cau vàng- Hỏi nàng: Lời hứa với chàng, còn không?".

Mít run lẩy bẩy. Tôi tái mặt. Trai gái trong nhà cười nói ồn ào cả lên. Cậu Công vỗ vỗ tay, chờ mọi người im bặt mới nghiêm giọng nói: "Đề nghị chú ý: Tôi biết có một chàng đã sắm được cau vàng".

Cả bọn hướng về phía tôi, nửa tin, nửa ngờ. "Đúng ! Cậu ấy...".

Tôi chưa kịp ngăn cậu lại thì Công đã chạy vào góc nhà, lễ mễ đưa chiếc ba lô của tôi ra đặt giữa nhà. Cậu Công, sao cậu ác thế! Cậu sẽ lôi hòn cuội Đạ Dâng thiêng liêng để chế nhạo tôi ư? Mà cậu chế nhạo tôi làm gì? Tôi nhắm mắt lại, kinh hãi tưởng tượng ra cảnh cậu thọc tay vào cóc ba lô và ánh mắt thất vọng của Mít lúc nhìn thấy hòn cuội.

"Đây rồi !", cậu Công reo lên đắc thắng.

Vết thương nơi hai bàn tay bị mất của tôi đau nhói. Kiến bò theo cánh tay, lan khắp người, chạy dọc sống lưng tôi. Tôi cố chống đỡ sự yếu đuối, mở mắt chứng kiến cảnh người cậu ác độc mưu quật ngã mình. Ô! Không phải hòn cuội. Một quả cau. Vàng thật. Vàng chói. Quả cau ấy run rẩy trên lòng bàn tay đang mở ra của cậu Công. Cậu đặt nó vào tay Mít, rồi đẩy khẽ cô về phía tôi. Quả cau bỗng rơi xuống nền gạch, khẽ vang lên âm thanh trầm đục của một quả chuông vàng. Đám bạn reo như vỡ cả trời đất.

Khi mọi người chợt hiểu, cậu Công đã chạy ra ngoài từ lâu. Không có ai ngoài tôi biết cậu đang ở chỗ nào. Vào giờ khuya khoắt như thế này, các đó trúm đặt ngoài bờ ruộng đã ứ chặt tép...

Nguyễn Quốc Văn

------------------

Ám ảnh Đạ Dâng

30/08/2022 TP - Sông Đạ Dâng chở nặng phù sa, đắp bồi cho vùng đất được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Lâm Đồng. Dòng sông này có tiềm năng rất lớn để khai thác các loại hình du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm và tham quan thắng cảnh. Tuy nhiên, cái tên “Đạ Dâng” cũng gây ám ảnh bởi sự cố thủy điện và nạn khai thác cát trái phép.

Thác nước voi phục

Sông Đạ Dâng là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Lâm Hà và Di Linh (Lâm Đồng). Phù sa của dòng sông biến vùng đất này thành thủ phủ cà phê của tỉnh Lâm Đồng, là nơi kén tằm đạt chất lượng cao nhất nhờ vườn dâu xanh tốt và khí hậu thích hợp. Nếu như các dân tộc bản địa như Mạ, K’Ho ghi dấu ấn trên vùng đất Lâm Hà về bản sắc văn hóa, thì người Kinh từ Hà Nội vào xây dựng vùng kinh tế mới lại khiến vùng đất này nổi tiếng bởi nghề tằm tang, trồng hoa và gần đây là làm du lịch.

Bắt nguồn từ đỉnh núi Chư Yang Kao cao 2.006m, sông Đạ Dâng hợp lưu với dòng suối Đạ Lien Deur ở phía tả ngạn, chảy vào hồ Đan Kia - Suối Vàng. Sau khi vượt qua thác Ankroet, Đạ Dâng chảy theo hướng đông bắc - tây nam; đến huyện Lâm Hà thì tiếp nhận thêm dòng Cam Ly rồi xuôi về phía Nam Lâm Đồng, thành sông Đồng Nai.

Khi qua khu vực thị trấn Nam Ban (Lâm Hà), dòng Đạ Dâng tuôn đổ ầm ào xuống thác Voi hùng vĩ. Già K’Luynh (người K’Ho, trú tại thị trấn Nam Ban) kể cho chúng tôi nghe một truyền thuyết đẫm nước mắt về thác nước này. Chuyện rằng, thuở nọ, trong buôn làng K’Ho có một sơn nữ (con của tù trưởng Jơi Biang) yêu say đắm chàng trai là con của một tù trưởng làng bên. Chàng là dũng sĩ của núi rừng, còn nàng là chúa tể của muông thú, nhất là đối với những đàn voi của đại ngàn Tây Nguyên.

Vì hai tù trưởng có mối hiềm khích nặng nề nên chuyện tình của đôi trai gái dở dang. Cả hai đau buồn, cùng gieo mình xuống dòng thác tự vẫn. Hay tin dữ, đàn voi rừng lũ lượt kéo đến phủ phục bên dòng nước tung bọt trắng xóa, cùng nhau khóc thương rồi hóa đá dưới chân thác! Dân làng cảm động, thương xót nên đặt tên cho ngọn thác này là thác Voi. Thác nước trông rất hùng vĩ bởi miệng thác rộng đến 40m; dòng nước lớn của Đạ Dâng không chảy qua ghềnh dốc nào mà đổ trực tiếp từ đỉnh núi xuống vực sâu hơn 30m.

Khám phá Đạ Dâng bằng thuyền phao

“Người K’Ho gọi sông Đạ Dâng là Đạ Đờng. Đoạn sông dài 12km từ cầu Đạ Đờn đến cầu treo ở thôn Đa Nung A có nhiều ghềnh thác, rất thích hợp cho loại hình du lịch mạo hiểm bằng thuyền phao”, anh Nguyễn Mạnh Tiến nói. Anh kể mấy chục năm trước, nhiều người nghe theo sự vận động của chính quyền, rời bỏ quê hương vào huyện Lâm Hà khai hoang mở đất để chống đói, nay đã trút được gánh nặng cơm áo gạo tiền thường nhật thì nghĩ đến chuyện kinh doanh du lịch để làm giàu.

Trước kia, sông Đạ Dâng là địa chỉ du lịch rất hấp dẫn đối với những người đam mê vượt sông bằng thuyền phao. Thế nhưng, từ khi công trình thủy điện được xây dựng tại khu vực này, lượng nước trên sông không đủ để chèo thuyền quanh năm nữa. Việc khai thác tua du lịch chèo thuyền phao trên sông Đạ Dâng chỉ có thể thực hiện vào mùa mưa.

Cùng anh Tiến đến khu vực cầu Đạ Đờn, chúng tôi nhìn thấy một số chiếc thuyền phao xinh xắn, nhiều màu sắc, mỗi chiếc chở từ 5-7 người xuôi theo dòng thác, nhấp nhô trên ghềnh đá theo những con sóng dập dồn. Khúc sông này bình thường vắng vẻ, nay rộn rã hẳn lên bởi hiệu lệnh khua nhịp chèo của thuyền trưởng, đồng thời là hướng dẫn viên du lịch cùng tiếng hò reo của du khách trên thuyền và những người hiếu kỳ đứng xem trên bờ.


Thuyền phao trên sông Đạ Dâng

Ở những khúc sông phẳng lặng, du khách thỏa thích ngắm những vườn cà phê bạt ngàn, xanh mướt ven sông, những trụ điện cao thế vút lên nền trời xanh mênh mông, những sơn nữ thắt đáy lưng ong đang bẻ ngô trong vườn. Tuy nhiên sẽ là thử thách thật sự khi du khách phải vượt qua 2 ngọn thác thẳng đứng cao 6m và 12m. Một số người đã sớm bỏ cuộc khi nhìn thấy dòng nước cao vợi tuôn đổ ầm ào trên ghềnh đá.

“Thác càng cao thì lượng nước và áp lực đổ xuống càng lớn khiến cảm giác khi nhảy từ ngọn thác xuống chân thác càng thăng hoa. Sau khi lao mình qua dòng thác cuồn cuộn, ngụp lặn trong làn nước đậm màu đất đỏ bazan, cùng bạn bè dùng thuyền phao tiếp cận lại dòng chảy đang ầm ào tung bọt trắng xóa, thấy sảng khoái vô cùng! Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người chơi phải có sức khỏe tốt, biết bơi, can đảm và có tính kỷ luật; tuân thủ quy định và làm đúng theo hiệu lệnh của hướng dẫn viên”, anh Tiến nói và tiết lộ đã nhiều lần được trải nghiệm cảm giác này.

Ám ảnh thủy điện

Cái tên “Đạ Dâng” cũng đã trở thành nỗi ám ảnh khi nhắc đến thủy điện vừa và nhỏ không chỉ riêng ở Lâm Đồng, mà còn trong phạm vi cả nước. Còn nhớ, ngày 16/12/2014, khi thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo đang trong quá trình thi công, một đoạn hầm dẫn nước bất ngờ đổ sập khiến 12 công nhân bị mắc kẹt, không biết sống chết thế nào. Chủ đầu tư thủy điện này là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội thuộc Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex - Hà Nội.

Vụ việc đã gây chấn động cả nước. Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tận hiện trường chỉ đạo trực tiếp cuộc cứu hộ cùng với sự tham gia của 11 lực lượng Trung ương và 21 lực lượng trong tỉnh với quân số lên đến trên 750 người. Lực lượng chức năng, đặc biệt là công binh đã khoan thép ống thông hơi, cung cấp ôxy và dinh dưỡng qua ống thoát nước từ cả hai phía thượng lưu và hạ lưu, khoan lỗ thông hơi từ đỉnh đồi, gia cố tăng cường những vị trí nguy hiểm ở khu vực cứu nạn… và thực hiện phương án cứu hộ khác. Sau 82 giờ giải cứu nghẹt thở, 12 công nhân đã được tìm thấy, đưa ra khỏi hầm an toàn. Tuy không bị thiệt hại về người nhưng sự cố này là hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn lao động tại những công trình thủy điện nhỏ.

Một vấn nạn khác là nạn khai thác cát tràn lan trên sông Đạ Dâng khiến nhiều khúc sông bị biến dạng địa hình, lòng sông nham nhở “thương tích”.


Khai thác cát trái phép trên sông Đạ Dâng

Từ lòng sông, các tàu thuyền, máy hút cát công suất lớn vươn vòi hút, đẩy tung từng dòng cát trắng lên bờ. Sông Đạ Dâng, đoạn từ đập thủy điện Đạ Chomo ngược lên hướng giáp ranh với xã Lát (huyện Lạc Dương) bị đào bới nham nhở làm biến đổi cả dòng chảy, nước đục ngầu bùn đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp hai bên bờ sông và môi trường sinh thái trong khu vực.

https://tienphong.vn/am-anh-da-dang-post1465614.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét