Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Xóa kiến trúc lịch sử để xây nhôm kính 'hổ thẹn cho Hà Nội'

Văn hóa VN: Xóa kiến trúc lịch sử để xây đô thị nhôm kính 'thật hổ thẹn cho Hà Nội'
8 tháng 4 2022 - Trên thực tế việc phá dỡ toà nhà bốn mặt đã gần hoàn tất. 
Nếu dự án dự án công trình đa chức năng POSTEF vẫn tiếp tục được xây dựng với độ cao 11 tầng theo phong cách hiện đại toàn, sắt thép nhôm kính sáng loáng, thì đó thực sự là một thảm hỏa, một nỗi hổ thẹn với danh hiệu Thành phố Vì hòa Bình, Thành phố Sáng tạo.

Câu chuyện về tòa nhà ở 61 phố Trần Phú, Hà Nội đang bị dỡ bỏ để xây thương xá hiện tiếp tục được dư luận thủ đô Việt Nam quan tâm. BBC News Tiếng Việt phỏng vấn Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, giảng viên ĐH Mỹ thuật Hà Nội, tác giả, nhà nghiên cứu di sản văn hóa, về đề tài này.

Câu hỏi đầu tiên là về giá trị của cảnh quan kiến trúc khu vực xung quanh tòa nhà 61 Trần Phú, quận Ba Đình:

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Tìm hiểu các bức ảnh về Hà Nội, tôi thấy một bức ảnh Khuê Văn Các thuộc ''Thư khố Hành tinh'' của Albert Kahn là một trong những bức ảnh lịch sử quan trọng nhất với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là bức ảnh màu đầu tiên chụp Khuê Văn Các, theo kỹ thuật ảnh màu autochromes. Tác giả của bức ảnh này, nhà nhiếp ảnh Léon Busy đã chụp trong khoảng thời gian từ 1915-1920.


So với hơn 100 năm trước, ở góc nhìn này, quanh Khuê Văn Các cây cối đã nhiều hơn, tạo thêm phần cổ kính cho di tích. Và may mắn nhờ quy hoạch nghiêm ngặt từ thời Pháp thuộc, hầu như quanh Văn Miếu không có những nhà cao tầng. Nhưng, nếu dự án công trình đa chức năng POSTEF được xây lên thì chắc chắn, đứng ở góc nhìn mà Léon Busy đã chụp Khuê Văn Các, thì chúng ta sẽ thấy lù lù tòa nhà này ngay phía sau.

Toà nhà 61 Trần Phú, nhìn từ đường Hùng Vương, Hà Nội

BBC: Tầm nhìn về kiến trúc, thiết kế không gian đô thị tại HN hiện nay ra sao, thưa tiến sĩ?

Đành rằng khối nhà mang kiến trúc Pháp tại số số 61 đường Trần Phú không thuộc diện cần bảo tồn. Nhưng với việc xây dựng tòa nhà cao tầng sát gần với Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ phá vỡ cảnh quan di tích văn hóa, lịch sử xung quanh nó. Mà cụ thể ở đây là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Văn Miếu Quốc Tử Giám.Với cung cách quản lý đô thị hiện nay, Hà Nội sẽ ngày càng có nhiều hơn những ngôi nhà cao tầng, những ngôi nhà chọc trời mang cách nhìn trọc phú, thấp kém và thiển cận.

Tòa nhà nằm ở khu vực sang trọng nhất ở HN gần sát các khu ngoại giao - hình trên GoogleMap

Văn Miếu ở HN - hình minh họa

Nhân nói chuyện tầm nhìn, tôi tìm hiểu được câu chuyện là cách đây đúng 60 năm (1962) Bộ trưởng Hoàng Minh Giám với vai trò tư lệnh ngành đã quyết định cải tạo tòa nhà 66 Nguyễn Thái Học thành Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sự kết nối Văn Miếu- Quốc Tử Giám với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thể hiện tầm vóc tư tưởng của GS Hoàng Minh Giám. Trong những tháng ngày bom đạn, năm 1973, cố vấn Lê Đức Thọ đã đưa ông Henry Kissinger tới thăm quan các kiệt tác mỹ thuật ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa mới thành lập. Đây là một hành động mang giá trị biểu tượng cao, thể hiện bản lĩnh, tầm vóc văn hóa Việt Nam.

BBC: Cũng có dư luận nói chủ sở hữu hoặc người, công ty thuê dài hạn các địa ốc tại HN có quyền tân trang, cải tạo hoặc thậm chí xây lại hoàn toàn, vì đó là quyền của họ, ông nghĩ sao?

Tục ngữ Việt có câu Mất tiền mua mâm có quyền đâm thủng. Câu nói đó thể hiện sự trịch thượng, hống hách của kẻ có tiền. Không nên chỉ vì có tiền mà các doanh nghiệp sẵn sàng dẫm đạp lên di sản văn hóa của thủ đô. Nói về quyền tân trang, cải tạo hay xây lại hoàn toàn của công ty thuê dài hạn các địa ốc, đặt ra vai trò của các chủ sở hữu. Cụ thể chủ sở hữu ở đây là Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện hiện là thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Không thể vì lợi nhuận mà bất chấp các giá trị văn hóa.

Về việc xây mới của dự án POSTEF, tôi xin liên hệ tới hệ thống các Đại sứ quán ở quận Ba Đình như ĐSQ Đức, Ukraina, Iran, Ba Lan, Séc (Czech), Romania quanh khu vực quảng trường Ba Đình. Chính nhờ các Đại sứ quán ở quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm hầu như bảo tồn nguyên vẹn hình thái kiến trúc ban đầu mà Hà Nội có được một khối lượng di sản kiến trúc đô thị mang dấu ấn phương Tây đặc sắc. Xét từng tòa nhà cụ thể, các tòa nhà của các Đại sứ quán này không quá đặc sắc. Nhưng hầu hết các tòa nhà này luôn đạt được sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, với kiến trúc bản địa. Có thể nói đó là kiến trúc thanh lịch ẩn mình dưới những bóng cây.

BBC: Trong các bài viết, sách của mình ông nêu ra nhiều sản phẩm, vật phẩm của giai đoạn Pháp thuộc tại HN, từ các khung cửa đến mái nhà, kiến trúc mặt tiền, và cho rằng thực ra nhiều công trình đã được các nhà kiến trúc thời đó kết hợp phong cách Việt, dùng vật liệu bản địa, chứ không phải là "kiến trúc thuộc địa", xin ông giải thích thêm, và cho biết một số ví dụ?

Tôi xin ví dụ với trường hợp kiến trúc ở phố Nguyễn Thái Học. Phố Nguyễn Thái Học thời Pháp là đại lộ Borgnis Desbordes, tới năm 1909 thì đổi thành phố Duvillier. Nhận thấy tầm quan trọng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tránh những tác động của kiến trúc phương Tây tới khu di tích cổ kính này nên cho tới cuối năm 1945, người Pháp cố tình giảm thiểu mật độ xây dựng. Trên phố Duvillier bắt buộc xây dựng nhà Tây, nhưng các công trình ở đây có đặc điểm không đồ sộ, hạn chế phong cách Tân cổ điển kiểu đế chế, Tân cổ điển duy lý. Một trong những ngôi nhà đẹp nhất của Hà Nội là Viện Goethe Hà Nội. Đó là ba ngôi biệt thự tiêu biểu cho phong cách Art Deco của Hà Nội.

TS Trần Hậu Yên Thế là tác giả các cuốn sách về di sản văn hóa VN, như: "Dịch đồ-cách tiếp cận từ thị giác", "Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh-Lê", "Song xưa phố cũ", "Mỹ Thuật Việt Soi Từ Phía Khác"...

Đó là ba ngôi biệt thự (số 56.58.60 Nguyễn Thái Học) tiêu biểu cho phong cách Art Deco của Hà Nội. Ông Đỗ Hữu Thục là thầu khoán xây dựng ba biệt thự này cùng nhà nội trú nơi dành cho con gái của các quan chức người Pháp từ khắp Đông Dương về Hà Nội trọ học. Hệ thống hoa sắt cổng, cửa đi, cửa sổ, hay thức trang trí cột, phào chỉ được thiết kế mang hương vị phương Đông rõ nét. Người Pháp đã chọn phương án thiết kế hiện đại nhưng vẫn có sự giao thoa với di sản văn hóa bản địa. Sau khi thuê lại khu nhà này, Viện Goethe Hà Nội đã nhiều lần tiến hành tu sửa, chỉnh trang, cải tạo nhưng tuyệt đối bảo đảm nguyên dạng phong cách kiến trúc ban đầu. Cách ứng xử rất có văn hóa của lãnh đạo Viện Goethe Hà Nội nhiều năm qua là bài học lớn cho chúng ta học tập.

Với việc xây dựng ở khu đất 61 Trần Phú, lãnh đạo Hà Nội hôm nay cần học hỏi cách thức ứng xử với văn hóa bản địa của KTS Pháp (giai đoạn thuộc địa) trong quy hoạch và xây dựng các tòa nhà trên phố Nguyễn Thái Học, đặc biệt là ba ngôi biệt thự số 56,58,60.

BBC: Ông có thể nói thêm về phố này và các công trình là điểm nhấn văn hóa thủ đô VN?

Vâng, mọi người dân thủ đô đều biết, phố Nguyễn Thái Học, với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật, Viện Goethe, là phố sang trọng và danh giá bậc nhất của Hà Nội. Lẽ ra Hà Nội, với vị thế của một thành phố trong mạng lưới "Các thành phố Sáng tạo UNESCO" với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Để phát triển hệ sinh thái sáng tạo, lẽ ra có thể dành nhiều hơn quỹ đất trên khu phố này để mở rộng Bảo tàng Mỹ thuật.

Tôi rất ủng hộ ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đề xuất thành phố nên giao khu phố này cho Bảo tàng Mỹ thuật để có thể xây dựng một khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Đương đại. Hoặc theo tôi, cũng có thể thành một khu trưng bày triển lãm quốc gia (National gallery of Art). Bản thân ở đây hiện còn bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân, tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ- tưởng nhớ sự kiện bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967.

Hà Nội đã một lỡ cơ hội lịch sử khi chuyển đổi không gian Nhà in Tiến Bộ (175 Nguyễn Thái Học) thành Chung cư Tiến Bộ Plaza với mô hình khu khách sạn, căn hộ dịch vụ - thương mại tổng hợp. Lẽ ra khu đất này nên trở thành Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Tiến Bộ. Nếu được như thế thì phố Nguyễn Thái Học sẽ có Học, có Nhân hơn, đúng là Tiến Bộ thật sự.

Nếu dự án dự án công trình đa chức năng POSTEF vẫn tiếp tục được xây dựng với độ cao 11 tầng theo phong cách hiện đại toàn, sắt thép nhôm kính sáng loáng, thì đó thực sự là một thảm hỏa, một nỗi hổ thẹn với danh hiệu Thành phố Vì hòa Bình, Thành phố Sáng tạo.

TS Trần Hậu Yên Thế, sinh ở Hà Nội năm 1970, là tác giả của những cuốn sách nghiên cứu mỹ thuật, di sản văn hóa VN, như: "Dịch đồ-cách tiếp cận từ thị giác", "Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh-Lê", "Song xưa phố cũ", "Mỹ Thuật Việt Soi Từ Phía Khác"... Ông được giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 cho cuốn "Song xưa phố cũ".

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61037779

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét