Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

Nga muốn chấm dứt trật tự thế giới do Mỹ thống trị

Hoan hô Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói thẳng thế giới phải chấm dứt trật tự thế giới do Mỹ thống trị. Tôi ủng hộ thế giới đa cực, không có nước nào là nước lãnh đạo để xây dựng trật tự theo chỉ huy của nước đó. Và trên hết, tôi mong muốn các nhà lãnh đạo các nước lớn trên thế giới hãy trở lại nguyên lý "chung sống hòa bình, mình vì mọi người và mọi người vì mình". Tôi không muốn viết nhiều hơn và rõ hơn về việc phê phán Mỹ và ủng hộ Nga - Trung đấu tranh vì viết thế sẽ bị FB treo giò như đã làm 1 tháng vừa rồi.
Ông Lavrov: Nga muốn chấm dứt trật tự thế giới do Mỹ thống trị
12/04/2022 (VTC News) - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, hành động quân sự của Moskva ở Ukraine nhằm chấm dứt trật tự thế giới do Mỹ thống trị. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc Mỹ đang áp đặt cái gọi là “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” của riêng mình, cho rằng điều này vi phạm luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: TASS)
Trả lời phỏng vấn kênh Rossiya 24 hôm 11/4, ông Lavrov nói: “Hoạt động quân sự đặc biệt của chúng tôi nhằm chấm dứt sự bành trướng của NATO, sự thống trị hoàn toàn của Mỹ và các nước phương Tây trên trường thế giới”.

“Sự thống trị này được xây dựng dựa trên sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và theo một số quy tắc, mà họ đang thổi phồng quá mức. Họ đưa ra những điều khoản tùy theo từng trường hợp cụ thể", ông Lavrov cho biết thêm.

Theo ông Lavrov, Nga là một trong những quốc gia không phục tùng ý chí của Washington. Ông khẳng định Moskva là một phần của cộng đồng quốc tế bình đẳng và sẽ không cho phép các quốc gia phương Tây phớt lờ những lo ngại về an ninh chính đáng của mình.

Ngoại trưởng Nga tin rằng vai trò của EU đã thay đổi trong cuộc khủng hoảng an ninh Ukraine. Trước đây, khối này không hoạt động như một tổ chức quân sự "chiến đấu tập thể chống lại mối đe dọa". Ông Lavrov cho biết sự thay đổi này là kết quả của việc Washington gây áp lực lên các thành viên của khối, khiến khối này xích lại gần hơn với NATO.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Lavrov cũng nhấn mạnh, về phần mình, Nga muốn tiếp tục đàm phán hòa bình với Ukraine.

"Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng tôi muốn đàm phán. Tôi thấy không có lý do gì để không tiếp tục các cuộc đàm phán, mặc dù phía Ukraine có xu hướng lảng tránh, đôi khi quay đầu và từ chối những gì họ đã đề xuất vài ngày trước đó. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì và nhẫn nại", ông Lavrov nói.

Các cuộc đàm phán Nga - Ukraine bắt đầu vào ngày 28/2, bốn ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Kể từ đó, hai bên liên tục có các cuộc hội đàm bằng cả trực tuyến và trực tiếp. Hôm 7/4, ông Lavrov cáo buộc Kiev đang đi chệch khỏi các đề xuất của chính họ được nêu tại cuộc đàm phán và có những hành động khiêu khích.

Hôm 11/4, Thủ tướng Áo Karl Nehammer có cuộc hội đàm trực tiếp với tinh thần cởi mở và cứng rắn với Tổng thống Vladimir Putin. Đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Putin với một nhà lãnh đạo EU kể từ khi diễn ra cuộc xung đột giữa nước này với Ukraine.

https://vtc.vn/ong-lavrov-nga-muon-cham-dut-trat-tu-the-gioi-do-my-thong-tri-ar670807.html

Cuộc họp kín "cứng rắn" giữa Tổng thống Nga và Thủ tướng Áo

12-04-2022 - (NLĐO) – Trong chuyến thăm Ukraine ngày 11-4, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cam kết ủng hộ chính quyền Kiev, xác nhận rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được duy trì “cho đến khi giao tranh dừng lại”.

Cuộc hội đàm kín giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Áo Karl Nehammer về Ukraine đã diễn ra ở ngoại ô Moscow trong ngày 11-4. Không có cuộc họp báo hoặc tuyên bố chung nào được đưa ra sau cuộc họp tại dinh thự chính thức của ông Putin cũng như không có hình ảnh hoặc video nào về cuộc họp được công bố.

Phát biểu trước khi cuộc họp bắt đầu, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về "tình hình Ukraine" và không loại trừ việc thảo luận về vấn đề khí đốt, theo hãng thông tấn Interfax.


Cuộc hội đàm kín giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Áo Karl Nehammer về Ukraine đã diễn ra ở ngoại ô Moscow trong ngày 11-4. Ảnh: The Guardian

Thủ tướng Nehammer là nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên thăm Nga sau khi nước này tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào cuối tháng 2.

Theo ông Nehammer, đây không phải là một "chuyến thăm hữu nghị", cả hai đã có cuộc trò chuyện "rất trực tiếp, cởi mở và cứng rắn", thêm rằng cuộc hội đàm chủ yếu xoay quanh khía cạnh nhân đạo ở Ukraine.

Ông Nehammer nói với kênh RT: "Tôi từ Ukraine sang Nga và tận mắt chứng kiến ​​những đau khổ khôn lường do chiến dịch quân sự của Nga gây ra". Ngoài ra, ông cũng nêu ra những cáo buộc "tội ác chiến tranh" do quân đội Nga gây ra trong cuộc họp. Thủ tướng Áo nhấn mạnh "tất cả những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh nghiêm trọng ở thị trấn Bucha" (Ukraine) và những nơi khác phải bị đưa ra trước công lý.

Thủ tướng Nehammer cho biết ông đã nói với Tổng thống Putin rằng các lệnh trừng phạt chống Nga do EU áp đặt vẫn sẽ được duy trì và thậm chí có thể được tăng cường nếu xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn. "EU đang đoàn kết hơn bao giờ hết về vấn đề này" - ông Nehammer nhấn mạnh trong cuộc họp kéo dài 75 phút.

Ông Nehammer đề cao sự sẵn sàng đối thoại trực tiếp với tổng thống Nga của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Tuy nhiên, ông Putin không đề cập đến chuyện này, theo lời một quan chức Áo nói với tờ The Guardian.

Trước đó một ngày, ông Nehammer đã đến thăm thủ đô Kiev và có cuộc gặp với Tổng thống Zelensky cũng như các quan chức cấp cao khác của Ukraine.


Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto nói rằng Phần Lan sẽ làm rõ các bước tiếp theo về quyết định gia nhập NATO trong những tuần tới. Ảnh: EPA

Trong khi đó, phía Nga cũng lên tiếng cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển không nên gia nhập NATO, cho rằng động thái này sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng "liên minh (NATO) vẫn là một công cụ dẫn tới đối đầu", cảnh báo NATO "không phải là loại liên minh đảm bảo hòa bình và ổn định, và việc mở rộng hơn nữa sẽ không mang lại thêm an ninh cho châu Âu".

Cảnh báo của Moscow được đưa trong bối cảnh Phần Lan và Thụy Điển đang cân nhắc việc gia nhập NATO, Mỹ được cho là sẽ ủng hộ động thái này.

Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, viễn cảnh Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là một phần trong cuộc thảo luận giữa các ngoại trưởng khối liên minh quân sự tại Brussels vào tuần trước. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto nói rằng Phần Lan sẽ làm rõ các bước tiếp theo trong những tuần tới.

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cuoc-hop-kin-cung-ran-giua-tong-thong-nga-va-thu-tuong-ao-20220412073301204.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét