Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

“Nhóm lợi ích” đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng

“Nhóm lợi ích” đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng
TS. Phạm Quý Thọ 2021-05-03 - 
“Nhóm lợi ích” trong đơn vị sự nghiệp công lập đang gây ra hậu quả nghiêm trọng. Khi hình thức nhóm lợi ích này bị phanh phui, chính quyền ứng phó bằng cách điều tra truy tố những kẻ ‘suy thoái’ bị lộ và thay thế bằng lãnh đạo khác. Thế rồi một chu kỳ mới bắt đầu, nếu như không cải cách từ bản chất chế độ.
Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, người bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” RFA edit

“Bỏ việc “tập thể”

“Nhóm lợi ích” trong bài viết này được hiểu theo nghĩa có một nhóm người nào đó lấy lợi ích của nhóm mình làm trung tâm, đặt lợi ích của nhóm mình lên trên hoặc xa rời lợi ích chung của những người liên quan trong tổ chức, cơ quan đơn vị hay xã hội… làm mục tiêu để hành động. Nhóm lợi ích ở tầm quốc gia vẫn đang là chủ đề nóng và được thảo luận để tìm liệu pháp cho căn bệnh trầm kha của chế độ toàn trị, phát tác đặc biệt mạnh khi thể chế bất ổn. Loại “nhóm lợi ích” trong các đơn vị sự nghiệp công lập là một “biến thể” có cùng bản chất với nhóm lợi ích nói chung, cần thiết được “mổ xẻ” để cung cấp thêm cơ sở thuyết phục cho chính sách cải cách bền vững .

Hiện tượng “bỏ việc tập thể” gần đây tại bệnh viện Bạch Mai – Bệnh viện (BV) đa khoa hàng đầu ở miền Bắc, bộc lộ một trường hợp điển hình của loại “lợi ích nhóm” này. Truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin về việc 221 y bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện đồng loạt “thôi việc và chuyển công tác” trong đầu quý I năm 2021, trong đó khoảng 15% có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm như phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên khoa cao cấp…. 

Sự kiện này diễn ra vào thời điểm thay đổi “bất thường” giữa hai ban lãnh đạo bệnh viện. Các lãnh đạo chủ chốt “cũ” như các cựu giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng vừa bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Họ “thông đồng” với một công ty chuyên cung cấp thiết bị y tế, có tên viết tắt là Công ty công nghệ y tế BMS, để nâng khống gấp nhiều lần giá mua, lắp đắt loại robot y tế hiện đại để tư lợi, gây thiệt hại cho người khám chữa bệnh. Đây là cách “làm ăn” điển hình của nhiều cán bộ đảng viên “hư hỏng”. Trong thời gian này, một giám đốc mới, từng là lãnh đạo của một bệnh viện khác, được Bộ Y tế bổ nhiệm. Vị này được cho là có năng lực và được “hậu thuẫn” để “cải tổ” bệnh viện Bạch Mai, như một thí điểm thực hiện Nghị quyết 33-NQ-CP-2019 của Chính phủ về tự chủ tài chính nâng cao chất lượng dịch vụ.

Người xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 
 bệnh viện Bạch Mai hôm 31/3/2020. AFP

Mua bán “quan hệ”

Đơn vị sự nghiệp công lập được định nghĩa là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước, chủ yếu là các viện nghiên cứu, bệnh viện, trường học…. trực thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thường gọi là “cơ quan chủ quản”, được giao hoặc chưa quyền tự chủ hoàn toàn hay một phần về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự. Cả nước hiện nay có khoảng hơn 6.000 đơn vị với hàng chục nghìn lao động, trong đó có nhiều nhân lực bằng cấp và trình độ chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực.

Mua quan hệ là cách thức hình thành và vận hành của loại “nhóm lợi ích” trong các tổ chức này. Muốn trở thành lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập, “ứng viên” không những phải thể hiện năng lực công tác, phẩm chất trung thành mà còn phải có “quan hệ tốt” với cơ quan chủ quản theo các đường dây bảo trợ tin cậy. Các lãnh đạo có thẩm quyền của cơ quan chủ quản luôn bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị trực thuộc “đúng quy định”, tuy nhiên trong thời buổi “thị trường chuyển đổi” vị trí lãnh đạo luôn có giá, nên “cửa sau” dù kín đáo, nhưng luôn mở cho “sự thăng tiến”. Hơn thế, nhiều lãnh đạo cấp trên còn “biết cách” cài cắm “người của mình” để củng cố “quan hệ” thêm bền chặt kiểu như vợ của bộ trưởng làm giám đốc bệnh viện bên dưới hay vợ làm bộ trưởng, chồng làm xếp bệnh viện tư, em chồng buôn thuốc"....

Những lãnh đạo đơn vị được bổ nhiệm theo cách trên, hơn thế bị giới hạn theo nhiệm kỳ, họ luôn biết quyền hạn để thể hiện kỹ năng “tiện việc cho cấp trên được việc cho mình” bắt đầu hành động “thu hồi vốn và kiếm lời”. Sau khi có “chỗ dựa” tin tưởng, nhân danh kiện toàn tổ chức mà một trong những nội dung cần thiết là củng cố ekip làm việc – khởi đầu của nhóm lợi ích kiểu như mô tả ở trên. Nhân danh vì “lợi ích của tập thể” các hoạt động chuyên môn, chẳng hạn như ngành y tế từ tổ chức, khám chữa bệnh, cung cấp thuốc men, mua sắm thiết bị, hợp tác đầu tư, dịch vụ đời sống…. được tính toán sao cho “có phần của mình”. h minh hoạ. Một cơ sở y tế tư nhân ở Hà Nội. AFP

Các con đường trục lợi thường rất tinh vi, “chạy chức chạy quyền” thường kín đáo khó phát hiện, bác sĩ “chân trong, chân ngoài”, làm trong giờ ở bệnh viện, ngoài giờ phòng khám tư, “hợp pháp”, núp bóng liên doanh liên kết, đặc biệt với tư nhân dù có “rủi ro” hơn nhưng khả năng “lợi suất cao”…. Vụ việc chỉ được phát giác khi có “sự cố”. Chẳng hạn, vụ án tại Thẩm mỹ viện Cát Tường năm 2013 khi phẫu thuật thẩm mỹ làm chết người…. Mới đây, vụ lây nhiễm “COVID-19 ở BV Bạch Mai” năm 2020 đã lộ mặt "nhà cung cấp" nước sôi “bắt buộc” với giá cao. Các phòng khám và quầy thuốc tư nhân “bao vây” bệnh viện không chỉ vì lý do kinh doanh mà còn có quan hệ “trận đồ bát quái” và chia chác” với nhiều bác sĩ ‘tay trong” của bệnh viện…. Trục lợi là hết sức nghiêm trọng về tính chất và quy mô. Những tiếng kêu ai oán như “Đừng để người bệnh bị móc túi vô tội vạ nữa!” xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội.

Liên quan vụ án tại BV Bạch Mai như nêu ở trên, Công ty BMS trúng gần 20 gói thầu, 90% là chỉ định thầu tại các tỉnh, thành. Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an, quan hệ với lãnh đạo đơn vị công lập “được mua” dưới dạng “quà biếu, quà tặng” trong các dịp lễ tết với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Đây là cách “làm ăn” điển hình và Bộ Công-an ‘sờ gáy’ hàng loạt bệnh viện tuyến đầu của Việt Nam.

Giới quan sát cho rằng GS. TS Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, vừa được bổ nhiệm làm giám đốc BV Bạch Mai với một "di sản" quá phức tạp. Vị này không chỉ là nhà khoa học, nhà quản lý mà còn là “nhà chính trị”. Ông là Đại biểu Quốc hội khoá 14, lại vừa được “hiệp thương” với 100% phiếu tại địa bàn cơ sở, ủng hộ tiếp tục ứng cử khoá 15. Mặc dù được “chống lưng” từ cấp trên, nhưng ông vẫn đang "vẫy vùng" trong cái mớ hỗn độn nêu trên, trong đó tình hình “nhóm lợi ích” là nghiêm trọng. Và không loại trừ trong số “bỏ việc tập thể” với hơn 200 nhân viên có không ít người được “hưởng lợi” từ cách làm ăn của nhóm lợi ích đang vướng “vòng lao lý” nêu trên.

Với quan niệm chủ quan, coi nhẹ sự tác động của thị trường, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường các biện pháp hành chính, trừng trị những lãnh đạo đảng viên suy thoái và thay thế bằng những lãnh đạo “của đảng” có thể ứng phó với tình hình. Việc quyết định bổ nhiệm vị giám đốc mới của BV Bạch Mai được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” để thay đổi. Tuy nhiên, kết quả chưa biết thế nào thì trên báo lại xuất hiện thông tin Bộ Công an đang điều tra yêu cầu xác minh các gói thầu mua sắm thiết bị từ năm 2015 đến nay tại BV Tim Hà Nội, nghĩa là trong thời kỳ ông Tuấn làm Giám đốc ở cơ sở này.

Cải cách luôn phức tạp và gặp chống đối, tranh giành quyền lực khi thiếu vắng cơ chế công khai kiểm soát quyền lực và giải trình trách nhiệm trước nhân dân, vì vậy sự “cải thiện” nếu có cũng chỉ là nhất thời, “lợi ích nhóm” bùng phát bất cứ lúc nào khi chế độ toàn trị luôn có nguy cơ bất ổn theo chu kỳ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/interest-groups-causing-serious-consequences-05032021104704.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét