Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Việt Nam đang ‘bội thực’ với các cuộc thi sắc đẹp?

Việt Nam đang ‘bội thực’ với các cuộc thi sắc đẹp?
FB Tâm An • 09/04/21• “Các cuộc thi hoa hậu đang bùng nổ. Nào hoa hậu biển, hoa hậu doanh nhân, hoa hậu thể thao, hoa hậu trái cây, hoa hậu đồng bằng và hoa hậu quý bà... Chỉ cần nhớ hết được tên cũng có khả năng trở thành giáo sư” - đạo diễn Lê Hoàng.

Trong một bài viết trên truyền thông trong nước với tựa đề “Gái đẹp hãy coi chừng”, đạo diễn Lê Hoàng đã dí dỏm cho rằng: “Nói tóm lại, một cô gái đẹp rực rỡ, hoặc đẹp kha khá, đẹp tàm tạm lúc này đều có cơ hội đăng quang, dù xuất thân từ chân trời góc biển nào… Rất tuyệt vời. Mọi cô gái sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền thi hoa hậu!”

Nhưng hiện nay điều này đã thành “loạn tượng”, những người ít theo dõi các cuộc thi sắc đẹp sẽ không thể nào phân biệt được nhan sắc này với nhan sắc nọ, cuộc thi này với cuộc thi khác, dù mỗi cuộc thi đều có những "tiêu chí, sứ mệnh" riêng.

Quá nhiều cuộc thi, quá nhiều danh hiệu hoa hậu, nữ hoàng, hoa khôi... dành cho các người đẹp khiến công chúng bị “bội thực” với các cuộc thi sắc đẹp.

‘Chợ’ nhan sắc?

Trước đây, việc cấp phép cho các cuộc thi cấp quốc gia có phần chặt chẽ. Hiện nay, rất nhiều công ty tư nhân không mấy khó khăn để xin cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp quốc gia, thậm chí là quốc tế.

Việc các công ty “cho ra lò” hàng loạt danh hiệu hoa khôi, người đẹp chẳng những khiến các cuộc thi nhan sắc trở nên dễ dãi, mà còn biến giải thưởng thành trò hề. Chẳng hạn, tại một cuộc thi sắc đẹp năm 2017, có đến... 33 người nhận được các danh hiệu như hoa khôi, á khôi 1, á khôi 2 (2 giải), á khôi 3 (10 giải); 26 giải phụ với “đủ các loại vẻ đẹp” như: Hoa khôi có mái tóc đẹp, hoa khôi có làn da đẹp, hoa khôi vì cộng đồng...

Sự dễ dãi trong việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp đã khiến nhiều cuộc thi bị biến thành "chợ nhan sắc".

Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân cũng nhận định rằng hiện nay đã “loạn” danh xưng Hoa hậu, hoa khôi và người đẹp.

“Ở thời điểm này, các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu hiện đang quá thừa, ngay bản thân Ngọc Hân ở trong nghề còn khó có thể nắm rõ thì công chúng làm sao có thể nhớ hết danh hiệu nọ kia”, Hoa hậu Ngọc Hân cho biết.

Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân cũng nhận định rằng hiện nay đã “loạn” danh xưng Hoa hậu, hoa khôi và người đẹp. (Ảnh chụp từ youtube)

Tiền nào danh hiệu đó?

Hiện nay, câu hỏi “Hoa hậu nhiều để làm gì?” trở thành vấn đề “nhức nhối” trong xã hội Việt Nam. Ý nghĩa xã hội mờ nhạt, người đẹp đăng quang sau đó làm gì hay mất hút ra sao, không ai biết… Chỉ có những ồn ào mua bán giải, kiện tụng mãi không dứt.

Vào tháng Giêng này, chỉ vài ngày sau khi “đăng quang” Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 - kèm theo nhiều lời khen “có cánh”, Hoa hậu L đã gửi đơn lên Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT), Tòa án nhân dân TP Hà Nội tố cáo rằng đây là cuộc thi có dấu hiệu tổ chức không xin phép, lừa đảo thí sinh với số tiền hàng tỷ đồng.

Theo bà L., mỗi thí sinh tham gia cuộc thi đều phải đóng 18 triệu đồng chi phí đăng ký và đóng thêm tùy danh hiệu muốn “đầu tư”. Mức giá có thể thỏa thuận cho các vị trí á hậu, hoa hậu.

Thật ra, việc kiện tụng, phanh phui chuyện mua giải hoa hậu không hề mới, bởi tình trạng tổ chức tràn lan các cuộc thi nhan sắc. Các cuộc thi người đẹp “ao làng” được tổ chức ở các tỉnh, thành trong nước hay nước ngoài đều chung một công thức “tiền nào danh hiệu đó”.

Còn nhớ, năm 2019 dư luận được phen "ngã ngửa" với một danh hiệu người đẹp mà không biết phải hiểu thế nào - Nữ hoàng văn hóa tâm linh.

Chương trình cuối cùng đã phải dừng tổ chức bởi Sở VH-TT Hà Nội khẳng định chỉ cấp phép cho chương trình này như một buổi biểu diễn nghệ thuật chứ không phải là một cuộc thi người đẹp.

Làm sao ‘dẹp loạn’ thời ‘nhan sắc lên ngôi?

Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Tùng Hiếu cho rằng chúng ta cần cân nhắc quy chuẩn văn hoá phù hợp. Các cuộc thi sắc đẹp ở phương Tây được tổ chức vào đầu thế kỷ XX, chúng ta đã học theo và tổ chức các cuộc thi trong nước.

Người phương Tây khuyến khích chuyện thi hoa hậu để làm gì? Để quảng bá vẻ đẹp hình thể, trí tuệ, tôn vinh giá trị người phụ nữ và những cống hiến của họ cho cộng đồng, mang vẻ đẹp nhân văn đến với thế giới...

Một phóng viên của BBC cho rằng với suy nghĩ có nhan sắc sẽ có tiền tài và danh vọng, các cuộc thi sắc đẹp có thể sẽ làm ảnh hưởng tới suy nghĩ của những khán giả và các thí sinh còn ít tuổi đời.

Các cuộc thi nhan sắc không nên trở thành một phong trào, một trào lưu mà ai ai cũng có thể làm hoa hậu được. (Ảnh chụp từ youtube)

Ngoài ra, ban tổ chức và các thí sinh các cuộc thi nhan sắc hiện nay không có kế hoạch “hậu đăng quang”. Mục đích thật sự của một cuộc thi sắc đẹp bị “thui chột” ngay từ ban đầu.

Bà Phạm Kim Dung, Phó ban Tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nhận định: “Cấp phép quá nhiều cuộc thi thì khó có thể kiểm soát nổi, dễ sinh tiêu cực. Những cuộc thi nhỏ không đủ ngân sách tổ chức, dễ xảy ra việc mua bán giải, tổ chức lèo tèo không xứng tầm, lựa chọn người không đủ tiêu chuẩn nhan sắc và trí tuệ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến những cuộc thi nghiêm túc, bởi ai được chọn làm hoa hậu đều đội vương miện, cuối cùng công chúng sẽ không biết ai mới là hoa hậu đại diện quốc gia”.

Nhiều người cho rằng có không ít người đẹp mang “danh hiệu” dùng để đi kiếm tiền, kiếm đại gia, làm tiếp tân cho những buổi giao lưu quan trọng… Nhưng cần hiểu rằng khi bản thân mang một danh hiệu, thì đó không phải là “cần câu” để các cô gái đẹp tìm kiếm danh vọng, tiền tài… mà là dùng ảnh hưởng sắc đẹp, văn hóa, trình độ mình có để làm đại sứ các hoạt động nhân đạo, thiện nguyện, quảng bá nét đẹp văn hóa…

Các cuộc thi nhan sắc không nên trở thành một phong trào, một trào lưu mà ai ai cũng có thể làm hoa hậu được.

Tâm An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét