Hà Nội và tân Tổng thống Biden
fb Jackhammer Nguyễn 12-11-2020 - Sau khi ông Joseph Biden được các hãng truyền thông lớn của thế giới: AP, Reuters, BBC, CNN, NBC, Fox,… tuyên bố ông thắng cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2020, các nguyên thủ quốc gia phương Tây, Canada, Úc, Nhật, Tân Tây Lan, Đài Loan,… lần lượt chúc mừng Tổng thống tân cử (president elect).Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia không (chưa) chúc mừng, gồm có các nhà nước độc tài Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn, hoặc các quốc gia thất bại (failed states) như Brazil, Mexico. Chúng ta thấy gì ở thái độ của Hà Nội đối với cuộc bầu cử rất đặc biệt 2020 này ở Mỹ?
Điều đầu tiên dễ thấy nhất là, Hà Nội không chia sẻ những giá trị của một xã hội dân sự, trong đó các cơ quan truyền thông độc lập đóng vai trò rất quan trọng.
Đúng là phải có sự xác nhận của Ủy ban Bầu cử thì ông Biden mới “có giấy chứng nhận tổng thống”. Nhưng truyền thống của xã hội dân sự phương Tây, mà đặc biệt là Hoa Kỳ, trong hàng chục lần bầu cử vừa qua, việc dự báo của truyền thông không bị sai, và ngay sau công bố của báo chí, các công việc chuyển tiếp của tổng thống tân cử bắt đầu. Người ta hầu như không biết có sự tồn tại của Ủy ban Bầu cử.
Nhưng trong bốn năm qua, chính quyền của Trump và các đồng minh chính trị của ông ta ra sức hủy hoại nền móng của xã hội dân sự đó, dùng bộ máy nhà nước để lấn át xã hội dân sự. Việc tuyên bố không chịu thua, thúc ép Ủy ban Bầu cử không công nhận ông Biden, là sự nối dài của những cố gắng đó.
Xin được nhắc lại, để phục vụ ý đồ của mình, năm 2017, Trump đã bổ nhiệm đồng minh của mình là Trey Trainor làm Chủ tịch Ủy ban Bầu cử với hy vọng sẽ giúp Trump trong lần bầu cử này. Việc bổ nhiệm này đã gây tranh cãi, các nhóm quan sát sự minh bạch của chính phủ đã phản đối mạnh mẽ chuyện Trump bổ nhiệm ông Trainor. Gần 3 năm sau, tháng 5/2020, Thượng viện đã chuẩn thuận ông Trainor vào chức Chủ tịch Ủy ban Bầu cử.
Những lần bầu cử trước ở Mỹ, kể từ khi hai nước có quan hệ ngoại giao, Việt Nam cũng mau mắn gửi điện chúc mừng vị tổng thống tân cử sau tuyên bố của báo chí. Giới chức ở các nền dân chủ phương Tây, kể cả những đồng minh của ông Trump như Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cũng vẫn tin tưởng vào sự đúng đắn và hoạt động hiệu quả của xã hội dân sự đó.
Hà Nội thì không. Trước sự phức tạp của chính trị Mỹ trong thời gian qua, họ cảm thấy an tâm hơn nếu có sự xác nhận từ chính quyền, chứ không phải từ xã hội dân sự, một khái niệm họ vốn rất e dè.
Thái độ này của Hà Nội, mặc dù bề ngoài giống với Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn, nhưng về bản chất có lẽ khác. Ba nước kia mong muốn ông Trump ở lại Tòa Bạch Ốc, chế độ cộng sản Việt Nam không có ứơc vọng cao đến như thế.
Vậy Hà Nội mong muốn ông Trump hay ông Biden ngồi trong Tòa Bạch Ốc?
Không có thống kê để biết chắc chắn có bao nhiêu phần trăm dân chúng Việt Nam ủng hộ Tổng thống Trump, mặc dù nếu dựa trên những bày tỏ trên mạng xã hội thì rất nhiều người Việt ủng hộ ông. Nhưng chính phủ Hà Nội có ủng hộ hay không, lại là chuyện khác.
Ông Trump làm tổng thống thì Hà Nội được lợi gì?
Đầu tiên là Hà Nội không phải lo những xét nét về dân chủ, nhân quyền của chính phủ Mỹ. Trong bốn năm cầm quyền của ông Trump, giới bất đồng chính kiến hoàn toàn bị xóa sổ. Dĩ nhiên sự xóa sổ này có nguyên nhân từ chính sự yếu kém của giới đối lập Việt Nam, nhưng ảnh hưởng của cường quốc như Mỹ cũng rất quan trọng.
Người ta cũng có thể nói rằng, với ông Trump và những cú “deal” về thuế của ông ấy, ép Trung Quốc mạnh, các công ty đầu tư ở nước này rút qua Việt Nam, Hà Nội được lợi. Nhưng tôi nghĩ rằng, Hà Nội không ngây thơ về điều đó. Họ biết chắc là về dài hạn, những cái gọi là deal của ông Trump không ảnh hưởng gì đến Trung Quốc. Hà Nội vẫn phải cạnh tranh với Bắc Kinh ở thế mất cân bằng như từ trước đến nay và sẽ tiếp tục như thế.
Điều hấp dẫn nhất của nhân vật Donald Trump đối với người Việt chính là vở kịch của ông ta đánh Trung Quốc. Nhưng nếu như dân chúng Việt Nam rất phấn khởi khi xem vở kịch này, tưởng tượng nó là thật, thì giới cầm quyền Việt Nam thận trọng hơn.
Nếu dựa vào thái độ của giới báo chí Việt Nam, viết chính thức trên báo nhà nước, hay sự biểu hiện của họ qua mạng xã hội thì thấy rõ sự thận trọng đó. Theo những gì tôi quan sát được trong sự tiếp xúc hạn hẹp của mình đối với các viên chức nhà nước Việt Nam, một số có suy nghĩ cũng phấn khởi với ông Trump như dân chúng Việt Nam, nhưng một số đông e dè.
Về mặt chính thức, chính phủ Việt Nam nói rằng, họ có quan hệ với cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Với Tổng thống Joseph Biden, Hà Nội lại sẽ đối phó với các vấn đề dân chủ, dân quyền như các đời tổng thống trước Trump, điều mà họ đã quen. Ông Biden chắc chắn sẽ có một chiến lược mới mang tính tập thể để chống Trung Quốc ở biển Đông và Đông Á. Đây là câu chuyện khó cho Hà Nội hơn, vì khi tham gia một liên minh như vậy dễ đi đến việc phải chọn phe, dễ ảnh hưởng đến chính sách đu dây giữa Bắc Kinh và Washington cố hữu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét