Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Chúc mừng 20/11 và nhớ về một vài thầy cô giáo cũ

Chúc mừng 20/11 và nhớ về một vài thầy cô giáo cũ
Chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày 20/11 hôm nay, ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta tôn vinh những công lao to lớn của các Thầy giáo, các Cô giáo đối với nhân dân, đối với đất nước. Chúc tất cả các thầy cô giáo luôn luôn khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc và tiếp tục thành công trong sự nghiệp giáo dục đầy vẻ vang của mình. 
12 bài thơ hay và ý nghĩa nhất - Chúc mừng thầy cô giáo nhân ngày 20/11 - 3
Nhân đây tôi cũng xin chân thành cám ơn một số bạn đã gửi nhắn tin zalo, messenger, viết lên trang fb và blog cá nhân những lời chúc thân tình dành cho tôi, vì tôi bây giờ về hưu cũng bất ngờ trở thành giáo viên đại học. Tối qua tôi rất vui được mời tham dự liên hoan ở thành phố Thái Nguyên cùng các anh chị em phản đối BOT Bờ Đậu mừng thành công của chuyến hành quân giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt ở Quảng Bình (4-7/11); tại liên hoan tôi cũng đã nhận được nhiều lời chúc mừng nhân ngày quốc tế đàn ông (19/11) và ngày Nhà giáo Việt Nam.

Vào những ngày này, ai ai cũng nhớ về một vài người thầy, người cô mình đặc biệt yêu mến trong thời kỳ chúng ta còn đến trường. Tôi cũng thế. Tôi nhớ về nhiều thầy cô, trong đó ấn tượng nhất là

1) Cô Khanh dạy tôi trong những năm sơ tán tránh bom đạn Mỹ (1966-1968) ở giáp ranh Hà Bắc và Bắc Thái; cô rất hiền và rất quý tôi mặc dù tôi lười học, mải đá bóng bưởi và bắn chim hơn là đến lớp. Cô còn chở tôi đi thi học sinh giỏi toán cấp 1 ở huyện nhưng buồn và phụ lòng cô là tôi chẳng được giải gì.

2) Thầy Huyên dạy tôi hồi tôi học cấp 1 ở trường tiểu học Trung Hiền nằm trong ngõ Trại Cá, đường Trương Định, Hà Nội trước năm 1970. Nhà thầy rất nhỏ, chỉ khoảng 10-12 m2, nằm ngay sát ngã tư Đại La - Trần Đại Nghĩa bây giờ. Thầy cũng rất hiền. Hồi đó thầy bị tố cáo một chuyện không hay làm chúng tôi rất buồn và tức giận. Chúng tôi dù nhỏ những đã dám lên tiếng bảo vệ thầy mặc dù thầy lặng im chấp nhận, không cãi lại tổ chức và một số phụ huynh. Tôi nhớ bản thân đã làm một bài thơ động viên thầy, trong đó còn nhớ mấy câu như "Thầy Huyên đau trước, em đau sau. Thầy Huyên đau ít, em đau nhiều...".

3) Cô Nga dạy văn cấp 2 trường trung học cơ sở Hà Huy Tập, trong phố Hồng Mai bây giờ. Cô toàn cho tôi điểm văn tới 7-8, thậm chí cả 10, trong khi cả lớp chỉ 3-6. Các bạn tuổi tôi chắc đều nhớ hồi đó điểm văn 7 hiếm lắm. Điểm văn của tôi cao quá làm tôi rất xấu hổ vì sợ bạn bè cho rằng tôi người nhà của cô giáo mặc dù thực tế không phải vậy. Cuối cùng vào một hôm đẹp trời, tôi phải dũng cảm gặp cô đề nghị cô đừng cho em điểm văn cao như thế vì em tự biết văn em cũng rất bình thường như các bạn khác và cô làm thế em rất xấu hổ. Cô chỉ cười, và rồi vẫn tiếp tục cho tôi điểm cao, vẫn đem các bài văn của tôi làm mẫu cho các bạn ở lớp học.

4) Hồi học cấp 3 trường Đoàn Kết - Hai Bà Trưng là thời tôi có nhiều thầy cô đáng nhớ nhất, nhưng tôi chỉ yêu quý có hai người. Một là cô Trang dạy hóa và cô Hoa dạy văn. Cô Trang sống ở một tòa nhà như biệt thự trên đường Tô Hiến Thành, còn cô Hoa ở mãi tận phố Phùng Hưng. Tôi quý hai cô vì hai cô rất vui vẻ, thân thiện với tôi và toàn cho tôi điểm cao. Thậm chí có những bài tôi làm sai một nửa vẫn được cô Trang cho 10 điểm làm tôi chẳng hiểu sao cả. Lại phải mở ngoặc nữa là thời ấy điểm 8 trở lên rất ít.

Ngược lại số thầy cô tôi không thích thời cấp 3 hơi nhiều, trong đó có thầy tôi đặc biệt ghét, ghét nhất là thầy Bùi Quốc Trung, nhà ở phố Quang trung, là giáo viên chủ nhiệm lớp và dạy môn toán trong 2 năm lớp 8 và lớp 9 (hệ 10/10). Chúng tôi đã tổ chức phản đối thầy nhiều lần, đỉnh điểm là vụ thầy bắt bầu 2 người làm Bí thư chi đoàn và Trưởng lớp. Chúng tôi vận động nhau nhất định không bầu. Danh sách bầu giống y như bầu Tổng bí thư Đảng ta, chỉ duy nhất có 1 người để bầu cho 1 chức. Sau mỗi lần thất bại, thầy Trung lại vào lớp giáo huấn cả lớp, rồi bắt bầu lại; kết quả lại không quá bán; thầy lại vào lớp huấn thị, quyết tâm cho bầu nhiều lần đến khi nào hai người đó trúng cử thì lớp mới được về, chi đoàn mới giải tán.

Sau những lần bầu cử nhớ đời đó, chúng tôi tiếp tục đấu tranh, tố cáo lên nhà trường. Thầy Trung tìm cách trù dập tôi. Tôi bị cho điểm thấp, bị xếp hạnh kiểm trung bình (lớp chỉ có vài bạn học rất kém bị) mặc dù tôi luôn thuộc tốp giỏi nhất lớp, nhất là giỏi toán. Khi nghe thầy Trung thông báo trước lớp, nhiều bạn rất ngạc nhiên. Có bạn đã dũng cảm đứng lên chất vấn thầy tại sao lại cho tôi hạnh kiểm xấu như vậy ? Đáng ngạc nhiên là thầy thản nhiên trả lời "việc này chỉ có tôi và cậu Đức biết". 

Rất may cuối cùng cuộc đấu tranh âm thầm của chúng tôi rồi cũng thắng lợi. Thầy Trung bị cắt chức chủ nhiệm lớp và không được dạy toán nữa khi chưa hết năm lớp 9, thay vào đó là thầy Kỳ. Thầy Kỳ biết chúng tôi không phải loại dễ bảo nên mang danh là chủ nhiệm lớp nhưng thực tế không can thiệp gì, để mặc lớp chúng tôi tự quản với nhau. Chúng tôi giới thiệu một thầy giáo khác có trình độ cao, rất vui tính và thân thiện với tôi làm giáo viên dạy toán, tên thầy cũng là Chung, nhưng bắt đầu là CH chứ không phải là TR. Tôi đã đến nhà thầy ở ngõ Quỳnh đường Bạch Mai, vận động và rất may ban giám hiệu nhà trường đã đồng ý.

Khoảng 25 năm gần đây phú quý sinh lễ nghĩa; các bạn cấp ba thỉnh thoảng lại tổ chức hội lớp, nhưng tôi chỉ tham gia duy nhất 1 lần năm 1997 và không bao giờ tham gia nữa. Nghe các bạn nói lần nào lớp cũng mời thầy Bùi Quốc Trung đến dự nhưng không bao giờ thầy đến. Cũng nghe nói sau này thầy chuyển sang trường Phan Đình Phùng, cũng gặp vài chuyện bê bối tài chính gì đó..., tôi không biết đúng hay sai. Cách đây khoảng 2 tháng, nhân đọc một bài trên fb của tôi, một bạn học cùng cấp ba có gọi điện cho tôi để ôn lại thời đó. Bạn nói hình như thầy Trung đã mất rồi...

Hồi đó còn có một thầy giáo nữa tôi không thích vì thầy dạy văn rất kém. Thầy giảng y như quan chức tuyên giáo thời nay, tức là to mồm át tiếng người khác (nói kiểu lao động chân tay là lấy thịt đè người). Tôi ghét không phải vì tôi bị thầy trù dập hay thầy dốt mà vì thầy hay dọa dẫm, nói xấu bạn thân của tôi; thậm chí có lần khi thầy vừa vào lớp, bạn ấy ngồi ngay bàn đầu đã đứng phắt dậy, không chào hỏi, lập tức chất thầy tại sao nọ, tại sao kia... Có lần thầy đem chuyện thi đại học khó khăn dọa chúng tôi, bảo lười học thế này thì không thể đỗ được đại học. Tôi tức mình làm bài thơ chuyền cho các bạn cùng lớp xem. Nội dung đến nay tôi vẫn nhớ: "Đỗ đạt làm chi hỡi học sinh - Phú quý vinh hoa chỉ hại mình - Chết đi phú quý còn chi nữa - Đi học thế này chán chán kinh". Thầy tên là Đỗ Phú, ghép 4 chữa đầu mỗi dòng thơ sẽ thành câu "Đỗ Phú chết đi".

- Để ôn thi đại học, bố tôi có giới thiệu tôi đến học ở một lớp học thêm do một người bạn cùng cơ quan của bố tôi tổ chức. Tôi đã học khoảng 6 tháng ở đó. Ngay trong tháng đầu tiên, tôi đã cho rằng giáo viên ở đây trình độ kém nhưng học phí thì cao. Rồi chúng tôi tính ra người tổ chức lớp vừa bóc lột giáo viên, vừa bóc lột học sinh nên ông ta có lợi nhuận rất cao. 

Thế là tôi chủ trì cắt ngay chức của ông ta, đuổi ông ta ra khỏi lớp. Tôi tự đứng ra thu tiền rồi tự chi tiền cho các thầy giáo. Học thêm 3 môn, tôi chỉ giữ lại thầy dạy vật lý (vì thầy rất giỏi), còn với 2 môn toán và hóa, tôi mời giáo viên khác về dạy; đều là các thầy rất giỏi. Môn toán có thầy Thành, nhà ở Hà Đông, đang là cán bộ nhà xuất bản giáo dục Hà Nội. Môn hóa có thầy Toản, nhà ở phố Phan Bội Châu, do bạn cùng học giới thiệu. Thầy Toản là người chuyên ra đề thi vào đại học môn hóa. Tôi tin chắc 100% bạn tôi biết trước đề thi hóa năm đó nên bạn được điểm rất cao và đủ điểm đi Bungary học. Tôi thì số đen, vì giỏi nên chủ quan. Thi lý được 10 điểm, hóa được 8 điểm nhưng toán giỏi nhất thì lại bị 5 điểm vì vừa làm phần 2 đã sai ngay khi tính đạo hàm, dẫn tới cả phần 2 sai hết. Hồi đó tôi làm bài xong là đưa cho các bạn cùng phòng chép, nên không đọc lại và do đó không biết mình làm sai...

- Thời học đại học tôi quý mên nhiều thầy nhưng duy trì khoảng cách chứ ít tiếp xúc gần. Đó là vì bố tôi nguyên là chủ nhiệm khoa trong trường và là một trong số ít những người về thành lập trường sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi học trong trường của bố và các thầy là thế hệ sau của bố tôi. Tuy nhiên điều may mắn là các thầy đều quý mến tôi, nhất là những thầy chủ chốt trong khoa, như thầy Hoàng Văn Khoan, thầy Trần Túc, thầy Vũ Thiếu, thầy Trần Điệt... Hồi đó tôi học giỏi, là cán sự toán của lớp, nên tôi thường làm theo ý tôi, ít quan tâm đến đòi hỏi của người khác nên cũng bị nhiều người ghét. May mắn là nhờ có các thầy nêu trên, cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp thuận lợi. Thậm chí các thầy còn giới thiệu tôi cho giáo sư toán học nổi tiếng thế giới Hoàng Tụy để thầy Tụy nhận tôi vào làm ở Viện toán học hay Trung tâm phân tích hệ thống do thầy Tụy làm Viện trưởng và Giám đốc, tùy tôi chọn.

Tôi cũng có nhiều sự kiện không bao giờ quên thời học đại học, điển hình là

- Nổi tiếng vì trốn học, nghỉ học. Có lần tôi đang đi dưới sân trường thì nghe loa trường thông báo danh sách sinh viên nghỉ học nhiều nhất học kỳ 1. Tên tôi đứng đầu vì nghỉ nhiều nhất trường (trốn học đi đá bóng). Tôi tức quá, gặp đám lãnh đạo lớp (họ thay giáo viên điểm danh) cãi tùm lum...

- Có lần phóng xe trong đường nội bộ trường lỡ đâm chết gà của thầy giáo trong khoa. Thầy chạy ra mắng thì tôi cãi lại, ông cứ thả gà ra đường thì tôi cứ đâm chết. Đen đủi thế nào, tháng sau vào lớp lại thấy thầy đang ngồi ghế chờ. Hóa ra thầy dạy tôi 1 môn. Thế là cả học kỳ đó tôi và thầy cứ gườm nhau. Tôi thì không sợ nên thầy cũng không dám làm gì dù nghe đồn thầy này tính như đàn bà, thù vặt và thù dai. 

- Cũng chuyện với thấy giáo kể trên. Sau này khi lớp phải đi thực tế, thầy tìm được nơi thực tập cho khoảng 20 sinh viên chúng tôi ở nhà máy bánh kẹo Hải Châu, đường Minh Khai. Tôi cũng anh em trong lớp đến nhà máy, sau một vòng khảo sát, tôi tuyên bố ở đây chẳng có gì phù hợp với ngành học của mình để thực tập. Thế là anh em chúng tôi kéo nhau về trường. Tôi gặp chủ nhiệm khoa trình bày và xin cho anh em chuyển đi thực tập nơi khác. Thầy tức điên, chạy lên khoa quát ầm ầm vì làm thầy mất mặt với nhà máy Hải Châu, rồi dọa chủ nhiệm khoa sẽ mặc kệ chúng tôi, muốn đi đâu thực tập thì đi và thầy không giúp nữa. Tôi lập tức gọi điện cho Viện phân vùng quy hoạch trung ương đề nghị cho tất cả sinh viên trong lớp đến thực tập. Lãnh đạo Viện đồng ý ngay. Hôm sau, nghe tin chúng tôi đã lên Viện thực tập, thầy lại tức điên, lại lên khoa làm um sùm, dọa từ nay không bao giờ hướng dẫn sinh viên thực tập cho khoa nữa. Thầy này nhiều tuổi, tính khí như nói ở trên, làm thầy Hoàng Văn Khoan sợ, đành bảo chúng tôi rút khỏi Viện, trở lại nhà máy Hải Châu thực tập. Dịp đó tôi tự nhiên đọc một cuốn sách tiếng Nga về ứng dụng toán trong tổ chức vận tải ô tô ở nhà máy. Thấy mô hình khá hay, ứng dụng cả vi phân, tích phân và lý thuyết xác xuất... Thế là tôi đồng ý cùng anh em quay lại nhà máy thực tập.

- Trong khi tôi có quan hệ tốt với hầu hết các giáo viên thì tôi có quan hệ rất xấu với lãnh đạo lớp, gồm toàn bộ đội chuyển ngành. Họ nhiều tuổi hơn bọn mới tốt nghiệp phổ thông chúng tôi, chín chắn hơn bọn tôi và khôn hơn bọn tôi. Họ cũng toàn người từ nông thôn ra nên không ưa dân Hà Nội chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi lại cãi nhau với họ và rồi rất tức vì không làm gì được họ. Đây là lý do chính để sau này tôi cũng không quan hệ gì với lớp đại học cũ. Những lần hội trường, hội khoa, tôi thường vào sớm vài ngày, góp 1-2 triệu ủng hộ, thế thôi chứ đến ngày hội thì không bao giờ tôi đến. 

Còn nhiều chuyện vui, buồn liên quan đến học tập và nghề giáo, nhất là với giáo viên bên Pháp, bên Mỹ... Nhưng giờ tôi phải đi dạy 5 tiết chiều nên ko viết được. Vả lại bài dài rồi nên dừng ở đây.

Tôi chỉ tóm lại ít từ là tôi là một người không chịu được bất công, thấy bất bình thì có ý kiến nên bị nhiều người thù ghét. Tôi là người bảo thủ, thường giữ nguyên quan điểm của mình nếu thấy đúng. Thế nên, tôi thường hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những người tôi không thích để khỏi mâu thuẫn. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm, tôi mới phát hiện ra giới trí thức nói chung, giới nhà giáo nói riêng, thường hèn nhát, ăn theo, nói leo hoặc im lặng trước những bất công, tiêu cực, trái pháp luật, nên tôi càng chán họ. Dĩ nhiên bản thân tôi cũng chẳng làm được gì có ích để thay đổi thực tế, có chăng chỉ là đến đâu cũng dám nói thẳng, nói thật (dù càng ngày càng giảm dần vì không muốn gây mâu thuẫn), nên thường bị cô lập, ít bạn bè. Tôi cũng ít qua thăm hỏi bạn bè (một phần vì không muốn mất thời gian cho những lúc chém gió, ăn nhậu vô bổ). Với các thầy cô giáo cũng vậy. Dù tôi hay qua thăm hỏi mấy người bạn thân hay sếp cũ cùng quan điểm, cùng suy nghĩ..., nhưng với các thầy cô giáo thì tôi hiếm khi thăm vì chẳng biết nói chuyện gì, mà chỉ nói những câu xã giao thì chán quá, không muốn đến.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét