Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

(4) Seminar: Biến động nhu cầu xăng dầu theo giá

Seminar một số tình huống thực tế làm bài dẫn để sinh viên đại học thảo luận trong các bài giảng về kinh tế học.
BÀI 4. HỆ SỐ CO GIÃN 
Bạn nghĩ gì về biến động nhu cầu xăng dầu theo giá ?
1. Bối cảnh
Xăng dầu là nhiên liệu (năng lượng) chiến lược của mỗi quốc gia, là hàng hóa thiết yếu đối với đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của đất nước. Đặc biệt, xăng dầu cũng là một trong những nguồn năng lượng chính cho các hoạt động giao thông vận tải và đi lại.

Cung, cầu và giá xăng dầu rất nhạy cảm trước những biến động về chính trị và kinh tế trên thế giới. Hiện tại, sản lượng xăng dầu do các nhà máy trong nước cung cấp chỉ được 30% lượng tiêu thụ trong nước, nên mọi biến động về giá của thị trường thế giới đều tác động mạnh đến thị trường trong nước.
Tình huống thảo luận cho bài này là hệ số co giãn của cầu xăng dầu theo giá.

2. Thảo luận các tình huống

(i) Các nhân tố ảnh hưởng đến giá xăng

Bạn hãy chỉ ra một số nhân tố ảnh hưởng đến giá xăng trên thị trường VN hiện nay.

Do tầm quan trọng của xăng nên giá xăng là một vấn đề thường xuyên được thảo luận và là một phần trong cuộc sống của hầu hết mọi người ở các nước trên thế giới. Giá xăng của một quốc gia, VN cũng không phải là ngoại lệ, phụ thuộc vào hai nhóm nhân tố chính.

- Nguồn cung xăng trên thị trường thế giới. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung xăng dầu như chính sách cung của các nước hoặc nhóm nước (OPEC), chiến tranh, khủng hoảng và thiên tai ở các vùng sản xuất dầu… Nếu những nhân tố này bất lợi, cản trở việc sản xuất và vận chuyển, thì giá dầu thô sẽ tăng lên, làm cho giá xăng tăng lên.

- Giá xăng trên thị trường thế giới. Giá xăng trên toàn thế giới phụ thuộc vào một số yếu tố: giá dầu thô, chi phí chế biến và chi phí vận tải, phân phối, số tiền sẵn có để thanh toán, sự sẵn có của xăng trên thị trường.

Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là giá dầu thô. Giá dầu thô bao gồm chi phí thăm dò, khai thác và vận chuyển.

- Chính sách giá xăng của từng quốc gia.Mỗi nước có chính sách giá xăng riêng. Các nước tiêu biểu đánh các loại thuế xăng dầu cao, do đó có giá cao là các nước Châu Âu và Nhật Bản.

Đa số các nước đánh thuế xăng dầu vừa phải như đối với các loại hàng hóa khác; ngoài ra có thêm thuế bảo vệ môi trường. Khi đó giá ở mức trung bình.

Các quốc gia sản xuất xăng dầu thường giữ giá bán thấp bằng cách trợ giá xăng dầu. Đó là Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út, Iran, Venezuela, Ai Cập, Malaysia, Bolivia và những nước khác.

- Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là nhu cầu của người tiêu dùng. Số lượng xe ô tô cao hơn đồng nghĩa với việc giá xăng cao hơn, hoặc khi người ta lái xe nhiều hơn, điều này thường xảy ra vào những tháng hè hoặc kỳ nghỉ lễ, thì cũng làm giá xăng tăng lên.

Ý kiến của bạn về 4 nhóm nhân tố trên trong năm 2020 như thế nào ? Theo hướng làm tăng hay làm giảm giá xăng trên thị trường nội địa ?

Trả lời xong thì nhìn đồ thị sau.

Đồ thị giá xăng dầu 6 tháng đầu năm 2020, đ/lít

(ii) Bạn đánh giá thế nào về hệ số co giãn của cầu xăng theo giá

Có rất nhiều nghiên cứu xác định những các hệ số co giãn của cầu xăng theo giá cho nền kinh tế VN. Một nghiên cứu, khảo sát phát hiện ra trong ngắn hạn (định nghĩa là 1 năm hoặc ít hơn), hệ số co giãn của nhu cầu sử dụng xăng theo giá là -0,26. Điều này có nghĩa là một khi giá xăng tăng 10% thì lượng cầu về xăng giảm 2,6%.

Theo bạn, hệ số co giãn như vậy là cao hay thấp, hay hợp lý ? Tại sao ?

(iii) Theo bạn, hệ số co giãn của cầu xăng theo giá trong ngắn hạn cao hơn hay thấp hơn so với trong dài hạn. Tại sao ?

Hệ số co giãn của cầu theo giá trong ngắn hạn bao giờ cũng thấp hơn so với trong dài hạn. Vì sao ?

Vì trong dài hạn đã bao gồm cả trong ngắn hạn. Ví dụ khi giá xăng tăng 10% thì ngay trong năm đầu tiên (ngắn hạn) lượng cầu về xăng giảm 2,6%. Tuy nhiên, vì người tiêu dùng đã có 1 năm học cách tiết kiệm xăng nên trong năm thứ 2, dù giá xăng không biến động, họ vẫn sẽ có xu hướng tiết kiệm xăng theo quá tính. Tình hình tiếp tục kéo dài sang năm thứ 3… Tính tổng cộng cho nhiều năm, việc giá xăng tăng 10% chỉ 1 lần làm cho tiêu dùn xăng giảm nhiều hơn 2,6% trong dài hạn.

Điều tra, khảo sát nêu trên cho thấy trong dài hạn (được định nghĩa như dài hơn 1 năm), độ co giãn của cầu theo giá là -0,58. Điều này có nghĩa là, khi giá xăng tăng 10% thì tổng lượng cầu về xăng sẽ giảm 5,8%trong một số năm, trong đó riêng năm đầu tiên giảm 2,6%.

(iv) Tác động của tăng giá xăng tới vận tải đường bộ (hành khách và hàng hóa)

Thứ nhất, khối lượng vận tải đường bộ sẽ tăng lên hay giảm đi ? Mức tăng hay giảm là mạnh hay yếu ? Có tác động tích cực hay tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế ?

Khối lượng vận tải đường bộ sẽ giảm 1,5% trong vòng khoảng một năm, và tổng cộng sẽ giảm khoảng 3% trong dài hạn (khoảng 5 năm hoặc lâu hơn).

Thứ hai, lượng xăng tiêu thụ sẽ tăng lên hay giảm đi ? Mạnh hay yếu ?

Lượng xăng tiêu thụ sẽ giảm khoảng 2,5% trong vòng một năm, và giảm tới 6% trong thời gian dài hạn.

Thứ ba, lượng xăng tiêu thụ giảm mạnh hơn haykhối lượng vận tải đường bộ giảm mạnh hơn ? Bạn có thể giải thích tại sao ?

Lượng xăng tiêu thụ sẽ giảm mạnh hơn khối lượng vận tải đường bộ.Có nhiều nhân tố giải thích điều này, trong đó những nhân tố chính là

- Khi giá xăng tăng thì người sử dụng xăng sẽ phải tìm cách sử dụng xăng có hiệu quả hơn. Ví dụ hạn chế đi lại những đoạn đường không thực sự cần thiết (không đi vòng vèo), giữ tốc độ xe ở mức độ tiết kiệm xăng, chăm sóc bảo dưỡng xe thường xuyên để tiêu thụ ít xăng, sử dụng các loại xe thế hệ mới tiết kiệm xăng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng…

Thực tế cho thấy hiệu quả sử dụng nhiên liệu sẽ tăng khoảng 1,5% trong vòng một năm, và khoảng 4% trong thời gian lâu hơn. Tức là với cùng một lượng xăng như nhau, nhưng do giá xăng tăng thêm, khối lượng vận chuyển bây giờ tăng thêm 1,5% trong ngắn hạn và tới 4% trong dài hạn.

Ngoài ra, tổng số lượng xe thuộc sở hữu đi xuống giảm 1% trong ngắn hạn, và 2,5% trong dài hạn.

- Sử dụng các loại nhiên liệu, năng lượng khác thay thế cho xăng, ví dụ dùng ô tô chạy bằng điện, bằng năng lượng mặt trời, bằng dầu… Khi đó cùng với lượng xăng tiêu thụ, khối lượng vận tải sẽ tăng lên.

(v) Hãy kể ra một số nhân tố ảnh hưởng tới hệ số co giãn của cầu xăng theo giá.

Phân tích theo 5 nhóm nhân tố

- Đặc điểm của hàng hóa xăng. Đây là hàng thiết yếu, không thể không dùng dù giá tăng.

- Sự sẵn có của các nguồn năng lượng thay thế

- Phạm vi thị trường

- Khoảng thời gian nghiên cứu (ngắn hạn, dài hạn).

- Một số giải pháp thay thế sử dụng xăng hay tiết kiệm xăng để di chuyển. Ví dụ, người ta có thể đi xe buýt hay chung xe khi đi làm hoặc đi học, đi đến siêu thị… thay vì chỉ có một hoặc hai người trên xe.

(vi) Hệ số co giãn theo giá của cầu xăng và doanh thu của Tổng công ty xăng dầu Petrolimex

Petrolimex tin tưởng nếu tăng giá xăng thì sẽ tăng được doanh thu. Liệu điều này có đúng không ?

Trả lời câu hỏi này căn cứ vào trả lời câu (ii) 

- hệ số co giãn như vậy là cao hay thấp ?

- Trường hợp hệ số co giãn của cầu xăng theo giá thấp, tức là ít co giãn thì điều này đúng.Nếu tăng giá xăng thì Petrolimex sẽ tăng được doanh thu.

- Trường hợp hệ số co giãn của cầu xăng theo giá cao, tức là co giãn mạnh thì điều này sai.Nếu tăng giá xăng thì Petrolimex sẽ giảm doanh thu.

(vii) Tăng giá có cho phép Petrolimex tăng được lợi nhuận ?

Mục tiêu cuối cùng của tăng giá chính là tăng được lợi nhuận.

Lợi nhuận bằng doanh thu trừ đi chi phí sản xuất.

Tăng giá có làm chi phí sản xuất của Petrolimex tăng lên không ? Chắc chắn không. Cứ 2 tuần 1 lần, liên bộ Tài chính – Công thương cho phép Petrolimex điều chỉnh giá xăng. Việc duy nhất Petrolimex phải làm là nhân viên bán xăn thay giá cũ bằng giá mới.

Vì tăng giá làm doanh thu tăng nên Petrolimex tăng được lợi nhuận.

(viii) Dự báo cho năm 2020

Dự báo năm 2020 giá xăng trong nước năm 2020 giảm 10% so với năm 2019.

Bạn dự báo gì về nhu cầu tiêu dùng xăng trong nước, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn xăng dầu VN Petrolimex ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét