Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Chính trị VN qua vụ Tướng Chung bị truy tố ?

Vụ Nguyễn Đức Chung khó đoán cấp độ xử đến đâu, nhưng về cơ bản tôi đồng ý với ông Lê Văn Sinh: Nguyễn Đức Chung sẽ đối mặt với hình phạt nghiêm khắc vì ông Nguyễn Phú Trọng biết rõ hơn ai hết về nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng sẽ hủy hoại tính chính danh của ĐCSVN, sẽ dẫn tới chỗ mất Đảng, điều quan trọng nhất với ông. Ông phải xử ông Chung nặng làm gương trước khi ông nghỉ hưu. Tuy nhiên cách chống tham nhũng của ông không căn bản. "Chống tham nhũng phải đi liền với cải cách bộ máy đảng và chính quyền theo khuôn mẫu tự do dân chủ thì mới là căn bản. Khi đó, dù ông Trọng đã nghỉ hưu, công cuộc chống tham nhũng vẫn vận hành trơn tru và hiệu quả. Còn với cách làm hiện nay, ông Trọng nghỉ hưu, ông Phúc lên thay thì công cuộc chống tham nhũng sẽ đi xuống.
Thấy gì về chính trị VN qua vụ Tướng Chung bị truy tố?
24 tháng 11 2020 - Báo chí, truyền thông nhà nước Việt Nam tuần này đồng loạt đưa thêm thông tin về điều tra vụ án khiến ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, một Thiếu tướng và cựu anh hùng trong lực lượng công an Việt Nam, bị bắt và bị bãi chức. Một số nhà quan sát thời sự Việt Nam chia sẻ với BBC News Tiếng Việt bình luận, nhận định từ quan điểm riêng về vụ việc này và qua đó bình luận một số khía cạnh chính trị nội bộ tại Việt Nam, đặc biệt trước thềm Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13.

Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Đức Chung (đầu tiên, phải) được cho là một lãnh đạo năng nổ chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội

"Báo chí và truyền thông nhà nước vừa đồng loạt đưa tin kết quả điều tra vụ án ông Nguyễn Đức Chung không chỉ tham nhũng mà còn phạm tội "chiếm đoạt tài liệu mật nhà nước", với "thủ đoạn hết sức tinh vi" là chỉ dấu cho thấy vụ án này sắp được đưa ra xét xử," từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói với BBC hôm 23/11/2020.

"Nếu vụ án được xử trước Đại hội 13, theo tôi có thể coi đây là vụ án điểm nhằm gửi đi thông điệp, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không từ bỏ công cuộc "Đốt lò" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

"Theo tôi, ông cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ phải nhận mức án nghiêm khắc là điều có thể dự đoán trước.

"Tuy nhiên, khi so sánh vụ việc này với vụ làm lộ bí mật nhà nước trong vụ án Dương Chí Dũng trước đây và vụ tham nhũng đất đai gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và kéo dài ở Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh, thì thấy rằng người ta mạnh tay trừng phạt người này mà nương nhẹ với người kia. Luật pháp không có vùng cấm xem ra chỉ là câu khẩu hiệu."

"Nhiều cái lạ từ thông tin điều tra"

Trước đó, hôm 23/11, ông Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh từng có nhiều năm làm việc trong ngành Công an Việt Nam, nói với BBC:

"Trước hết về vụ việc điều tra với ông Nguyễn Đức Chung, tôi thấy nhiều cái lạ khi đọc được thông tin về kết luận điều tra. Đầu tiên là vai trò "chủ mưu vụ đánh cắp tài liệu điều tra đại án Nhật Cường" của ông Chung. Rõ ràng với cương vị, kinh nghiệm như thế, không thể có chuyện tự nhiên ông Chung lại làm việc tày đình này.

"Ông ta phải biết chắc chắn những vi phạm của những người thân hoặc gần gũi với mình trong vụ Nhật Cường nguy hiểm tới độ nào, có thể liên lụy tới mình ra sao, mới có quyết định liều lĩnh đó. Như vậy, ông sẽ trở thành đối tượng, thậm chí không loại trừ khả năng là "đồng phạm" trong vụ án Nhật Cường.

"Thế nhưng, ở đây lại chỉ truy tố ông Chung riêng về tội "đánh cắp tài liệu" mật, như thể "tách" vụ án làm 2,3 vụ khác nhau, hoặc là "khoanh" vụ việc lại cho … "nhẹ" bớt. Khó tin chuyện "đánh cắp" chẳng có mục đích gì, rất hồn nhiên vô tư, xa lạ với con người thật, cương vị của ông.

"Kế đến vài điểm "lạ" trong những tình tiết báo chí đưa tin về quan hệ của ông Chung với ông Phạm Quang Dũng. "Lạ" từ chỗ ông Dũng nhận làm một việc ghê gớm đó có động cơ gì; (chỉ) 10.000 USD ông Chung đưa cũng không làm rõ được mục đích. Rồi liên lạc giữa hai người qua điện thoại, bị ghi âm mà kết luận điều tra cho là do ông Dũng tự ghi, rồi nộp cho cơ quan điều tra, cũng lạ.

"Sao lại phải có thêm chi tiết là liên lạc qua hệ thống Viber? Có phải để dư luận khỏi ngờ rằng đây không phải là bản ghi âm do ông Dũng thực hiện, mà là từ biện pháp nghiệp vụ công an? Nếu giữa hai người không có mối quan hệ khăng khít từ lâu, thì không thể có chuyện ông Chung liên lạc trực tiếp với ông Dũng nhiều lần theo cách đó được.

"Còn tình tiết ông Dũng đột nhập để lấy cắp tài liệu, theo tôi, cũng quá … buồn cười. Ai lại có thể nhầm lẫn một hộp đựng hơn chục cái điện thoại với hộp (?) đựng tài liệu cần thiết cho mục đích đột nhập của mình được? Ngoài ra, còn nhiều tình tiết "lạ" nữa mà chắc chỉ có thể làm rõ hơn sau phiên tòa sơ thẩm," ông Nguyễn Hữu Vinh nói với BBC từ Hà Nội hôm 23/11/2020.

Có bài học nào được rút ra?

Hôm 24/11, Luật sư Lê Quốc Quân, một nhà quan sát thời sự từ Hà Nội, đưa ra bình luận của mình:

"Theo tôi, điều tra xong thì phải công bố kết luận điều tra thôi. Ở Việt Nam thì báo chí thường dựa vào kết luận điều tra của công an để đưa tin, gần như chỉ một nguồn duy nhất và coi nó là chính thức. Tuy nhiên, không đơn thuần là như vậy mà ở Việt Nam thì báo chí đưa tin gì đều phải có định hướng cả, đặc biệt đối với ông Nguyễn Đức Chung là Ủy viên Trung ương Đảng, khi bị bắt đang là Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, thì tất nhiên phải có động cơ chính trị đằng sau đó.

"Ở Việt Nam chỉ do một đảng lãnh đạo, mọi thứ đều không có đối lập và sự minh bạch. Hoạt động của chính trị gia do cấp trên giám sát và quản lý chứ không phải do dân chúng hoặc báo chí. Việc vi phạm pháp luật thường chỉ có cơ quan nhà nước biết và một khi họ đã quyết định điều tra, quyết định bắt thì tất cả mọi phương án, mọi loại hành vi phạm tội đều có thể được xem xét. Nếu hành vi nào cấu thành tội phạm thì họ sẽ đi theo hướng đó để bắt và kết tội.

"Ông Chung là Ủy viên Trung ương Đảng thuộc thành phần do Bộ chính trị quản lý, cho nên việc quyết định bắt và xử lý ông ấy như thế nào, về hành vi gì, theo tôi đều phải có ý kiến của Bộ chính trị và Ban bí thư. Bài học rút ra ở đây cho tất cả các quan chức là không vi phạm pháp luật, mà nếu có thì phải được cấp trên che chở, phải thuộc về một cánh hẩu đủ mạnh để có thể bao che và cho chìm xuồng các hành vi sai trái của mình."

Báo chí có khách quan?


Nhà quan sát đặt dấu hỏi về tính chuyên nghiệp và bất thiên vị của báo chí, truyền thông chính thống Việt Nam khi đưa tin tức về các bị can trước khi xét xử ở trong nước

Từ Đài Bắc, Đài Loan, luật gia, nhà báo Trịnh Hữu Long, nói với BBC:

"Theo tôi được biết, những thông tin liên quan ông Nguyễn Đức Chung hiện nay trên báo chí chính thống của nhà nước Việt Nam đều là những thông tin một chiều, được lấy từ kết luận của cơ quan điều tra và những thông tin này đều theo hướng bất lợi cho ông Nguyễn Đức Chung.

"Thứ hai, những thông tin này hầu như không có thông tin nào từ phía của ông Nguyễn Đức Chung cả, chỉ có thông tin từ phía cơ quan điều tra mà thôi, cho nên tôi nghĩ về mặt báo chí mà nói, cái này là một cái rất bất ổn.

"Tôi không biết gia đình hay luật sư của ông Nguyễn Đức Chung, hay bất kỳ ai có liên quan đến ông Chung và các bị can, bị cáo khác có ai lên tiếng hay không; và cũng không thấy báo chí nhà nước của Việt Nam đề cập, tìm hiểu hay tìm đến những nơi như vậy, về mặt báo chí, hành nghề, tác nghiệp như thế là không ổn.

" Một điều nữa là các cơ quan báo chí Việt Nam không đưa những quan điểm của giới phân tích, luật sư hay những chuyên gia độc lập về việc này, nói chung không khí chung trên báo chí chính thống Việt Nam là đang xây dựng lên một vụ án về ông Nguyễn Đức Chung theo hướng bất lợi cho ông ấy.

"Cách làm này lâu nay xảy ra thông thường trong môi trường báo chí Việt Nam, nó thường được tiến hành để tạo dư luận ủng hộ cho việc bắt giữ, truy tố và xét xử các bị can, bị cáo trước khi có kết luận, phán quyết của Tòa án, còn cụ thể trong trường hợp này là nhắm vào ông Nguyễn Đức Chung.

"Nhân đây, tôi muốn nói thêm rằng hành vi, cách làm này của báo chí, truyền thông chính thống nhà nước Việt Nam hay có liên hệ với nhà nước, chính quyền, không chỉ không ổn về phương pháp, tác nghiệp báo chí, mà còn có vấn đề với Hiến pháp, pháp luật và các quyền của bị can, bị cáo, mà có thể sau này lịch sử sẽ nhìn lại và lên án, chuyện kết án thay cho tòa rõ ràng thể hiện đây không phải là báo chí chuyên nghiệp và theo tôi đây là cách làm sai cả về đạo đức, chuyên nghiệp và pháp luật, khi nó còn làm nhiệm vụ định hướng cho việc xét xử cho một bên nào đó, chống lại một bên nào đó."

Chính trị nội bộ "quá bí ẩn"?



Chính trị nội bộ Ba Đình còn có quá nhiều "bí ẩn" theo ông Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá an ninh từ Hà Nội

Đưa ra dự đoán với vụ án của tướng Nguyễn Đức Chung, cựu Thiếu tá An ninh Nguyễn Hữu Vinh nói:

"Tôi thấy là vụ án ông Nguyễn Đức Chung mới đầu nghe có vẻ lớn, rồi chỉ chưa tới 3 tháng đã có kết luận điều tra, vỏn vẹn có như vậy.

"Với tình tiết mới này, cùng với diễn tiến gần đây, sau Hội nghị Trung ương 12 (mà vẫn không thấy có quyết định gì của Ban chấp hành TƯ đối với ông Chung), nhất là những mối quan hệ gần gũi của ông ta với nhiều cấp lãnh đạo khác, thì tôi cho là người ta không muốn xử lý nặng.

"Công cuộc chống tham nhũng từ nay tới trước, sau Đại hội 13, tôi cho là không có gì đáng quan tâm, khi mà vụ việc nổi cộm nhất là Thủ Thiêm xem ra vẫn vậy.

"Tôi cũng nghe thấy trong dư luận đặt ra câu hỏi và sự quan tâm về việc ai đứng đằng sau việc theo dõi ông Chung lâu nay, trước khi ông ấy bị bắt, rồi nếu có chuyện ấy thì mục đích chính là gì?

"Về khía cạnh này, tôi thấy rằng vụ ông Chung thì từ lâu đã có những đồn đoán có vẻ khả tín. Nhưng không nên dễ tin vào đó vì theo tôi thực tế chính trị Việt Nam quá bí ẩn, mà sắp đại hội có lắm thông tin nhiễu loạn, được đưa ra mang mục đích chính trị phe phái."

Tùy thuộc vào ý chí ai?

Luật sư Lê Quốc Quân bình luận thêm với BBC về vụ việc tướng Chung và công cuộc "đốt lò" của ĐCSVN:


Công cuộc chống tham nhũng mà báo chí Việt Nam gọi là "củi lửa, đốt lò" do Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đã thu được nhiều thành quả, vẫn theo truyền thông chính quyền

"Về xử lý vụ việc này thì theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Đức Chung là chủ mưu của tội Chiếm đoạn tài liệu bí mật Nhà nước, hành vi quy định ở Khoản 3, Điều 337, Bộ luật Hình sự cho nên thấp nhất cũng phải 10 năm tù.

"Tuy nhiên, ở Việt Nam pháp luật nằm bên dưới ý chí của đảng Cộng sản, vì vậy ông ấy bị xử ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào xu hướng "củi lửa, đốt lò".

"Nếu ông Nguyễn Phú Trọng và những người đằng sau ông Trọng muốn làm mạnh, làm nghiêm túc thì vụ việc còn xé ra to nữa, vì tài liệu bị chiếm đoạt là của vụ án Nhật Cường, thì động cơ đằng sau của việc ông Chung muốn có tài liệu đó là để làm gì, vai trò của ông trong vụ đó ra sao v.v... người ta có thể khởi tố và điều tra tiếp ông Chung với vai trò liên quan về nhiều vụ án khác.

"Thậm chí họ có thể móc được ra người to hơn, cao hơn ông Chung nữa. Tất cả điều đó đều phụ thuộc vào ý chí chính trị của một vài cá nhân hoặc phe nhóm trong Bộ Chính trị và nhóm "củi lửa, đốt lò". Mà các việc đánh đấm trong giai đoạn này chắc chắn là có chi phối rất lớn bởi tính chất Đại hội 13 đang đến gần, theo góc nhìn của tôi.

"Tuy tôi không biết ai đứng sau vụ theo dõi, xử lý ông Nguyễn Đức Chung, nhưng tôi tin chắc chắn sẽ có một ai đó quyền lực rất lớn. Họ có thể nhân danh này nọ nhưng tôi nghĩ cũng vì lợi ích cá nhân. Còn xét về mặt quy định thì Bộ Chính Trị đứng trên ông ấy, quản lý ông ấy."


Nhiều quan chức cao cấp đã bị xử lý, kỷ luật, truy tố, xử tù qua chiến dịch "đốt lò, củi lửa" do ĐCSVN tiến hành mấy năm qua

Một chiến dịch dài hơi

Luật gia, nhà báo Trịnh Hữu Long nêu góc nhìn của mình với BBC về chủ đề này:

"Chiến dịch "củi lửa, đốt lò" chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng phát động tất nhiên là một chiến dịch thanh trừng trong nội bộ, tôi nghĩ nó là một chiến dịch dài hơi xuyên Đại hội được tung ra để phục vụ cho một phe phái nào đó đang cầm cờ và phất trong tay.

"Nhưng như với những gì và cách thức báo chí chính thống nhà nước đưa tin với ông Nguyễn Đức Chung, ông Đinh La Thăng và các bị can, bị cáo khác, dù là các quan chức bị cho là "củi" bị đưa vào lò như lâu nay, cho thấy chiến dịch này không cho thấy biểu hiện của một nhà nước pháp quyền.

"Nhà nước pháp quyền sẽ xử lý tham nhũng mà không cần quan tâm đến các phe phái chính trị, còn chiến dịch "đốt lò" của đảng Cộng sản Việt Nam rõ ràng là một chiến dịch mang tính chất chính trị thuần túy, chứ không phải là một chiến dịch trấn áp tội phạm gì cả, đó là hai vấn đề rất khác nhau.

"Và tôi tin rằng khi một phe phái trong đảng đã xác lập được quyền lực và ổn định được quyền lực của mình, thì khi đó cuộc chiến mà họ đặt tên là "chống tham nhũng" về cơ bản sẽ chấm dứt và nó sẽ chỉ được khởi ra trở lại trong chế độ, cơ chế và thể chế cộng sản toàn trị, độc quyền này ở Việt Nam khi một ai đó, phe phái nào đó trong đảng cầm quyền này cần thiết lập lại một trật tự quyền lực của họ mà thôi."


Hà Nội được cho là quản lý và xử lý đại dịch Covid-19 khá tích cực trong thời gian ông Nguyễn Đức Chung tham gia chỉ đạo từ quý đầu năm 2020

Sẽ mang lại kết quả?

Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh bình luận thêm:

"Tôi nghĩ ông Nguyễn Đức Chung sẽ đối mặt với hình phạt nghiêm khắc. Cách thức đưa tin của truyền thông nhà nước như trên đề cập cho thấy điều đó.

"Còn nói về công cuộc "củi lửa, đốt lò", tôi cho rằng ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biết rõ hơn ai hết về nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng sẽ hủy hoại tính chính danh của ĐCSVN, sẽ đẩy đất nước đến chỗ lụn bại.

"Công cuộc chống tham nhũng do ông phát động có mang lại kết quả nhất định, nhưng theo tôi vẫn không căn bản.

"Chống tham nhũng phải đi liền với cải cách bộ máy đảng và chính quyền mạnh tay và triệt để như cách ông Lý Quang Diệu đã làm ở Singapore? Tiếc rằng, Việt Nam lại chưa làm được như thế.

"Cuối cùng, không chỉ trong vụ việc cá biệt nào, tôi cho rằng, với Việt Nam, cách chống tham nhũng hiệu quả là cải cách thể chế chính trị theo khuôn mẫu tự do dân chủ. Khi đó, dù TBT Nguyễn Phú Trọng có không tại vị nữa, thì công cuộc " củi lửa, đốt lò" vẫn vận hành trơn tru và hiệu quả," nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm riêng với BBC.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55044068

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét