Trong tâm bão dịch: Đừng quên Gạc Ma
fb Nguyễn Ngọc Chu 14-3-2020 - Nhắc lại sự tráo trở của nhà cầm quyền Trung Quốc không phải để gây hận thù, mà để không quên. Nhắc lại Lịch sử Gạc Ma để nhớ công ơn các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc, để không quên lãnh thổ đang bị Trung Quốc chiếm đóng.1. Đúng 32 năm trước vào sáng ngày 14/3/1988, Hải Quân Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma. Lực lượng tàu chiến của Trung Quốc gồm 3 tàu khu trục:
• Tàu khu trục 502 Nanchong / Nam Sung / 南充, lớp Giang Nam/065 (Jiangnan Class/065). Nặng 1.400 tấn, trang bị 3 pháo 100 mm và 8 pháo 37mm;
• Tàu khu trục 556 Xiangtan / Tương Đàm / 湘潭, lớp Giang Hộ II/053H1 (Jianghu II Class/053H1). Nặng 1.925 tấn, trang bị 4 pháo 100 mm và 2 pháo 37mm;
• Tàu khu trục 531 Yingtan / Ưng Đàm / 鹰潭, lớp Giang Đông/053K (Jiangdong Class/053K). Nặng 1.925 tấn, trang bị 4 pháo 100 mm và 8 pháo 37mm) – đã bất ngờ nã pháo tấn công 3 tàu công binh trọng tải 500 tấn của Việt Nam là HQ 604, HQ605, HQ505. Dã man hơn chúng dùng pháo 100mm và 37mm bắn vào 70 chiến sĩ công binh Việt Nam lưng trần đứng vòng tròn xung quanh cờ Tổ quốc bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma, làm 64 chiến sỹ hy sinh. Thảm sát Gạc Ma là vết nhơ của Hải Quân Trung Quốc.
2. Thế nhưng, Trung Quốc đã chơi lá bài hai mặt trong tuyên truyền về Thảm sát Gạc Ma. Một mặt, trong nội quốc, liên tục hàng năm Trung Quốc rầm rộ tuyên truyền về thắng lợi “Hải chiến Nam Sa” (cách Trung Quốc gọi Trường sa), không chỉ trong quân đội, mà trong toàn dân, nhất là trong các trường học ở bậc phổ thông. Trung Quốc còn đê tiện đưa các hình ảnh Thảm sát Gạc Ma trong phim kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.
Ở bình diện Quốc tế, Trung Quốc lại bịa đặt rằng trong khi các tàu Trung Quốc đang bỏ neo để yểm trợ cho “một nhóm nghiên cứu Liên hợp quốc thăm dò mỏ dầu ở Gạc Ma” thì Hải quân Việt Nam nổ súng tấn công, vì thế Hải quân Trung Quốc “bắt buộc phải tự vệ”.
3. Sự bịa đặt vu khống của nhà cầm quyền Trung Quốc là vô đối trong lịch sử nhân loại. Trung Quốc bịa đặt vu khống từ ngàn xưa, hôm nay, và còn mãi về sau. Trung Quốc bịa đặt vu khống không chỉ đối với Việt Nam, mà đối với tất cả các quốc gia có quan hệ.
4. Cụ thể, mới cách đây 2 ngày (12/3/2020), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã vu cáo Mỹ đưa virus corona đến Vũ Hán. Triệu Lập Kiên viết trên Twitter rằng “quân đội Mỹ có thể đã mang nCoV đến Vũ Hán”.
Phản ứng tức thì, ngày 13/3/2020 Bộ Ngoại giao Mỹ – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stil – đã triệu tập đại sứ Thôi Thiên Khải để phản đối “chiến dịch tung tin giả toàn cầu trắng trợn về nCoV” của Trung Quốc.
Đến cường quốc số 1 Hoa Kỳ còn bị Trung Quốc vu cáo là nguyên nhân gây ra đại dịch virus Vũ Hán mà cả thế giới đã biết rõ, thì trong quan hệ nửa kín nửa mở giữa Trung Quốc với Việt Nam – có điều gì mà Trung Quốc không thể không bịa đặt vu cáo.
5. Nhắc lại sự tráo trở của nhà cầm quyền Trung Quốc không phải để gây hận thù, mà để không quên.
Nhắc lại Lịch sử Gạc Ma để nhớ công ơn các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc, để không quên lãnh thổ đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Nhắc đến Gạc Ma để rút ra những bài học trong quan hệ với Trung Quốc, rằng:
a. Ý THỨC HỆ VỚI TRUNG QUỐC CHỈ LÀ VỎ BỌC CHO Ý THỨC ĐẠI HÁN,
b. Ý THỨC HỆ VÔ NGHĨA TRƯỚC Ý THỨC DÂN TỘC,
c. SỢ ĐỐI ĐẦU SẼ KHÔNG TRÁNH KHỎI ĐỐI ĐẦU ,
d. YẾU THÌ BỊ BẮT NẠT.
Từ đó để có sách lược phù hợp.
Gạc Ma mãi là một vết thương không lành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét