Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

Đau xót nông dân có phải là quá thái ?

Đau xót nông dân có phải là quá thái ?
Tôi vừa đăng bài "Cần chấm dứt trò ngay trò THI ĐUA LỐ BỊCH!" của GS Mạc Văn Trang kèm cảm thán của cá nhân tôi là "cảnh rét mướt xót xa (lại thêm virus corona rất phát triển trong khí hậu lạnh) y như thơ Tố Hữu đã viết cách đây hơn nửa thế kỷ ; nhìn nông dân thương lắm…", thì lập tức có bạn đã bình luận chê "Ngàn năm nay quen rồi, chú cứ đau sót thái quá, nông dân ko xuống ruộng thì ai xuống ? Lấy gì ăn, vớ vỉn". Câu này làm tôi băn khoăn suy nghĩ mãi ?
Quan trên ngồi ghế thật cao
Xã thôn đều cử đại diện lên chào
Đoàn thể ra vào làm lễ dâng hoa
Trong bài, bác Trang viết thấy "Hội thi cấy ở đầu làng. Tôi liền chạy ra xem. Mồng 2 Tết, trời rét tê tái, lất phất mưa phùn. Chừng 10 phụ nữ chia 2 nhóm, đang chổng mông cấy lúa thẳng hàng. Nhìn chị em gầy nhom, da tím tái, chân tay trực tiếp nhúng xuống bùn nước giá buốt, thương quá". Như vậy tôi và bác Trang đều đồng cảm với nhau.

Trong bài, bác Trang đưa ra 5 ý để phê phán trò thi đua xuống đồng do các cơ quan Đảng và Nhà nước phát động. Tôi rất đồng tình. Đặc biệt tôi rất thích ý kiến thứ 2. Tự hào gì thứ lao động cực khổ? Tổ chức ILO và các nước văn minh đều quy định, không để PHỤ NỮ LÀM NHỮNG VIỆC CỰC NHỌC: Phải gánh, đội, vác trên mình trên 20 – 30 kg; phải tiếp xúc với môi trường độc hại, phải làm những động tác, tư thế không phù hợp với phụ nữ… Để phụ nữ chổng mông, lội bùn rét buốt, cấy lúa cả ngày là việc cực nhọc, phải tìm cách thay đổi cách canh tác sao cho văn minh hơn. Trong khi chưa có cách nào, đành phải cấy lúa như xưa, nên lặng lẽ mà làm, có gì mà ầm ĩ khoe khoang cái lạc hậu, kém văn minh lên VTV1 trước toàn dân và thế giới?

Tôi nhớ tới câu chuyện nghe được vào những năm 1980 của thế kỷ trước. Hôm đó xã tổ chức cho chị em liên hoan sau khi đoạt giải nhất giải cấy giữa ngày hè nóng bức. Thấy ông chủ tịch xã mặt đỏ tưng bừng đi qua, có người chào ông và hỏi mới đi ăn cỗ ở đâu về ? Khi biết ông ăn liên hoan và uống rượu bia từ tiền thưởng của chị em, họ bảo thế là ông ăn uống mồ hôi mông của chị em rồi. Ông chủ tịch tự ái mắng người dân, nhưng người dân không vừa cũng đáp lại chủ tịch, bảo thế không có chị em chổng mông lên cấy giữa mùa hè, không có mồ hôi đổ ướt mông má các chị thì ông lấy đâu ra rượu bia để uống. Thế là ông chủ tịch xã phải im mồm lủi thủi đi mất.

Thời nay cũng thế thôi. Các quan ngồi ghế thật cao để xem rồi chấm thi xong sẽ đi nhà hàng đớp no say và chia nhau phong bì trước khi về. Chỉ có dân đen mê muội là khổ.

Nói dân đen mê muội vì người nông dân Việt Nam được tiếng là cần cù, siêng năng, chấp nhận lao động lam lũ, nhưng thiếu suy nghĩ nên cả đời bị bóc lột mà vẫn không biết, vẫn luôn miệng tụng kinh ơn đảng, ơn nhà nước...

Quay lại câu chuyện "Ngàn năm nay quen rồi" ở trên, có phải trình độ văn hóa chỉ có thế, đầu óc chỉ có thế nên chúng ta cứ vui vẻ ca bài muôn thuở con trâu đi trước cái cày đi sau và mãi mãi chấp nhận cuộc sống nông dân như thế ? Từ 70 năm trước thế giới đã vào thời đai cơ giới hóa và từ 20 năm nay thì vào thời đại tự động hóa 4.0. Khắp nơi ở nước ngoài người ta áp dụng máy móc và dây truyền sản xuất hiên đai trong nông nghiêp, giải phóng sức lao đông cơ bắp cho hàng tỷ nông dân. Nông dân thế giới đã trở thành công nhân nông nghiệp, lao động cơ giới nhàn hạ, đâu còn lam lũ, khổ cực như nông dân mình. Nhìn nông dân Tây, nghĩ tới nông dân ta, liệu có thể không thương xót nông dân nước mình không ?

Năng suất lao động trong nông nghiệp chưa bao giờ cao như bây giờ, cho phép hàng tỷ nông dân thoát khỏi cảnh làm nông nghiệp, chuyển sang làm dịch vụ. Tỷ trọng GDP và tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn 10% ở các nước đang phát triển và 0-2% ở các nước công nghiệp nhưng vẫn cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho toàn xã hội. Vậy mà ở nước ta, tỷ trọng nông nghiệp giảm vô cùng chậm; đến năm 2020 này, khoảng 20 triệu người vẫn đang lao động trong khu vực nông, chiếm tới 35% số người lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Nông nghiệp cũng chiếm hơn 15% GDP.

Mặt khác, bây giờ máy cấy lúa đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi. Vậy thì tổ chức lễ hội cấy lúa tay và bắt chị em chổng mông cấy lúa để làm gì ? Phải chăng là các quan chức quá xa rời thực tiễn. Quan cấp dưới cứ nghĩ xưa quan cấp trên thích xem chị em chổng mông cấy lúa thì nay cũng vẫn thích ? Họ có học đâu mà biết từ xa xưa trong lễ hội xuống đồng, các quan phụ mẫu, thậm chí cả nhà vua, đều phải thân chinh xuống đồng chổng mông cấy lúa lấy may cho dân làng, đất nước, chứ đâu lại ngồi ghế thật cao để ngắm mông chị em như thời nay thế này.



Ngày nay, việc đồng áng là việc của tư nhân, mỗi nhà làm mỗi kiểu theo cách của mình miễn sao thấy có hiệu quả kinh tế. Có phải làm chung, ăn chung của tập thể, của hợp tác như thời bao cấp đâu mà tổ chức thi đua ? Hãy xóa bỏ những cảnh xuống đồng chung thế này, hãy để người nông dân tự quyết định làm gì trên mảnh đất của mình.

Ngày nay, lễ hội còn được được tổ chức khắp nơi để các quan có chỗ đến thể hiện quyền lực, oai phong của mình và chém gió (và lấy lộc mang về). Đồng thời để dân tham gia và được xem miễn phí nên không còn thời gian suy nghĩ về những điều vô lý cùng cực ở cái đất nước thời mạt này.

Nói về vô lý thì nhiều lắm, không thể nào tả xiết nên xin dừng ở đây kẻo phí thời gian ngày xuân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét