Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Vận mệnh của Trung Quốc: lịch sử đang lặp lại

Vận mệnh của Trung Quốc: lịch sử đang lặp lại
Nguỵ Kinh Sinh - Gần đây, tôi có chút thời giờ ôn lại lịch sử nhà Minh. Thật bất ngờ, tôi phát hiện ra hoàng đế Minh Tư Tông tức Sùng Trinh Đế (Chongzhen, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Minh đã tự treo cổ khi quân đội nông dân nổi dậy tiến vào thủ đô Bắc Kinh) rất giống trường hợp của ông Tập Cận Bình trong hiện tại? Nhà Minh đã bị diệt vong khi Minh Tư Tông trị vì, bởi một vị hoàng đế đầy tham vọng. Bây giờ Tập Cận Bình cũng là một hoàng đế đầy tham vọng nhưng lại không có nhiều năng lực. Nhà Minh có nhiều cơ hội để chung sống hòa bình với các đối thủ bên ngoài biên giới, nhưng lại từ chối làm hòa, ngay cả khi các đối phương yêu cầu như vậy. Nhà Minh tiếp tục tìm cách gây hấn, cho đến khi không còn đường lùi. Tập Cận Bình đã hành động y như là anh em song sinh của Hoàng đế Minh Tư Tông.
Tại sao? Các học giả ở mọi thời đã suy đoán nhiều lý do, và tất cả đều rất hợp lý. Tóm lược lại, chính yếu có ba điểm sau đây. Thứ nhất, giới lãnh đạo chóp bu chỉ biết đến những âm mưu và thủ đoạn của các cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ, thay vì làm thế nào để cai trị đất nước. Thứ hai, toàn bộ giai cấp thống trị đã say sưa tự khoe khoang và mô tả thực tế bằng tâm lý kiêu ngạo, nên không thể đối phó với thực tế, thay vào đó đổ lỗi cho người khác về cuộc khủng hoảng. Thứ ba, các quan chức chỉ quan tâm đến bản thân họ, coi danh vọng và tài sản của họ quan trọng hơn sự thịnh vượng và an ninh của đất nước. Vì vậy, đất nước đó sẽ chỉ bị diệt vong.

Trong một vài năm trước đây, đã có nhiều người đặt hy vọng vào Tập Cận Bình và nghĩ ông như một nhà lãnh đạo thông minh và có năng lực. Hoàng đế Minh Tư Tông cũng trở thành hoàng đế một cách bất ngờ, ông đã mạnh mẽ và nhanh chóng xóa bỏ nạn kiêu binh của bọn hoạn quan và do đó được coi như là một nhà lãnh đạo khôn ngoan, đầy hứa hẹn là sẽ mang lại thịnh vượng. Tuy nhiên, ngoài việc đấu tranh nội bộ và khả năng thao túng quyền lực, tài cai trị đất nước và xử lý ngoại giao của ông là một thảm họa. Ông đã sai trên mọi quyết định quan trọng. Những người tốt bụng đã bào chữa cho ông, nói rằng những sai lầm đó là do phán đoán sai.

Sự hành xử của Tập Cận Bình trong những năm qua đơn giản chỉ là một bản sao của Hoàng đế Minh Tư Tông. Ngoài việc loại bỏ những người bất đồng chính kiến và tập trung quyền lực vào trong tay, nhân danh chống tham nhũng, thì ông không có được một uy tín gì trong các vấn đề đối nội hay đối ngoại. Hoàng đế Minh Tư Tông không sẵn lòng đàm phán khi có thể đàm phán, do đó khiến kẻ thù mạnh mẽ tấn công và người dân của đất nước phải chịu tổn thất nặng nề. Tập Cận Bình cũng kiên quyết kiềm chế đàm phán khi có thể đàm phán hòa bình, và chờ đợi cho đến khi bị đánh thảm hại trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Cuối cùng, chính người dân TQ phải chịu đựng. Để rồi cả nước bị phá hủy.

Một lý do quan trọng ngăn cản Hoàng đế Minh Tư Tông không tham gia các cuộc đàm phán hòa bình là vì sự kiêu ngạo của toàn bộ giai cấp thống trị. Sự kiêu ngạo này đã khiến hoàng đế, vì không muốn chịu trách nhiệm, nên do dự. Bây giờ chúng ta thấy sự tương đồng của các quan chức và các tầng lớp thượng lưu trí thức ở Trung Quốc ngày nay so với những người thuộc triều đại nhà Minh. Cái gọi là lòng yêu nước, được đánh dấu bằng sự kiêu ngạo, đang đứng ngay sau lưng của Tập Cận Bình và Lưu Hạc, vì vậy họ không thể rút lui dù chỉ nửa bước. Nếu rút, họ sẽ được cho là kẻ phản bội và chết không có đất để chôn. Điều này được gọi là “hắn nhấc những tảng đá để nó rớt trúng ngay vô chân hắn”.

Cổ nhân của chúng ta hơn 2.000 năm trước đã biết rằng điều kiện cần thiết hay thậm chí là tiên quyết cho sự sụp đổ của một đất nước là khi giới trí thức đánh mất nền tảng đạo đức. Vào cuối triều đại nhà Minh, tầng lớp quan lại và trí thức thì đầy tài năng, nhưng không thể thuyết phục mọi người phục vụ đất nước. Cái được gọi là “rất nhiều tài năng nhằm phục vụ cho đấu tranh nội bộ, nhưng không có khả năng chiến đấu với bên ngoài.” Có phải thật là vì thời đại không có tài năng? Không. Lý do là do hệ thống lựa chọn bị đảo ngược và môi trường chính trị lúc đó làm cho nhân tài không những trở thành vô dụng, mà còn khó sống.

Các nhà tù chính trị của Tập Cận Bình rất giống với các nhà tù của hoàng đế Minh Tư Tông, tựa như được làm bởi hai người anh em. Trong môi trường như vậy, một nguời không làm gì sẽ không bị tổn hại gì. Còn những người yêu nước, tận tụy và trung thành với hoàng đế gần như chắc chắn sẽ có một kết thúc tồi tệ. Với bầu không khí như vậy lan rộng ra trong giới các quan chức, thì sẽ thật là vô nghĩa nếu triều đại không sụp đổ.

Người dân đã buộc phải nổi dậy bởi vì các quan chức chống họ. Các quan chức này chỉ nghĩ đến việc phải đàn áp bằng vũ lực. Kết quả là những vấn nạn không bao giờ được thực sự giải quyết. Sau cái chết của Dashing King Gao [Sấm vương Cao Nghênh Tường], đã xuất hiện Dashing King Li [Sấm vương Lý Tự Thành], người thậm chí còn thành công hơn, đến mức chiếm lấy hậu cung của hoàng đế. Hoàng đế Minh Tư Tông cuối cùng đã chết mà không có chổ để chôn. Khảo sát phản ứng của Tập Cận Bình trước các cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông, nó đơn giản là đi theo dòng tư tưởng của Hoàng đế Minh Tư Tông. Như vậy kết quả có sẽ khác đi không?

Bất kể Tổng thống Trump có là nhà lãnh đạo khôn ngoan hay hoàng đế vĩ đại hay không, Trung Quốc không phải là đối thủ tiềm năng của Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại này. Điều này giống như quân đội Trung Quốc không phải là đối thủ tiềm năng của quân Thanh vào cuối triều đại nhà Minh. Tất cả các quan chức thời đó và các học giả của các thế hệ sau đều nghĩ rằng hòa bình là cách duy nhất để nhà Minh tồn tại. Không có cơ hội thành công khi chiến đấu trên cả hai mặt trận cùng một lúc, bởi vì các cuộc tấn công liên tục của quân Thanh thực sự đã bảo vệ quân đội nông dân nổi dậy khỏi bị tiêu diệt.

Là thiểu số, tại sao quân Thanh lại ổn định quyền cai trị ngay sau khi chiếm được Trung Quốc? Làm thế nào mà giai cấp quan lại bất tài của nhà Minh lại có thể phục vụ tốt các nhà cai trị nước ngoài? Tại sao những người dân Trung Quốc bình thường, trước đây đã không ngừng nổi loạn, bây giờ lại sống dưới sự cai trị của nước ngoài một cách hòa bình? Thuờng có những học giả không hiểu ra điều này.

Nhìn vào hiện tại khi người dân Hồng Kông thích chế độ thực dân Anh hơn là chế độ Cộng sản ở Trung Quốc, mọi người nên hiểu lý do. Để phải chọn lựa giữa hai cái xấu, không phải đây là nguyên tắc giống như khi triều đại nhà Minh đổi qua triều đại nhà Thanh hay sao?!


Tựa do Trần Đức Anh Sơn đặt
Nguồn bài tiếng Anh: <LINK>
Wei Jing Sheng [Nguỵ Kinh Sinh]
FB Trần Đức Anh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét