Hàn Quốc, miền đất hứa của người Việt trẻ?
13/12/2019 Tôi không bất ngờ với tin 164 du học sinh Việt Nam “biến mất” ở Hàn Quốc. Đây là chuyện thường tình, vẫn xảy ra ở xứ sở kim chi này. Tôi nhớ một gã Hàn, ở một thân một mình. Gã nói nhà nghèo, cha mẹ gã là nông dân. Gã không có chí làm nông, nên ra chợ buôn bán, rồi đi làm xưởng. Bao nhiêu năm qua, cha mẹ ra sao, gã cũng chẳng biết, vì ai lo phần người nấy. Có lần, gã hỏi tôi: “Sao cha mẹ xứ bạn thích đẩy con cái vào cái tròng chữ hiếu, càng trưởng thành thì yêu cầu trả hiếu càng cao? Xứ người đâu phải cái gì cũng tốt, sao không lo kinh tế bên nhà cho tốt mà cứ phải liều mạng xa xứ, rồi đánh đổi bằng mạng sống?”.
164 sinh viên Việt Nam theo học tại Đại học Quốc gia Incheon mất tích.
“Có làm, có chịu”
Sau khi đến Hàn Quốc theo khóa học ngoại ngữ ngắn hạn vào đầu năm 2019, các sinh viên biến mất chỉ sau 3-4 tháng theo học, tức là các bạn đã khá am hiểu tiếng Hàn, khá rành rẽ về “đường đi nước bước”, để có thể im thin thít và lặn mất tăm. Cảnh sát nghi ngờ những du học sinh trên đã bỏ trốn với hy vọng tìm được việc làm chỉ sau một thời gian ngắn học tiếng Hàn.Từ lâu, Hàn Quốc đã là miền đất hứa cho những người trẻ. Với sức hút của phim Hàn, thần tượng Hàn, và mọi thứ mỹ phẩm, sản phẩm hào nhoáng khác. Nếu như những cô dâu Việt (đa phần ở miền Tây Nam bộ) chọn lấy chồng Hàn như một giải pháp đổi đời thì những lao động trẻ ở miền Trung lại có xu hướng “đổi đời” bằng xuất khẩu lao động. Nhưng nếu sang châu Âu, chi phí bỏ ra đến hàng tỷ đồng, còn sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, chi phí chỉ một vài trăm triệu đồng.
Ở các vùng quê của Hàn Quốc, công việc rất nhiều, do người trẻ Hàn bỏ ra thành phố, việc nặng không ai làm. Tiền công làm vườn, ruộng, công nhân ở Hàn Quốc quy ra tiền Việt cũng mấy trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng/ngày. Nếu đi làm, không se sua thì dư dữ lắm. Có tiền, hội nhập tốt thì chuyện sở hữu xe hơi, học lên cao và xin quốc tịch Hàn càng dễ hơn.
Nhưng các công việc này gần như là làm chui, rất cực và không có bảo hiểm, an sinh. Có sức thì làm, bị tai nạn thì ráng chịu. Và nguy hiểm nhất là luôn có tai nạn với người mới qua, do chưa quen việc, do không đội nón bảo hộ, không mang găng tay. Một khi bị tai nạn rồi thì vô cùng khốn khổ vì cũng như lương, chi phí y tế, sức khỏe ở Hàn không hề rẻ.
Làm nông ở Hàn có việc quanh năm, nhưng có sức để làm thì mới trụ nổi. Mùa hè nắng nóng, mùa xuân và thu lạnh, còn mùa đông thì khỏi nói. 5g sáng, ra đồng trong không khí tờ mờ, đốt lửa sưởi và lao vào công việc. Trưa chừng 12g nghỉ 30 phút ăn cơm, có khi tay run chưa mở kịp hộp cơm lạnh cóng thì đã tới giờ làm tiếp. Làm đến khi chạng vạng thì nghỉ. Công việc làm đồng ở Hàn cũng na ná như ở vùng quê xứ Việt nhưng nhiều hơn, nặng hơn, tỉ mỉ hơn, áp lực hơn.
Quê nhà, đất mình, mệt thì nghỉ chút cho lại sức. Xứ người, không có chuyện đó. Làm khoán. Anh phải xong công việc như các người xung quanh, anh chậm thì ảnh hưởng cả dây chuyền. Ngày mai, có thể tài xế không cho anh lên xe đi làm, hay chở anh đến chỗ nào có công việc bèo nhất, mặc anh xoay xở. Vì tài xế Hàn như anh cai, phải vừa làm vừa coi chừng “lính” của mình, lính dở thì chủ vườn, chủ ruộng ngày mai không cho anh “đổ quân” nữa.
Người ở nông thôn Hàn khoái lao động Việt
Người Hàn ở quê thích mướn người Việt, vì người Việt làm kỹ, chăm chỉ, cần cù, không phàn nàn về công xá. Xin mở ngoặc nói thêm, đất Hàn là đất hứa nên người tha hương đông lắm, tóc vàng có Đông Âu, tóc xoăn có châu Phi, da nâu có Ấn Độ, tóc đen có Trung Quốc, Camphuchia, Thái Lan và Việt Nam. Dân Đông Âu có sức nhưng lười, mang vác như lực sĩ nhưng thích tụ tập ngồi uống rượu, hút thuốc hơn làm. Dân châu Phi và Ấn Độ cũng rất khỏe, nhưng không tỉ mỉ; họ khoái làm thời vụ và thường lựa chọn công việc. Người Thái Lan và Camphuchia cũng vậy, đa phần thích làm bên xây dựng vì tiền nhiều hơn. Người Trung Quốc, hễ có thể là tụ về một nhóm, họ khoái làm môi giới hơn.
Chỉ có người Việt không nề hà, giao gì cũng làm, có tiền là làm. Ham nhất là làm khoán, vì làm khoán thì tính công theo sản phẩm. Họ có thể bỏ ăn, làm miệt mài, nhất là vượt định mức để có thêm tiền thưởng. Cho nên, công xá người Việt ngày càng thấp dần, do phá giá nhau, do cạnh tranh, do ham công tiếc việc. Cũng vì vậy mà người Việt dễ bị bệnh, bị tai nạn.
Vài năm gần đây, đã có một số nông trang, nhà vườn là “thiên đường” của người Việt. Đó là nông trang của dạng chồng Hàn - vợ Việt. Vô đây làm, không sợ không biết tiếng, không bị chèn ép. Nhưng cũng hiếm hoi, vì “bà chủ” luôn chọn người thân đưa từ nhà sang, không có người, không kịp việc mới kêu bên ngoài.
Hiện đang có những tổ chức đưa người thời vụ sang, nên lao động tự do trên các cánh đồng, vườn cây, nhà xưởng (khu thu hoạch, sơ chế) càng bị cạnh tranh dữ dội.
Có khá nhiều lao động tuổi trung niên Việt sang Hàn, bỏ cuộc ngay sau một tháng, một năm. Rồi sau đó, đối mặt với áo - cơm - gạo - tiền, lại nhấp nhổm muốn sang. Cũng có khá nhiều người trung niên Việt chăm chỉ học tiếng Hàn, chăm chỉ làm việc và chăm chỉ hội nhập. Họ có thể giữ liên lạc với chủ vườn, chủ xe để có việc làm quanh năm. Họ đồng vợ đồng chồng cùng làm, cùng đi chợ, nấu ăn, tự trả tiền nhà trọ. Trước đây, 2-3 năm, họ về một lần, giờ một năm về hai lần, tránh mùa hè và mùa đông. Họ mua đất, cất nhà, chuẩn bị cho ngày mai êm ấm.
Có rất nhiều cô dâu Việt chọn cách giúp thân nhân mình như vậy. Họ bỏ ra một cục tiền cho thân nhân làm hồ sơ, rồi qua Hàn đi làm trả lại. Người chăm chỉ, giỏi giang sẽ mau chóng tích lũy sau khi trừ nợ, sinh hoạt, ăn uống. Còn người lười biếng, không cầu tiến, sẽ mãi trong cái vòng luẩn quẩn.
Du học, đường đi hợp pháp để… làm “chui”
Gần đây, những tay cò (là người Việt lao động bên Hàn) vẽ ra con đường hợp pháp là “du học sinh”, an toàn hơn đi du lịch rồi trốn, hay hợp tác lao động rồi bỏ ra ngoài… Dĩ nhiên, ở đâu cũng có những ngôi trường cho du học sinh đến học, miễn là đóng học phí. Cứ hồ sơ hoàn thiện, cứ đi học tiếng Hàn, cứ săn mọi chương trình bằng mọi giá miễn là qua tới Hàn Quốc. Rồi đừng trốn liền, cho quen đường đi nước bước đã. Hồ sơ du học sinh dễ đi hơn lao động hợp tác và du lịch, vì họ nghĩ rằng… ít trốn hơn. Rồi sau khi có “ai đó” chứa chấp, bảo đảm có việc tốt là làm ngay, thì hãy “bùm”, bỏ học, ra ngoài đi phụ quán, đi buôn bán, đi làm xưởng, làm vườn, làm đồng, có tiền tươi lo cho bản thân và gửi về cho bên nhà trả nợ.
Có những lý giải: học cũng tốn một đống tiền, mà liệu “biết ra sao ngày sau”. Thôi cứ bỏ một cục (tiền), cho sang Hàn. Nếu đi làm kiếm đủ tiền học thì học, không thì ra ngoài làm. Các phụ huynh ấy đều chưa thấy viễn cảnh đồng tiền xứ người nhọc nhằn ra sao. Các bạn trẻ có sức đó, nhưng liệu có đủ trình để lường trước mọi rủi ro rình rập.
Có những du học sinh cuối tuần không học, đi ra vùng nông thôn làm những việc nhẹ như hái trái, thu hoạch rau. Họ luôn bị các tiền bối quen việc “nặng nhẹ”, vì sợ làm giảm năng suất chung. Họ bị những tay cò khả ố sờ mó, đụng chạm. Họ dễ bị xiêu lòng trước những lời có cánh “việc nhẹ lương cao”, rồi sau đó là triền miên làm việc. Cũng có những câu chuyện về người trẻ trước cám dỗ, sa chân, kiếm tiền bằng việc bán nhan sắc, sức khỏe qua đêm, lại rơi vào cái hố sâu ăn chơi, tiêu xài, mua sắm.
Ở đâu cũng phải cày. Hãy thử cày hết sức nơi quê nhà trước đã. Nhiều người trẻ thích đi, nhưng cũng không ít phụ huynh đẩy con cái qua xứ người bán sức, bán thân để mình được vênh vang với dòng họ, xóm làng.
Tôi nhớ một gã Hàn, ở một thân một mình. Gã nói nhà nghèo, cha mẹ gã là nông dân. Gã không có chí làm nông, nên ra chợ buôn bán, rồi đi làm xưởng. Bao nhiêu năm qua, cha mẹ ra sao, gã cũng chẳng biết, vì ai lo phần người nấy. Có lần, gã hỏi tôi: “Sao cha mẹ xứ bạn thích đẩy con cái vào cái tròng chữ hiếu, càng trưởng thành thì yêu cầu trả hiếu càng cao? Xứ người đâu phải cái gì cũng tốt, sao không lo kinh tế bên nhà cho tốt mà cứ phải liều mạng xa xứ, rồi đánh đổi bằng mạng sống?”.
Đó là khi tôi đi ra nhà thờ học tiếng Hàn, theo nhờ xe của gã. Trên cái ti vi trong điện thoại gã coi, các trang mạng dậy sóng chuyện cô gái trẻ chết ngạt trong thùng xe container bít bùng ở Anh, cùng tin nhắn “con xin lỗi bố mẹ, chuyến đi xuất ngoại không thành”.
Duy Trân ( từ Hàn Quốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét