Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

70% ưu đãi DN 'thân hữu': Khó kiểm soát

Quan hệ "thân hữu", "sân sau" là những hoạt động giống như kinh tế ngầm, bản chất là mafia nên rất khó kiểm soát. Trong khi đó, nếu không kiểm soát chặt chẽ được chúng sẽ dẫn tới những nguy cơ bất ổn, nhất là khi quan chức và giới giàu có hợp sức thao túng cấu kết để điều khiển các hoạt động kinh tế. Giải pháp tốt nhất là xóa bỏ loại DN cũng như quan hệ này, cũng tức là cứ theo mô hình của các nước phương Tây mà làm.
70% ưu đãi doanh nghiệp 'thân hữu': Khó kiểm soát
Cổ phần hóa không tới sẽ là môi trường nuôi dưỡng cho các doanh nghiệp "thân hữu", "sân sau" phát triển, kiếm lợi dễ hơn. Vẫn liên quan tới báo cáo về vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp "thân hữu" của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, theo đó, tỉ lệ ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp này được cho là trong suốt 4 năm qua chưa bao giờ thấp hơn 70%. Số liệu trên khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên, không phải ở tỉ lệ quá cao mà vì lo ngại thực tế còn lớn hơn, phức tạp hơn nhiều.
Doanh nghiệp "thân hữu" khó 
phát hiện nhưng phổ biến. 
Ông chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế Chính trị Thế giới) thắc mắc, VCCI đo lường dựa trên cơ sở, cách tính như thế nào để đưa ra được số liệu thống kê trên. Bởi, thực tế, hiện tượng doanh nghiệp "thân hữu", "sân sau" dù không được định nghĩa cụ thể như doanh nghiệp tư nhân, DNNN hay doanh nghiệp FDI nhưng ai cũng hiểu loại hình doanh nghiệp này đang tồn tại rất phổ biến ở Việt Nam. "Thậm chí, tôi còn nói ở Việt Nam phải tạo quan hệ trước rồi mới thành lập doanh nghiệp sau.

Rất nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn mạnh nhờ khai thác những lợi thế về tài nguyên như rừng, khoáng sản, đất đai... Những lỗ hổng và sự chưa hoàn thiện trong cơ chế quản lý đã tạo cơ hội cho những doanh nghiệp loại này làm giàu một cách thần tốc.

Sự lớn mạnh của doanh nghiệp thực chất đang dựa trên mối quan hệ, ưu đãi chứ không dựa trên năng lực và sự sáng tạo thực sự.

Với một số doanh nghiệp tư nhân không có quan hệ, muốn tồn tại cũng chỉ theo hướng ngắn hạn, chụp giật hoặc phải tạo quan hệ, thân quen.

Tức là sự giúp đỡ đặc biệt chỉ đến với một vài doanh nghiệp từ trước khi chính thức hoạt động, khiến cơ hội của các doanh nghiệp khác sẽ không còn. Nếu để thống kê các doanh nghiệp loại này phải dựa trên tốc độ doanh thu, kiếm lời, hoặc những cơ hội rõ ràng hơn như trong đấu thấu, đấu giá... như vậy chắc chắn là không hiếm", ông Sơn thẳng thắn.

Một bất cập khác cũng được ông Bùi Ngọc Sơn chứng minh cho sự tồn tại phổ biến của doanh nghiệp "thân hữu", "sân sau" là đến từ mô hình quản lý chưa phù hợp.

Dẫn chứng ngay tại các cơ quan bộ, ngành..., ông Sơn cho rằng, cơ quan nào cũng phải mọc thêm "tay ngang". Ở Bộ có các viện, các hội, các trường đào tạo mà đáng lý ra đào tạo phải thuộc về ngành giáo dục nhưng bộ nào cũng phải chen ngang vào.

Hay tình trạng Bộ, ngành sở hữu hàng nghìn hec-ta đất công lại được đầu tư xây nhà nghỉ, nhà khách để kinh doanh. Ở đâu cũng thấy nhà khách riêng của từng bộ, từng ngành, từng địa phương, vậy ai kiểm soát, ai đầu tư? Đây có phải là một hiện tượng "thân hữu", "sân sau" không?

Ông Sơn cho rằng, nếu nhìn từ góc độ này, số liệu VCCI đưa ra chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.

Khó kiểm soát


Vị chuyên gia nói thêm, chính từ những những bất cập trong mô hình quản lý tại các bộ ngành, địa phương là những rào cản gây khó khăn cho quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Sơn, nếu quá trình cổ phần hóa được thực hiện quyết liệt, triệt để, đúng mục tiêu, mục đích sẽ giúp loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ ra khỏi hệ thống sản xuất kinh doanh. Khi đó, những doanh nghiệp "thân hữu", "sân sau" đi lên không dựa trên năng lực, mà dựa trên quan hệ cũng sẽ bị đào thải, thậm chí bị xử lý hình sự nếu phát hiện các hành vi sai phạm, tham nhũng.

Ngược lại, nếu quá trình cổ phần hóa làm không tốt, cổ phần hóa không triệt để thì cổ phần hóa lại trở thành cơ hội thuận lợi dung dưỡng cho các doanh nghiệp "thân hữu", "sân sau" phát triển mạnh mẽ hơn, kiếm lợi dễ hơn.

"Việc này cũng giống "mạng nhện sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng" vậy, không làm tới nơi, tới chốn hiện tượng "thân hữu", "sân sau" sẽ ngày càng phức tạp, khó gỡ", ông Sơn cảnh báo.

70% ưu đãi doanh nghiệp 'thân hữu': Đã hết chưa?

Quan sát từ một số nước, vị chuyên gia cho rằng giải pháp kiểm soát tốt nhất hiện tượng "thân hữu", "sân sau" là phải tách bạch các nhiệm vụ xã hội với kinh doanh. Theo đó, kinh doanh phải theo cơ chế thị trường và được kiểm soát chặt chẽ bởi các công cụ pháp luật.

"Quan hệ "thân hữu", "sân sau" là những hoạt động khó lộ diện, không chính thức cũng giống như kinh tế ngầm, rất khó kiểm soát được.

Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn tới những nguy cơ bất ổn, nhất là khi giới giàu có, thao túng cấu kết để điều khiển các hoạt động kinh tế.

Bài học từ Philippines là một ví dụ điển hình, Việt Nam cần nhìn nhận và rút kinh nghiệm", ông Sơn lưu ý.

Lam Nguyễn
https://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/70-uu-dai-doanh-nghiep-than-huu-kho-kiem-soat-3393878/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét