Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

Cái giá hai chữ Việt kiều!

Mình có gần 20 năm sống ở phương Tây nên thấy tác giả bài này viết đúng. Đưa lên đây để cùng đọc và để có thêm kinh nghiệm sống khi ra nước ngoài. Tuy nhiên cũng phải lưu ý đa số trong số những người đọc và hiểu được bài này là những người đi trước, những người nhiều tuổi, biết những chuyện xưa. Những người đi sau này một phần vì chữ TÔI quá nặng, một phần vì gia đình có gắn bó với chế độ cộng sản và được hưởng nhiều quyền lợi, bổng lộc do chế độ cộng sản mang cho, nên quen sống làm ít hưởng nhiều; do đó khi sang phương Tây sống họ thường không hòa nhập được. Thấy ở phương Tây ai đi làm cực khổ thì chê bai, rồi chê luôn kiếm tiền ở Mỹ Anh Pháp khó và khổ hơn ở VN... Những người này nên sống ở VN, đừng sang phương Tây sống làm gì! Mình thương kiều bào lắm, nhất là kiều bào trước năm 1990. Nhờ có kiểu bào ăn đói mặc rét dành từng xu gửi về VN nuôi người thân mà dân mình sống sót được qua 15 năm hậu chiến. Thế nhưng các thế hệ sau thường quên mất điều đó, không trân trọng những thế hệ trước. Ngay bây giờ, kiều hối mỗi năm 17-18 tỷ đô la là nguồn ngoại tệ vào VN lớn thứ 2 sau vốn FDI. Mình thích đoạn này: Người mới qua hầu hết trên 50% sống ích kỷ, đặt cái tôi hàng đầu; đây là một sự khác biệt lớn giữa thế hệ trước (đã) hy sinh cho người thân. Đừng vội vàng vô ơn quay lưng lại những người (đã) giúp mình.
Cái giá hai chữ Việt kiều!
Thạch Thảo - Hầu hết người Việt mới sang định cư nước ngoài thường bị ghét. Sự khác biệt từ ý thức hệ, lời nói, suy nghĩ, khiến người Việt lâu năm (sống ở nước ngòai) dễ mang cảm giác dị ứng. Đó lại là sự thật. Bản thân người Việt mới sang một quốc gia nào đó thường tự làm cho người ta không “ưa” mình. Chính họ tự làm (cho) người ta dị ứng, chứ không phải (vì) sự kỳ thị của lớp người đi trước.

Người Việt mới sang định cư nước ngoài thường bị ghét
Quan điểm của nhiều người ra nước ngoài ngày hôm nay đa số vì kinh tế, muốn con cháu tiếp xúc nền giáo dục tốt hoặc vì muốn mình trở thành Việt kiều – hơn là tỵ nạn chính trị. Đôi khi lời nói (của) người mới qua dễ (gây) tổn thương các thế hệ đi trước – (các) thế hệ (đã) trải qua đau thương lịch sử để được (có) hôm nay cho thế hệ tiếp theo đón nhận. Thế hệ cha ông chính là người có công đặt viên gạch đầu tiên gây dựng nên cộng đồng với những khu phố Việt, hệ thống cơ sở thương mại Việt và cả ngân hàng nói được tiếng Việt.

Các lớp người mới đến định cư hầu như không phải trải qua giai đoạn khó khăn cơ cực đi lên. Đa số đều được người thân trải đường giúp đỡ, không phải trả giá bằng mạng sống và nước mắt. Họ cũng không phải sống trên sự tiết kiệm, dành yêu thương trên từng thùng quà hay phải gởi tiền hàng tháng giúp gia đình còn lại bên kia bờ đại dương. Vì thế thái độ xem thường cho rằng đó là điều đương nhiên mình được hưởng những cái miễn phí tại xứ người. Người mới qua hầu hết trên 50% sống ích kỷ, đặt cái tôi hàng đầu – một sự khác biệt lớn giữa thế hệ trước (đã) hy sinh cho người thân.

Nhiều quan điểm, ý nghĩ sai lầm dẫn đến sự xa cách trong các mối quan hệ gia đình lẫn bạn bè. Thực ra bất kỳ điều gì cũng phải trả giá từ các thế hệ cha ông, và không gì (tự) trên trời rơi xuống. Ngay cả “Freedom is not free.”

Đừng vội vàng vô ơn quay lưng lại những người (đã) giúp mình. Đừng chê người ta nghèo hơn mình. Đừng than buồn không có tô phở nóng sáng sớm như quê nhà, toàn thực phẩm đông lạnh. Chán. Đừng than không ai nhậu bia, karaoke thường xuyên. Đừng nói thẳng “thà ở Việt Nam vui hơn và có tiền Việt kiều gởi về.” Đừng chê ở Mỹ kiếm tiền khó, không bằng Việt Nam…

Hãy biết trân quý những gì ta đang (được) may mắn hơn hàng chục triệu người (khác) bởi lẽ không phải ai muốn xuất ngoại cũng được. Không phải ai bỏ tiền ra 50 hay 60 ngàn đô la/mỗi đầu người là (có thể) đi qua được trời Tây. Lấy giả chồng (vợ) chưa chắc đến nơi dù bỏ tiền. Diện đầu tư không hẳn lúc nào đều dễ dàng.

Thay vì yêu quý cái mình có thì đừng tỏ ra ta đây hơn người và bất cần. Nếu yêu thiên đường thì nên về luôn, vé máy bay một chiều. Không nên xem đây như một quán trọ đi đi về về. Con người đứng núi này trông núi nọ và thực sự không trung thành một tổ quốc nào thì con người ấy xem như bỏ.

Bản thân bạn đã làm cho người ta ghét và khó hết lòng với nhau.

Không nên lợi dụng đất nước cho con cái mình hưởng miễn phí từ thuế nhiều công dân khác (đã và đang phải) làm việc vất vả đóng (vào) thành ngân sách (quốc gia). Không nên về Việt Nam hưởng thụ nhưng qua trời Tây lại gian dối lươn lẹo, qua mặt chính phủ để hưởng các phúc lợi xã hội. Đó là sự không công bằng và làm xấu đi hai chữ người Việt hải ngoại.

Những câu khó nghe nên về quê nhà nói hơn là (cứ) vô tình hay cố ý chà đạp lên tinh thần yêu tự do, dân chủ mà người ta phải bỏ mạng trên Biển Đông của hàng triệu đồng hương. Nếu ai cứ hay bào chữa (cho) chế độ Cộng Sản, khen vui khen sướng thì hãy về bên (đó) ở mới là có lòng tự trọng. Chê mà cứ nhờ vả thì nhục vô cùng.

Anh là ai, chị là ai, chẳng là cái quái gì nếu chưa cống hiến gì cho vùng đất mới mình (sang) sống. Hãy thể hiện trên hiệu quả công việc và sự đóng góp của một công dân. Còn đi hai mặt (thì) cuối cùng chỉ tự làm nghèo nhân cách mình mà thôi. Khó lấy niềm tin người Việt đồng hương nếu bạn thuộc thành phần khó tin. Ngay người nước ngoài bản xứ cũng không tin và đánh giá thấp bạn.

Vấn đề quan trọng cần phải nhớ đến rằng các nước tự do nơi bạn đang sống cho bạn biết bao cơ hội vươn lên nhưng không bao giờ (lại để) có cơ hội phách lối xem thường người khác. Là người, hãy gắng học hỏi văn hóa xứ người: sự biết ơn, trách nhiệm và sống trung thực. Nếu không chịu tiếp thu, bạn sẽ tự đào thải chính bản thân, khó hội nhập thế giới xung quanh.

Hãy chọn một quê hương và sống hết mình làm gương cho con cháu. Đừng đánh giá vội vàng ai là nghèo, là thua mình. Bạn sẽ nhận lấy sự khinh bỉ xa lánh từ từ dù người ta không nói ra.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét