Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

CHUYỆN LY DỊ THỜI NAY

CHUYỆN LY DỊ THỜI NAY
Trần Văn Giang - Tại sao tỷ lệ ly dị gia tăng mỗi ngày? Tôi thấy là hỏi câu hỏi này tương tự như hỏi “Tại sao trời lại xanh vậy!”. Hôn nhân lành mạnh là khi vợ chồng xem nhau như bạn thân thiết; mỗi người luôn luôn cố gắng làm cho người phối ngẫu của mình hạnh phúc hơn; cố tránh xa cái bẫy nhàm chán; và cuối cùng là cùng nhau tập cách thích ứng với những chuyện không vừa ý, không may thay vì bỏ cuộc ngang (“call it quits”). 

Ngày trước ông bà chúng ta được bố mẹ cho phép gặp nhau vài lần không có thông báo trước (arranged marriage), rồi lấy nhau cái rụp, rất giản dị; nhưng cơ hội sống với nhau cho đến răng long đầu bạc lại rất cao. Ngày nay đám hỏi rình rang, đám cưới rước dâu làm kẹt lưu thông đường phố, tiệc cưới tốn kém phải thay đến 3-4 bộ y phục khác nhau đắt tiền, với hàng trăm khách tham dự; vậy mà chẳng mấy chốc nhìn qua nhìn lại đã thấy… trời đất ơi, họ ly dị hồi nào rồi mà không hay hà (?)…

Tôi có nhận xét đầu tiên là hôn nhân ngày nay phần lớn dựa trên sự lôi cuốn / hấp dẫn (attraction) về hình dạng bề ngoài (appearances) và những cảm xúc (feelings) vội vàng. Theo luật tự nhiên, hình dạng con người sẽ thay đổi và cảm xúc sẽ hao mòn (wear off) theo thời gian và hôn nhân cũng xụi lơ theo!

Ngày nay, trước khi đi đến hôn nhân, tốt hơn nên bỏ qua cái ý niệm kết cục “hơn cả tuyệt vời” của các câu chuyện thần tiên “Disneyland” như “sau cuộc tình thơ mộng là hạnh phúc sống bên nhau suốt đời!” Đời sống thực ngày nay có rất ít cuộc nào mà tình đáng được gọi là thơ mộng. Phần lớn các cuộc tình đều có bắt đầu từ chút “hấp dẫn về thể xác (lust).” Nhận xét có vẻ hơi bẽ bàng nhưng không hẳn là sai! Chúng ta có thể có cảm tình rất đậm đà với một đối tượng nào đó qua sự can đảm, sự thông minh, sự hòa nhã, tính nhân ái; nhưng khi nhìn kỹ lại hình dáng sắc diện thì… eo ôi!!! Có lẽ xin ơn trên giúp cho được ở giá cho đến hết phim cũng được không sao!

Dù muốn hay không, hôn nhân là một cuộc hành trình rất cam go dài cả đời người (a lifelong commitment) chứ không phải chuyện đại khái qua loa như một buổi “picnic” hay bữa nhậu chỉ cần kéo dài đến cuối ngày là xong đâu.

Lời thề nguyện trong lễ hôn phối (wedding vows) ràng buộc bởi luân lý, luật pháp và tôn giáo thường không để chừa một khe hở, một khoảng cách nào thỏa đáng cho một sự “chia tay” loại “tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa” một khi liên hệ hôn phối gặp các khó khăn không giải quyết được. Hóa ra, lời thề thốt lúc làm lễ hôn nhân chỉ là một lời “nói dối” rất tiện nghi (?) không thành thật lắm! Như thể ly dị là chuyện không bao giờ có thể xẩy ra trên mặt đất?! Tôi đã nghe và đọc qua lời thệ ước hôn nhân đại khái như là:

“Anh (hay em) xin chính thức long trọng nhận Em (Anh) làm vợ (hay làm Chồng) từ ngày hôm nay và mãi mãi dù cho hoàn cảnh có tốt hay xấu, giàu hay nghèo, lúc bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe; ‘Chỉ có sự chết mới chia cách được chúng ta.’ ”

Ở thế kỷ 21, với tỷ lệ ly dị gia tăng phi mã, tôi mạo muội đề nghị chỉnh sửa lại lời thề nguyện đó chút đỉnh ở đoạn cuối cho đôi lứa có cơ hội “tan hàng cố gắng” một cách êm thắm hợp lệ tình trạng quân dịch! Xin phép được sửa lại là: “Cho đến khi chán ngán chè đậu quá rồi, thì chúng ta có thể đồng ý chia tay?!” v..v…

Hiển nhiên ly dị gây đổ vỡ thiệt hại rất nhiều qua án phí và thủ tục chia cắt tài sản… Thiệt hại nặng nhất dành cho các cặp vợ chồng đã có con cái. Hạnh phúc và giá trị đời sống (quality of life) của con cái nạn nhân của các vụ ly dị bị giảm sút một cách vô lường. Cứ thử hỏi bất cứ người con nào của các gia đình có cha mẹ ly dị thì thấy đa số đều trả lời là “các con mơ ước, muốn rằng bố mẹ nên tìm cách hòa giải để bảo tồn gia đình được trọn vẹn hơn là phải ly dị đổ vỡ.”

Trước đây, mặc dù có nhiều hôn nhân không được hạnh phúc, đầy bạo lực gia đình; tuy nhiên không có (hoặc có rất ít) trường hợp ly dị; bởi vì đặc biệt là người đàn bà trong gia đình đành chịu trận với các cuộc hôn nhân loại khó ở như vậy. Đàn bà không có một lối nào để thoát ra. Nói cách khác, xã hội ngày xưa cho phụ nữ rất ít cơ hội làm việc để họ có thể tự mưu sinh, tự nuôi con một mình. Phụ nữ các vùng nghèo chậm tiến lạc hậu như ở các nước Đông Nam Á thì còn khổ hơn trăm lần. Có lẽ vì thế mà tỷ lệ ly dị ngày xưa rất thấp. Riêng ở các nước Tây phương văn minh, tân tiến hơn có tỉ lệ ly dị cao; nhất là khi luật gia đình được đưa vào đời sống hàng ngày. Con người có những lựa chọn công bằng hơn và được luật pháp bảo vệ khi cần phải giải quyết các bế tắc của vấn đề hôn nhân… Người phụ nữ có đủ khả năng để sống đời độc lập. Họ dễ dàng tìm ra việc làm. Họ có thể quyết định rời bỏ các cuộc hôn nhân xấu, bế tắc để tìm đời sống tốt đẹp hơn mà không gặp trở ngại gì quá đáng...

Sau đâu là một vài con số tôi xin mạn phép nêu ra, để chúng ta cùng nhau suy gẫm, dựa trên các khảo cứu xã hội ở Hoa kỳ (Tuy nhiên cũng nên biết là không có khảo cứu nào tuyệt đối chính xác cả vì giới hạn của các phạm trù khảo cứu...?)
  • Khoảng 17% tổng số các cuộc hôn nhân sẽ đi đến đổ vỡ, ly dị.
  • Trung bình hôn nhân kéo dài được 7 năm trước khi đi đến ly dị.
  • 34% các cuộc ly dị do ngoại tình, 33% vì vấn đề tài chính và 11% vì sự bệnh hoạn của người phối ngẫu; số còn lại vì nhiều lý do khác không liệt kê thành tiết mục được…
  • Người nghèo và ít học – Poor and less educated - ly dị 10% cao hơn người giàu và có giáo dục cao hơn. Có lẽ vì người nghèo chịu nhiều “áp lực (stress)” hơn về tài chính trong đời sống cho nên dễ đổ “quặu,” dễ gây gỗ với nhau hơn?!
  • 70% trường hợp các hồ sơ ly dị đề xướng bởi phụ nữ.
  • 50-60% ly dị xảy ra vào lúc sắp sử về hưu (?)
Một điểm khác đáng lưu ý trên các con số thống kê này là người đàn ông (chồng) thường ra tòa khai ly dị vì vợ ngoại tình; trong khi, ngược lại, người đàn bà (vợ) khai ly dị chồng phần lớn vì vấn đề tài chánh của gia đình.

Các liên hệ tình cảm ngày qua ngày thường liên tục dần dà đi đến tình trạng căng thẳng rồi đến đổ vỡ; có nghĩa là sự bất tín (no trust) sẽ đi đến chỗ không thể hàn gắn được. Tỷ lệ ly dị không cao nếu đa số các cặp vợ chồng biết cách đừng làm cho sự căng thẳng này (vì không còn tin tưởng vào nhau) lên cao thêm. Nhưng con người bình thường thiếu hẳn khả năng hòa giải và không sẵn lòng tha thứ hay xin lỗi về những sai lầm đã làm để giữ gìn, thắt chặt liên hệ hôn nhân. Các nhà khảo cứu nhận thấy có một liên hệ mật thiết giữa sự thông minh và khả năng đương đầu với những sự việc xẩy ra không vừa ý mình muốn.

Chúng ta nên tự cho phép mình giữ một cái nhìn ra rộng rãi hơn để duy trì sự bình tĩnh và sẵn sàng chấp nhận trong mọi liên hệ tình cảm; Cũng hiểu là chính trong cái nhìn gọi là rộng rãi này vẫn còn sót lại một vài điểm mù (blind spots) trong tầm nhìn. Biết nhận thức được sự có mặt không tránh được của các “điểm mù” thì mới mong dễ chấp nhận, tha thứ, kiên nhẫn để duy trì hôn nhận lành mạnh.

Á há! Đàn ông nhắm mắt đi vào con đường tình ái, và yêu “người con gái trong mơ” một cách điên cuồng cho đến khi mở mắt ra, mới ngã ngửa vì người thấy “người con gái trong mơ” đó xài tiền nhanh hết biết, nhanh hơn cái lương (paycheck) chưa lãnh của mình trong tháng tới; chưa kể “người con gái trong mơ” còn liên tục đòi hỏi sự chú ý, chiều chuộng, và yêu thương mà chàng hiệp sĩ đào hoa nhà ta không có đủ cơ hội cũng như khả năng cung ứng cho đầy đủ, cho đúng mức (demand and supply!) Ngoài ra, cũng có loại đàn ông thường nghĩ hôn nhân sẽ mang lại cho mình nhiều cơ hội “làm tình” loại “đêm bảy ngày ba?!” Trong thực tế, mơ tưởng này không bao giờ có.

Ối chà! Đàn bà yêu “hoàng tử của lòng em” chết bỏ với kỳ vọng là sẽ có tình yêu thương che chở, quà cáp vô bờ bến với hàng hiệu đắt tiền, xe xịn, nhà cao cửa rộng, con cái xinh đẹp khôn ngoan… Các mơ tưởng này cũng ít khi có thật hay trọn vẹn trong cuộc sống thật.

Như vậy “kỳ vọng” (high expectation) là nguyên nhân đưa đến hôn nhân và “kỳ vọng” cũng chính là nguyên nhân của ly dị.

Ngày nay, con người lập gia đình vì nhiều lý do khác nhau: Tiền, an sinh, đời sống thoải mái hơn… Xem cho kỹ lại cái danh sách dài về các lý do thì thấy hôn nhân phần lớn dường như không phải là sự chọn người tương xứng và hợp với cá tính của mình. Một khi tiền đã hết hay người phối ngẫu không đem lại sự thoải mái, an sinh như mong muốn thì ly dị không phải là chuyện lạ bốn phương.

Thời buổi này, hôn nhân phải là sự đồng thuận của cả hai bên. Trong giai đoạn tranh tối tranh sáng - lúc còn đang bồ bịch với nhau - là lúc tốt để xem hôn hân có thể có cơ hội thành tựu tốt đẹp hay không. Theo thói thường, chúng ta vẫn không chịu nghĩ đến các chuyện sẽ có thể xẩy ra trong đời sống thật của hôn nhân. Nên dùng một ít thời giờ trong lúc ngồi âu yếm tâm tình bên nhau để hỏi han nhau về cá tính xem có thích hợp; để bàn luận về các thói xấu của nhau; về ý nghĩa của sự chung thủy; vấn đề nuôi con theo chiều hướng nào; trong trường hợp sẽ bị mất việc và tài chánh khủng hoảng làm thì sao; gặp lúc đau ốm hay tai nạn bất ngờ; và ngay cả vấn đề tín ngưỡng của hai gia đình (?) cũng như sự thông cảm của bố mẹ chồng, bố mẹ vợ tương lai… Nói tóm lại, nên nghĩ và bàn qua về các chuyện có thể xảy ra hoàn toàn khác với ý muốn và cách phải đối phó phải như thế nào. Đây là một số vấn đề thực tế không có gì vui vẻ hoặc hào hứng khi phải nói tới; nhưng tốt hơn phải nói ra trước thì hôn nhân mới có hy vọng tồn tại lâu dài.

Nhân nói về vấn đề thực tế, thành thực đôi khi trắng trợn không có gì vui vẻ nhưng cần phải biết rõ ràng khi còn đang yêu đương, cần tìm hiểu nhau, tôi xin kể lại câu chuyện cười ngắn tuy hơi dung tục, chua chát nhưng rất thực từ anh chàng tài tử xi-nê kiêm danh hề Robin Williams (1951 – 2014) của Mỹ như sau:

“Có một cô gái âu yếm thỏ thẻ với anh bồ đẹp trai là:

- Em yêu anh vô cùng. Bây giờ xin anh vui lòng cho em một ít nước tiểu (để đem đi thử nghiệm) nha?

- ??? ”

(Nguyên văn: “Darling! I love you so much. Can I have a little bit of your pee - for testing?”)

Cứ tưởng tượng sau khi nhận kết quả thử nghiệm nước tiểu mới phát giác ra anh chàng là người nghiện hút ma túy hay đang mang các chứng bệnh hiểm nghèo như HIV, AIDS, ung thư… thì chuyện tiến tới hôn nhân sẽ đi đến đâu? Ít ra dự tính của một hôn nhân xấu đã đã được hủy bỏ ngay từ khi mới bắt đầu; trước khi các bất hạnh, đau khổ dần dần thành hình. Hú vía!

Vấn đề hôn nhân thật phức tạp cho nên những lời khuyên ngay cả lời khuyên của các chuyên gia tâm lý cũng không phải là tuyệt đối.

Tôi nghĩ đi nghĩ lại thấy có một vấn đề sâu xa trong sự đổ vỡ của hôn nhân là “sự nhàm chán” (boredom). Con người có chiều hướng chóng chán nản những cái bình thường lập đi lập lại chung quanh mình qua thời gian. Đời sống, con người, và sở thích biến chuyển và thay đổi không ngừng từng giây từng phút. Nhiều thử xem ra cái đang đúng và đẹp ngày hôm nay, ngày mai sẽ không còn như vậy nữa. Chính bản thân mình đã khác hẳn đi so với 2-3 giờ trước đó: Chúng ta không mặc một bộ quần áo hết ngày này qua ngày khác; không ăn mãi một món cho mỗi bữa cơm; không đi học hoài hoài; ít khi làm việc cho một sở cho tới lúc về hưu; không giao thiệp thân mật mãi với một người bạn. Nhìn lại hôn nhân thì thấy là là sự chung sống với một người; chia sẻ cùng một kinh nghiệm qua một thời gian dài. Bản cũ cứ lập lại nhiều lần tự nhiên tạo ra “sự nhàm chán” và đưa đến lý do lứa đôi quyết định phải thay đổi - như ngoại tình chẳng hạn. Từ thay đổi dẫn đến ly dị không mất bao lâu.

Hôn nhân lành mạnh là khi vợ chồng xem nhau như bạn thân thiết; mỗi người luôn luôn cố gắng làm cho người phối ngẫu của mình hạnh phúc hơn; cố tránh xa cái bẫy nhàm chán; và cuối cùng là cùng nhau tập cách thích ứng với những chuyện không vừa ý, không may thay vì bỏ cuộc ngang (“call it quits”).

Phải cần có sự hợp tác của hai người mới nhẩy “Tango” được (Take 2 to tango); vả lại hôn nhân không thể là con đường tình cảm một chiều đâu hà!

Vài lời thô thiển, nếu nghe không vô thì xin quý vị cũng bỏ qua.

Trần Văn Giang ( HNPD )
12/28/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét