Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Công thư Nguyễn Phú Trọng và đường sắt 100.000 tỷ

ĐƯỜNG SẮT 100.000 TỶ
Mấy nay dư luận phản ứng mạnh vụ đường sắt 100.000 tỷ. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ký 15 văn kiện hợp tác với người đồng cấp Tập Cận Bình, trong đó có mục số 3 là liên quan đến dự án đường sắt tuyến Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng đang bị dư luận phản đối. Về tính khả thi và hiệu quả kinh tế, nguy cơ an ninh quốc phòng của dự án lúc này thì dư luận đã nói nhiều nên mình không nói lại. Chỉ muốn nói sâu về hai chữ “Công thư”.
Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm với hai chữ “công thư” này. Trong lịch sử giữa hai đảng anh em, văn bản của ông Phạm Văn Đồng ký gửi Chu Ân Lai năm 1958 về nội dung 12 hải lý đến nay vẫn là nguyên nhân gây ra tranh chấp chủ quyền đất nước tại Hoàng Sa-Trường Sa. Sau này đảng CSVN giải thích đó không phải là “công hàm” mà là “công thư” để tìm một lối đi chính trị cho chuyện của quá khứ.

Bất chấp đảng CSVN gọi đó là Công gì, phía đảng CSTQ từng nói là “Về vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, chính quyền Trung Quốc nhận thấy vào các thời điểm khác nhau thì chính quyền Việt Nam có những tuyên bố khác nhau.” Thế là ông Phạm Văn Đồng đi vào lịch sử như một tiền lệ có sự ký tá gây tranh chấp.

Bây giờ vấn đề đường sắt 100.000 tỷ lại có “Công thư” do ông Nguyễn Phú Trọng ký. Có thể là Việt Nam lách về từ ngữ, nhưng về sau Trung Quốc có thể nói cho rằng đó là ký kết chính thức để thực thi. Như vậy sau này có khi Việt Nam lại có “đường sắt Nguyễn Phú Trọng” như từng có “công hàm Phạm Văn Đồng” lâu nay bị dư luận chỉ trích.

Bàn cờ quốc tế đang thay đổi, những nước như Campuchia hay Sri Lanka còn nhanh chóng thay đổi đường lối, hà cớ gì đảng em cứ phải kiên trì thực hiện theo sự định hướng của đảng anh ? Chẳng lẽ đảng CSVN có nghìn mắt nghìn tai mà không tìm được nghìn lý do ?

Bị giật dây chưa nguy hiểm, ai làm chính trị cũng có lúc bị giật dây. Nhưng biết bị giật dây mà không chịu cắt dây mới nguy hiểm nhiều hơn.

H.M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét