Thăm mộ cụ Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long
FB Nghiêm Việt Anh 10-10-2019 - Câu chuyện về Cụ “Địa Chủ Ác Ghê” Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long, suốt mấy chục năm nay, đã có rất nhiều thông tin, những người quan tâm theo dõi, không ai không biết. Quá nhiều nỗi oan trái, đớn đau, cùng những số phận người, đắng cay, tủi nhục, oán hận, kêu trời không thấu.
Nội dung trên tấm bia mộ Cụ Nguyễn Thị Năm.
Tháng trước, có công việc ở làng Đại Từ, chợt nhớ đến câu chuyện Cụ Năm, tôi đem ra hỏi những người làng ở đó, nhưng hầu hết, lớp người dưới sáu mươi, hoặc không biết gì, hoặc rất lơ tơ mơ.Có một vài cụ ông, cụ bà bẩy tám mươi, thì ai cũng biết chuyện “địa chủ phản động” Nguyễn Thị Năm. Một bà cụ nói với tôi, bà Năm chỉ là con dâu làng tôi, tuy ông chồng người làng, cũng chỉ là tay sai cho vợ (?!)
Tôi hỏi về những ngôi mộ các Cụ hiện nay ở đâu, thì họ bảo ở nghĩa trang bên kia sông Tô Lịch, ông sang đấy mà hỏi.
Mấy tuần vì bận, tôi chưa có dịp đi tìm, thì đọc được một stt của một bạn Facebook, là con rể làng Đại Kim, trong đó ông ấy đăng bức ảnh thăm mộ Cụ Nguyễn Thị Năm ở nghĩa trang làng Đại Từ.
Nhờ sự chỉ dẫn của bạn Facebook Nguyễn Thuỷ Nguyên, tôi tìm được đến mộ Cụ Cát Hanh Long. Nhưng có một thông tin mà nhiều bài báo đưa tin, đã không chính xác.
Từ các nguồn thông tin trên báo và cả mạng xã hội cho biết năm 1990, các con cháu của Cụ Năm, đã tìm được mộ Cụ trên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi cụ bị xử bắn hồi Cải cách Ruộng đất, mang về an táng Cụ cạnh mộ Cụ ông. Cụ Năm vốn quê làng Bưởi, nhưng phong tục VN, “sống quê cha, chết làm ma quê chồng”, coi như một điều mãn nguyện.
Nhưng tôi soi kỹ từng tấm bia mộ, thì chỉ thấy ngay cạnh một Cụ Năm trong dãy mộ dòng họ, là mộ của Ông Nguyễn Cát, người con trai thứ của Cụ. Ông Cát từng làm đến trung đoàn trưởng một trung đoàn, thuộc sư đoàn 308, mất do một tai nạn giao thông từ năm 1989.
Tiếp theo là mộ ông Nguyễn Hanh, con trai cả của Cụ Năm, ông này tháng 9/1945 từng tháp tùng ông Huy Cận vào Huế, tước ấn kiếm vua Bảo Đại. Ông Hanh mới mất năm 2016, cạnh mộ ông là mộ bà Phạm Thị Cúc vợ ông.
Như vậy thông tin lâu nay, mộ Cụ Năm đặt bên cạnh mộ chồng, là không đúng.
Vì không biết tên chồng Cụ Năm, và tìm trong hai dãy mộ họ Nguyễn Tiến, tôi không thể xác định được. Tôi đến gặp quản trang, tuy ở tầm sáu mươi tuổi, ông quản trang cũng không biết gì hơn, nhưng ông ấy lại cho tôi biết, ở nghĩa trang này, dòng họ Nguyễn Tiến còn một dãy mộ nữa, và ông ta dẫn tôi đến đó, cách chỗ Cụ Năm vài chục mét.
Dãy mộ này có 5 ngôi, nhưng ba ngôi không có bia mộ, hai ngôi còn lại, một bia chỉ có tên, không có thông tin gì khác. Ngôi còn lại, bia đủ cả ảnh và thông tin:
Cụ Nguyễn Oánh, tức Đức Long, mất ngày 28/9/1945.
Chỉ vậy cũng không thể xác định được đây là mộ chồng cụ Năm, nhưng trong thâm tâm, tôi suy đoán, rất có thể, bởi tên hiệu của Cụ Nguyễn Thị Năm là CÁT HANH LONG, ghép tên của hai người con trai và tên chồng (?!)
Tôi định hôm khác sẽ tìm gặp được các cụ trong họ Nguyễn Tiến để hỏi thêm. Ông quản trang thì bảo tôi, tuy đây là nghĩa trang của làng, nhưng cũng là của uỷ ban, tôi nghe nhưng chưa thật hiểu hết ý ông ấy muốn nói gì (?)
Theo các nguồn thông tin đã biết, thì chuyện về bản thân đóng góp to lớn của Cụ Năm cho chế độ, về nỗi đau xót, thiệt thòi của các con cháu cụ, rồi cả chuyện ai là tác giả của bài báo “Địa chủ ác ghê” đăng trên báo đảng cộng sản hồi CCRĐ, dù ghi tác giả là CB, một bút danh của ông Hồ, nhưng đám nô bút đến nay vẫn cãi lấy được, rằng do người khác viết, chứ không phải bác của chúng, cũng như đến tận bây giờ, suốt mấy chục năm, các con, các cháu Cụ Năm, bao nhiêu đơn từ, công sức, chạy khắp các cửa cần phải chạy… nhưng vẫn chưa thể đòi lại công bằng cho Cụ.
Một điều nữa, trong rất nhiều thông tin đã biết, nhưng lạ ở chỗ, rất ít hoặc hầu như không có thông tin gì về chồng Cụ Năm, hình như duy nhất chỉ có một bài đưa tin rằng, cụ ông mất trước 1945 vì bạo bệnh(?)
P/S: Đọc được những điều này, bạn nào biết thêm thông tin gì, xin được bổ sung. Và nếu ai muốn đến thăm mộ Cụ Năm, nếu không biết đường, tôi xin trực tiếp làm hướng dẫn viên.
_______
Một số hình ảnh và chú thích của tác giả Nghiêm Việt Anh:Cổng nghĩa trang làng Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Ảnh trên bia mộ Cụ “Địa Chủ Ác Ghê”, Nguyễn Thị Năm – CÁT HANH LONG tại nghĩa trang làng Đại Từ, xã Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.Hương hoa lòng thành kính viếng Cụ Bà Nguyễn Thị Năm – CÁT HANH LONGMộ Cụ “Địa Chủ Ác Ghê” tại khu mộ dòng họ Nguyễn Tiến, làng Đại Từ.Một số thông tin lâu nay trên báo chí lề đảng và trên mạng xã hội, rằng năm 1990 các con cháu Cụ Năm đã tìm được mộ cụ trên huyện Đại Từ, Thái Nguyên, mang về đặt cạnh mộ cụ ông trong nghĩa trang làng Đại Từ là không đúng. Hiện tại thấy Cụ nằm ở bìa cùng bên phải dãy mộ dòng họ, bên trái liền kề với Cụ là mộ ông con trai thứ của Cụ là Nguyễn Cát.Tiếp theo trong dãy mộ dòng họ là mộ con trai cả của Cụ, ông Nguyễn Hanh và vợ là bà Phạm Thị Cúc.Dòng họ Nguyễn Tiến có hai khu mộ, đây là khu mộ thứ hai, cách khu mộ Cụ Năm và các con vài chục mét. Chỗ này có một dãy 5 ngôi mộ, nhưng ba ngôi không có bia mộ, hai ngôi có bia, thì một ngôi bia chỉ có tên và không có thông tin gì, ngôi còn lại trên bia có ảnh và một số thông tin.Đây là bức hình trên tấm bia mộ, ở dãy năm ngôi mộ cũng của dòng họ Nguyễn Tiến, dưới bức ảnh ghi: Cụ Nguyễn Ánh, tức Đức Long, mất ngày 28/9/1945 (Ất Dậu)Cận cảnh nội dung trên bia mộ cụ Nguyễn Oánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét