Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Nơi người Đức mang tâm hồn, trái tim Thụy Sĩ

Mỗi khi tình cờ đọc những bài về Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Ý, Bỉ, Nga, Ba Lan... như bài dưới đây, mình lại nhớ châu Âu da diết. Gần 20 năm sống ở đó hoặc thường xuyên qua lại đó có bao nhiêu kỷ niệm. Các con sinh ra và định cư mãi mãi ở Thụy Sĩ, tài sản mang sang đó hết, mình chết đi thì chắc chúng cũng không mấy khi nhớ đến Việt Nam và về Việt Nam. Thế là hết. Nghĩ cũng buồn. Người Việt có điều kiện đều muốn đi hết; có tài sản cũng đành phải mang đi hết... Tại sao đến nông nỗi này ? Chắc ai cũng biết, nhiều người đã nói ra, viết ra. Cách đây 4 thập kỷ, đã có câu nói nổi tiếng, ở VN nếu biết đi thì cái cột đèn cũng chạy ra nước ngoài. 4 thập kỷ trôi qua, vật chất thì tăng nhưng đa phần là vật chất đểu, được về lượng song mất về chất, và cái giá phải trả là mất hết tài nguyên, mất chủ quyền, nợ nước ngoài, người dân làm nô lệ ngay trên quê hương mình... Còn tất cả những cái khác, quan trọng hơn nhiều so với vật chất như dân trí, văn hóa, đạo đức xã hội, y tế, giáo dục, truyền thống dân tộc... đều lụn bại đi. Xã hội gần như đang trở lại thời kỳ hỗn mang, không có luật pháp kỷ cương, chỉ có luật rừng của kẻ mạnh, kẻ nắm trong tay chính quyền, công an, quân đội của quốc gia với người dân, nhưng chính những kẻ được gọi là mạnh này cũng chỉ là lũ tay sai, đầy tớ của những thế lực mafia trong bóng tối và của các ông trùm đỏ ở bên kia biên giới.
Büsingen: nơi người Đức mang tâm hồn, trái tim Thụy Sĩ
Larry Bleiberg - 
Güntert nói rằng về bản chất, sự sắp xếp mọi mối quan hệ của Büsingen khá đơn giản. "Chúng tôi có luật pháp của Đức và Chính phủ Đức, và mặt khác, chúng tôi có kinh tế của Thụy Sĩ." Không nơi nào sự chia rẽ đó được nhìn thấy rõ ràng hơn như ở Nhà hàng Waldheim. Một đường thẳng vạch ngang khu vực để bàn ăn ngoài trời đánh dấu biên giới quốc tế, vì vậy bạn có thể được phục vụ một đĩa schnitzel (thịt tẩm bột chiên) ở Thụy Sĩ, và sau đó rướn người sang Đức để lấy bia từ phía kia bàn ăn.

Vào ngày 1/8, Quốc khánh của Thụy Sĩ, những người nghỉ hè đổ xô đi chơi. Hàng đoàn bè và ca nô bồng bềnh trên sông Rhine, những người tắm nắng nằm trên bờ cỏ, và trên những con đường vắng tanh, thi thoảng một chiếc xe buýt chạy ầm qua, được trang hoàng cho ngày Quốc khánh với lá cờ đỏ chữ thập trắng quen thuộc của Thụy Sĩ.

Đó là quang cảnh kỳ nghỉ hoàn hảo, ngoại trừ một chi tiết khó chịu. Tất cả những hoạt động vui chơi này đánh dấu ngày kỷ niệm liên bang Thụy Sĩ đều diễn ra ở Đức.
Vùng trong, vùng ngoài

"Đi nghỉ ở đây rất hấp dẫn," ông Roland Güntert, phó thị trưởng thị trấn Büsingen am Hochrhein thuộc Đức, nói. "Đây chỉ là một thứ mà ta làm thôi, còn tâm hồn và trái tim của chúng tôi thuộc về Thụy Sĩ."

Nguyên nhân? Điểm nhỏ bé này của Đức hoàn toàn lọt thỏm trong lãnh thổ Thụy Sĩ, khiến nó trở thành vừa là vùng trong vừa là vùng ngoài, những khái niệm địa lý lạ lùng đối với ai say mê những gì tinh tế, nhưng lại gây bối rối cho hầu hết mọi người.

Đối với những người thích tìm hiểu bản đồ, vùng trong là lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ được thực thể khác bao quanh hoàn toàn - một ví dụ điển hình là quốc gia Lesotho nhỏ bé bị Nam Phi bao quanh.

Nó gắn bó mật thiết đến khái niệm vùng ngoài: một phần lãnh thổ ngăn cách với lãnh thổ chính bởi một lãnh thổ khác. Büsingen đáp ứng cả hai định nghĩa.

Biên giới phía đông của ngôi làng chỉ cách phần còn lại của Cộng hòa Liên bang Đức 700m. Và mặc dù về mặt chính trị, thị trấn có khoảng 1.450 dân này thuộc về Đức, nhưng về mặt kinh tế, nó là một phần của Thụy Sĩ.

Cũng giống như Thụy Sĩ, Büsingen nằm bên ngoài Liên minh châu Âu và thị trấn đã được viện dẫn như một mô hình hợp tác thời hậu Brexit (tức là sau khi Anh rời khỏi EU).

Ba năm trước, một chính trị gia đại diện cho Nam Belfast đã đề xuất rằng Bắc Ireland có thể được cấp cho tư cách thuế quan đặc biệt, tương tự như cơ chế điều hành Büsingen.



Cũng như với Büsingen và Thụy Sĩ, chỉ cần có kiểm soát hải quan hoặc nhập cư hạn chế giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, nghị sĩ Alasdair McDonnell đề xuất, có nghĩa là Bắc Ireland có thể rời EU trong quá trình Brexit nhưng vẫn gắn liền với Cộng hòa Ireland.

"Có một tiền lệ cho điều này ở thị trấn Büsingen của Đức," ông phát biểu. Tuy nhiên, những người khác thì không cảm thấy thuyết phục, phản bác rằng làng Büsingen hầu như không thể là ví dụ để so sánh với Bắc Ireland, nơi có dân số 1,8 triệu người.

Những tréo ngoe trong cuộc sống

Güntert nói rằng về bản chất, sự sắp xếp mọi mối quan hệ của Büsingen khá đơn giản. "Chúng tôi có luật pháp của Đức và Chính phủ Đức, và mặt khác, chúng tôi có kinh tế của Thụy Sĩ."

Không nơi nào sự chia rẽ đó được nhìn thấy rõ ràng hơn như ở Nhà hàng Waldheim.

Một đường thẳng vạch ngang khu vực để bàn ăn ngoài trời đánh dấu biên giới quốc tế, vì vậy bạn có thể được phục vụ một đĩa schnitzel (thịt tẩm bột chiên) ở Thụy Sĩ, và sau đó rướn người sang Đức để lấy bia từ phía kia bàn ăn.



Vậy nhưng đối với người dân, sống một cuộc sống trên hai quốc gia mang đến những mâu thuẫn và lựa chọn mỗi ngày.

Mặc dù giao thương chủ yếu bằng đồng franc Thụy Sĩ và hầu hết cư dân làm việc ở các thị trấn Thụy Sĩ lớn hơn gần đó, họ vẫn phải trả thuế thu nhập cho Đức với mức cao hơn.

Trẻ em đi học ở trường tiểu học địa phương của Đức, nhưng cha mẹ sẽ quyết định các em sẽ học trung học nào ở nước nào.

Tương tự, người dân Büsingen có mã bưu điện và mã điện thoại quốc tế của cả Đức và Thụy Sĩ: họ có thể bấm lẫn mã +49 của Đức hoặc +41 của Thụy Sĩ và cuộc gọi vẫn đến một cư dân nào đó trong thị trấn.

Và có lẽ đáng chú ý nhất, câu lạc bộ bóng đá của thị trấn là đội bóng Đức duy nhất được phép chơi ở giải vô địch quốc gia Thụy Sĩ.

Đó là cả sự điều chỉnh đối với Sarah Biernat, vốn sống ở Singen, Đức, cách đó 30 phút và băng qua nhiều đường biên giới quốc tế trong hành trình đi lại hàng ngày của cô đến Büsingen.

Cô không biết gì về khu vực này mà chỉ mới đến thị trấn một lần khi còn nhỏ để đi khám răng.

Sau đó, 11 năm trước, cô nhận công việc tại khách sạn Alte Rheinmühle ở Büsingen, và vào ngày làm việc đầu tiên, cô đã phải thối tiền cho khách hàng bằng đồng franc Thụy Sỹ. "Đối với tôi nó giống như trò chơi với tiền vậy," cô nói.

Ngay cả một thập kỷ sau, cô vẫn thấy thị trấn còn cảm giác và âm thanh của Thụy Sĩ. "Họ nói chuyện như người Thụy Sĩ. Tiếng Đức của họ cũng khác."

Tìm về lịch sử

Cũng như với hầu hết vùng trong và vùng ngoài trên thế giới, có câu chuyện lịch sử đằng sau khủng hoảng bản sắc lãnh thổ này.

Đối với Büsingen, mọi chuyện bắt đầu vào năm 1693, rất lâu trước khi nước Đức ra đời.

Ngôi làng nằm dưới sự kiểm soát của Áo, và mối thù gia tộc xung quanh đức tin tôn giáo đã dẫn đến vụ bắt cóc lãnh chúa Büsingen vốn dựa vào Công giáo.

Anh em họ của ông đã đưa ông đến thị trấn Schaffhausen của Thụy Sĩ ở gần đó vốn theo Tin lành, nơi ông bị kết án chung thân. Phải mất sáu năm và nhờ có lời đe dọa rằng Áo sẽ xâm chiếm Schaffhausen mà cuối cùng vị lãnh chúa này cuối cùng mới được giải thoát.

Một vài thập kỷ sau, khi Áo bán những phần lãnh thổ họ nắm giữ trong khu vực cho bang Zurich của Thụy Sĩ, họ quyết khăng khăng giữ lại Büsingen, theo các nhà sử học. "Họ nói mảnh đất này sẽ không bao giờ trở lại thuộc Thụy Sĩ nữa. Không bao giờ, không bao giờ," vị phó thị trưởng nói.

Điều đó có nghĩa là khi các phần của Đế quốc Áo bị Đức sáp nhập sau đó trong Thế kỷ 19, Büsingen đã bị nước cộng hòa mới này giành lấy.

Người Thụy Sĩ đã cố gắng dọn dẹp mớ hỗn độn này khi họ tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 1919 với kết quả là người dân Büsingen bỏ phiếu với tỷ lệ 96% để rời khỏi Đức. Nhưng Berlin không hề muốn từ bỏ thị trấn vì Thụy Sĩ không đề nghị đền bù lại thứ gì.



Ngay cả trong hỗn loạn của Đệ nhị Thế chiến, sự sắp xếp này vẫn duy trì. Trước khi lính Đức có thể trở về nhà ở Büsingen khi nghỉ phép, họ phải kiểm tra súng ở biên giới và phải che lại đồng phục quân đội bằng áo choàng, Güntert, vốn có người thân phục vụ trong quân đội Đức, cho biết.

Sau chiến tranh, sự chia rẽ này vẫn tiếp tục, khiến cho việc đi mua sắm mỗi ngày thành việc thực hành thương mại toàn cầu.

"Đây là một việc phức tạp," Elizabeth Arpke, người lớn lên trong khu vực nhưng đến Büsingen để nghỉ mát, nói. "Khi anh mua thịt ở Đức, anh phải băng qua biên giới [vào Thụy Sĩ] và điền vào các biểu mẫu."

Cuối cùng, vào năm 1967, Đức và Thụy Sĩ đã đồng ý đưa Büsingen vào khu vực thuế quan Thụy Sĩ và điều này đã giúp loại bỏ các trạm kiểm soát biên giới xung quanh ngôi làng có diện tích chưa tới 8 km vuông.

Đóng thuế cao hơn



Ngày nay, vấn đề là thuế má.

Bởi vì chi phí sinh hoạt ở Thụy Sĩ cao hơn Đức, cư dân Büsingen thường có mức lương cao hơn đồng bào của họ. Nhưng vì Đức có mức thuế cao hơn, người lao động cuối cùng phải trả thuế cao hơn so với người dân phía Thụy Sĩ.

Tất nhiên, cũng có mặt này mặt khác. Tài xế taxi Caroline Major ước tính tiền thuê nhà của cô ở Büsingen sẽ ít hơn 50% nếu cô sống cách Thụy Sĩ vài cây số. Cô chuyển đến từ thị trấn Friedberg của Đức hai năm trước và sống hết sức hạnh phúc. "Tôi yêu cuộc sống của tôi. Có năng lượng tốt ở đây. Mọi thứ ở đây rất dễ chịu."



Nhiều người khác cũng đã phát hiện ra điều đó. Do Đức giảm thuế cho người nghỉ hưu, Büsingen thu hút cư dân Thụy Sĩ đã nghỉ hưu. Kết quả là: người trẻ thì đến Thụy Sĩ còn người già thì đến đây. "Dân số trong làng mỗi ngày mỗi một già hơn," Rainer Krause, người có con gái điều hành Nhà hàng Waldheim ở biên giới quốc tế, cho biết.

Bỏ qua chính trị, Büsingen làm thành một nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời ở Thung lũng sông Rhine.

Những ai cảm thấy tò mò về sự tranh cãi kéo dài hàng thế kỷ này của Büsingen có thể đi bộ trên một con đường được đánh dấu rõ ràng, mà thị trấn gọi bằng cả hai cách là Đường mòn Vùng trong hoặc Vùng ngoài.

Chuyến tham quan với 11 điểm dừng có chỗ nhìn ra sông, cột mốc biên giới quốc tế và thậm chí là một vườn nho, nơi những cánh đồng nho Riesling của Đức và Pinot Noir chín trước khi chúng được vận chuyển bằng xe tải đến cách đó vài km để làm rượu vang Thụy Sĩ.

Có lẽ điểm dừng chân đầu tiên trên đường mòn, một bức tranh tường tòa thị chính trên con đường chính của làng, sẽ là lời giải thích tốt nhất: một công nhân mỉm cười cầm một cây sào phấp phới cờ Đức, trong khi một lá cờ Thụy Sĩ nhô ra khỏi túi áo khoác của ông ấy.



Bất chấp sự nhầm lẫn khi sống ở vùng đất không biết ai quản lý, cuộc sống ở đây dường như khá tốt.

Phó thị trưởng lưu ý rằng ngôi làng của ông tọa lạc lý tưởng như thế nào với chưa tới một giờ đi tàu từ sân bay Zurich và chỉ 10 phút đi xe buýt đến thị trấn Schaffhausen của Thụy Sĩ.

Khi nhấm nháp một tách espresso tại một quán cà phê ngoài trời nhìn ra sông Rhine, ông chỉ xuống dòng sông nơi còn nhỏ ông hay chơi và qua phía bờ bên kia đến một khu rừng, một khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ trước sự phát triển.

Thị trấn này, ông nói, "giống như thiên đường" - một nơi nữa mà đường biên giới chưa bao giờ được xác định rõ ràng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét