Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Di sản Mã Pì Lèng nhìn từ vụ Panorama

"Đánh thức" di sản Mã Pì Lèng nhìn từ vụ Panorama
12/10/2019 Với Panorama - giải pháp cải tạo thay vì tháo dỡ toàn phần đã được nhiều ý kiến đưa ra. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, chính quyền huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cần có trách nhiệm không để Mã Pì Lèng thêm một lần bị rơi vào tình cảnh "sự đã rồi". "Điều gì sẽ xảy ra khi một ngày nào đó, “những chiếc răng bê tông” sẽ khiến cho Mã Pì Lèng mất đi giá trị. Cung đường của những chuyến đi sẽ chỉ còn một bên là vách núi, phần còn lại là những khối bê tông thay vì dòng Nho Quế thơ mộng. Đó là vấn đề mà những người quản lý, chính quyền huyện Mèo Vạc cần có sự tính toán", đó là trăn trở của anh Quang Tiến, chị Ngọc Diệp.
Nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: Đ.H
Cuộc sống yên bình trên "con đường hạnh phúc"
Giàng A Thao (sinh năm 1989) - người dân tộc Mông, chủ một cửa hàng kinh doanh cà phê, nước giải khát tại huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang), nơi chúng tôi dừng chân trong hành trình đến đỉnh đèo Mã Pì Lèng. Gia đình Thao nhiều đời sinh sống tại đây, thế nhưng, địa điểm kinh doanh này chỉ được mở ra vài năm gần đây, phục vụ nhu cầu của khách du lịch đến địa phương ngày một tăng cao.

Cửa hàng, ngoài phục vụ ăn uống, nước giải khát còn bán một số mặt hàng lưu niệm đơn giản như túi thổ cẩm, lắc bạc, đặc sản núi rừng. Số tiền thu được mỗi ngày cũng giúp Thao nuôi được vợ con. Như anh nói thì “hơn lương cán bộ huyện”.

"Tôi không có nhu cầu mở rộng địa điểm kinh doanh, vì không có vốn và không đủ sức làm", Giàng A Thao nói.

Theo lời Thao, đã có một cán bộ huyện đặt vấn đề hợp tác kinh doanh nhưng anh chưa đồng ý, anh muốn cửa hàng phải là của mình. Bên cạnh đó, điều mà anh ngại chính là nếu cửa hàng được mở rộng, kiếm được nhiều tiền sẽ bị chú ý. Lúc đó anh sẽ đối mặt với nhiều vấn đề khó lường trước. Thế nên, Thao cứ giữ nguyên cửa hàng hiện tại để mong một cuộc sống yên bình trên “con đường hạnh phúc”.


Khi được hỏi về câu chuyện ồn ào ở nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng, chàng trai người Mông cười và nói rằng, ở đây người dân không ai là không biết. Còn việc những lùm xùm trong các sai phạm gần đây đang được báo chí đưa tin không khiến anh bất ngờ. Bởi như Thao nói, thì đơn giản là vì nhà hàng kiếm được nhiều tiền, thu hút nhiều khách, việc được chú ý là không tránh khỏi.

“Ở đây, cứ cái gì thu được nhiều tiền đều bị chú ý hết”, Giàng A Thao nói.

"Di sản cần phải được đánh thức"

Sáng 9.10, đoàn liên ngành gồm Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang và các sở, ngành liên quan đã có kiến nghị UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu huyện Mèo Vạc cải tạo, chỉnh trang hai đơn nguyên giáp đường quốc lộ, phục vụ cho việc dừng chân, ngắm cảnh. Đồng thời, phá dỡ 6 tầng của Mã Pì Lèng Panorama được xây thấp dần dọc theo sườn núi.

Đề xuất này dựa theo khuyến nghị của chuyên gia Unesco là xây dựng điểm dừng chân, ngắm cảnh Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản, và phải xin ý kiến của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Trong chuyến hành trình của mình, chúng tôi gặp anh Quang Tiến và chị Ngọc Diệp đến từ Hà Nội, dừng chân ăn sáng tại nhà hàng Panorama. Anh chị cho biết, những ngày qua, do mạng xã hội nhắc nhiều đến công trình này, thấy vị trí đẹp nên quyết định lên Mã Pì Lèng để khám phá.

"Đèo Mã Pì Lèng trên "con đường hạnh phúc" vốn thanh bình, yên ả, chắc cũng không ngờ một ngày lại bị cuốn vào vòng xoáy tranh luận như lúc này. Với góc nhìn của một người trẻ, thích xê dịch, có tình yêu rất lớn với Đồng Văn, Mã Pí Lèng, tôi nghĩ rằng di sản cần phải được "đánh thức" để phát huy hết giá trị tinh thần lẫn vật chất mà nó mang lại", anh Quang Tiến cho hay.

Nhưng, "đánh thức" thế nào mới là điều quan trọng. "Đánh thức" không phải là việc xây dựng nhiều khách sạn, nhà hàng bên hông di sản, thắng cảnh quốc gia, "đánh thức" không phải việc xây tuyến cáp treo vắt qua các dãy núi trùng trùng điệp điệp... mà cần có quy hoạch phát triển cụ thể khu vực này.

"Trong các chuyến đi Hà Giang, tôi vẫn hay hỏi mấy bạn nước ngoài gặp trên đường các câu hỏi như "Sao bạn biết đến Mã Pì Lèng", "Tại sao bạn yêu nơi này"... Đa số các câu trả lời tôi nhận được đều xoay quanh các từ khóa như nơi đây có vẻ đẹp thơ mộng, hoang sơ, ít bị du lịch hóa, hùng vĩ. Trong đó từ hoang sơ là từ tôi được nghe nhiều bất từ các bạn về con đèo và mảnh đất này", anh Quang Tiến cho hay.

Du khách đến Panorama.

Theo anh Quang Tiến, nếu Hà Giang và huyện Mèo Vạc có chủ trương cho xây dựng những công trình thì phải có kế hoạch chi tiết về thiết kế, màu sắc, quy định cụ thể? Nếu không sẽ có nhiều "Panorama" khác mọc lên, không chỉ phá vỡ cảnh quan tự nhiên mà còn dẫn đến sự bát nháo trong quản lý du lịch.

"Điều gì sẽ xảy ra khi một ngày nào đó, “những chiếc răng bê tông” sẽ khiến cho Mã Pì Lèng mất đi giá trị. Cung đường của những chuyến đi sẽ chỉ còn một bên là vách núi, phần còn lại là những khối bê tông thay vì dòng Nho Quế thơ mộng. Đó là vấn đề mà những người quản lý, chính quyền huyện Mèo Vạc cần có sự tính toán", đó là trăn trở của anh Quang Tiến, chị Ngọc Diệp.

CƯỜNG NGÔ - ĐĂNG HUỲNH - THÙY LINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét