Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2019

Những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019
05/01/2019  - Theo Tổng cục Thống kê, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đánh dấu thời điểm nước ta hoàn thành lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại… là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019.
Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ sẽ là nền tảng
 quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam.
Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn do tác động của thế giới
Tổng cục Thống kê cho biết, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Đồng thời, với quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp.

Bên cạnh yếu tố về thương mại toàn cầu suy giảm, cạnh tranh chiến lược diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và gây ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.

Trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế với số điểm và thứ hạng tương đối cao về ổn định kinh tế vĩ mô; Y tế sức khỏe; quy mô thị trường đạt 71/100 điểm (xếp thứ 29/140 - là chỉ số Việt Nam có thứ hạng cao nhất).
Tuy vậy, các chỉ số đóng vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam đạt thấp: năng lực đổi mới sáng tạo đạt 33/100 điểm; thị trường lao động đạt 56/100 điểm; thể chế đạt 50/100 điểm; khả năng tiếp cận công nghệ đạt 43/100 điểm; kỹ năng lao động đạt 54/100 điểm; cơ sở hạ tầng đạt 65/100 điểm; hệ thống tài chính đạt 62/100 điểm; năng động của doanh nghiệp đạt 54/100 điểm; thị trường sản phẩm đạt 52/100 điểm.

…nhưng có nhiều lợi thế tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế


Bên cạnh những thách thức, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, năm 2018 nền kinh tế Việt Nam đã tạo dựng các động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 và các năm tiếp theo.

Theo đó, Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đánh dấu thời điểm nước ta hoàn thành lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, bắt đầu thực thi các cam kết FTA với mức độ cắt giảm sâu rộng.

“Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị triển khai các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Những thỏa thuận FTA này tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nước ta với độ mở cao của nền kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm 2019 và những năm tiếp theo”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ sẽ là nền tảng quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, môi trường kinh doanh của nước ta đã có những cải thiện rõ rệt, cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều kết quả về cải cách thông qua việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Làn sóng khởi nghiệp hình thành đã huy động được nguồn vốn cho nền kinh tế. Cụ thể, năm 2016 có hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; năm 2017 có gần 127 nghìn doanh nghiệp; năm 2018 có hơn 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm thì năm 2018 ước tính các doanh nghiệp bổ sung cho nền kinh tế gần 3,9 triệu tỷ đồng.

Lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2019 với sự hỗ trợ tích cực của khu vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt là từ các tập đoàn kinh tế lớn, có chuỗi giá trị toàn cầu như Samsung, LG, Fomosa, Toyota…

Cùng với đó, nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019. Dự kiến năm 2019, bên cạnh hơn 3 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở và trung tâm thương mại, nhiều dự án, công trình lớn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh như: Tổ hợp Nhà máy Vinfast tại Hải Phòng với công suất 250 nghìn xe/năm; dự án đầu tư công trình Nhà máy điện sông Hậu tỉnh Hậu Giang có công suất 1200 MW; dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với chiều dài 63,9 km; công trình đường cao tốc La Sơn - Túy Loan tại Thừa Thiên - Huế với chiều dài 78 km... Bên cạnh đó, nhiều nhà máy chế biến thực phẩm dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019 và hàng loạt công trình, dự án khác sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2019.

Đặc biệt, với quy mô dân số trên 95 triệu dân Việt Nam và số lượng khách quốc tế đến nước ta ngày càng tăng cao là thị trường tiềm năng tạo động lực cho khu vực sản xuất, dịch vụ và tăng trưởng năm 2019, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nằm trong top 10 điểm phát triển du lịch nhanh nhất thế giới với số lượng khách quốc tế dự kiến tiếp tục tăng cao trong năm 2019.

Minh Ngọc
http://www.vnmedia.vn/kinh-te/201901/nhung-dong-luc-quan-trong-thuc-day-tang-truong-kinh-te-nam-2019-623889/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét