Trí thức dễ mắc bệnh tâm thần?
21/01/2019 - Hiện nay, các bệnh lý về tâm thần ngày càng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, những người lao động trí óc thường xuyên bị stress… Về lâu dài, các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn khiến thể trạng của người bệnh ngày càng suy giảm. Đối tượng là trí thức mắc bệnh ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân là do xã hội ngày càng phát triển, áp lực cuộc sống và công việc ngày càng nhiều, trong khi giới trí thức rất nhạy cảm và nhiều người không thể thích nghi được, dẫn đến hậu quả là stress, căng thẳng thần kinh và áp lực trong một thời gian dài, tạo điều kiện cho bệnh về tâm thần phát triển.
Xách 3 dao đâm chết hàng xóm vì hát karaoke quá to
Nhận thức đúng về bệnh lý tâm thầnHiện nay, sự hiểu biết và nhận thức về bệnh tâm thần cũng như sức khỏe tâm thần của một bộ phận người dân còn chưa cao. Khi nghe tới rối loạn tâm thần hay các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần thì nhiều người cho rằng bị bệnh tâm thần có nghĩa là điên dại, là thần kinh… chứ không biết có nhiều loại rối loạn tâm thần khác trong xã hội hiện đại như trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Rối loạn tâm thần thực ra là một loại rối loạn chức năng hoạt động của não với nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau. Bệnh lý tâm thần biểu hiện rất đa dạng, không phải chỉ điên loạn, nói nhảm, la hét, loạn thần… mới là tâm thần, mà còn nhiều dấu hiệu khác như mất ngủ, suy nhược thần kinh, buồn rầu.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cho biết nhiều người còn có những triệu chứng của một dạng bệnh tâm thần đặc biệt như: Có người dù rất gầy nhưng vẫn luôn ám ảnh rằng mình béo nên “dày vò” bằng cách tự gây nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, nhịn đói, hoặc tập luyện cường độ cao. Lại có những người luôn nghĩ rằng tay mình không sạch nên đi rửa liên tục, luôn ám ảnh nhà có trộm nên thấp thỏm không ngủ… Đây được coi là những dấu hiệu của rối loạn ám ảnh cưỡng bức. Rối loạn ám ảnh cưỡng bức là một rối loạn tâm thần đặc biệt, chiếm khoảng 2% dân số. Đây được xếp vào một trong 4 nhóm bệnh tâm thần phổ biến sau ám ảnh sợ, rối loạn tâm thần do nghiện các chất và rối loạn trầm cảm chủ yếu. Tổ chức Y tế thế giới xếp bệnh này vào nhóm 10 bệnh lý gây ra tàn phế nặng nề nhất trên toàn thế giới. Một điều đáng lưu ý là, bệnh thường xuất hiện ở người trẻ tuổi, trẻ nhỏ. Nếu bệnh nhân khởi bệnh dưới 15 tuổi thường không thông báo cho gia đình mà giấu kín vì sợ mọi người, bố mẹ chê cười. Nên đối tượng này thường phải trên 8 năm mới được phát hiện, đưa đi điều trị.
Rối loạn tâm thần ngày càng trẻ hóa
Thống kê cho thấy, ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được các hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
Trước đó, cũng đã có nhiều thống kê về tình trạng mắc bệnh tâm thần được các tổ chức đưa ra. Theo báo cáo mới nhất của UNICEF (năm 2018) về tình hình sức khỏe tâm thần trong trẻ em và thanh niên độ tuổi từ 14 - 18, tỷ lệ trung bình mắc các rối loạn tâm thần của nhóm này là 12%, phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu, sợ cô đơn và tăng động giảm chú ý. Chia sẻ về con số này, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho hay, đây là con số thống kê chưa đầy đủ. Bởi thực tế, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp.
ThS BS Trịnh Thanh Hương (Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần) cho biết, các phụ huynh nhận diện về sức khỏe tâm thần của trẻ khác nhau, nên những rối loạn biểu hiện ra bên ngoài bằng hành vi thì nhận diện tốt hơn, nhưng những hành vi "ẩn" thì khó nhận biết. "Tỷ lệ cha mẹ đánh giá trẻ có rối loạn cao nhất là các vấn đề xã hội tới 46%, vấn đề chú ý 27% và vấn đề xâm khích 12,7%. Trong khi các bậc phụ huynh đánh giá thấp với vấn đề tư duy chỉ 4,8%, rối loạn lo âu/trầm cảm, phàn nàn cơ thể chỉ 7,9%. Có số lượng lớn các bậc phụ huynh khó khăn trong nhận diện biểu hiện bệnh lý tâm thần ở trẻ em", BS Hương nói.
TS BS La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, nếu trước đây số người rối loạn tâm thần ở nước ta chỉ chiếm khoảng 1% dân số thì vài năm trở lại đây, con số này đang có chiều hướng tăng cao và xu hướng trẻ hóa nhanh chóng. “Ở giới trẻ, bệnh tâm thần càng nguy hiểm hơn. Bởi lứa tuổi này, các em đang muốn thể hiện cái tôi, khẳng định bản thân, muốn tự quyết định thoát khỏi ảnh hưởng “người lớn”. Trong khi bản thân còn thiếu trải nghiệm, tâm sinh lý có nhiều biến động sâu sắc. Cũng chính vì vậy rất nhạy cảm, dễ bộc phát, tò mò và cũng dễ chán nản khi gặp khó khăn, thất bại từ đó dẫn tới các bệnh lý tâm thần như tự kỷ, trầm cảm, stress…” - BS La Đức Cương chia sẻ.
Người lao động trí óc có dễ mắc bệnh tâm thần?
Theo các chuyên gia, bệnh tâm thần không loại trừ một ai. Tuy nhiên, đối tượng là trí thức mắc bệnh ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân là do xã hội ngày càng phát triển, áp lực cuộc sống và công việc ngày càng nhiều, trong khi giới trí thức rất nhạy cảm và nhiều người không thể thích nghi được, dẫn đến hậu quả là stress, căng thẳng thần kinh và áp lực trong một thời gian dài, tạo điều kiện cho bệnh về tâm thần phát triển.
Thực tế cho thấy, cuộc sống quá nhiều áp lực, càng lao lực trí óc thì càng dễ căng thẳng, lo âu, quá nhiều tệ nạn (bia rượu, thuốc lá, ít vận động...) khiến trí não làm việc quá tải, dẫn đến tâm thần rối loạn. Tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần ở Việt Nam hiện nay khoảng 15% dân số (tương đương 13 triệu người). Nhiều trường hợp là người thường xuyên lao động trí óc có xuất hiện triệu chứng bệnh nhưng lại không hề hay biết mình mắc bệnh.
TS Ngô Thanh Hồi - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) đã chia sẻ về hội chứng cháy hết (hội chứng burnout) rất phổ biến và nguy hiểm ở nhóm trí thức trẻ đang phát triển, nhưng thiếu kinh nghiệm sống, thiếu khả năng đối phó với thất bại, nên rất dễ bị khủng hoảng tâm lý, dễ tự tử, hoặc gây hậu quả lớn tới cuộc sống sau này. Một số trí thức sai lầm xả stress, áp lực bằng cách nhậu nhẹt, dẫn tới nghiện bia rượu. Đặc biệt, sử dụng bia rượu với những người làm việc trí óc căng thẳng càng tăng nguy cơ bị rối loạn tâm thần, rất dễ bị tâm thần hoang tưởng, hành vi, lời nói rối loạn… phải nhập viện điều trị.
Những triệu chứng đầu tiên và rõ rệt nhất khi mắc các bệnh về tâm thần ở người lao động trí óc - đó là những biểu hiện về cảm xúc, họ luôn khó chịu, lo lắng, căng thẳng, buồn bã, chán nản, thờ ơ, cảm thấy đánh mất giá trị bản thân… Hành vi biểu hiện là nổi cáu, bực bội, hoặc nóng tính, thích dùng chất kích thích như rượu, thuốc lá. Các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, ngủ… bị xáo trộn, mất tập trung, nóng nảy đột ngột, có những quyết định vô lý, hay quên, vụng về, luôn vội vàng và hấp tấp, ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít… Về thể chất sẽ thấy hay đau đầu, đau cơ bắp, đau bụng, vã mồ hôi, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, khó thở, đau ngực, khô miệng, ngứa cơ thể, có vấn đề về tình dục.
Nếu tình trạng stress, căng thẳng và áp lực kéo dài, người bệnh sẽ gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn về mặt sức khỏe (đau tim, tăng huyết áp, trầm cảm, bị sốc, bị đau nửa đầu, lo âu, bị hen, suy giảm hệ miễn dịch, đau dạ dày, rối loạn giấc ngủ). Có 4 nguồn gây stress: Môi trường bên ngoài: Thời tiết, tiếng ồn, giao thông, bụi, ô nhiễm. Căng thẳng từ xã hội và gia đình: Áp lực công việc, tốn sức vào công việc hay gia đình, mất mát người thân, mâu thuẫn gia đình, bạn bè… Các vấn đề về thể chất: Sức khỏe thay đổi, ốm đau, không đủ chất dinh dưỡng… Suy nghĩ: Đôi khi suy nghĩ, hay phiền giải những điều đã hoặc sẽ xảy ra cũng bị căng thẳng và dẫn tới suy nghĩ tiêu cực.
Cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe tâm thần
BS. Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị Stress (Viện Sức khỏe tâm thần) cho hay, khó khăn chính trong công tác điều trị bệnh nhân sức khỏe tâm thần hiện nay là do nhận thức của nhiều người không đúng khi cho rằng thuốc điều trị bệnh này độc hại, nên không muốn uống; hoặc do yêu cầu điều trị phải sử dụng thuốc thời gian dài nên ngại tuân thủ. Trong khi đây là căn bệnh đòi hỏi phải kiên trì điều trị lâu dài, có người phải uống thuốc cả đời. Không tuân thủ điều trị đầy đủ, bỏ thuốc sẽ dẫn đến tái phát và thường ở mức độ nặng hơn ban đầu. Trong khi đó, những người tuân thủ điều trị, uống thuốc đầy đủ thì dù bị bệnh 20-30 năm vẫn làm việc và có cuộc sống bình thường, hầu như không ai biết họ có bệnh.
Một vấn đề nữa khiến nhiều người ngại điều trị bệnh là do thiếu hiểu biết nên đa số người dân hiểu sai về sức khỏe tâm thần, cho rằng thế là bị “thần kinh”, bị “điên”, dẫn đến tình trạng kỳ thị người bệnh. Vì thế, người bệnh rất ngại người khác biết mình bị bệnh, nên không muốn điều trị. Trong khi thực tế, có nhiều rối loạn tâm thần khác nhau như trầm cảm, mất ngủ, lo âu… và bệnh sức khỏe tâm thần rất khác với bệnh thần kinh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng gia tăng rất đáng lo ngại cho xã hội. Nhiều người có thể gây nguy hiểm cho bản thân họ và người xung quanh. Người hoang tưởng có thể hủy hoại bản thân, có hành vi không bình thường. Biểu hiện rõ nhất là buồn rầu, không muốn giao tiếp; nặng hơn là chặt tay chân, thậm chí tìm mọi cách để tự sát. Khi phát hiện ra những biểu hiện trên của người thân, gia đình cần tư vấn cho người bệnh bố trí công việc hợp lý, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, giảm áp lực. Bệnh nhân nên gặp những nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần, nhất là những người làm nghề công tác xã hội để được tham vấn, trợ giúp.
Đức Trân
http://www.daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tri-thuc-de-mac-benh-tam-than-tintuc428160
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét