Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Sáu tỉ đường tới hạnh phúc

Thế giới sáu tỉ người, có sáu tỉ đường tới hạnh phúc
Lê Hồng Lâm, viết cho BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn
28 tháng 1 2019 - 
Điều gì khiến con người hạnh phúc? Não bộ có tác động tới cảm nhận hạnh phúc của con người như thế nào? Một người thợ lao động chân tay ở Bangladesh và một người trí thức trung lưu ở Boston (Mỹ) có cơ hội hưởng thụ hạnh phúc như nhau không? Tại sao con người hiện đại dù dư thừa vật chất nhưng tỷ lệ trầm cảm ngày càng tăng lên?... Hàng loạt câu hỏi thú vị liên quan đến chủ đề hạnh phúc - một chủ đề tưởng đơn giản và được bàn tới quá nhiều - vẫn trở nên lôi cuốn và mang tới những kiến giải khoa học cực kỳ hữu ích trong cuốn sách Sáu tỷ đường tới hạnh phúc - tác phẩm best-seller toàn cầu của nhà báo người Đức Stefan Klein.

Tạp chí Nature đã nhận xét về tác phẩm này như sau: "Một cuốn sách nghiên cứu được viết cực kỳ hấp dẫn, dễ đọc và đầy chuyên nghiệp về một chủ đề mà đã từ lâu đòi hỏi sự quan tâm luận bàn của khoa học thường thức". Trong phần mở đầu của cuốn sách, khi bàn tới hành trình đi tìm hạnh phúc của con người, nhà báo Stefan Klein viết rằng nhiều người tìm kiếm hạnh phúc như "kẻ say rượu đi tìm nhà mình", theo lời triết gia Pháp Voltaire. "Họ không thể tìm thấy, nhưng họ biết nó tồn tại". Nhưng bởi vì khả năng có thể có những cảm giác tích cực lại được gắn cứng vào não bộ và chỉ bị ảnh hưởng tối thiểu bởi những điều kiện bên ngoài nên chỉ có một cách giải thích cho vấn đề hóc búa của Voltaire: "khi săn đuổi hạnh phúc, chúng ta tự vấp vào chân mình."

Trong thế giới hiện đại đầy náo động và con người càng ngày càng trở thành nô lệ cho công nghệ và quay cuồng trong dòng chảy thông tin thật giả lẫn lộn của thế giới ảo trên mạng xã hội, con người càng ngày càng trở nên cô đơn và khó khăn hơn trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Stefan Klein cho rằng: Chúng ta phải trả một cái giá rất nặng nề cho việc coi thường hạnh phúc. Hơn 25% người Mỹ chịu đựng chứng rối loạn tâm lý ít nhất một lần trong đời, và trong một năm thì gần như cứ mười người lại có một người trải qua trạng thái trầm cảm kéo dài vài tuần. Hơn 30.000 người ở Mỹ tìm đến cái chết hàng năm. Những nước còn lại của thế giới có tỉ lệ tự tử thấp hơn rất nhiều.

Tỉ lệ bệnh trầm cảm ở mức độ nghiêm trọng đang tăng lên rất nhanh trong cả nước Mỹ cũng như ở hầu hết các nước công nghiệp. Trên hết, căn bệnh này ngày nay ảnh hưởng nhiều hơn đến trẻ em và thanh thiếu niên. Hiện nay, nguy cơ bệnh trầm cảm xảy ra đối với thanh thiếu niên cao hơn ba lần so với mười năm trước đây.
Vấn đề mà nhà báo Klein chỉ ra là con người hiện đại ngày càng khó khăn trong việc tìm kiếm hạnh phúc là do chính bản thân họ nhiều hơn là tác động bên ngoài. Ông cho rằng, con người có thể hạnh phúc trong hầu hết mọi trường hợp. Các điều kiện bên ngoài quyết định hạnh phúc của ta ít hơn nhiều so với ta thường nghĩ. Những nghiên cứu chuyên sâu đã cho thấy rằng, niềm vui cuộc sống không phải vấn đề của tuổi tác cũng như giới tính. Nó không hề phụ thuộc vào IQ của bạn, hoặc bạn có bao nhiêu đứa con, hoặc tài khoản ngân hàng của bạn nhiều hay ít. Một người thợ thủ công ở Bangladesh có những cơ hội vui thú không ít hơn một viên chức ở Boston. Cả hai - cũng như tất cả chúng ta - đều phải tận dụng mọi cơ hội có trong tay.
Cuốn sách Sáu tỷ đường tới hạnh phúc được dịch sang tiếng Việt
Image captionCuốn sách Sáu tỷ đường tới hạnh phúc được dịch sang tiếng Việt
Ông đặt ra những giả thiết: Có phải hạnh phúc đơn giản chỉ là đối cực của bất hạnh không? Có phải hạnh phúc có tính di truyền? Cảm giác tức giận có biến mất khi ta xả hết? Có thể kéo dài khoảnh khắc dễ chịu? Tiền có làm cho con người hạnh phúc? Chúng ta có thể mãi yêu một người trong suốt cuộc đời? Hạnh phúc lớn nhất là gì?
Trong cuốn sách, tác giả đã giới thiệu một vài sách lược để đạt được hạnh phúc, và chỉ ra chúng có tác dụng như thế nào và tại sao.
Tựu chung, theo ông, khả năng khiến cho cuộc sống của ta hạnh phúc hơn dựa vào hai nguyên tắc cơ bản: chúng ta có thể gia cố mạng thần kinh tạo ra cảm giác tích cực bằng tập luyện có ý thức và chúng ta có thể tìm kiếm những hoàn cảnh đem lại cho chúng ta niềm vui và sự thích thú.
Cổ động viên bóng đá Việt Nam vui mừngBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionCổ động viên bóng đá Việt Nam vui mừng

LIỆU PHÁP ROBINSON CRUSOE

Theo Stefan Klein, não bộ có ảnh hưởng rất lớn đến việc cảm nhận hạnh phúc hay bất hạnh của con người. Với những người mắc chứng trầm cảm hay rối loạn lo âu thì việc nạp lại năng lượng cho não bộ là một phương pháp chống lại u sầu; còn trang bị vũ khí cho chúng ta để chống lại những cảm giác và ý nghĩ tiêu cực thì lại là việc khác.
Ông dẫn ví dụ kinh điển về người anh hùng Robinson Crusoe trong văn học Anh để minh chứng cho việc đặt nguyên tắc thứ hai vào hoạt động. Robinson Crusoe đã bị suy sụp bởi trầm cảm khi bị trôi dạt vào một hòn đảo, bất lực, cô đơn, không có hy vọng được cứu thoát. Nhưng cuối cùng, Crusoe đã tự nhủ với bản thân, không có tình huống nào vô vọng đến nỗi phải đầu hàng cả. Nên ông đã lấy một cái bút chì từ con tàu bị mắc cạn và viết một danh sách những điều may rủi.
Rủi:
Mình bị trôi dạt đến một hòn đảo hoang khủng khiếp, không có bất cứ hy vọng nào quay trở về.
Mình bị cô lập và tách rời khỏi toàn bộ thế giới, chịu đựng đau khổ
Mình không có quần áo để mặc.
May:
Nhưng mình vẫn còn sống và không bị chết đuối như tất cả những người khác trên tàu.
Nhưng mình cũng được tách ra từ tất cả thủy thủ đoàn để thoát chết; và Chúa đã cứu mình thật kỳ diệu khỏi cái chết thì cũng có thể giải thoát mình khỏi tình trạng này.
Nhưng mình đang ở một nơi thời thiết nóng nực, nên giả sử có quần áo mình cũng không mặc.
Từ câu chuyện của Crusoe, tác giả rút ra kết luận: "Nói chung đây là một bằng chứng không nghi ngờ rằng, hiếm có một tình cảnh nào trên thế giới lại bi đát như vậy, nhưng ở đây cũng có điều gì đó tiêu cực hay tích cực mà ta phải biết ơn; và hãy để điều này có giá trị như là một chỉ dẫn từ sự trải nghiệm tình cảnh khốn khổ nhất trong tất cả các tình cảnh trên đời này. Rằng chúng ta có lẽ luôn luôn tìm kiếm trong đó một điều để an ủi bản thân, và để tìm ra phần lợi ích trong khi mô tả những may rủi. Niềm hạnh phúc này đã cứu ông. Còn nếu ông đầu hàng sự chán nản hẳn ông đã chết sớm trong cô độc."
Hình minh họaBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

LY NƯỚC ĐẦY MỘT NỬA HAY VƠI MỘT NỬA?

Tác giả tiếp tục đặt ra câu hỏi phản biện: "Phải chăng Crusoe đã tự ru mình vào niềm hạnh phúc mù quáng?" rồi đi đến kết luận: "Không hề, cả hai cột trong bảng thống kê của ông đều đúng. Vấn đề là bạn chọn phía nào. Việc quyết định rằng ly nước là đầy một nửa thay vì vơi một nửa chính là một trong những thuốc giải độc tốt nhất cho căn bệnh trầm cảm."
Từ câu chuyện về cuộc đấu tranh sinh tồn của Robinson Crusoe, Stefan Klein cho biết rằng sau đó viện Sức khỏe Quốc gia đã tốn mười mấy triệu đô la vào một trong những thí nghiệm trị liệu lớn nhất mọi thời đại để kiểm tra phương pháp của Crusoe. Các nhà tâm lý học tự hào gọi nó là Liệu pháp hành vi nhận thức (cognitive behavior therapy), hay còn gọi là Liệu pháp Crusoe. Cuộc nghiên cứu kéo dài sáu năm, thu hút hàng trăm người đang chịu đựng mức độ trầm cảm từ bình thường đến nghiêm trọng tham gia. 60% trong số họ được chữa trị theo liệu pháp hành vi nhận thức, - tỷ lệ thành công này tương đương với số bệnh nhân được điều trị bằng thuốc. Nếu như kết hợp cả dược phẩm lẫn liệu pháp nhận thức thì tỷ lệ phần trăm người khỏi bệnh còn cao hơn, và nguy cơ tái phát giảm đi.
Cuối cùng, ông kết luận: "Đặt những nỗi sợ hãi và cảm giác về sự vô dụng của ta lên giấy cũng làm cho chúng hữu hình - và do vậy sẽ dễ dàng kiểm nghiệm chúng hơn là những ý tưởng chỉ lặn ngụp trong đầu ta. Theo đó mẹo giải quyết vấn đề nằm ở chỗ loại bỏ những ý tưởng đen tối ngay khi chúng ta nhận biết chúng. Việc bắt chước phương pháp của Robinson Crusoe viết ra các lý lẽ phản biện lại những suy nghĩ đang hành hạ chúng ta rất có tác dụng."

HIỆU ỨNG COOLIDGE HAY "TẠI SAO CHÚNG TA SA NGÃ"?

Một trong những phần thú vị nhất trong cuốn sách khoa học thưởng thức của Stefan Klein có lẽ là phần nói về sự đam mê và bản năng tình dục của con người. Từ chuyện bộ não tác động đến sự ham muốn, khoái cảm hay tình yêu của con người đến những lý giải sâu hơn về não bộ, sự tiến hóa của cảm giác hay chất hóa học nào điều khiển chúng ta…; Klein đã mang đến những lý giải vừa thú vị vừa sống động dựa trên các nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới. Cách dẫn chuyện của ông dí dỏm và hài hước với những dẫn chứng "nói có sách mách có chứng".
Trong chương lý giải tại sao con người thích sa ngã, ngoại tình, tác giả đã phân tích những chất hóa học trong não bộ điều khiển những ham muốn hay thích khoái cảm của con người hay các loài động vật khác.
Hình minh họaBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Để lý giải về chuyện tại sao con người hay sa ngã hay thích của lạ, Stefan Klein dẫn một câu chuyện được gọi là "Hiệu ứng Coolidge".
Chả là ông tổng thống Mỹ Calvin Coolidge (Tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ) và bà phu nhân Grace Coolidge đến thăm một trang trại chăn nuôi gia súc của chính phủ. Hai ông bà được dẫn tách riêng ra chứ không phải đi cùng nhau. Bà Grace Coolidge đã tạt vào thăm khu nuôi gà đúng lúc một con gà trống cường tráng đang đè một con gà mái ra cỏ. Bà Đệ nhất phu nhân có vẻ ấn tượng, nên mới hỏi con gà trống này nhảy mái được nhiều hơn một lần trong một ngày không. Người chăn nuôi bèn trả lời, "hàng chục lần, thưa bà". Bà Coolidge bèn nhân cơ hội này, nói với người chăn nuôi gà: "Hãy nói cho Tổng thống biết điều đó"
Một lúc sau đó, Tổng thống Coolidge cũng ghé qua khu chăn nuôi gà. Khi được nghe kể về những chiến công oai hùng của con gà trống, nhất là qua cái câu nhắn gửi của bà Đệ nhất phu nhân, ông bèn hỏi lại: "Thế mỗi lần nó đều làm vậy với một con gà mái à?". "Ồ không, thưa Tổng thống, mỗi lần với một con gà mái khác nhau ạ". Ông Tổng thống sung sướng gật gù rồi nhắn gửi lại: " Vậy hãy nói lại điều này cho bà Đệ nhất nghe nhé".
Màn trả treo của hai ông bà Tổng thống về chuyện gà trống gà mái về sau được lấy làm cho một ví dụ khoa học về sự ham thích của lạ của con người và động vật. Và để dễ nhớ, người ta gọi luôn nó là "Hiệu ứng Coolidge".
Stefan Klein sau đó dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học và cho rằng hành vi sa ngã hay thích của lạ của chúng ta là do sự điều khiển của một chất gọi là dopamine trong não bộ.
Nhà nghiên cứu não bộ người Canada Anthony Phillips công bố: "Ham muốn của con người/con vật đối với bạn tình có thể đo được. Số liệu nghiên cứu của ông cho biết, chỉ hình ảnh một con cái mới đằng sau tấm kính cũng làm tăng lượng dopamine của con chuột đực lên đến 44%. Ngay trước lúc giao phối, lượng dopamine tiếp tục tăng gấp đôi mức bình thường, lên đến đỉnh điểm rồi sau đó hạ xuống đáng kể. Lần giao phối tiếp theo cũng với đối tác cũ, mức tăng yếu dần và sau một vài lần nữa thì mức dopamine không hơn gì mức bình thường. Ham muốn của con đực đã giảm sút. Nhưng nếu lại có một con cái mới xuất hiện sau tấm kính thì mức dopamine ngay lập tức tăng lên... 34%."
Một nhà khoa học khác là Dean Hamer thì cho rằng chất dopamine trong não bộ liên quan đến gien. Và qua nghiên cứu, ông kết luận là 30% đàn ông được cho là có "gien lang chạ" và trong đời họ có số lượng bạn tình hơn người bình thường 20%. Điều này lý giải cho những huyền thoại phóng đãng được người đời truyền tụng như Don Juan hay Casanova.
Hình minh họa

KHI THỜI GIAN NGỪNG TRÔI

Cuối cùng, thông điệp quan trọng nhất mà cuốn sách hướng tới là làm cách nào để con người hiện đại tận hưởng hạnh phúc cũng như ngăn chặn mầm mống của chứng lo âu, u sầu dẫn đến căn bệnh của thời đại là chứng trầm cảm đang hành hạ và giết chết hàng trăm ngàn người mỗi năm trên thế giới.
Tuy nhiên, mỗi người có một trải nghiệm hạnh phúc khác nhau. Vậy thế nào là cảm giác hạnh phúc? Nữ văn sĩ người New Zealand Katherine Mansfield miêu tả trạng thái tuyệt vời này như là ánh sáng rực rỡ của mặt trời mà ai đó thu nhận được.
Theo Klein, hiến mình cho một hoạt động nào đó có thể mang lại sự tập trung sâu sắc cho cả sự chú ý lẫn nhận thức của con người và do vậy cũng dẫn đến những cảm giác tích cực. Không quan trọng hoạt động thuộc loại gì, miễn là chúng được thực hiện với sự tập trung. Trượt tuyết hoặc đọc sách, một cuộc nói chuyện, bất cứ việc gì được làm một cách nghiêm túc - điều quan trọng là tìm ra một nhiệm vụ để lợi dụng triệt để não bộ.
"Bị cuốn vào một hoạt động nào đó có thể mang lại cảm giác vui thích đến mức chúng ta muốn làm đi làm lại vì chính hoạt động đó. Tại những lúc như vậy mọi việc dường như đang xảy ra không phải bởi hoạt động của chính ta, mà là tự động, như thể được điều khiển bởi một sức mạnh nó đang sử dụng ta như một công cụ của nó. Cái tôi bị lãng quên, và những bận tâm của ta cũng tan biến để chúng ta có thể tập trung tốt hơn vào nhiệm vụ trước mặt." - tác giả viết.
Nhà tâm lý học người Hungary Mihaly Csikszentmihalyi đã làm nên công trình của đời mình khi ghi chép lại những trải nghiệm như thế, mà ông gọi là dòng chảy (flow). Theo ông dòng chảy là trạng thái hoạt động của tâm trí, khi mà cá nhân thực hiện một hoạt động với tràn ngập cảm xúc, tập trung tối đa năng lượng của mình, tham dự toàn vẹn vào quá trình thực hiện hoạt động và tận hưởng quá trình đó. Ông đã phỏng vấn các vận động viên, bác sĩ phẫu thuật, nhạc trưởng và những người khác mà công việc chuyên môn đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối. Ông cũng nói chuyện với hàng trăm nhân viên văn phòng và những người có công việc bình thường khác. Ông đi đến kết luận rằng trong những khoảnh khắc tập trung cao độ thì trải nghiệm mọi người đều giống nhau và hầu hết không phụ thuộc vào hoạt động cụ thể nào.
Nói chung những người được phỏng vấn cảm thấy tốt hơn khi họ tập trung cao độ vào một hoạt động nào đó so với khi họ nghỉ ngơi buổi tối và cuối tuần mà không làm gì cả. Công nhân nhà máy cho thấy khi làm việc họ cảm thấy hạnh phúc hơn gấp đôi so với khi nhàn rỗi. Theo ghi nhận được thì cảm giác uể oải khó chịu trong khi nghỉ ngơi thường nhiều hơn gấp ba trong khi làm việc.
Tất nhiên, theo ông, quá dễ và quá khó đều không tốt. Dòng chảy chỉ xảy ra khi hoạt động đòi hỏi não bộ phải gắng sức ở mức độ hợp lý. Trong những trường hợp này, nỗ lực không cứ phải dẫn đến tình trạng kiệt sức hay tiêu cực. Đúng hơn nó còn giải phóng ra một kích thích dễ chịu, thậm chí là hưng phấn nhẹ.
Vậy những cảm giác tích cực đến từ đâu khi chúng ta bận rộn hết mình vào một hoạt động nào đó? Ông cho rằng, dopamime đóng một vai trò quan trọng, bởi vì chất truyền dẫn này kiểm soát sự tập trung và đánh thức niềm vui sướng. Dopamine gây tác động trực tiếp lên các nơ ron thần kinh ở thùy trán vốn chịu trách nhiệm về bộ nhớ làm việc. Khi chúng ta tập trung thì dường như dopamine cũng tăng lên. Đồng thời dopamine cũng là một loại chất bôi trơn tinh thần.
*
Còn hàng loạt chủ đề thú vị khác mà Stefan Klein bàn luận trong cuốn sách của mình, từ việc "chinh phục bóng tối đời ta" đến "tập nhiễm tuyệt vọng", từ "nghịch lý của tiền bạc và hạnh phúc" đến "tam giác thần kỳ của hạnh phúc".
Và cuối cùng, ông đi đến kết luận, ham muốn sống của con người là bẩm sinh. Nỗi mong đợi cồn cào, cơn vui sướng ngất ngây, lòng thương cảm đầy ấm áp, tất cả đều là những phần trang bị cơ bản của não bộ. Chúng là những món quà cần thiết cho sự tồn tại.
"Nhiệm vụ quan trọng nhất trong cuộc mưu cầu hạnh phúc là hiểu biết bản thân mình. Điều này không hề yêu cầu cái gì quá phức tạp hay đặc biệt cả. Chỉ cần chú ý đến những phản ứng của chúng ta đối với các kích thích hàng ngày và thử nghiệm một chút với cái đã thành thói quen, thế là đủ. Theo cách này, chúng ta càng ngày càng hiểu cái gì hữu dụng với ta. Tất cả chúng ta sẽ tìm ra đáp án cho riêng mình."
Chúng ta có sáu tỉ người, nên có sáu tỉ con đường dẫn đến hạnh phúc.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-46993711

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét