Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Bộ trưởng KH&ĐT dốt đặc về toán và kinh tế ?

Từng là cán bộ ở Kế hoạch & Đầu tư nên trong Blog này tôi kiêng kị không nhận xét về nhân sự cũng như hoạt động của Bộ. Tuy nhiên, cũng có lúc không nhịn được, ví dụ như đọc bài dưới đây. Tiêu đề ở trên là do tôi đặt, nếu nói như các anh chị em lái xe đang đánh BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thì phải đặt là "Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đéo hiểu gì về toán và kinh tế". Chưa nói tới việc tôi không tin những con số của ông như "Tốc độ tăng GDP bình quân tăng 6,8% một năm trong khoảng hai thập kỷ qua, quy mô kinh tế theo đó cũng tăng 39 lần, lên mức 245 tỷ USD vào năm 2018. GDP bình quân đầu người tăng 27,4 lần, đạt gần 2.590 USD vào năm ngoái", vì tôi tin ông Dũng chỉ đọc lại những số của quân lính ông cung cấp mà không tự mình kiểm tra nên các số liệu sai là bình thường; chắc ông thừa hiểu quân lính bây giờ có đứa nào làm việc tử tế, khoa học đâu. Chỉ nói đến mâu thuẫn trong chính những câu ông nói đã thấy ông dốt đặc: (i) Ông nói "tốc độ tăng GDP bình quân tăng 6,8% một năm trong khoảng hai thập kỷ qua", rõ ràng đây là mức cao hơn trung bình thế giới rất nhiều. Theo WB tốc độ tăng GDP bình quân thế giới chỉ tăng khoảng 3% một năm trong khoảng hai thập kỷ qua (xem đồ thị); nếu tách riêng các nước công nghiệp pháp triển mà VN đang phấn đấu đuổi thì tốc độ tăng GDP của họ còn thấp hơn. Vậy mà ông Dũng thản nhiên nói " "khi Việt Nam chạy thì các nước chạy với tốc độ nhanh hơn"; nhanh hơn ở đâu ? Sai cả về kiến thức kinh tế lẫn tư duy toán học. (ii) Ông nói "GDP bình quân đầu người của Indonesia gấp 4,5 lần Việt Nam, Thái Lan gấp đôi, Malaysia gấp 1,4 lần". Toàn những số bậy bạ, vì Malaysia giầu nhất lại chỉ gấp 1,4 lần VN, trong khi Indo nghèo nhất lại gấp tới 4,5 lần VN. Ông còn nói "bình quân đầu người chỉ ngang mức của Malaysia cách đây 20 năm, Thái Lan 15 năm hay Indonesia 10 năm trước"; đều mâu thuẫn ngớ ngẩn: Indonesia gấp 4,5 lần nhưng họ chỉ hơn ta 10 năm; còn Malaysia gấp 1,4 lần lại hơn ta tới 20 năm. (iii) Ông nói "Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia... cách đây 40 năm đã có trình độ phát triển gần giống Việt Nam". Cũng sai hoàn toàn, theo đồ thị 2 của WB cuối bài, cách đây 40 năm (năm 1980), GDP của TQ gấp đôi của ta (200/100 USD), của Hàn Quốc và Malaysia gần gấp 20 lần ta (họ 1800-1900 so VN chỉ 100 USD). Đồ thị cũng cho thấy chúng ta càng ngày càng tụt hậu về thu nhập và mức sống so với họ.
'GDP bình quân đầu người Việt Nam bằng Malaysia 20 năm trước'
30/1/2019 - Tăng trưởng cao 20 năm qua nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam vẫn ở mức "thường thường bậc trung" nếu so với khu vực. Tại buổi gặp gỡ ngày 30/1, trước thềm năm mới Kỷ Hợi, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu không ít trăn trở cho kinh tế Việt Nam. Nhìn lại 30 năm đổi mới, người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, đất nước đã "tự làm chủ, chủ động hoạch định tương lai và quyết định con đường đi", trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với quy mô, tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh. Tốc độ tăng GDP bình quân tăng 6,8% một năm trong khoảng hai thập kỷ qua, quy mô kinh tế theo đó cũng tăng 39 lần, lên mức 245 tỷ USD vào năm 2018. GDP bình quân đầu người tăng 27,4 lần, đạt gần 2.590 USD vào năm ngoái. Nhưng ông nói, "khi Việt Nam chạy thì các nước chạy với tốc độ nhanh hơn", vì thế so với khu vực những con số này "chưa thấm vào đâu".
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 
chia sẻ tầm nhìn phát triển 2019. Ảnh: H.Thu
Đơn cử, GDP bình quân đầu người của Indonesia gấp 4,5 lần Việt Nam, Thái Lan gấp đôi, Malaysia gấp 1,4 lần; Hàn Quốc gấp 6,8 lần... "Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp, bình quân đầu người chỉ ngang mức của Malaysia cách đây 20 năm, Thái Lan 15 năm hay Indonesia 10 năm trước", Bộ trưởng Dũng nêu. So sánh điều này, ông Dũng cho rằng, đất nước ngày càng phát triển, tiến xa hơn nhiều so với quá khứ, nhưng vẫn có khoảng cách lớn nếu so với Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia... cách đây 40 năm đã có trình độ phát triển gần giống Việt Nam. "Việt Nam sau 30 năm đổi mới với nhiều nỗ lực vẫn ở mức "thường thường bậc trung", ông nhận xét.

Những hạn chế của nền kinh tế được vị trưởng ngành kế hoạch chỉ ra, như năng suất lao động, hiệu quả kinh tế thấp, sức cạnh tranh chưa cao, và nhất là nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình hiện hữu. Loạt biến động tình hình địa chính trị bên ngoài đến từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hay độ mở nền kinh tế quá lớn... là những thách thức với Việt Nam trong tương lai.

Trong bối cảnh này, động lực để đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình, theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, vẫn là cải cách thể chế, chính sách để bứt phá nhanh, bền vững hơn.

Theo ông Dũng, với chủ trương phát triển đất nước thịnh vượng, bao trùm và "không để ai bị bỏ lại phía sau", các chính sách đều hướng tới mọi đối tượng trong xã hội, gồm những người yếu thế để xác lập vị thế bình đẳng, công bằng. Với ba trụ cột trong phát triển bền vững gồm kinh tế, xã hội và môi trường, tất cả đều phải lấy con người làm trung tâm xây dựng phát triển, người dân làm động lực, mục tiêu và "không ai bị bỏ lại phía sau".

Ông đề nghị cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cao, liên tục kéo dài; trong đó khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực. Cùng đó, phát triển kinh tế tư nhân vẫn sẽ là một trong những trụ cột của nền kinh tế giai đoạn tới.

"Cơ hội và thách thức luôn song hành, nên biết tận dụng thì thành công. Ví dụ cuộc cách mạng 4.0 nếu không nhạy bén và kịp thời nắm lấy thì khó. Nếu không kịp chuyến tàu công nghệ 4.0 thì khoảng cách với các nước sẽ ngày càng giãn. Họ đi rất nhanh và sẽ không chờ mình. Đây là cơ hội để Việt Nam bắt kịp và thu hẹp khoảng cách phát triển", ông Dũng nhìn nhận.

Ông Dũng cũng cho rằng, hiện là thời điểm để gửi thông điệp mới về thu hút đầu tư nước ngoài, rằng Việt Nam sẽ chọn mô hình tăng trưởng xanh, sạch để phát triển chứ không thu hút FDI bằng mọi giá như vừa qua.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam lên 2.540 USD

Nguyễn Hoài
https://vnexpress.net/kinh-doanh/gdp-binh-quan-dau-nguoi-viet-nam-bang-malaysia-20-nam-truoc-3875999.html



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét