Về khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu
FB Văn Biển 27-1-2019 - May mắn sau này con cháu các vị tới nay thậm chí không biết Tố Hữu là ai, đừng nói tới học, đọc và làm luận văn về thơ ông ta. Hãy làm một cuộc điều tra nhỏ các vị sẽ rõ. Rõ ràng và cũng đau đớn thay cho nhà thơ. Thơ của nhà thơ đã chết khi nhà thơ còn đang sống, vừa mới mất quyền uy. Khi mất ghế thì mọi thứ phù phiếm đều theo nó mất đi. Trong văn học nước nhà, văn học thế giới chưa có thơ của nhà thơ nào chết yểu nhanh như vậy. Đó cũng là kết quả của một thứ quyền uy khác. Quyền uy tối thượng, mạnh hơn. Quyền uy của thời gian. Một sự sàng lọc vô tư, công bằng, nghiệt ngã không chừa bất kể người đó là ai. Có thể nói đó là một tấn bi hài kịch, nhà thơ lãnh đủ, không có nỗi đau nào đau hơn, nỗi đau lúc cuối đời. Nếu có lúc nào, bình tâm nghĩ lại sẽ thấy. Hóa ra cuối cũng tất cả chỉ là phù vân, phù phiếm cả mà thôi.
Nhà thơ Tố Hữu (bên trái) và Tổng Bí thư
Thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ
Lê Duẩn
Thưa ông!
Vừa rồi được biết ông ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, nhằm tri ân những đóng góp của ông cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước, góp phần giáo dục truyền thống… Đó là việc nên làm, nhưng vào một thời điểm khác và điều cần phải nói là với ai khác, chứ với nhà thơ Tố Hữu thì tưởng cần phải cân nhắc có đáng làm không.
Dường như khi đưa ra quyết định này các vị lãnh đạo trong tỉnh không biết mình đang đứng ở thời điểm nào và nhất là không biết mặt trái của nhân vật mình đang suy tôn. Chắc thời các vị còn cắp sách tới trường học Trung học phổ thông, cũng như bao triệu học sinh khác thời đó ở miền Bắc, phần lớn chỉ biết có thơ Tố Hữu. Các luận văn tốt nghiệp các cấp đều lấy đề tài chủ yếu từ thơ Tố Hữu: Thơ Tố Hữu một thời gian dài độc chiếm văn đàn trong nước và trong các trường học.
Xin nói ngay vì không phải Thơ Tố Hữu hay, mà vì Thơ của một vị quyền uy, một thời gian dài là chúa tể trên văn đàn. Nếu các vị có đọc thêm các sách tham khảo về nhà thơ thì cũng lấy từ các sách của các nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử… Thời đó ai viết về Tố Hữu đều phải đưa thơ ông ta lên tận mây, họ viết vì một quyền uy quá lớn của Tố Hữu, phần họ viết vì phải sống, phải tồn tại, phần viết cho phải “đạo” làm tôi. Đó là nỗi đau, nỗi hổ thẹn của một nền văn học một thời mạt vận.
May mắn sau này con cháu các vị tới nay thậm chí không biết Tố Hữu là ai, đừng nói tới học, đọc và làm luận văn về thơ ông ta. Hãy làm một cuộc điều tra nhỏ các vị sẽ rõ. Rõ ràng và cũng đau đớn thay cho nhà thơ. Thơ của nhà thơ đã chết khi nhà thơ còn đang sống, vừa mới mất quyền uy. (Thật ra chỉ là cái ghế ngồi đầy quyền lực, một phần do cơ chế, một phần do ông ta tự tạo ra). Do đó khi mất ghế thì mọi thứ phù phiếm đều theo nó mất đi.
Trong văn học nước nhà, văn học thế giới chưa có thơ của nhà thơ nào chết yểu nhanh như vậy. Đó cũng là kết quả của một thứ quyền uy khác. Quyền uy tối thượng, mạnh hơn. Quyền uy của thời gian. Một sự sàng lọc vô tư, công bằng, nghiệt ngã không chừa bất kể người đó là ai. Có thể nói đó là một tấn bi hài kịch, nhà thơ lãnh đủ, không có nỗi đau nào đau hơn, nỗi đau lúc cuối đời. Nếu có lúc nào, bình tâm nghĩ lại sẽ thấy. Hóa ra cuối cũng tất cả chỉ là phù vân, phù phiếm cả mà thôi.
May ra vẫn có một chút “an ủi”. Tố Hữu vẫn còn lưu lại hậu thế một số câu, một số bài “đáng nhớ”, đó là những bài “Tụng ca” hoặc những bài thơ khóc các lãnh tụ giết người. Chắc chắn ông ta không khóc mướn vì bản thân ông không cần làm chuyện ấy như một số nhà thơ nổi tiếng đương thời buộc phải làm những việc trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Đó là những bài thơ khóc các tên đao phủ, các bạo chúa thế giới: Mao Trạch Đông, Stalin, Lênin… Mười mấy bài thơ ông ta viết về cụ Hồ trong những năm đầu cách mạng rồi cũng không còn mấy ai đọc, mấy ai nhớ.
***
Trong quyết định làm Khu lưu niệm, các vị có nói để tri ân những đóng góp của nhà thơ cho cách mạng. Về thơ ông thì như trên tôi đã nói, đó là chưa kể khi còn phụ trách tuyên giáo (bao gồm cả lãnh đạo văn hóa, văn nghệ) ông ta là một hung thần, miệng hét ra lửa, bàn tay nhà thơ đã sát hại, lưu đày bao đồng chí, đồng nghiệp, nhất là trong vụ Nhân văn giai phẩm, um xùm một thời.
Lạ thật, theo cách mạng không sớm hơn ai, học vấn, văn tài không hơn ai, chẳng hiểu làm sao từ một cậu thư sinh Huế hiền lành, sau lên chiến khu Việt Bắc, rồi trở về Thủ đô biến nhanh thành một gã hung thần như có một phép màu. Điều này có lẽ chỉ nhà thơ và những người trong cuộc mới biết. Tất cả anh em trong giới văn học nghệ thuật dẫu tuổi tác, tài năng học vấn lớn hơn, cả những người theo cách mạng sớm hơn, nhưng đều sợ ông ta một phép.
Nổi tiếng ngông như Nguyễn Tuân không dám ho he chỉ than thở: nếu biết thế này đi học nghề y. Nguyễn Đình Thi học vấn nghề nghiệp là thế, luôn cúi đầu dạ dạ vâng vâng. Lê Đạt nói một câu để đời: Sợ không dám làm người. Nguyên Hồng gan đầy mình thốt lên một câu xanh rờn: ông đếch chơi với chúng mày, rồi dẫn vợ con lếch thếch kéo nhau lên Yên Thế không phải cốt tìm “một con đường” khác, mà vừa khai hoang làm rẫy, kiếm sống qua ngày vừa tiếp tục cày trên trang giấy. Nhà thơ Hữu Loan, cây bút tài hoa, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim” bẻ bút trở về quê đi làm thuê, làm mướn, kiếm sống qua ngày. Quang Dũng nhà thơ nếu chỉ với bài thơ “Tây tiến” cũng đủ làm nên tên tuổi… hàng ngày người ta gặp Quang Dũng trong công viên Thống Nhất, một mình ngồi ủ rũ, người như mất hết nhuệ khí.
Có thể kể còn biết bao người khác nữa dưới mắt nhà thơ chẳng là cái gì cả. Một số anh em khác bị lưu đày đi cải tạo không có ngày về. Sự chăn dắt văn nghệ sĩ không khác một vườn nuôi thú. Chủ trương văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng buồn cười, chỉ hiện thực một nửa, nói mặt tốt còn mặt xấu che đi. Nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Hãy đọc lời ai điếu một giai đoạn của một nền văn nghệ minh họa. Ta không viết cái sự thật xảy ra mà viết cái ta muốn nó xảy ra”. Vậy mà Đảng luôn hỏi: Cuộc sống, cuộc chiến đấu vĩ đại của Nhân dân, của Đất nước thế này tại sao suốt mấy chục năm văn học không có những tác phẩm đỉnh cao? Trong lúc đó người lãnh đạo văn nghệ luôn bảo anh em cầm cọ cầm bút. Hiện thực của ta đẹp thế này chỉ cần sao chép cũng đủ hay.
Xin nói thêm điều này. Sau khi cụ Hồ bị cánh Ba Duẩn, Lê Đức Thọ “nhờ công trạng giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước” lấn át, phải nghỉ việc sớm, nhà thơ đã bỏ cụ Hồ, một bước nhảy qua phe mạnh, có thế lực hơn. Có một bức ảnh chụp nhà thơ ngồi nép dưới nách Tổng Bí thư Lê Duẩn, hệt như đứa con ngồi núp tựa dưới bóng cha…
(Nhân đây xin mở dấu ngoặc nói thêm điều này chắc ai cũng biết, nhà thơ được sắp xếp sẽ lên chức Tổng Bí thư Đảng, nhưng số phận cũng vừa may cho ông ta, vừa may cho Đất nước. Vụ Giá lương tiền do nhà thơ khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách kinh tế chủ trương năm 1985, suýt đưa đất nước vào tình trạng hỗn loạn, và ông ta buộc phải nghỉ hưu sớm. Nói may cho ông ta, và cũng may cho Đất nước, nếu nhà thơ làm Tổng Bí thư thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi nhà thơ lãnh đạo, nắm mọi quyền hành, hoặc nhà thơ cùng nhân dân lên mây hoặc tất cả cùng sa xuống địa ngục của sự bần cùng hóa. Bao nhiêu tiếng thở phào nhẹ nhõm. Có thể Tố Hữu không tự biết mình là ai. Ở đây có thể trách Lê Duẩn chọn người theo cảm hứng).
Thơ đã vậy, bản chất con người đã vậy, sự nghiệp đã vậy, xin hỏi lấy cái gì để giáo dục truyền thống cách mạng cho Dân, cho lớp lớp con cháu sau này.
***
Bây giờ xin nói về thời điểm để xây Khu lưu niệm. Ai cũng biết đất nước đang nợ như chúa Chổm. Có người nói vui chúa Chổm có thể gọi các vị lãnh đạo ta bằng cụ. Nợ xấu, nợ cũ, nợ đòi không được, nợ chồng lên nợ. Nợ không trả nổi… Nhưng đây đó người ta vẫn cứ ung dung dựng tượng, xây đài. Dường như các vị lãnh đạo các tỉnh áy náy không yên khi không có tượng đài, khu lưu niệm cho tỉnh mình. Cảm thấy có lỗi với tiền nhân và hậu thế. Hoặc người ta quá thừa tiền không biết dùng tiền để làm gì nữa.
28 tỷ để xây Khu lưu niệm Tố Hữu. 28 tỷ không phải là nhiều đối với số tiền hàng trăm, ngàn tỷ thất thoát trong các vụ tham ô, tham nhũng bị phát hiện trước nay. Nhưng đối với người Dân, đối với Đất nước còn nghèo không phải là con số nhỏ. (Chưa tính sẽ còn đội vốn lên bao nhiêu nữa). Đó là chưa nói tới mấy nghìn mét vuông đất để bà con canh tác trồng rau, cây ăn quả, có cái ăn hàng ngày, nuôi con cái đi học. Dường như Thừa Thiên – Huế không phải là miền đất giàu có, đất rộng người thưa. Nếu tỉnh chưa khởi công xin hãy vì đời sống, miếng cơm manh áo của người dân quanh năm lam lũ, chưa có lấy một ngày vui trọn vẹn suy tính thiệt hơn, có nên khởi công hay tiếp tục làm công trình này không.
Thay vì lo cho người chết (không một chút xứng đáng) hãy dành cho người sống bữa cơm no, chiếc áo mặc, thiết thực hơn. Đất nước ta còn quá nghèo, người dân còn quá cực khổ bữa trưa chưa no đã vội lo bữa tối, lại còn gánh bao nhiêu thứ thuế, đến nỗi có bao nhiêu chuyện tự tử xảy ra (1).
Chắc chắn dân chúng và con cháu họ sẽ biết ơn các vị lãnh đạo trong tỉnh nhà. Tượng đài lớn nhất, vĩnh cửu là ở trong lòng dân, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mưa nắng, gió bụi thời gian không bào mòn, mà còn tô đậm thêm với lòng biết ơn của lớp lớp con cháu mai sau.
Được biết có một vài miếu mạo đền chùa, người ta có thờ Thần Thiện lẫn Thần Ác. Họ có lý do riêng. Nhưng làm khu lưu niệm để mọi người đương thời và lớp con cháu mai sau tưởng nhớ tới nhà thơ có “sự nghiệp” nổi tiếng hung thần như thế tưởng không nên. Trong tỉnh, trong nước chẳng lẽ không có vị nào đáng suy tôn?
Chuyện Lê Đức Thọ là một bài học sống… ông ta còn có hỗn danh là Sáu Búa… Ông ta có cách giết người không giống ai… Giết một người mà bao người khác phải sợ chờ tới lượt mình, (những người bị nghi theo chủ nghĩa xét lại) mộ ông ta ở Nghĩa trang Mai Dịch, mỗi sáng ai đó đem vứt lên mộ một túi phân, sau gia đình phải lén dời hài cốt ông ta đi nơi khác và sau này cũng không ai nghĩ tới chuyện làm khu lưu niệm. Chắc không phải gia đình hay tỉnh Nam Định không muốn làm, mà thấy không nên làm. Chỉ riêng chuyện lấy tên ông ta đặt cho một con đường cũng gây om xòm, tai tiếng. Chuyện lớn, chuyện nhỏ hàng trăm con mắt thế gian nhìn vào. Đó là chưa nói tới độ lùi của lịch sử. Một khi lịch sử đã có một độ lùi cần thiết, lúc đó sự đánh giá sẽ công bằng hơn giữa công và tội.
Lúc đó ai chính, ai tà đều được lịch sử phán xét phân minh. Tố Hữu và bao nhiêu nhân vật lớn khác cũng không tránh được sự phán xét công minh này. Lê Kiến Thành, con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn gần đây, nhân trả lời một cuộc phỏng vấn đã phân bua với mọi người: “Lịch sử đã không công bằng với ba tôi”. Thưa ông, không có chuyện đó đâu. Lịch sử vốn rõ ràng và rất công minh. Với lại một khi lịch sử đã có độ lùi cần thiết, lúc đó sẽ có sự đánh giá rõ ràng, công bằng minh bạch giữa công và tội. Ở Trung Quốc từ lâu người ta đã đánh giá họ Mao công bao nhiêu, tội bao nhiêu, mà khi ông ta còn sống không một ai dám nói lên điều này. Lịch sử sẽ thay mặt nhân dân làm công việc hết sức cần thiết này. Không một ai tránh khỏi. Tố Hữu được đánh giá ngay vì “công trạng” ông ta quá rõ, không cần đợi thời gian kiểm định.
***
Lại nghe nói các lãnh đạo ở hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cũng chơi sang. Quảng Bình xây Khu tưởng niệm Fidel Castro. Còn công viên Fidel Castro ở Quảng Trị. Phải công nhận các vị lãnh đạo hai tỉnh trên có lòng yêu và trọng thị “người hùng” khắp thế giới. Nhưng khi chọn Fidel Castro các vị không biết đời sống mặt trái hết sức xa hoa của ông ta trong khi đất nước Cuba của ông ta còn nghèo đói. Ngoài ra ông ta còn ham hố quyền lực quá lớn… Nếu vì tình nhân loại bao la thì trên thế giới còn biết bao người tài đức và những cống hiến họ để lại cho Dân và cho nhân loại xứng đáng hơn(2). Chẳng hạn Mahatma Gandhi, nhà chính trị Ấn Độ hoặc nhà thơ lớn Tagore để lại một di sản lớn thơ cho đất nước mình và cho nhân loại.
Nhân đây cũng xin nói thêm các vị lãnh đạo các tỉnh đừng biến Việt Nam thành mảnh đất của các tượng đài và khu lưu niệm. Dầu các tượng đài là của những vị anh hùng thật. Becton Brecht nhà thơ lớn người Đức có nói một câu rất hay mang đậm tính nhân văn: “Thương thay một dân tộc lắm anh hùng”.
***
Bây giờ xin nói về những “bài thơ để đời” của nhà thơ Tố Hữu. Có sáng kiến đề nghị đặt ở lối vào chính Khu lưu niệm nhà thơ tấm bia lớn khắc (bằng chữ lớn) bài thơ đầy ấn tượng:
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xitalin bất diệt.
Cả bài thơ nhuộm toàn máu, máu của ai? Vào thời điểm tác giả làm bài thơ này là trong thời kỳ cải cách ruộng đất không có những kẻ thù ngoại xâm, vậy là máu của đồng bào, đồng chí. Và máu đó nhà thơ thờ ai?
Câu cuối của bài thơ đã nói rõ, tưởng không cần phải nhắc lại. Nhà thơ đã hoàn toàn mất tính người. Người ta chợt nhớ bài thơ tác giả viết khi còn là chàng thư sinh hiền lành xứ Huế:
Đã chết rồi con chim của tôi
Con chim nho nhỏ mới ra đời
Hôm qua nó hãy còn bay nhảy
Chỉ một ngày giam đã chết rồi.
Hai bài thơ để cạnh nhau, hỏi ai có thể tin cùng một tác giả…? Không thể đổ lỗi cho thời gian. Càng về già, theo quy luật, trải qua nhiều biến cố đau thương của Đất nước, cùng bao nỗi trầm luân của kiếp người, con người, nhất là Thi nhân, càng hiểu nhân tình thế thái hơn, càng nhiều yêu thương, đau xót và nhân đạo hơn. Hai bài thơ trên nói lên đầy đủ tư cách, nhân cách của nhà thơ, của người ngay từ thời trẻ đi làm cách mạng với mục đích giải phóng lớp người nghèo khổ nhưng càng về sau ông ta đã làm điều ngược lại. Chức vụ càng cao quyền uy càng lớn, tình người ngày càng mất đi…
Xin trở lại những bài thơ, câu thơ “để đời”. Và rải rác trên các lối đi trong Khu lưu niệm những tấm bia khác cùng những câu thơ khác của ông:
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một thương ông thương mười.
Hoặc:
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xitalin.
Và:
Ơn này nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác, một vai ơn Người (Xitalin).
Hoặc:
Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông…
Và còn, còn rất nhiều câu vớ vẩn nữa, viết mà không biết mình viết gì “Cứ như người máy viết” (Triều Xuân). Và khuất đâu đó, ở một góc có một tấm bia khắc mấy câu thơ của một nhà thơ khác (Xuân Sách).
Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta
Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường hoa ở đây.
(Trích Chân dung nhà thơ của Xuân Sách)
Tưởng nên nhắc lại vài ý trong bức thư của ông Nguyễn Khắc Viện gửi cho Tố Hữu (30/11/1986). Ông Viện, vừa là bác sĩ, vừa là học giả có uy tín, đảng viên hai Đảng Cộng sản Pháp và Việt Nam. Sau khi bị Chính phủ Pháp trục xuất ông trở về Việt Nam, ông sáng lập và chủ biên Tạp chí Đối Ngoại và chủ trương Nhà xuất bản Ngoại Văn. Trong bức thư có những đoạn như sau:
Anh bảo anh làm bí thư (TƯ Đảng) nhưng không bí thơ. Chúng tôi thấy anh càng quyền cao chức trọng, đọc thơ anh càng thấy nhạt nhẽo.
Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền là chôn vùi sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân. Rút lui đi anh Tố Hữu, cứu lấy nhà thơ Tố Hữu.
Xuân này anh hãy chen vào đám đông đi chợ hoa, đi hội làng Gióng hay Đồng Kỵ, chứ không phải tiền hô hậu ủng nữa.
Anh mà trở lại Trung ương, Bộ Chính trị thì bài báo đối ngoại đầu năm tôi phải viết sẽ là bài “la mort d’un poete” (cái chết của một nhà thơ)…
Kính thư
Nguyễn Khắc Viện, 8 Nguyễn Chế Nghĩa, Hà Nội
Nhiều người đọc bức thư tâm tình này tha hồ đoán Tố Hữu sẽ làm gì khi nhận được bức thư. Có người vui mừng, nhà thơ sẽ nghe ra, xã hội bớt đi một hung thần… Lại có người cười nhạt. Tội nghiệp bác sĩ Viện đem đàn gảy tai trâu. Và quả đúng như thế, nhà thơ chắc chỉ lướt qua rồi tự nhủ. Hắn chẳng hiểu chi mô hết.
Nhưng có một chuyện không liên quan gì tới bức thư, đã cứu nhà thơ và cứu đất nước, vụ Giá lương tiền đã buộc Tố Hữu về nghỉ sớm, nhưng không phải ra chợ hoa xuân với anh em mà lui về ngôi biệt thự đường Phan Đình Phùng, một mình một bóng, cả ngày không có tiếng chuông reo hay tiếng gõ cửa của bao người tới cầu cạnh như hồi nào đương quyền đương chức.
________
(1) Xin kể hai mẩu chuyện nhặt được trên các báo hàng ngày.
Chuyện thứ nhất: Gần đây trên báo chính thống và các trang mạng xã hội um xùm về chuyện 152 người Việt mình đi du lịch Đài Loan trốn ở lại. Nhiều người nghi họ sẽ trốn sang nước thứ ba, thứ tư nào đó để có cuộc sống sung sướng hơn… Có thể ở đó họ đã có sẵn cơ sở nhà cửa chuẩn bị từ trước. Một số nghi họ sẽ ở lại Đài Loan, xin nhập cư lâu dài, và mua biệt thự, dinh cơ như một số đồng bào sang định cư ở các nước Châu Âu, Bắc Âu.
Nhưng rồi các quan chức sở tại lần lượt tìm ra manh mối những người bỏ trốn. Họ bị trả lại Việt Nam! Hóa ra những dự đoán trên đều là chuyện trên mây, trong mộng. Tất cả trốn ở lại với mục đích đi lao động chui, còn mấy cô gái người ta bắt được ở các nhà thổ! Đúng là chuyện lạ xưa nay hiếm. Đi kiếm sống, bằng sức lao động, bằng vốn tự có của chị em mà cũng phải chui lủi. Họ bị dư luận và các cơ quan hữu quan lên án với tội danh: Làm nhục quốc thể!
Chẳng hiểu khi bị dẫn về nước họ phải chịu hình phạt gì, có phải đối mặt với tòa án không. Chỉ xin được hỏi một câu: Ai gây nên nông nỗi này, nếu ở quê nhà làm ăn sinh sống bằng sức lao động của mình, không bị áp bức bóc lột, không phải sưu cao thuế nặng họ đâu phải dại dột qua xứ người lao động chui? Cực khổ trăm bề. Những người đó đáng thương hay đáng bị lên án?
Trong lúc đó, mấy năm nay có trên 5 triệu người Việt Nam rời bỏ quê hương qua các nước tư bản, họ có sẵn biệt thự, dinh thự, con cháu mua trước ém sẵn, chắc chắn sẽ sống như các ông hoàng bà chúa. Sẽ có người tò mò hỏi, vậy họ lấy tiền ở đâu ra mà lắm thế, xin thưa: bằng nhiều cách. Một số các quan tham, các tướng lĩnh, chủ các ngân hàng… và nhiều thủ lĩnh các cơ sở kinh doanh của nhà nước, lâu nay được mệnh danh là những quả đấm thép, một số bị bắt đưa vô lò nướng của Tổng-Chủ Trọng, một số may ra trốn thoát và nay bắt đầu thời kỳ vàng son. Còn một số không ít nằm trong các sân sau, sân trước của phe lợi ích nọ, nhóm lợi ích kia. Phải hiểu điều này, loại người này càng sướng bao nhiêu, chiếc lưng của người dân càng còng xuống bấy nhiêu, vì lao động quanh năm vất vả, cộng với những gánh nặng của các loại thuế má đè lên.
Những điều vừa nói trên đều có liên quan tới vụ 152 người trốn đi lao động chui ở Đài Loan.
Có một điều oái oăm, những người bị xã hội lên án với tội danh Làm nhục quốc thể, còn những người cũng trốn đi (hoặc đi hợp pháp đàng hoàng) thì sẽ được coi như Vinh danh quốc thể???
Nghĩ mà buồn!… và đau lòng!
Chuyện thứ hai: Cách đây mấy tháng báo chí có đưa tin chuyện hai người mẹ tự tử với hai cách chết đáng thương nhưng hoàn toàn khác nhau. Một bà mẹ cho mấy đứa con uống thuốc độc, chờ bọn nhỏ chết rồi, người mẹ uống thuốc độc chết theo, vì mấy mẹ con không còn gì để sống, (bố bọn nhỏ nghiện ngập đủ thứ, đã bỏ nhà ra đi). Cái chết thứ hai thì có khác, một mình người mẹ uống thuốc độc rồi một mình ra đi, để bọn trẻ nheo nhóc ở lại, với hy vọng tiền phúng điếu của bà con nghèo lối xóm, chúng tạm sống được mấy ngày, sau đó sẽ có tiền trợ cấp xã hội.
Chỉ là chuyện hàng ngày trên… báo chí giữa vô vàn những tin giật gân khác trong nước và ngoài nước, rồi mọi người sẽ quên đi chuyện đau thương của hai người mẹ tự tử…
Nhưng khổ nỗi, hai bà mẹ đau khổ, bất hạnh lại tình cờ gặp nhau ở cõi âm. Sau khi biết chuyện về cách xử lý của mọi người, một trận đấu khẩu nổ ra, trong hai cách xử lý trên ai đúng, ai sai… Người nào cũng cho là mình xử sự đúng. Cuối cùng họ đòi tới nhờ Diêm Vương phán xử để tìm lấy sự công bằng. Chuyện dài không thể kể ra đây, xin quý vị đọc giúp trên các trang mạng. Trân trọng cảm ơn.
***
Vài lời cuối: Nếu may mắn bức thư này tới các vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế, xin các vị hãy bỏ chút thì giờ, quan tâm tới những điều viết trong bức thư khá dài, với tất cả sự cố gắng của một người tuổi đã ở ngưỡng 90.
Nếu có gì sai xin hãy được lượng thứ. Tôi đã cố sức viết với cả nỗi đau và tâm huyết của mình.
Một lần nữa mong các vị hãy quan tâm. Kính chúc các vị sức khỏe!
Kính thư
Văn Biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét