Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

Nguyễn Thiện Nhân: Từ kỳ vọng đến thất vọng và lừa bịp

Nguyễn Thiện Nhân: Kỳ vọng và thất vọng!
Gió Bấc 2019-01-23 - Có một thời kỳ, tôi và nhiều người khác đã từng kỳ vọng vào ông với những yếu tố nổi trội về gia thế, tư chất và môi trưởng học tập. Sinh ra trong gia đình trí thức, được học hành trong môi trường chuẩn mực về khoa học và văn hóa sống như Đại học Oregon, Viện Đại học Harvard. Hẳn Nguyễn Thiện Nhân là người học thật và có thực học. Với kiến thức, tâm huyết, tầm nhìn, ông sẽ làm nhiều điều hữu ích cho đất nước.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy Thành phố. AFP
Nhưng rất tiếc, ngược lại với sự kỳ vọng đó, mỗi bước thăng tiến trên con đường quan lộ của ông người ta càng thất vọng nhiều hơn. Bảy năm làm Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM trôi đi trong nhợt nhạt, không gây ấn tượng nào đáng kể, chỉ như búp bê trong tủ kính điểm tô vẻ trí thức cho triều đình Lê Thanh Hải mọc rễ lợi ích nhóm.

Năm 2006, Nguyễn Thiện Nhân bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục với những tuyên bố hùng hồn lại khơi lên hy vọng. Từ điển Wikipedia ghi nhận tóm tắt thành tích Bộ Trưởng của ông như sau: Ngay từ lúc nhậm chức, ông đã đề ra chính sách cải cách nền giáo dục Việt Nam với tiêu chí: "chống bệnh thành tích trong học tập và tiêu cực trong thi cử", "xây dựng một phương pháp học sáng tạo, thực chất, học là phải dùng được", "đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới".

Mở đầu năm học 2006 – 2007, Nguyễn Thiện Nhân thực hiện cuộc vận động hai không: “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích” bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước phải làm theo.

Năm không, kết cuộc vẫn hoàn không!
Ông đưa ra khẩu hiệu cho năm học 2007 - 2008 là "năm không" gồm: "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc "ngồi nhầm lớp" (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp) và (dành cho các bậc đào tạo sau trung học) đào tạo không theo nhu cầu xã hội"; đẩy mạnh công cuộc "xã hội hóa giáo dục" nhằm "Huy động tổng thể sức mạnh của toàn xã hội phát triển giáo dục và đào tạo".
Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Thiện Nhân. Photo courtesy of wikipedia
Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Thiện Nhân. Photo courtesy of wikipediaPhoto courtesy of wikipedia
Tác dụng của chính sách mới xuất hiện ngay cuối năm học, ở kỳ thi tốt nghiệp trung học: chỉ tính riêng hệ trung học phổ thông kỳ thi lần một chỉ có 67,5% đỗ tốt nghiệp (thậm chí có trường không đỗ học sinh nào) thêm cả lần hai là 80,38%; hệ trung học bổ túc cả hai đợt là 46,26% so với năm học 2005 - 2006; trung học phổ thông: 92% trung học bổ túc: 74,6%. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2008 đã diễn ra thành công với kết quả đỗ cao hơn năm trước: tỷ lệ đỗ khoảng 76%. Dư luận xã hội Việt Nam nhìn chung là chấp nhận điều này và chỉ đặt ra nhiều câu hỏi về thực chất giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có chỉ trích cách làm của ông Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng việc ông cho tổ chức cho ôn tập và thi tốt nghiệp lần 2 là quá tốn kém (khoảng 122 tỷ đồng) và hiệu quả không cao, thậm chí giáo sư Hoàng Tụy còn cho rằng kỳ thi này chỉ mang tính hình thức”.{1}
Đến nay, đã có độ lùi trên 10 năm để nhìn lại kết quả cải cách, những cái nói không của Bộ trưởng Nhân thì dễ thấy rằng bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử, bằng giả, chất lượng giáo dục kém không hề lùi mà càng lúc càng tăng. Kỳ hạn giáo viên có thể sống bằng lương qua lâu rồi nhưng đó vẫn là ước mơ xa. 
Vì sao những cái chống, cái nói không những cuộc vận động long trời lở đất của ông Bộ trưởng Nhân không đạt kết quả? Vì thực ra ông chống bệnh thành tích chỉ nhằm tạo thành tích cho bản thân ông. Siết chặt kỳ thi năm 2007 bằng cả đề thi khó lẫn thang điểm chấm chặt, hạ tỉ lệ tốt nghiệp cả nước xuống 63% ông tạo ấn tượng cho dư luận thấy chất lượng phổ thông thấp. Năm 2008 bằng đề thi, thang điểm chấm nới hơn, cộng với kỳ thi thứ hai, đương nhiên sẽ tạo ra con số đẹp tỉ lệ tốt nghiệp trên 76% như một phép màu chất lượng giáo dục nâng lên.
Thầy Đỗ Việt Khoa, người cung cấp clip sai phạm của Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô (Ảnh Thu Hòe)-Giaoduc.net
Thầy Đỗ Việt Khoa, người cung cấp clip sai phạm của Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô (Ảnh Thu Hòe)-Giaoduc.net Giaoduc.net
Người duy nhất hưởng ứng nói không với tiêu cực trong thi cử là thầy giáo Đỗ Việt Khoa thì 12 năm qua phải sống lên bờ xuống ruộng hiện đang ôm nợ hơn 1 tỉ đồng và gia đình có nguy cơ dỗ vỡ vì người vợ không chịu nỗi áp lực xã hội.
Thầy Khoa nói với báo chí “Tôi cảm thấy rất buồn. Nếu trước đây, các sai phạm thi cử do các hiệu trưởng, giáo viên trong nhà trường tiếp tay, thì bây giờ, vấn đề có sự tham gia của lãnh đạo Sở ngành. Sự gian dối có quy mô, tổ chức đến mức không thể tưởng tượng được. Tôi đã tố cáo gian lận thi cử ở Trường THPT Phú Xuyên A  năm 2006 và trong 12 năm qua, tiêu cực thi cử hàng năm vẫn cứ diễn ra. Sau  đó  là vụ Đồi Ngô, Bắc Giang; vụ ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình gây chấn động và bây giờ tiếp tục là Hà Giang, Sơn La…” {2}

Đề án 20.000 tiến sĩ chết non

Khi làm Phó Thủ Tướng, ông Nhân lại có một đề án nổi tiếng do chính ông ký tên ban hành nhằm đào tạo 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010 - 2020. Người có đôi chút hiểu biết nghe đến con số chỉ tiêu tiến sĩ đào tạo trong 10 năm đã thấy hoang mang. Không chờ đến kết thúc thời hạn của đề án, năm 2016, kiểm toán nhà nước đã kiểm toán đề án này và khẳng định thất bại cả về số lượng lẫn chất lượng. Tiền thì tiêu mất nhưng ngay cả số lượng những tiến sĩ giấy cũng không đạt chỉ tiêu. Báo chí đã có nhiều bài viết về kinh nghiệm đau xót này.
“Được đầu tư 14.000 tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện “Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” (Đề án 911) tính đến hết năm 2016 được đánh giá là không hiệu quả. Tất cả các chỉ tiêu của đề án này đều không đạt và Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2016, tổng số nghiên cứu sinh trúng tuyển thực nhập học các hệ đào tạo là hơn 4 nghìn nghiên cứu sinh, đạt hơn 31% so với chỉ tiêu giai đoạn và bằng 17,5% của cả đề án. Tuy nhiên, mới chỉ có 787 nghiên cứu sinh tốt nghiệp và được cấp bằng, đạt 6% so với chỉ tiêu tính đến năm 2016 và bằng 3,5% của cả đề án. Vấn đề sử dụng kinh phí triển khai đề án cũng có nhiều hạn chế.
Với kết quả được xem là thất bại “thảm hại” như vậy khiến dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả của đề án và việc lãng phí nguồn lực, bao gồm cả nhân sự và tài chính….Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, việc đánh giá bằng con số như báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố là rất thuyết phục, rõ ràng kết quả đạt được của Đề án 911 rất thấp so với các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cần làm rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong quản lý, điều hành, bởi việc đánh giá hiệu quả của đề án không chỉ là việc đếm số lượng tuyển sinh (đầu vào) và tốt nghiệp (đầu ra).” {3}

Thành tích khoa học giả mang tên Filatov

Trong đất nước dân chủ, minh bạch thật sự những thành tích giả tiêu tốn hàng chục ngàn tỉ đồng ngân sách, kích thích căn bệnh sính bằng cấp, hình thức,…   phải được xem xét trách nhiệm nghiêm túc như những loại củi Đinh La Thăng hay Vũ Huy Hoàng. Thế nhưng ở đây, Nguyễn Thiện Nhân vẫn cứ thăng tiến lên hết chức vụ này đến chức vụ khác.
Nghiệt ngã hơn, chính ông Nhân đã tôn vinh thành tích giả trong khoa học cho ngay người cha của mình dù biết chắc rằng thành tích khoa học giả ấy có nguy cơ cao với sức khỏe, sinh mạng con người.
Ông Nguyễn Thiện Nhân tại buổi ra mắt sách về Giáo sư Nguyễn Thiện Thành vào ngày 31/10/2015.
Ông Nguyễn Thiện Nhân tại buổi ra mắt sách về Giáo sư Nguyễn Thiện Thành vào ngày 31/10/2015.Courtesy of CAND
Năm 2015, nhiều tờ báo đã thông tin trang trọng, lễ ra mắt cuốn sách: “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng” với hình ảnh Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân đứng trang trọng trên lễ đài.
GS Nguyễn Đức Công, Giám đốc bệnh viện Thống Nhất phát biểu tại buổi lễ cho biết, những năm 70 của thế kỷ trước, đất nước đang chìm trong chiến tranh, nghèo đói. BS Nguyễn Thiện Thành đã tiếp cận với những giả thuyết từ phương pháp Filatov của một vị bác sĩ Liên Xô và cho rằng đây là một lý thuyết có căn cứ khoa học. Năm 1951, BS Nguyễn Thiện Thành đã thuyết trình về phương pháp Filatov trước cán bộ quân y và được mọi người đón nhận. Từ đó phương pháp cấy nhau theo học thuyết Filatov ra đời và áp dụng vào thực tế chữa bệnh cho người dân mang lại kết quả khả quan. {4}
Quả thật với trình độ dân trí và điều kiện y tế thiếu kém thời đó, phương pháp cấy nhau (Filatov) của bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được người dân khu 8 sùng tín như phép màu và có tác dụng tuyên truyền rất tốt cho Việt Minh. Không biết bổ khỏe tới đâu nhưng chỉ cấy chút nhau thai vào dưới da thì ai củng tăng cân. Người dân vùng Quốc gia đổ xô vào Đồng Tháp Mười để cấy nhau làm áp lực đến mức quân đội Quốc gia phải mở cổng rào cho dân đi như các trạm BOT thất thủ phải xả trạm bây giờ. Sau 30/4/1975, Filatov chế biến từ nhau thai vẫn còn là “thánh dược” được các công ty Dược quốc doanh sản xuất phổ biến.
Thế nhưng trước nay, y học thế giới chưa từng chấp nhận phương pháp này. Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục Quản lý Dược cho biết Việt Nam hiện cấm sản xuất, lưu hành thuốc làm từ nhau thai người. Cục Quản lý Dược năm 2015 đã ra công văn cấm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người. Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy.
Bìa sách “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng”
Bìa sách “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng” Courtesy of Nhà xuất bản Công An Nhân Dân
Hiện nay các chế phẩm được bào chế từ tạng liệu như nhau thai người, gan thận súc vật... được thế giới khuyến cáo không sử dụng vì không có bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng một cách rõ ràng mà nguy cơ lây nhiễm bệnh lại rất lớn. Chẳng hạn dùng cơ quan tạng phủ từ bò thì bị lây nhiễm bệnh bò điên, những viên thuốc chứa thịt người từ phôi thai, nhau thai mới báo cáo ở Nigeria chứa rất nhiều mầm bệnh, đặc biệt là siêu vi nhiều nhất là siêu vi gây viêm gan B.{5}
Những thất bại của Nguyễn Thiện Nhân trong cương vị Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục vẫn còn di hại đến giờ qua nền giáo dục hình thức dối trá, trục lợi xuống cấp không phanh. Thất vọng nhưng chúng ta vẫn có thể thông cảm chia sẻ với Nguyễn Thiện Nhân là lực bất tòng tâm. Trong cơ chế xã hội này chỉ cố gắng cá nhân thì vô nghĩa.
Chương trình 911 chết không kèn không trống, 20 vạn tiến sĩ không thành lại tạo ra xu thế mua bằng, xã hội sính tiến sĩ bất cần chất lượng, chúng ta vẫn có thể thông cảm cho giấc mơ hoang tưởng của Nguyễn Thiện Nhân và không hê đồng nhất số tiền 14.000 tỉ đi hoang ấy với con số lỗ lã của Đinh La Thăng.
Nhưng sự kiện vinh danh Filatov làm người ta băn khoăn về nhân cách, đạo đức khoa học của một Giáo sư, Tiến Sĩ Nguyễn Thiện Nhân.
Liệu có nên tôn vinh việc ứng dụng phương pháp y học không có bằng chứng khoa học mà lại có nhiều nguy cơ, bị y tế thế giới cấm sử dụng không? Người thầy thuốc truyền bá phương pháp ấy thực hiện cho hàng vạn người là anh hùng hay tội đồ? Đương nhiên đứng về phía sức khỏe, tính mạng người dân sẽ thấy đây là tội ác, Đảng và chính quyền với góc độ lợi ích của mình đã phong Nguyễn Thiện Thành là Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân. {4}
Tôi tự nhủ, tự gieo cho mình niềm hy vọng mới “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” có thể do môi trường, do thể chế, những yếu tố thiện lương nhân hậu vẫn còn đâu đó trong Nguyễn Thiện Nhân. Có lẽ, nhiều người cũng cùng hy vọng như tôi.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/nguyen-thien-nhan-hope-and-hopeless-01232019092723.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét