Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Phương châm đối phó 21 chữ của TQ với Mỹ

Phương châm đối xử 21 chữ của TQ với Mỹ
Mỹ muốn đánh "dập đầu" Trung Quốc từ kế hoạch “Made in China 2025”. Tổng thống Trump "thâm nho" không kém gì Tập Cận Bình. Nhằm đối phó lại Mỹ, Bắc Kinh đề ra “phương châm 21 chữ”: Đó là “không đối kháng, không chiến tranh lạnh, mở cửa theo từng bước, không nhượng bộ lợi ích cốt lõi quốc gia”. Phương châm 21 chữ được Đa Chiều coi là sách lược của ban lãnh đạo Trung Quốc dùng đối phó với Mỹ hiện nay.
Từ sau cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình tại Buenos Aires, dư luận quốc tế đã bàn tán nhiều về những nhượng bộ của Trung Quốc về mậu dịch với Mỹ và liên hệ chúng với những động thái trên nhiều mặt của Trung Quốc. Như mới đây, The Wall Street Journal đăng bài cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu sửa lại kế hoạch chiến lược “Made in China 2025”.

Thông tin về kế hoạch sửa đổi này nói Trung Quốc sẽ cho phép các công ty nước ngoài rộng cửa vào thị trường Trung Quốc hơn. Đây được cho là tín hiệu nhượng bộ trước Mỹ. Ngoài ra, việc khôi phục mua đậu tương, hạ thấp mức thuế đối với xe hơi nhập từ Mỹ... cũng đều được cho là những nhượng bộ của Bắc Kinh trước những đòn tấn công cứng rắn của Washington. Giữa lúc này, có thông tin từ Bắc Kinh cho biết, ban lãnh đạo Trung Quốc đã đề ra “phương châm 21 chữ” đối với Mỹ. Đó là “không đối kháng, không chiến tranh lạnh, mở cửa theo từng bước, không nhượng bộ lợi ích cốt lõi quốc gia”.

Theo trang tin Đa Chiều (DWNews), trước những biến đổi ngột và khó đoán định của Mỹ trong cuộc chiến thương mại, giới lãnh đạo cao cấp Bắc Kinh đã có phương án đối phó kỹ lưỡng trong cách đánh chiến tranh thương mại. Phương châm 21 chữ này là cách Trung Quốc dùng thời gian đổi lấy không gian, thống nhất với sách lược ứng phó lấy cải cách làm chủ trong nước.

Không đối kháng, không chiến tranh Lạnh (Bất đối kháng, bất đả lãnh chiến)

Đa Chiều phân tích, giới lãnh đạo Bắc Kinh hẳn có sự phán đoán rõ ràng về thực lực của Trung Quốc hiện nay không đủ khả năng đối kháng với Mỹ và các đồng minh phương Tây. Đặc biệt, nếu Trung Quốc tỏ thái độ cho thế giới biết sẽ ăn miếng trả miếng và theo đuổi kiểu lấy sức đấu sức với Mỹ trong chiến tranh thương mại hoặc tìm kiếm sự đối đẳng về số lượng, cấp biệt trong từng đòn đối chọi - Ắt sẽ dẫn đến đòn hội đồng của Mỹ, thậm chí là của các đồng minh với Mỹ. Nếu như thế, Trung Quốc sẽ gánh hậu quả mang tính thảm họa.

Trường hợp Liên Xô cũ trước đây là một bài học. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không biến mình thành bên đối kháng với cả thể chế phương Tây do Mỹ đứng đầu. Trong mọi lĩnh vực đều tồn tại “biên giới cứng”, hiện nay bên ngoài trật tự kinh tế thế giới đang tồn tại một sự khác biệt. Trên cơ sở hòa nhập trật tự chính trị - kinh tế thế giới hiện hữu, ở một mức độ nào đó cần thiết có lợi ích quốc gia trên con đường phát triển. Cần có sự thay đổi (nâng cao) có mức độ về lợi ích quốc gia. Sự thay đổi đó có mức độ, về thời gian không thể vội vàng, để tránh gây nên sự cảnh giác dẫn đến sự áp chế bằng sức mạnh đối với Trung Quốc. Nếu sự việc xảy ra như vậy thì chẳng ai dám bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không đi vào vết xe đổ của Liên Xô cũ.

Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ không chủ động tìm kiếm sự đối đầu với thế giới phương Tây do Mỹ cầm đầu, càng không để quan hệ Trung - Mỹ rơi vào bức màn sắt, quay trở lại trạng thái Chiến Tranh Lạnh. Cho dù chính phủ Donald Trump có hay không màu sắc ý thức hình thái mạnh mẽ. Trung Quốc cũng sẽ gắng sức không để bị sa vào “Thucydides's Trap” (Bẫy Thucydides - mối nguy hiểm khi một cường quốc đang trỗi dậy muốn cạnh tranh với siêu cường số 1).


Cuộc hội đàm ở Buenos Aires mang lại sự hòa hoãn tạm thời trong cuộc chiến mậu dịch Trung - Mỹ.
Mở cửa từng bước một (Án bộ phạt khai phóng)

Theo Đa Chiều, năm nay vừa tròn 40 năm Trung Quốc thực hiện Cải cách mở cửa. Cải cách mở cửa đã đem lại những thay đổi to lớn cho Trung Quốc là điều ai cũng thấy rõ. Đối với Trung Quốc, Cải cách mở cửa vừa là quá trình khiến thế giới nhận thức lại Trung Quốc, tìm hiểu Trung Quốc. Đây cũng là quá trình Trung Quốc đi ra thế giới. Hiện nay, quả thực Trung Quốc vẫn còn khá nhiều lĩnh vực chưa mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc vẫn mang tiềm lực phát triển không nhỏ khi chờ được mở cửa. Hai năm qua, giới lãnh đạo Trung Quốc liên tiếp bày tỏ quyết tâm thực hiện chính sách tiếp tục mở cửa rộng hơn. Mở rộng cửa với bên ngoài có chỗ trùng hợp với yêu cầu của Mỹ đối với Trung Quốc trong cuộc chiến mậu dịch. Vì vậy luôn có dư luận cho rằng, Mỹ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc là đang thúc đẩy Trung Quốc mở cửa.

Nhưng giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc hiểu rõ, mở cửa theo từng bước không phải là mở rộng cửa ngay lập tức. Nếu không, sóng gió ập vào, tư bản đầu tư từng nhiều lần điên đảo thế giới sẽ làm nhiễu loạn nghiêm trọng trật tự kinh tế Trung Quốc. Đồng thời, nguồn vốn trong sản nghiệp khổng lồ của các quốc gia công nghiệp phương Tây ập vào cũng sẽ vùi dập lĩnh vực sản nghiệp yếu ớt của Trung Quốc. Vì vậy, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc có lẽ cho rằng, Trung Quốc cần phải mở cửa. Nhưng sự mở cửa đó phải có kiểm soát, từ từ, có đủ thời gian để bồi dưỡng ngành chế tạo và công nghệ cao của Trung Quốc - thành thục cái nào, mới mở cửa cái đó.

Trong cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình vừa qua, Trung Quốc đã cam kết mua đậu tương Mỹ và hạ thấp thuế xe hơi, bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ... Thử hỏi, có điểm nào không phải là cải cách nội bộ Trung Quốc đang làm? Kiểu nhận thức cho rằng cuộc hội đàm ở Buenos Aires là Trung Quốc đầu hàng Mỹ là bất đắc dĩ, ký kết cầu hòa, là không thấy được đây là sự lựa chọn chủ động của Trung Quốc. Bên ngoài có thể hiểu đây là sự nhượng bộ của Trung Quốc nhưng sự nhượng bộ này không phải là vô nguyên tắc, mà là cần thiết cho việc tìm kiếm sách lược giải quyết chiến tranh thương mại với Mỹ và cho cả cải cách mở cửa ở trong nước.

Không nhượng bộ lợi ích quốc gia cốt lõi 
(Quốc gia hạch tâm lợi ích bất thoái nhượng)

Đa Chiều thông tin, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sớm phán đoán 20 năm tới đây sẽ là thời kỳ cửa sổ đối với sự phát triển của Trung Quốc. Việc có nắm được thời gian này để tiến hành cải cách chính trị, kinh tế trong nước, đồng thời mở rộng cánh cửa đối ngoại, ứng phó thỏa đáng với sự biến đổi tình hình trong - ngoài nước hay không, sẽ quyết định tương lai của công cuộc phục hưng Trung Hoa mà họ đang kỳ vọng. Đó chính là lợi ích quốc gia cốt lõi, mục tiêu mà mọi quyết sách đều phải phục vụ. Đương nhiên, nếu quốc gia khác vì nhu cầu lợi ích của họ, gây áp lực buộc Trung Quốc phải từ bỏ lợi ích cốt lõi này thì Trung Quốc sẽ không thể chấp nhận.

Đa Chiều cho rằng, trong sự kiện Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ, ngoài việc Trung Quốc không dung thứ việc quyền con người của công dân Trung Quốc bị xâm phạm - Thì địa vị của Huawei trong ngành công nghệ cao Trung Quốc, đặc biệt là tính chất quan trọng của công nghệ 5G đối với sự phát triển của Trung Quốc, đã quyết định việc Trung Quốc kiên quyết không nhượng bộ trong vấn đề lợi ích cốt lõi.

Hay như kế hoạch “Made in China 2025” do chính phủ Trung Quốc đề ra, gần đây có tin nói Trung Quốc tiến hành sửa đổi nội dung để đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Theo tin tức thì Trung Quốc sẽ hạ mức, cho phép các công ty nước ngoài vào Trung Quốc rộng rãi hơn. Điều này được hiểu là sự nhượng bộ của Trung Quốc trước Mỹ. Nếu nói là sự nhượng bộ, quả thực công ty nước ngoài đổ vào lĩnh vực công nghệ cao nhiều hơn sẽ thu hẹp không gian tham dự của các công ty Trung Quốc trong thị trường nội địa. Nhưng trên thực tế đó chỉ là hành động cam kết mở cửa thêm với bên ngoài. Nếu cho rằng Trung Quốc mở cửa thị trường trong nước trước đây đóng kín đối với các công ty nước ngoài có nghĩa là Trung Quốc đầu hàng là từ bỏ nội dung thực chất của “Made in China 2025”, e rằng ở đây đã có sự hiểu sai.


Chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ là mối quan tâm lớn của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại.
Bất luận là nhu cầu chuyển đổi kinh tế trong nước hay là sự vươn lên hàng đầu chuỗi giá trị sản nghiệp thế giới của các sản nghiệp trong nước thì Trung Quốc cũng quyết không từ bỏ mục tiêu mà “Made in China 2025” cần đạt tới. Nếu Trung Quốc thực sự từ bỏ những yêu cầu thực chất phía sau kế hoạch này thì sự phát triển của Trung Quốc sẽ không bền vững, tất sẽ chôn vùi tiền đồ phát triển của họ. Chắc chắn Trung Quốc sẽ không cho phép điều này xảy ra. Trên thực tế, cái gọi là từ bỏ “Made in China 2025” chỉ là sự biến mất của cụm từ này trong tuyên truyền của truyền thông chính thống, còn nội dung thực chất sẽ không thể bị từ bỏ.

Tại Hội nghị công tác kinh tế cuối năm của Bộ Chính trị hôm 13.12, ông Tập Cận Bình vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp ngành chế tạo. Tin trên báo chí cho thấy, hội nghị cho rằng Trung Quốc năm 2019 vẫn cần “thúc đẩy ngành chế tạo phát triển chất lượng cao, thúc đẩy hòa hợp sâu rộng giữa ngành chế tạo tiên tiến với ngành dịch vụ hiện đại”. Điều này so với nội dung nêu trong kế hoạch “Made in China 2025” là “Đi sâu điều chỉnh kết cấu ngành chế tạo tiên tiến, tích cực phát triển ngành chế tạo có tính dịch vụ và ngành dịch vụ có tính sản xuất”. Do vậy, đây chẳng qua chỉ là sự điều chỉnh đôi chút về cách dùng từ mà thôi.

Đa Chiều kết luận: Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ từ khi bùng nổ hồi tháng 3 đến nay, sau các vòng đọ sức và thăm dò, có thể nói hai bên đều đã hiểu rõ lợi ích và có đối sách đối với cách ứng phó của đối phương. Đặc biệt đối với Trung Quốc là bên bị động đã trở thành bên lý trí và chín chắn hơn so với sự thay đổi bất thường của chính phủ Donald Trump. “Phương châm 21 chữ” như lời đồn có thật hay không thì còn cần phải đợi xác nhận. Nhưng phía sau đó, quyết sách và tư duy của Trung Quốc ứng phó với chiến tranh thương mại hoàn toàn thống nhất về logic với thái độ của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc từ trước đến nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét