Ơ kìa, làm thật ăn cháo, láo nháo sao được ăn cơm?
(GDVN) - Giáo viên làm láo được khen, làm thật thì bị phê bình, cắt thi đua…dẫn đến sự vô cảm của giáo viên trong dạy học, chạy theo thành tích ảo, “giả dối” lên ngôi. Chỉ tiêu về duy trì sĩ số là chỉ tiêu về việc học sinh bỏ học áp dụng cho giáo viên chủ nhiệm, nếu đến cuối năm học mà giáo viên chủ nhiệm có số học sinh nghỉ học quá chỉ tiêu thì giáo viên chủ nhiệm bị xét không đạt chỉ tiêu và đương nhiên là bị cắt thi đua, xếp loại cuối năm chỉ từ hoàn thành nhiệm vụ trở xuống. Đây chính là chỉ tiêu mà các trường áp đặt lên giáo viên. Cụ thể ở cấp tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5). Chỉ tiêu duy trì sĩ số là 100%, có nghĩa là suốt quá trình dạy học đến cuối năm nếu có duy nhất học sinh bỏ học không biết vì nguyên nhân gì thì giáo viên đó xem như bị cắt thi đua.
Chỉ tiêu thi đua, áp lực thành tích làm
“tê liệt” giáo viên (Ảnh : TTXVN).
LTS: Chỉ ra một số các áp lực về chỉ tiêu thi đua, thành tích mà giáo viên đang phải gánh chịu, nhà giáo Nhật Khoa đã thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình thông qua bài viết.Thời gian gần đây ngành giáo dục xuất hiện những vụ bạo lực học đường mà có nguyên nhân từ các giáo viên như việc cô giáo phạt học sinh lớp 5 uống nước giẻ lau bảng ở Hải Phòng, học sinh lớp 1 bị giáo viên đánh đến bầm tím tay ở Thái Bình, học sinh lớp 8 tố bị cô giáo tát gãy răng, rách môi ở Hà Nội…
Gần đây vụ việc một cô giáo ở Trường trung học cơ sở ở Quảng Bình xử lý học sinh lớp 6 nói tục bằng cách cho các bạn học cùng lớp tát 230 cái, cộng một cái tát cuối cùng của chính cô giáo trên là 231 cái.
Đây là những vụ việc đau lòng của ngành giáo dục, nó không chỉ khiến cho các giáo viên trên bị xử lý thôi việc, bị khởi tố hay để lại vết thương lòng khó phai trong lòng học sinh mà nó còn làm cho niềm tin vào một môi trường giáo dục không an toàn, là nơi giáo dục tốt nhất trong lòng mọi người vơi dần.
Đến lúc này có nhiều nguyên nhân được đưa ra nào là các giáo viên thiếu tình thương, thiếu kỹ năng sư phạm, giáo viên thiếu đạo đức nghề nghiệp, học sinh không ngoan,…
Tôi là giáo viên, tôi cũng lên án nạn bạo hành, lên án việc giáo viên “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” đối với các em là học sinh, nhưng tôi cho rằng trong các sự việc trên có nguyên nhân được đề cập nhiều nhất chính là áp lực về chỉ tiêu thi đua, áp lực về thành tích đã dẫn đến giáo viên bị “tê liệt”, bị ức chế tâm lý, bất lực trong việc giáo dục học sinh cá biệt…dẫn đến các vụ bạo hành trên.Nếu không cởi trói áp lực về chỉ tiêu thi đua, áp lực thành tích thì tôi tin rằng sẽ khó có thể biến trường học thành nơi an toàn đối với trẻ em, là nơi mọi cha mẹ học sinh yên tâm nhất.
Nếu không cởi trói về áp lực chỉ tiêu thi đua, áp lực thành tích thì một là vẫn còn tình trạng bạo lực học đường; hai là giáo viên vô cảm dạy theo kiểu “sống chết mặc bây”, không quan tâm yêu thương học sinh, không nghĩ đến sự phát triển của học sinh.
Một trong hai việc trên nếu xảy ra thì hệ lụy vô cùng lớn, việc nào cũng nguy hại đến môi trường giáo dục, việc nào cũng làm cho chất lượng học sinh, tâm lý học sinh sa sút, chỉ có đánh giá học sinh bằng chất lượng thật mới tạo ra động cơ, thái độ học tập đúng đắn.
Thông qua bài viết, tôi xin chỉ ra một số các áp lực về chỉ tiêu thi đua, thành tích mà giáo viên đang phải gánh chịu và mong Bộ Giáo dục cởi trói cho giáo viên về các vấn đề trên.
Thứ nhất: chỉ tiêu về duy trì sĩ số
Chỉ tiêu về duy trì sĩ số là chỉ tiêu về việc học sinh bỏ học áp dụng cho giáo viên chủ nhiệm, nếu đến cuối năm học mà giáo viên chủ nhiệm có số học sinh nghỉ học quá chỉ tiêu thì giáo viên chủ nhiệm bị xét không đạt chỉ tiêu và đương nhiên là bị cắt thi đua, xếp loại cuối năm chỉ từ hoàn thành nhiệm vụ trở xuống. Đây chính là chỉ tiêu mà các trường áp đặt lên giáo viên.
Cụ thể ở cấp tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5). Chỉ tiêu duy trì sĩ số là 100%, có nghĩa là suốt quá trình dạy học đến cuối năm nếu có duy nhất học sinh bỏ học không biết vì nguyên nhân gì thì giáo viên đó xem như bị cắt thi đua.
Đến cấp trung học cơ sở thì chỉ tiêu trên có giảm đôi chút nhưng cũng phải là 96 – 97% có nghĩa là mỗi lớp giáo viên chỉ được duy nhất 1 học sinh bỏ học, nếu có 2 học sinh bỏ học thì giáo viên cũng không được xét thi đua, cũng không hoàn thành nhiệm vụ.
Đây là vấn đề cực khó đối với giáo viên vùng nông thôn, vùng sâu, xa khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, hay việc học sinh yếu, kém, ngồi nhầm lớp thường bỏ học để đi làm xa thì giáo viên chủ nhiệm không thể nào vận động các em trở lại trường.
Áp lực sinh ra áp đặt và dễ dẫn đến sai lầm của người thầy |
Chính vì chỉ tiêu trên mà có nhiều chuyện trái khoáy xảy ra như việc học sinh nếu bỏ học, để không bị cắt thi đua cá nhân, trường thì đến cuối năm giáo viên “năn nỉ” gia đình và chở học sinh vào trường để làm bài thi coi như hoàn tất chương trình và không ở lại.
Cũng có trường vì sợ không đạt chỉ tiêu đã “nhờ” các học sinh khác làm bài giúp để xem như học sinh đó không bỏ học, nhưng thực tế học sinh đó đã bỏ học từ lâu, đây là việc làm gian dối cần loại bỏ.
Hệ lụy của việc trên là giáo viên “sợ” học sinh bỏ học, giáo viên luôn năn nỉ học sinh ngồi trong lớp, học sinh mà bỏ học thì giáo viên phải đến nhà vận động 3 lần, sau đó mới lập biên bản cho học sinh bỏ học.
Có giáo viên khi vận động các em học sinh đi học trở lại còn “bao” học sinh lên lớp chỉ cần các em có mặt trong lớp cho dù có học kém, quậy phá,…cũng được lên lớp nên học sinh ỷ lại, coi thường giáo viên.
Có trường hợp giáo viên làm đủ mọi cách nhưng khi có học sinh bỏ học do đi làm xa hay học quá yếu không thể đến trường thì giáo viên coi như đã bị cắt thi đua, giáo viên sẽ không cố gắng phấn đấu nữa vì tâm lý giáo viên nghĩ phấn đấu làm gì khi cuối năm vẫn bị cắt thi đua, vẫn xếp hoàn thành nhiệm vụ trở xuống, những lớp đó chắc chắn thì chất lượng học tập, đạo đức sẽ xuống cấp trầm trọng.
Tôi mong điều này không nên có, vì bất cứ lý do gì cho dù có bị cắt thi đua đi chăng nữa thì giáo viên cũng phải làm việc hết trách nhiệm của mình, không được lơ là, bỏ bê lớp.
Hệ lụy của việc “ép” chỉ tiêu duy trì sĩ số vô cùng lớn, có thể nói nhiều trường hợp học sinh nghỉ học hoàn toàn không có lỗi của giáo viên chủ nhiệm nhưng giáo viên chủ nhiệm phải bị cắt thi đua.
Giáo viên thường đùa với nhau chỉ tiêu duy trì sĩ số là chỉ tiêu “hên, xui”, nếu học sinh nghỉ học thì coi như giáo viên đó bị “xui”.
Thứ hai: chỉ tiêu về chất lượng bộ môn, học sinh giỏi
Đây là chỉ tiêu về chất lượng bộ môn học dành cho giáo viên bộ môn học, thường thì đầu năm giáo viên được giao chỉ tiêu về chất lượng mỗi bộ môn, hay tỷ lệ học sinh giỏi mà giáo viên phải đạt được ở cuối năm học gọi là giao chứ thực chất là “ép”.
Ví dụ như bộ môn Toán là chất lượng bộ môn đạt 85% trên trung bình, 30% học sinh giỏi hay như môn Hóa chất lượng bộ môn 90% trên trung bình, học sinh giỏi đạt 40%, còn các môn xã hội như Sử, Địa, Giáo dục công dân...thì chỉ tiêu chất lượng bộ môn thường là 100%, có môn học sinh giỏi 60 – 70%…
Bệnh thành tích đã tát 231 cái tê tái vào giáo dục |
Đó là những chỉ tiêu hầu như trong tình hình hiện tại hiện nay không giáo viên nào đạt được, muốn đạt được thì không còn cách nào khác bằng cách cho điểm “ảo”, “khống”… để đạt các chỉ tiêu trên.
Các vị Hiệu trưởng khi “ép” giao chỉ tiêu trên, nếu giáo viên có ý kiến thì các vị lãnh đạo đều cho rằng chỉ tiêu là do ở trên đưa xuống (Sở/Phòng giáo dục) theo nguyên tắc “chất lượng, học sinh giỏi năm sau phải cao hơn năm trước”.
Giáo viên phải chấp hành mà không được ý kiến, và nói rằng đây là chỉ tiêu “nằm trong tầm tay” của giáo viên, có nghĩa là khuyến khích giáo viên cứ “nâng khống” chất lượng lên càng cao càng tốt.
Không cần biết giáo viên dạy gì, giáo viên có được học sinh kính trọng yêu thương, giáo viên có làm hết trách nhiệm chưa,…chỉ cần cuối năm giáo viên đạt chất lượng càng cao và sẽ được khen thưởng.
Cũng có giáo viên ban đầu tâm huyết, dạy thật nhưng sau vài lần bị nhắc nhở, phê bình vì không đạt các chỉ tiêu nên vô cảm cũng chạy theo thành tích, sự giả tạo,…
Hệ lụy của việc làm trên không hề nhỏ, vì giáo viên làm láo thì được khen, làm thật thì bị phê bình, cắt thi đua,…dẫn đến sự vô cảm của giáo viên trong dạy học, chạy theo thành tích ảo, sự “giả dối” lên ngôi.
Thứ ba: chỉ tiêu lên lớp thẳng
Đây cũng là chỉ tiêu giao cho giáo viên chủ nhiệm, thường các chỉ tiêu này cũng cao chót vót ví như chỉ tiêu lên lớp thẳng từ 98 – 100%, hầu như không cho học sinh nào được ở lại.
Nếu các giáo viên chủ nhiệm mà có học sinh ở lại thì tìm mọi cách để “năn nỉ”, “xin xỏ” các giáo viên để tìm mọi cách “lùa” học sinh lên lớp, để giáo viên chủ nhiệm không bị cắt thi đua.
Hệ lụy của việc trên là cho dù học sinh học yếu đến như thế nào, đạo đức kém đến mức như thế nào thì phải lên lớp, nó mặc định là đến lớp có mặt là được lên lớp.
Hệ lụy là hàng loạt học sinh “ngồi nhầm lớp”, học sinh năng lực chưa đạt lớp 3 mà “lùa” lên lớp 6, 7 thậm chí cao hơn, dẫn đến học sinh học tập không có động cơ, thái độ học tập đúng đắn.
Nội quy, cái thòng lọng loằng ngoằng bủa vây giáo viên |
Hệ lụy của nó, tạo sự không công bằng trong học tập, học sinh không cố gắng vẫn lên lớp, nên xem thường công lao dạy dỗ của giáo viên, ngày càng chai lỳ hơn…
Còn nhiều chỉ tiêu khác đang “đè” lên giáo viên, nhưng áp lực về 3 vấn đề trên là những áp lực mà giáo viên muốn đạt phải dùng đủ mọi “biện pháp” để được, là những chỉ tiêu mà giáo viên mong muốn được cởi trói nhất.
Ngành nghề nào cũng có áp lực, cũng có chỉ tiêu chứ không riêng về nghề giáo nhưng thật sự tôi chưa từng thấy nghề nào mà chỉ tiêu không phù hợp, áp lực thành tích “khủng” như vậy nhưng lạ nhất là chỉ tiêu “năm sau cao hơn năm trước” mà ngành giáo dục áp đặt lên giáo viên, học sinh thì mỗi năm học có trình độ khác nhau, nhưng phải bắt giáo viên dạy năm sau cao hơn hăm trước là một việc làm không phù hợp .
Chỉ tiêu gì thì phải vừa sức, phù hợp tình hình học tập, khuyến khích, động viên học sinh và giáo viên cố gắng, nỗ lực trong dạy và học, còn các chỉ tiêu trên hầu hết là chỉ tiêu áp đặt lên giáo viên xuất phát từ căn bệnh sính thành tích, căn bệnh “giả dối” khiến cho mọi việc làm trong giáo dục đều hướng đến chất lượng, báo cáo “ảo” mà không hướng đến sự phát triển thật sự của học sinh.
Giáo viên chắc chắn không có quyền xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể học sinh, quyền cơ bản nhất là quyền được đánh giá học sinh bằng chất lượng thật của giáo viên cũng bị tước đoạt, thì giáo viên còn quyền gì để đánh giá, xử lý học sinh?
Nếu giáo viên không đạt các chỉ tiêu thi đua thì gắn với việc không hoàn thành nhiệm vụ, có thể bị cho thôi việc nên nhiều giáo viên đều nhắm mắt làm ngơ.
Nếu không cởi trói áp lực về chỉ tiêu thi đua, khi nào nền giáo dục còn chú trọng thành tích thì sẽ còn tiếp diễn những sự việc đau lòng như trong thời gian vừa qua.
NHẬT KHOA
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/O-kia-lam-that-an-chao-lao-nhao-sao-duoc-an-com-post193315.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét