Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

Cựu chiến binh Xô viết ở VN: Tình yêu + nỗi đau

Hồi ức về Việt Nam của các cựu chiến binh Xô viết: Tình yêu xen lẫn nỗi đau
06/12/2018 - Cuộc sống hàng ngày đan xen với những sự kiện mang tính đa nghĩa. Cho phép tôi kể chuyện này. Một sĩ quan từng tham gia dùng tổ hợp tên lửa SAM-2 đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ có nói với tôi là những người đến sau không dũng cảm bằng người đến trước. Điều đó tất nhiên là nghịch lý. Mỗi giai đoạn cuộc chiến có những nhiệm vụ khác nhau, không bao giờ biết khi nào và ở đâu mình sẽ gặp hiểm nguy.

Từ trái sang: các cựu chiến binh V. I. Todorashko và V. V. 
Skoriak kể về những bức ảnh chụp hồi tham chiến tại Việt Nam. 
Dự phòng, nhưng may mắn: Việt Nam – Tổ quốc thứ hai của tôi.
Ở Việt Nam tôi là chỉ huy, giúp đỡ các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 12/1970, và từ 2003 đến 2007 đã 4 lần đến riêng, 1 lần trong đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Nga -Việt của tỉnh Sverdlov. Tôi đã từng đến Phần Lan, Đức, Hungary, Tiệp Khắc và năm 1979 thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Libya, ấn tượng nhiều, nhưng Việt Nam là nước duy nhất tôi coi là Tổ quốc. Thăm đất nước đó sáu lần, tôi sẵn sàng bay đến Việt Nam như về nhà mình, ngôi nhà của cha ông ở Ukraina.

Tại sao trong tôi có cảm giác đó. Thứ nhất, đó là thiên nhiên tuyệt đẹp trên đất liền cũng như biển cả. Điều đó không thể tả bằng lời, phải tận mắt chứng kiến. Mỗi lần đến, tôi lại biết thêm điều mới, thú vị về đất nước đó.

Trên đất Việt Nam người bình thường cũng biết Liên Xô - những chuyên gia quân sự Xô Viết - đã đến giúp đỡ trong những năm nặng nề nhất (1960–1975) đã sống với những con người Việt Nam cần cù, hiểu lòng chân thành và tử tế của họ.

Tôi làm quen với đất nước trứ danh đó như thế nào?

Năm 1969 tôi tốt nghiệp Học viện Thông tin Phòng không tại Kharkov. Sau ít nhiều chờ đợi cho đúng với ngành nghề được đào tạo, cuối cùng tôi được điều về làm kỹ sư thiết bị phóng tại quê nhà. Đơn vị ở cách Sverdlov 15 cây số, đã từng anh dũng chiến đấu trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, tham chiến tại Triều Tiên và năm 1960 bắn hạ máy bay do thám U2 bắt sống phi công Gary Powers của Mỹ.

Năm 1963 bắt đầu về đơn vị, tôi gặp Ban chỉ huy – các đại tá E. E. Poluektov, L. S. Padukov, N. M. Pozdnyakov, I. S. Repin đều là cựu chiến binh. Họ không chỉ biết đòi hỏi mà còn quan tâm đến sĩ quan, từng sĩ quan nếu như xứng đáng đều được nâng quân hàm kịp thời. Sau khi những vị chỉ huy ấy giải ngũ, một số truyền thống tốt đẹp đó đã bị lãng quên.

Phục vụ kỹ thuật bao gồm một tập thể kỹ sư cao tay nghề và tôi phải hoàn chỉnh kiến thức ở một số vấn đề.

Khi cử sang biệt phái tại Việt Nam, phòng quân lực chọn hai người, một chính và một phụ, để dự phòng. Tháng 12/1969, tôi được đề nghị làm phụ, nhưng sĩ quan chính bị bệnh, nên tôi thay thế. Nói chung làm phụ, tôi đều gặp may: sau này, năm 1979 tôi là phụ cho chuyến đi Libya và một lần nữa, do nguyên nhân khác, tôi lại đi thay sĩ quan chính.

Tại Hội đồng quân sự phương diện quân 4, tướng I. M. Gurinov hỏi tôi thời hạn nâng quân hàm, chỉ huy phương diện quân có quyền phong cho sĩ quan cấp dưới, thế là khi tôi sang Việt Nam đã là đại úy. Tôi rất cảm ơn ông về điều đó.

Trong mươi ngày tháng 1/1970, tôi qua các thủ tục ở một trong các phòng của Bộ Tổng tham mưu.

Bác sĩ khuyên tôi không uống nước lã ở bất cứ đâu và phải tắm ngày hai lần, lại tiêm vào sống lưng đề phòng bệnh viêm não truyền từ muỗi – nghe đâu đã có những sĩ quan đầu tiên mắc bệnh đó: một đại tá, một thượng úy bị nặng phải đưa về Liên Xô.

Không lâu trước chuyến đi, con gái Marina của tôi ra đời, nhưng đối với chuyến đi, vợ tôi và tôi đều có thái độ bình tĩnh.

Tháng 1/1970, cùng với tôi còn 25 sĩ quan được cử đi. Xe chở đến kho hậu cần, họ phát trang phục dân sự và giày cho tất cả, đồng màu, cùng kiểu. Khi 26 con người mặc giống nhau như song sinh xuất hiện tại sân bay Sheremetyevo, những người xung quanh kinh ngạc: trong cái rét -30 độ, tất cả mặc bành tô và đội mũ giống nhau đứng vào một chỗ, hệt thám tử Mỹ trong phim.

Máy bay thuê bao IL-18 tuyến Moskva - Dushanbe - Karachi - Kolkata - Viên Chăn -Hà Nội kéo dài 22 giờ. Khi xuống Karachi (Pakistan) xuống sân bay, thấy mùi hoa gì đó của phương Đông là lạ, cái mùi đó rất đặc trưng cho cả Việt Nam, những hành lý mang đến đây còn giữ mùi trong vài tháng. Xuống Kolkata (Ấn Độ), được ăn ngon, nhìn những người Ấn đi qua sân bay, chúng tôi hiểu nhiều người ở đây nghèo khó, nhưng hầu như tất cả đều cười, có lẽ họ lạc quan.

Khi đến Hà Nội, thời tiết tốt, khoảng +25 độ, chúng tôi được đưa đến Đại sứ quán Liên Xô rồi về khách sạn Kim Liên.

Tháng 1/1970: Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, tướng B. A. Stolnikov, Trưởng đội chuyên gia Tên lửa đại tá V. A. Gude, chính trị viên - phó đoàn chuyên gia A. T. Trombachev. Tôi được cử vào ban Kỹ thuật Tên lửa thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân Việt Nam do đại tá Diurich cựu binh chiến tranh Vệ quốc làm trưởng nhóm, về sau lãnh đạo nhóm là trung tá V. V. Shmanenko.


Bảng danh dự các cư dân thành phố Sverdlov đã từng tham chiến tại Việt Nam.

Những nhiệm vụ khả thi


Tôi có nhiệm vụ kiểm tra sự sẵn sàng của thiết bị phóng SAM-2. Nhiệm vụ chính của nhóm này là:

- kiểm tra tình trạng kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu của các tiểu đoàn với mục đích quyết định cho bắn;

- kiểm tra sẵn sàng chiến đấu ở các tiểu đoàn kỹ thuật;

- kiểm tra công việc và chất lượng kỹ thuật của xưởng sửa chữa A-31;

- khắc phục những hỏng hóc phức tạp trên khí tài;

- hỗ trợ để hoàn thiện công tác đào tạo bộ phận tính toán;

- lên lớp với chuyên gia tham mưu Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân và với các chuyên gia Xô viết tại trung đoàn về đặc điểm khai thác khí tài trong điều kiện ẩm và nóng;

- giúp phục hồi những tổ hợp tên lửa sau khi bị Mỹ oanh tạc;

- cùng phía Việt Nam phân tích các lần bắn, nguyên nhân tên lửa rơi và các biện pháp khác để nâng cao hiệu suất của các tổ hợp tên lửa.

Tập thể kỹ sư chuyên gia tập hợp từ các đơn vị phòng không đặt ở nhiều địa bàn khác nhau trên đất nước Liên Xô, ứng viên sang giúp Việt Nam được chọn kỹ lưỡng, nhưng cũng có nhầm lẫn. Trong chúng tôi có một sĩ quan từ Irkutsk có hành động không phù hợp, theo yêu cầu của nhóm kỹ sư đã phải về nước trong vòng 24 giờ. Đó là trường hợp cá biệt, còn trong chiến đấu không có bất kỳ biểu hiện thiếu thân thiện hợp tác nào.

Lãnh đạo nhóm và tất cả các cấp cao hơn đều cố gắng giải quyết những vấn đề phát sinh sao cho đảm bảo điều kiện thuận lợi hơn để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu.

Không phải tất cả các tiểu đoàn tên lửa của Việt Nam đều tin 100% vào khí tài Liên Xô, một số đơn vị còn không muốn chiến đấu. Nhiệm vụ của nhóm chuyên gia kỹ thuật Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân Việt Nam là:

- Phát hiện lỗi trong chuẩn bị khí tài;

- Giúp khắc phục những sai sót ấy;

- Ra quyết định cuối cùng về khí tài đã sẵn sàng chiến đấu hay chưa;

- Kiểm tra lại những tiểu đoàn từ chối bắn một khi nhóm chuyên gia kỹ thuật kết luận khí tài đã sẵn sàng.

Thường xuyên kiểm tra có nghĩa là cuộc sống trên xe, người phiên dịch và văn phòng dịch vụ đi cùng với chúng tôi, sau xe là đệm nằm, bia và nước quả. Trên đường thì đánh bài để giết thì giờ. Vai trò của chúng tôi ở các trung đoàn rất lớn, tất nhiên, nếu khí tài ở trạng thái tốt, chúng tôi kiểm tra không quá 3 giờ và kết luận.

Chúng tôi thường xuyên giảng về chuẩn bị kỹ thuật tại Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân Việt Nam, tôi có người phiên dịch là đồng chí Hôm tốt nghiệp trường Bách khoa Hà Nội. Chúng tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu ảnh hưởng của độ ẩm đối với những đầu mối của thiết bị phóng và có hướng dẫn cho các tiểu đoàn.

Tốt nhất trong số phiên dịch viên là Tình, một người rất hiểu biết và tốt tính.

Chúng tôi đã cùng các chuyên gia giảng cho đội ngũ kỹ thuật ở trung đoàn những vấn đề sau:

- bản chất vật lý của việc hoàn chỉnh khí tài;

- những hỏng hóc tiêu biểu của thiết bị điện trong điều kiện khí hậu ẩm và nóng;

- những nguyên tắc định hướng thiết bị phóng bằng “phương pháp Việt Nam”, tức là dùng la bàn kết hợp với cabine P;

- phân tích nguyên nhân tên lửa rơi;

- các biện pháp tổng hợp nhằm nâng cao hiệu suất bắn.

Cũng nên thấy là hiệu quả của hệ phòng không sẽ cao hơn hẳn nếu trong chiến đấu sử dụng hệ thống tên lửa phòng không SAM-2, SAM-3 với máy bay, cao xạ và đại liên để chống máy bay địch, có điều là cần phối hợp ăn ý.

Cần thấy: khí tài phải làm việc quá giới hạn của tính năng kỹ chiến thuật: độ ẩm 90-100%, nhiệt độ các máy điện của thiết bị phóng luôn ở 65-75° liên tục không dưới 6 tháng trong năm sẽ làm cho tính cách ly điện giảm. Ở thiết bị phóng, các máy phát điện chỉ dùng được 1,5-2 năm là cùng.

Thay các đầu mối và chi tiết, tất nhiên phải tìm ra nguyên nhân, tăng áp U-68 thường phải thay mà không biết rằng nguyên nhân tăng áp hỏng là do động cơ máy điện nuôi tăng áp chạy không đều. Tạo nên những đầu mối mới với độ tin cậy cao thì không có thời gian,

Trong điều kiện đó, tổ hợp tên lửa SAM-2 là tin cậy, hỏng hóc khí tài chỉ là hiện tượng rất hiếm.

Hai lần chúng tôi phải mang đi chữa tại A-31, nơi kiểm tra chất lượng khí tài sau sửa chữa do bị Mỹ oanh tạc.

Những ngày nghỉ thú vị

Hàng ngày, chỉ huy Việt Nam đối xử với chúng tôi rất tốt. Đôi khi, trong những phút báo yên ở Hà Nội, đến xem những chương trình ca múa Việt – Nga hát toàn bằng tiếng Nga, chúng tôi rất hài lòng bởi người trình diễn tuyệt vời, ngỡ như có được đôi giờ trở về Tổ quốc Liên Xô.

Có lần đến nhà hát ca múa nhạc xem một vở diễn tổng hợp, kiểu ballet của ta – múa xen lẫn những màn kịch câm, có khi sân khấu chết lặng đi trong vài phút, các diễn viên đứng hoàn toàn bất động. Nghệ thuật trình độ cao.

Có những ngày kỷ niệm: Tết Nguyên đán, ngày 23/2, 1/5, 7/11 và Tết Dương lịch, buổi tối bao giờ cũng đủ đại sứ CCCP tại Việt Nam I. S. Scherbakov, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự B. N. Stolnikov và các sĩ quan của ông... Trong các tối vui ông thường thích ở trung tâm sự kiện và đóng vai trò cầm trịch.

Chúng tôi được nghỉ ba ngày ở Hạ Long, một quần đảo rất đẹp giữa biển, nước trong và những món hải sản tuyệt vời. Phần lớn ngư dân sống ngoài biển, chỉ thỉnh thoảng cập bờ về nhà mình trên đảo.

Ở Hà Nội có “cửa hàng của đại sứ quán”, nơi chúng tôi có thể mua những sản phẩm hiếm: trứng cá đen và đỏ, cua hộp, cá tầm, cognac Armenia. Tất nhiên, chúng tôi chỉ mua khi có tiệc.
Ngày sinh nhật hay ngày lễ chúng tôi dùng rượu Lúa mới, chất lượng những năm 1970 còn tồi, hay gây đau dạ dày, chúng tôi bèn chuyển sang loại “Pshenichnaya” nhập khẩu, rồi cognac Armenia giá không cao lắm. Tất cả các ngày lễ chúng tôi dùng cognac “Erevan” và “Yubileinyi” cho đến hết thời hạn ở Việt Nam. Không ai quá chén, độ 35-42° tự nhiên hạn chế uống.

Tiền nong của các sĩ quan ở Việt Nam ít hẳn so với các chuyên gia quân sự Liên Xô ở Cuba, Sirya, Ai Cập, Algeria và các nước châu Phi khác. Ở đó, chuyên gia quân sự sau một năm có đủ tiền sắm “Volga”, ở Việt Nam thì chỉ được nửa chiếc “Zaporozhets”.

Nam giao lưu với nữ là lẽ tự nhiên, trong trường hợp với các cô gái Việt Nam thì không được toại nguyện, tuy nguyện vọng đôi bên thì có.

Có những trường hợp rất thú vị, tôi chỉ xin kể một. Chúng tôi sống ở tầng hai khách sạn Kim Liên, một ngày nghỉ, các sĩ quan bàn nhau: nên đến với các cô gái Lào, không phải người Việt nên không bị kỷ luật. Ở tòa nhà bên, tầng một, có những cô gái rất xinh. Hai sĩ quan chuyên gia tiểu đoàn kỹ thuật đến gặp, với vốn tiếng Việt không quá 100 từ, họ tỏ tình. Các cô gái Lào đứng ở ban công mỉm miệng bí ẩn rồi cười khì, được năm mười phút sau thì hai chàng trai Lào xuất hiện và nói tiếng Nga rất sõi: “Này, các cậu ở đây không được gì đâu”. Té ra họ đã học năm năm ở trường quân sự Krasnodar. Khi hai sĩ quan người Nga trở về kể lại, tất cả chúng tôi cười bò.

Cuộc tập kích Sơn Tây


Cuộc sống hàng ngày đan xen với những sự kiện mang tính đa nghĩa. Cho phép tôi kể chuyện này. Một sĩ quan từng tham gia dùng tổ hợp tên lửa SAM-2 đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ có nói với tôi là những người đến sau không dũng cảm bằng người đến trước. Điều đó tất nhiên là nghịch lý. Mỗi giai đoạn cuộc chiến có những nhiệm vụ khác nhau, không bao giờ biết khi nào và ở đâu mình sẽ gặp hiểm nguy.

Ngày tôi đến, 29/4/1970, thiếu úy V. I. Garkusha chỉ huy máy phát điện của tiểu đoàn 237 bị thương nặng: hôm thứ bảy 11/4/1970 anh giẫm phải bom bi chưa nổ, các bác sĩ dồn lực để cứu anh, các chuyên gia cho máu, nhưng thật tiếc là không cứu được. Thiếu úy Vladimir Ivanovich Garkushka được truy tặng huân chương Cờ Đỏ và phần thưởng của Chính phủ Việt Nam – huân chương Chiến công hạng III.

Sự kiện đáng nhớ là đêm 21/11/1970, Mỹ tập kích Sơn Tây nhằm giải cứu tù binh. Trại tù binh Mỹ nằm gần lán của chuyên gia Liên Xô làm trong xưởng sửa chữa A-31, cách chỉ vài trăm mét. Thiếu tá V. P. Katugin, người cùng tôi từng phục vụ ở phương diện quân 03311, được chứng kiến sự việc và kể lại với tôi: Để thu hút và đánh lạc hướng lực lượng phòng không, Mỹ cho 10-12 máy bay tăng cường oanh kích Hà Nội. Chiến dịch giải phóng tù binh phi công được chuẩn bị khá kỹ, có cả lính dù. 8 máy bay trực thăng hạ cánh xuống khu vực trại, trong vòng 30–40 phút, bảo vệ trại và quân Mỹ bắn nhau, dùng cả lựu đạn, tổn thất của lực lượng bảo vệ không đáng kể vì sau cuộc chiến đấu ngắn ngủi họ đã ẩn nấp. Nhóm tập kích chiếm được trại, nơi giam giữ các tù binh phi công, nhưng không thấy gì – người Việt trước đó một tuần đã chuyển chúng vào hang trong núi. Quân tập kích Mỹ đành tay không rút về căn cứ ở Thái Lan.

Tình báo Việt Nam bao giờ cũng làm việc ở trình độ cao, còn Mỹ trong đêm đó mất 4 máy bay.

Phiên dịch là người biết nhiều chuyện hơn tất cả, nghe họ nói năm 1970 Mỹ có hỏi chính phủ Việt Nam về điều kiện trao trả tù binh. Cũng đáng ngạc nhiên vì về sau, ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa – cựu phi công John McCain, tù binh tại Việt Nam- có thể nhận được tự do.

Từ những sự kiện khác: năm 1970 đến thăm Việt Nam là phi công vũ trụ hai lần Anh hùng P. R. Pipivich, nhà thơ Dolmatovsky, nhà văn Yuri Rytkheu sang thăm, đoàn xiếc Leningrad và đội đồng ca dân gian Sibir sang biểu diễn tại Việt Nam...


Valery Vasilevich Skoriak

Sinh ngày 7/5/1941 tại thành phố Lida, tỉnh Grodnyi (miền tây Belorusia). Tốt nghiệp trường Kỹ thuật Quân sự Odessa (1961), Học viện Thông tin phòng không Kharkov (1969) ra làm chỉ huy đại đội phóng SAM-2 (1961-1969), kỹ sư sửa chữa tên lửa (1969-1972).

Tham gia chiến đấu tại Việt Nam từ 30/01 đến 20/12/1970.

Phó chỉ huy trưởng tiểu đoàn kỹ thuật (1972-1975), thủ trưởng đội sửa chữa lưu động (1975-1977), phó tùy viên quân sự (1977-1987) và biệt phái sang Libya (1979). Xuất ngũ năm 1987.

Đã được thưởng nhiều huy chương trong đó có huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

(Còn nữa)
Trung tá Valery Skoriak (Đăng Bẩy chuyển ngữ)
http://www.daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoi-uc-ve-viet-nam-cua-cac-cuu-chien-binh-xo-viet-tinh-yeu-xen-lan-noi-dautoi-tintuc424365

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét