Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

Boristo Nguyen: Có phải Gs. Chi tìm ra tên Trần Tung?

Có phải Gs. Nguyễn Huệ Chi tìm ra tên của Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Tung?
01/12/2018 Boristo Nguyen (CHLB Nga) 
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 526 
Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung sau Nguyễn Lang 4 năm, từ 1973 đến 1977. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, giới nghiên cứu KHXH miền Bắc đã dễ dàng được tiếp xúc với các tài liệu và thành quả nghiên cứu ở miền Nam. Chuyện Nguyễn Huệ Chi có thể đã có cuốn “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang và biến kết quả của thiền sư thành của mình là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Image result for Boristo Nguyen
Boristo Nguyen
Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) là một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Trần, người đã từng 2 lần tham gia cầm quân trong cuộc kháng chiến đánh bại quân Nguyên Mông. Ông cũng là thầy dạy, người dẫn dắt vua Trần Nhân Tông đến cửa Thiền và đặt nền móng cho sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm ở thế kỉ XIII-XIV.

Với giới nghiên cứu văn học sử đây còn là một trường hợp đặc biệt vì trong nhiều thế kỉ tên thật của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã không được xác định đúng. Ngay Bùi Huy Bích (1744-1818) cũng đã nhầm ông thành Trần Quốc Tảng, con thứ của Trần Hưng Đạo. Năm 1973, nhà nghiên cứu Nguyễn Lang (thiền sư Thích Nhất Hạnh) trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (NXB Lá bối)[1] công bố việc ông đã xác định được Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là Trần Quốc Tung, anh cả chứ không phải là Trần Quốc Tảng con lớn của Trần Hưng Đạo. Ông đã cung cấp đầy đủ những biện lý chứng minh cho điều phát hiện của mình.

Năm 1977, tức 4 năm sau, trong Thơ văn Lý – Trần (quyển 1, trang 113-115, Phần khảo luận)[2] và trong bài viết Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần[3] Nguyễn Huệ Chi công bố mình đã độc lập tìm ra Trần Tung (bớt một chữ Quốc) chính là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nếu đúng Nguyễn Huệ Chi tự mình tìm ra Trần Tung thì việc này xảy ra sau 4 năm. Có lẽ, chính vì vậy mà Nguyễn Huệ Chi cũng cảm thấy dư luận sẽ có những nghi ngờ nên ông đã chủ động nhắc tới Nguyễn Lang và rào đón:

“Tuy vậy, cho đến nay, dư luận bạn đọc vẫn phân vân nửa tin nửa ngờ. Có người còn cho là quá táo bạo và lạ lẫm. Chúng tôi rất hiểu tình thế khó khăn là phải làm sao chiến thắng được một tâm lý quen thuộc vốn đã gắn quá chặt bộ Thượng Sĩ ngữ lục cũng như những sợi dây tinh thần giữa Thiền phái Trúc Lâm với cái tên Trần Quốc Tảng”[3]

Dư luận có những ngờ vực cũng là điều dễ hiểu. Một mặt, chưa biết thực hư thế nào nhưng Nguyễn Huệ Chi là người dính líu đến nhiều vụ lình xình và bị không ít người chất vấn về đạo đức khoa học, liêm chính học thuật. Mặt khác, Nguyễn Huệ Chi tìm ra Trần Tung sau Nguyễn Lang 4 năm, từ 1973 đến 1977. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, giới nghiên cứu KHXH miền Bắc đã dễ dàng được tiếp xúc với các tài liệu và thành quả nghiên cứu ở miền Nam. Chuyện Nguyễn Huệ Chi có thể đã có cuốn “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang và biến kết quả của thiền sư thành của mình là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thêm nữa, nếu như phát hiện ra Trần Tung là Tuệ Trung Thượng Sĩ thì đó là một phát hiện khoa học cực kỳ chấn động. Lẽ nào một người nhạy bén như Nguyễn Huệ Chi trong suốt gần 10 năm từ 1968 (khi đọc sách “Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông” của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm) đến 1977 khi “Thơ văn Lý – Trần” tập 1 được ra đời, lại không công bố bất cứ bài viết nào của mình trên các tạp chí khoa học, mà gần gũi nhất là Tạp chí Văn học? Chính vì vậy, bạn đọc có quyền nghi ngờ và một số người đã nêu lên nghi ngờ này. Tuy nhiên, nghi ngờ mới chỉ là giả thiết, chưa được chứng minh một cách đầy đủ.

Related image
Boristo Nguyen

Tháng 10-2013, trong bài Đôi điều gửi tới GS Nguyễn Huệ Chi[4] đăng trên Tuần báo Văn Nghệ, nhà phê bình Nguyễn Hòa đã dẫn lại và so sánh 2 đoạn văn bản: một trích từ Thượng Sĩ hành trạng (Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục) của Trần Nhân Tông, một từ Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần in trong Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của Nguyễn Huệ Chi và ông Nguyễn Hòa viết:

“Không khó để thấy hai đoạn văn trên đây na ná nhau, từ diễn giải đến sự kiện và tư liệu, riêng đoạn của GS Nguyễn Huệ Chi có “thêm mắm thêm muối, vẽ rắn thêm chân” nên dài dòng hơn. Vì GS Nguyễn Huệ Chi sử dụng tài liệu từ Thượng Sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông mà không cho biết rõ xuất xứ, nên ở đây có một câu hỏi cần đặt ra: GS Nguyễn Huệ Chi “đạo văn” hay “phóng tác” từ tác phẩm của Trần Nhân Tông nhưng lờ đi, không nói rõ nguồn gốc, hoặc ông bắt chước Nguyễn Lang (đoạn của Nguyễn Lang khá dài nên không dẫn lại, có thể tìm đọc trong: Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, NXB Lá bối, SG.1973, từ tr.276 đến tr.279; và Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, H.2008, từ tr.256 đến tr.258), rất mong GS Nguyễn Huệ Chi tường minh vấn đề này”.

Với những nghi vấn của Nguyễn Hòa, Nguyễn Huệ Chi im tiếng không trả lời. Thay vào đó tháng 11, tác giả Đặng Văn Sinh đã có bài trả lời: Giáo sư Huệ Chi “đạo văn” hay là nhà phê bình Nguyễn Hoà vu khống?[5]. Đặng Văn Sinh đã bảo vệ Nguyễn Huệ Chi bởi những lập luận sau:

1) Ông trích dẫn đoạn văn trong Thượng Sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông (bản dịch của Đỗ Văn Hỷ – Nguyễn Huệ Chi dịch, Thơ văn Lý – Trần, tập II, Q. thượng, NXB Khoa học xã hội, H. 1989) và đoạn văn trong Tuệ Trung Thượng Sĩ của Nguyễn Lang (Việt Nam Phật giáo sử luận, phần Tuệ Trung Thượng Sĩ, NXB Lá bối, Sài Gòn, 1973; langmai.org, chương 11) rồi viết: “Xin hỏi ông Nguyễn Hòa nghĩ gì khi học giả Nguyễn Lang cũng tóm lược câu chuyện về Tuệ Trung từ một gốc “Thượng Sĩ hành trạng” của Trần Nhân Tông hệt như học giả Nguyễn Huệ Chi chứ đâu có gì khác? Hay là người này đã tóm lược rồi thì người kia mà “tóm” nữa ắt bị coi là… “đạo văn”?”. Logic của Đặng Văn Sinh là: 2 người cùng tóm lược từ một văn bản gốc “Thượng Sĩ hành trạng” của Trần Nhân Tông thì chuyện có những điều giống nhau là bình thường, không thể nói Nguyễn Huệ Chi đạo văn của Nguyễn Lang.

2) Kể lại việc Nguyễn Huệ Chi đã “Huy động rất nhiều tài liệu, sự kiện rồi dùng phương pháp loại suy để chứng minh Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Quốc Tung, chứ không phải là Trần Quốc Tảng”.

3) Trả lời cho “dấu hỏi nghi ngờ” của Nguyễn Hòa: “bản thảo Thơ văn Lý – Trần hoàn thành vào cuối năm 1973, đưa vào nhà in năm 1974 nhưng mãi đến năm 1977 mới ra mắt bạn đọc, vậy trong khoảng thời gian ba năm ấy, ai dám chắc nhóm biên soạn không sửa chữa, bổ sung tư liệu?” Đặng Văn Sinh dẫn lại đoạn văn kể của Nguyễn Huệ Chi trong bài Những năm tháng với Phong Lê[6] để chứng minh cho việc Thơ văn Lý – Trần, tập 1 in xong năm 1977, nhưng thực ra đã hoàn thành từ năm 1974, quá trình in bị kéo dài mất 4 năm.

Về lập luận 1, tôi sẽ bàn ở phần tiếp theo trong bài viết này. Trước hết tôi xin nói qua về 2 lập luận sau của Đặng Văn Sinh. Ở lập luận thứ 2, ông Đặng Văn Sinh quên mất một điều: tìm ra Trần Tung và chứng minh Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là Trần Tung là 2 bài toán hoàn toàn khác nhau! Tìm ra Trần Tung (Trần Quốc Tung) sau hàng trăm năm nhầm lẫn là một đóng góp có giá trị lớn và khó hơn nhiều so với việc sau khi đã biết thân nhân ông là ai, chứng minh để khẳng định điều đó. Việc chứng minh có lẽ không phải là khó khăn lắm đối với người nghiên cứu lịch sử và văn học cổ trung đại Việt Nam. Đấy là chưa nói, bản thân Nguyễn Lang cũng đã đưa ra những biện lý chứng minh cho điều phát hiện của mình. Về lập luận thứ 3, có lẽ chẳng cần phải bàn nhiều. Lấy những lời kể lể không có chứng minh, không thể kiểm tra của người bị cáo buộc để bảo vệ cho “thân chủ” hoàn toàn không có giá trị.

Quay lại về lập luận 1.

Lập luận của Đặng Văn Sinh nếu đọc thoáng qua nghe có vẻ có lí, nhưng thực tình không phải như vậy! Tôi sẽ giải thích tại sao.

Ở đây chúng ta có 4 văn bản chứ không phải 3 (Thượng Sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông và 2 đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi). Xin liệt kê lại đây:

- Vb1: Thượng Sĩ hành trạng (Thượng Sĩ ngữ lục) của Trần Nhân Tông (1258-1308), bản gốc chữ Hán[7].

- Vb2a: Thượng Sĩ hành trạng, bản dịch nghĩa (Nguyễn Hòa dẫn bản dịch lấy từ sách Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục với Lời đầu sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ) [8].

- Vb2b: Thượng Sĩ hành trạng, bản dịch nghĩa (Đặng Văn Sinh dẫn bản dịch của Đỗ Văn Hỷ – Nguyễn Huệ Chi trong Thơ văn Lý – Trần, tập II, Q. thượng, NXB Khoa học xã hội, 1989).

- Vb3: Đoạn văn của Nguyễn Lang kể lại câu chuyện về Tuệ Trung (trích từ Tuệ Trung Thượng Sĩ, NXB Lá bối, Sài Gòn, 1973).

- Vb4: Đoạn văn của Nguyễn Huệ Chi kể lại câu chuyện về Tuệ Trung (trích từ Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần. Văn học cổ cận đại Việt Nam -

Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật. NXB Giáo dục, 2013).

Tôi nhắc lại đây cả 2 bản dịch Vb2a và Vb2b là vì Nguyễn Hòa và Đặng Văn Sinh mỗi người dẫn ra một bản trong bài viết của mình.

Với các văn bản kể trên ta có những nhận xét sau:

- Bản gốc chữ Hán chỉ có thể chuyển tải nội dung, thông tin sang các bản dịch (Vb2a, Vb2b) còn văn phong, câu chữ là do người dịch.

- Ngoài bản gốc Thượng Sĩ hành trạng bằng chữ Hán của Trần Nhân Tông, theo trình tự thời gian thì đoạn văn của Nguyễn Lang (năm 1973) có trước bản dịch Vb2b (của Đỗ Văn Hỷ – Nguyễn Huệ Chi) và đoạn văn của Nguyễn Huệ Chi.

- Người đi sau có thể đạo văn hay bắt chước người đi trước chứ không thể ngược lại.

- Văn bản được tính là gốc để xem xét phải là bản gốc chữ Hán Thượng Sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông chứ không phải là các bản dịch của nó.

- Vì cùng xuất phát từ 1 gốc (bản chữ Hán) thì văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi (nếu ông thực sự tìm ra Trần Tung một cách độc lập với Nguyễn Lang) chỉ có thể có những điểm giống nhau về nội dung/thông tin có trong bản gốc chữ Hán của Trần Nhân Tông chứ khó có thể giống nhau về câu chữ, từ ngữ sử dụng. Thêm nữa, những nội dung/thông tin không có trong bản gốc chữ Hán mà có cả trong 2 văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi sẽ là những dấu hiệu nói lên việc người đi sau đã có và sử dụng văn bản của người đi trước.

Để tiện theo rõi, các văn bản: Vb2a, Vb2b, Vb3, Vb4 được dẫn lại ở phần Mục lục 2 phía dưới. Qua phân tích 4 văn bản nói trên ta thu được 4 loại nhận xét sau:

- Hai đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi hao hao, từa tựa nhau.

- Có 1 chỗ câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối.

- Có 4 chỗ câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối, nhưng khác với trong các bản dịch Vb2a, Vb2b.

- Có 3 chỗ trong các văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi có nội dung/thông tin nhưng không có hoặc khác với trong các bản dịch Vb2a, Vb2b.

Để làm ví dụ, tôi dẫn lại khổ đầu trong 2 đoạn văn của Nguyễn Lang (Vb3) và của Nguyễn Huệ Chi (Vb4):

“Hồi em gái Tuệ Trung Hoàng hậu Thiên Cảm còn sống, một hôm ông được bà mời vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?”. Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật. Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” đó sao?”

(Vb3, Nguyễn Lang).

“Một lần, Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, vợ Trần Thánh Tông, mời ông anh Tuệ Trung vào cung ăn tiệc. Trên bàn tiệc có cả cỗ mặn lẫn cỗ chay. Thấy anh mình trong bữa ăn quên cả kiêng khem mà nhúng đũa cả vào cỗ mặn một cách phóng túng, Hoàng hậu khẽ nhắc ông: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”.

Tuệ Trung Thượng Sĩ cả cười đáp:

“Phật là Phật, anh là anh; anh không hề muốn làm Phật, Phật cũng không hề muốn làm anh. Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát, đó sao?”

(Vb4, Nguyễn Huệ Chi).

So sánh 2 đoạn văn nói trên ta có các nhận xét:

- Nhận xét 2. Trong cả 2 văn bản của Nguyễn Lang (Vb3) và của Nguyễn Huệ Chi (Vb4) đều có câu “Em chẳng nghe cổ đức (có) nói “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?” giống nhau gần như đến từng chữ, từng từ và câu chữ khác với 2 bản dịch (Vb2a, Vb2b). Bình luận: 2 văn bản dựa từ một gốc chỉ có thể giống nhau về nội dung chứ cách hành văn khó giống nhau, nhất là giống nhau đến từng từ, từng chữ như vậy. Khả năng Nguyễn Huệ Chi đạo lại của Nguyễn Lang là rất lớn.

- Nhận xét 3. Các câu “Em chẳng nghe cổ đức nói “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” đó sao?” (Vb3, Nguyễn Lang) và “Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát, đó sao?” (Vb4, Nguyễn Huệ Chi) gần như giống nhau hoàn toàn. Riêng câu “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” thì trong cả 4 văn bản đều giống nhau như đúc. Bình luận: Câu chữ giống nhau gần như tuyệt đối chứng tỏ khả năng Nguyễn Huệ Chi đạo lại của Nguyễn Lang.

Thấy gì qua việc phân tích các văn bản?

Cả 4 loại nhận xét nói trên (2 đoạn văn hao hao, từa tựa nhau; câu chữ trong các đoạn văn của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi giống nhau gần như tuyệt đối, nhưng khác với các bản dịch; trong các văn bản của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi có nội dung/thông tin nhưng không có hoặc khác với trong các bản dịch) đều nói lên việc người đi sau (Nguyễn Huệ Chi) đạo của người đi trước (Nguyễn Lang). Một nhận xét cũng đã nói đến khả năng khá cao là Nguyễn Huệ Chi đạo văn. Trong 1 đoạn văn ngắn ngoài việc hai văn bản hao hao như nhau, rút ra 8 nhận xét/chỗ như vậy thì xác suất đạo văn gần như là tuyệt đối.

Mà việc đạo văn của Nguyễn Huệ Chi cũng đồng nghĩa với việc ông ăn cắp kết quả của Nguyễn Lang và gán cho mình!

Sau những phân tích ở trên, liệu các bạn đọc có còn tin là Nguyễn Huệ Chi đã tự mình phát hiện Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Tung nữa không? Còn tôi, tôi không tin!

Hà Nội, tháng 9-2018

Boristo Nguyen (CHLB Nga)

Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 526

——————————-
1) Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Chương 11: Tuệ Trung Thượng Sĩ. NXB Lá bối, Sài Gòn, 1973 (có thể xem tại trang Langmai.org).
2) Thơ văn Lý – Trần, quyển 1. NXB KHXH, 1977.
3) Nguyễn Huệ Chi. Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần. Tạp chí Văn học, số 4, năm 1977. Đăng lại trong tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3-4, 2014, trang 169-191.
4) Nguyễn Hòa. Đôi điều gửi tới GS Nguyễn Huệ Chi. Văn nghệ số 41, 2013, trang 16, 24.
5) Đặng Văn Sinh. Giáo sư Huệ Chi “đạo văn” hay là nhà phê bình Nguyễn Hòa vu khống? Forum Diễn Đàn (www.diendan.org). 13-11-2013.
Hoặc có thể đọc trên trang mạng Trần Nhương.
6) Nguyễn Huệ Chi. Những năm tháng với Phong Lê. Talawas, 14-06-2008.
7) Trần Nhân Tông. Thượng Sĩ hành trạng, bản chữ Hán. Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển Thượng, NXB KHXH, 1989.
8) Trần Nhân Tông. Thượng Sĩ hành trạng trong sách Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục với Lời đầu sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Đã đăng trên Thư viện Hoa sen (thuvienhoasen.org)

http://tuanbaovannghetphcm.vn/co-phai-gs-nguyen-hue-chi-tim-ra-ten-cua-tue-trung-thuong-si-la-tran-tung-so-526/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét