Thầy Lưu Bình Nhưỡng nói không sai
Ngô Ngọc Trai 8-11-2018 - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là thầy dạy ở trường Đại học luật Hà Nội mà tôi theo học từ 2001 – 2005, tức là Thầy của tôi. Nhớ mang máng thầy dạy môn luật lao động hay đất đai gì đó. Những điều thầy nói về sai phạm của ngành điều tra đang dậy sóng dư luận, thầy đã nói rõ những cách tính toán các con số của mình rồi, chỉ khác nhau về cách hiểu và thầy nói là mình không sai.
Là một luật sư thì tôi thấy cách Thầy dùng từ “khủng khiếp” khi nói về các vi phạm tố tụng của ngành điều tra thì thấy cũng không xa thực tế bao nhiêu. Đối với cá nhân tôi thì một vụ sai phạm khi gây ra cho án oan Hàn Đức Long ở Bắc giang với 4 án tử hình mà tôi đã minh oan thành công thì đã là khủng khủng khiếp rồi. Không chỉ thế, là người cổ súy cho quyền im lặng và chế định ghi âm ghi hình khi hỏi cung lâu nay, từ nghiên cứu và trải nghiệm của bản thân mình, tôi thấy không một vụ án nào không xảy ra một sai phạm phổ biến, đó là tình trạng bị can phải khai báo trái ý muốn (100% luôn).
Sự thật là chẳng bao giờ bị can muốn khai báo để cơ quan điều tra sử dụng biên bản ghi lời khai đó làm bằng chứng để kết tội mình, nhưng lâu nay không một vụ án nào mà bị can không phải khai và không có một vụ án nào mà không có những biên bản ghi lời khai, thực chất đó đều là khai trái ý muốn, hay nói cách khác đó là sản phẩm của bức cung – một hành vi bị nghiêm cấm.
Cho nên với tôi khi thầy Nhưỡng dùng từ “khủng khiếp” khi phản ánh về các sai phạm trong điều tra thì thấy cũng chẳng ngạc nhiên lắm. Tuy rằng có những việc khác thì tôi chưa chắc đã đồng ý với thầy, nhưng trong trường hợp này điều Thầy nói như thế là sát với cảm nhận thực tế.
Nhưng thầy đang bị đề nghị xử lý trách nhiệm, điều đó là không được. Vì Đại biểu Quốc hội là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thầy Nhưỡng đang nói thay tiếng nói của nhân dân.
Tất nhiên tôi thì chỉ là một người dân bình thường và chỉ nói lý thôi, còn thì các cơ quan có quyền lực họ vẫn có thể xử lý thầy. Nhưng nếu những tiếng nói của lương tâm và trách nhiệm mà cùng nhau cất lên thì đó cũng là cách để chia sẻ với Thầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét