Chiến tranh thương mại: Không nên tận dụng cơ hội chỉ để “kiếm ăn vặt”
Vũ Dung (TBKTSG Online) - Cuộc chiến thương mại sẽ mang lại cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thay thế hàng Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Nhưng Việt Nam phải có một chiến lược chuẩn bị cho những rủi ro dài hạn chứ không nên lo “kiếm ăn lặt vặt”. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn “ở các thị trường khác” khi Trung Quốc giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác. Cạnh đó, việc cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng sẽ ngày càng căng thẳng hơn do hàng hóa Trung Quốc có khả năng cao sẽ đổ bộ mạnh vào Việt Nam. Chưa kể hàng hóa xuất sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính hàng hóa nội địa.
Ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế,
thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
“Ngấm đòn” dài hạnCăng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tiếp tục leo thang trong thời gian gần đây và chưa thấy dấu hiệu nhượng bộ của các bên. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tại thời điểm hiện nay, cuộc chiến thương mại chưa tác động nhiều tới Việt Nam do phạm vi các biện pháp trừng phạt hiện còn hạn chế, diện mặt hàng chịu tác động chưa nhiều.
Hội thảo do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty TNHH Bluescope Steel Việt Nam tổ chức tại thời điểm cuộc chiến đang chưa có dấu hiệu dừng lại, nhằm cập nhật và phân tích những tác động của chiến tranh thương mại đến doanh nghiệp, cũng như thảo luận các biện pháp ứng phó của doanh nghiệp trong tình hình mới.
Trong tương lai gần, nếu cuộc chiến tiếp tục leo thang, phạm vi thuế quan mở rộng ra toàn bộ kim ngạch song phương giữa Trung Quốc và Mỹ, tác động tới kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn. Nhưng, theo các chuyên gia, tác động này sẽ theo hướng có lợi cho Việt Nam hơn bởi hàng hóa Việt Nam có thể thay thế một phần đáng kể lưu lượng thương mại giữa Trung Quốc vào Mỹ.
Tại hội thảo “Chiến tranh thương mại: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất?” diễn ra ngày 23-11, tại TPHCM, ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho hay mỗi cuộc chiến đều có cơ hội và thách thức cho Việt Nam, quan trọng doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội này thế nào.
Theo ông Thiên, cuộc chiến này sẽ thúc đẩy hàng hoá giá rẻ của Trung quốc tràn sang Việt Nam. Nếu đây là nguồn nguyên liệu thì có lợi cho nền kinh tế nhưng nếu là thành phẩm thì liệu hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh được không?
Về đầu ra, việc Trung Quốc gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ, sẽ là cơ hội lớn cho hàng hóa các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nhưng liệu hàng hóa Việt Nam có đủ chất lượng để vào được thị trường Mỹ hay không?
Thực tế theo ông Thiên, sau 30 năm Đổi mới (từ năm 1986), khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn còn rất “yếu ớt” khi chỉ chiếm chưa tới 10% GDP. Khu vực hộ gia đình chiếm khoảng 30% GDP, khu vực doanh nghiệp nhà nước gần 30% GDP. Đây là một vấn đề lớn trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam.
Các doanh nghiệp có thể “kiếm ăn lặt vặt” trong ngắn hạn, theo ông Thiên. Nhưng Việt Nam phải có chiến lược đối phó với rủi ro dài hạn vì: “tác động tới kinh tế Việt Nam có thể rất đáng kể và theo hướng tiêu cực nhiều hơn trong dài hạn”.
Giải thích cho nhận định này, ông Thiên cho hay, cuộc chiến thương mại tác động tới đầu tư khiến lòng tin của nhà đầu tư bị suy giảm, dòng vốn rút chạy khỏi các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam, chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn sâu, môi trường đầu tư và thương mại toàn cầu trở nên bất định hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Nhấn mạnh các thách thức, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn “ở các thị trường khác” khi Trung Quốc giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác. Cạnh đó, việc cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng sẽ ngày càng căng thẳng hơn do hàng hóa Trung Quốc có khả năng cao sẽ đổ bộ mạnh vào Việt Nam. Chưa kể hàng hóa xuất sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính hàng hóa nội địa.
Về dịch chuyển dòng vốn, bà Trang cho rằng Việt Nam cũng sẽ chịu nguy cơ “chuyển dịch giả mạo”, “gian lận thương mại”, do Trung Quốc “mượn” thị trường để tránh thuế. Thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại này.
Doanh nghiệp ứng phó ra sao?
Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam
Có mặt tại hội thảo để bàn về giải pháp ứng phó của doanh nghiệp trước “làn đạn” của hai cường quốc lớn nhất thế giới, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng tạo ra các giá trị cho công ty bằng cách giới thiệu công nghệ đột phá và các dòng sản phẩm mới tập trung vào xu hướng công nghệ xanh để có hướng đi khác biệt”.
Đặc biệt, theo ông Nhựt, để tránh bị ảnh hưởng bởi các quy định áp thuế, công ty cũng cố gắng đa dạng các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới và tiềm năng như Châu Phi, Ca-ri-bê và Nam Mỹ.
Đưa ra lời khuyên trong bối cảnh mới, bà Trang cho rằng doanh nghiệp sản xuất nên theo dõi tình hình, để có ứng xử kịp thời với từng biến động. Doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu rõ cơ hội ở đâu, dành cho mặt hàng nào, cơ hội ra sao.
Hiện đã có những công bố về danh sách sản phẩm bị áp thuế đợt 1 (25%) nhóm 50 tỉ đô la (https://ustr.gov/sites/default/files/2018-13248.pdf) và đợt 2 (10%), nhóm 200 tỉ đô la Mỹ (https://ustr.gov/sites/default/files/2018-13248.pdf ). Từ đó doanh nghiệp phải sẵn sàng hành động, chớp cơ hội như tìm hiểu khách hàng của các sản phẩm bị áp thuế là ai để tiếp cận chào hàng, và chuẩn bị năng lực đáp ứng.
Theo bà Trang, với doanh nghiệp, trong mọi trường hợp, để tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh, phải có năng lực sáng tạo trong việc tìm ra được thị trường của mình, đặc biệt là thị trường ngách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau, bởi theo bà Trang, trong thương mại quốc tế, các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, “đánh không chỉ đánh một doanh nghiệp mà đánh cả ngành sản xuất”. Khi đó tác động tiêu cực là rất lớn.
Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Rạng Đông, hiện nay, Mỹ muốn tìm một đối tác để xây dựng quan hệ chặt chẽ ở khu vực. Việt Nam có thể là một đối tác mà phía Mỹ muốn thúc đẩy quan hệ trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam và một số nước có thể có các FTA song phương với Mỹ.
“Phía Mỹ vẫn đặt vấn đề đó, chỉ là họ chưa có điều kiện đàm phán vì còn đang tập trung vào câu chuyện áp thuế”, ông Lam nói.
Thực tế, việc thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực là một nội dung trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ. Mỹ cũng đang thúc đẩy chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở châu Á, với tổng số vốn khoảng 60 tỉ đô la Mỹ.
Chỉ doanh nghiệp liệu có đủ?
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam
Tại hội thảo, rất nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo về tình trạng dòng vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam để “né” thuế của Mỹ. Đây lại là vấn đề thuộc ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
Riêng đối với ngành nhựa, theo quan sát của ông Lam, đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam nhằm giảm chi phí lao động.
Làn sóng này cũng có điểm lợi khi một bộ phận nhỏ công nhân ngành nhựa Việt Nam hưởng lương cao hơn do doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách tuyển dụng lực lượng lao động có tay nghề. Người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận thêm nguồn cung sản phẩm nhựa với giá rẻ hơn, do doanh nghiệp Trung Quốc sẽ giảm giá để “đẩy lượng tồn kho tại thị trường nội địa”.
Nhưng điểm tiêu cực là các doanh nghiệp nhựa trong nước sẽ chịu ảnh hưởng xấu bởi phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, khi họ gia tăng đầu tư để “đội nhãn mác” của Việt Nam, nhằm tránh đòn thuế của phía Mỹ.
Để bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước, ngoài những cố gắng từ phía doanh nghiệp, ông Lam cho rằng Chính phủ cần xem xét việc đánh thuế nhập khẩu nếu có dấu hiệu bán phá giá. Đồng thời không cấp giấy phép đầu tư, giấy phép đăng ký kinh doanh cho những dự án sản xuất không đảm bảo thực hiện hơn 2/3 chuỗi quy trình sản xuất tại Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ cũng nên thúc đẩy hiệp ước tự do thương mại kiểu mới với châu Âu và các nước khác. Đó cũng là cách giảm thiểu rủi ro khi mà nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc. Đây là hiệp định không chỉ đơn thuần về thương mại mà mang lại tác động tích cực tới nền kinh tế như môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ.
Về dài hạn, ông Lam đề xuất Chính phủ cần chuẩn bị trước các động tác thích hợp khi có tình trạng khẩn cấp đối với những sản phẩm có nguy cơ cao như thép, gỗ, thuỷ sản, nhựa. Thực tế, các luật thương mại đều cho phép quốc gia bảo vệ thị trường của mình khi đối tác hoặc vi phạm hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc trường hợp khẩn cấp bảo vệ sản xuất nội địa, đưa ra các biện pháp tạm thời để tự vệ mình.
Diễn biến cuộc chiến tranh thương mại
Phía Mỹ
6-7-2018: Mỹ áp thuế 25% đối với gói hàng hoá trị giá 34 tỉ đô la nhập khẩu từ Trung Quốc
23-8-2018: Mỹ áp thuế 25% lên gói hàng hóa trị giá 16 tỉ đô la nhập khẩu từ Trung Quốc
17-9-2018: Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 10% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỉ đô la. Mức thuế này tăng lên 25% kể từ 1-1-2019
Phía Trung Quốc
2-4-2018: Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu 15% và 25% với 3 tỉ đô la nhập khẩu từ Mỹ
6-7-2018: Trung Quốc áp thuế nhập khẩu bổ sung 25% đối với 34 tỉ đô la nhập khẩu từ Mỹ
23-8-2018: Trung Quốc áp thuế 25% gói hàng hóa trị giá 16 tỉ đô la nhập khẩu từ Mỹ
18-9-2018: Trung Quốc tuyên bố áp thuế thuế lên gói hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỉ đô la
Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/td/282007/chien-tranh-thuong-mai-khong-nen-tan-dung-co-hoi-chi-de-kiem-an-vat.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét