Mỹ bất ngờ thu hồi thị thực của các nhà nghiên cứu Trung Quốc
Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã bất ngờ thu hồi một loại thị thực đặc biệt dành cho một số nhà nghiên cứu Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 quốc gia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bắt đầu từ tháng 6, Mỹ đã bắt đầu siết chặt chính sách thị thực với Trung Quốc, rút ngắn thời hạn thị thực của các nghiên cứu sinh công nghệ tự động, hàng không và sản xuất kỹ thuật cao từ tối đa 5 năm xuống còn 12 tháng. Tuy nhiên, quá trình xét duyệt thị thực dường như có ảnh hưởng rộng hơn, không chỉ nằm gọn trong nhóm nhà nghiên cứu và chuyên gia công nghệ cao Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ.
Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc (Ảnh: US Embassy in China)
Tháng 11/2014, Washington và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận cho phép công dân Trung Quốc tới làm kinh doanh và du lịch ở Mỹ được đăng ký thị thực nhập cảnh nhiều lần kéo dài trong 10 năm để họ không phải xin cấp thị thực mỗi lần muốn sang Mỹ. Tuy nhiên, gần đây, Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã bất ngờ hủy bỏ thị thực của một số công dân Trung Quốc trong diện trên.“Đại sứ quán không cho tôi một lời giải thích và tôi sẽ phải tham gia phỏng vấn tại tổng lãnh sự để xin cấp thị thực Mỹ trong tương lai”, một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị tước thị thực 10 năm, cho biết.
Nhà nghiên cứu này nói rằng việc hủy bỏ thị thực lần này dường như đang nhằm vào các chuyên gia Trung Quốc đang hợp tác hoặc làm việc ở các trung tâm nghiên cứu của Mỹ.
Ngoài ra, những người Trung Quốc xin thị thực Mỹ cũng phàn nàn rằng quá trình phê duyệt hồ sơ đang bị kéo dài, khiến một số nhà nghiên cứu phải hủy bỏ các chuyến thăm Mỹ do không kịp lịch trình.
Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh hiện chưa lên tiếng về sự việc này.
Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ cũng đẩy mạnh quá trình rà soát công dân Trung Quốc có khả năng tiếp cận với nhóm ngành công nghệ cao của Washington.
Ông Trump đã xếp Trung Quốc vào nhóm đối thủ chiến lược, cáo buộc quốc gia này chiếm đoạt tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ cũng như chỉ trích chương trình “Made in China 2025” do Bắc Kinh phát động. Đây là chương trình thể hiện tham vọng của Trung Quốc trở thành bá chủ công nghệ thế giới trong vài năm tới.
Vì vậy, bắt đầu từ tháng 6, Mỹ đã bắt đầu siết chặt chính sách thị thực với Trung Quốc, rút ngắn thời hạn thị thực của các nghiên cứu sinh công nghệ tự động, hàng không và sản xuất kỹ thuật cao từ tối đa 5 năm xuống còn 12 tháng.
Tuy nhiên, quá trình xét duyệt thị thực dường như có ảnh hưởng rộng hơn, không chỉ nằm gọn trong nhóm nhà nghiên cứu và chuyên gia công nghệ cao Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ. Hồi tháng 7, ông Rao Yi, một nhà thần kinh học nổi tiếng người Trung Quốc từng có quốc tịch Mỹ, phàn nàn rằng Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh liên tục từ chối đơn xin cấp thị thực của ông.
Một chuyên gia về quan hệ quốc tế Trung Quốc nói rằng mối quan ngại về an ninh quốc gia đã khiến Mỹ trở nên dè chừng hơn và gắt gao hơn với vấn đề thị thực.
“Quản lý thị thực chỉ là một trong nhiều biện pháp”, ông nói.
Chen Wenling, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, cho rằng rào cản lớn nhất để cải thiện tình hình này chính là việc Mỹ có quan điểm cứng rắn trong việc chống lại Trung Quốc.
Từ tháng 7, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu tung các đòn tấn công lẫn nhau trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này để bàn về các giải pháp tháo gỡ căng thẳng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng một cuộc gặp dường như sẽ không đủ để giải quyết toàn bộ những vướng mắc giữa 2 bên.
Đức Hoàng
Theo SCMP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét