Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Từ ‘Chuyến đi của Phụng’ đến ‘Đi tìm Phong’

Từ ‘Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng’ đến hành trình ‘Đi tìm Phong’
Lê Hồng Lâm, viết cho BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn
17 tháng 10 2018 Cái nhìn cởi mở và sâu sắc đó khiến ở nửa sau của Đi tìm Phong mang đến một thông điệp thực sự tươi sáng về sự thay đổi nhận thức của gia đình, xã hội đối với người chuyển giới nói riêng hay cộng đồng LGBT nói chung ở Việt Nam. Trong cuộc hành trình đi tìm bản thân mình, dù đôi lúc hơi để lộ chất "trình diễn" trước ống kính, Phong tự tin, quyết liệt với sự lựa chọn của mình.
Đi tìm Phong mang đến thông điệp về sự thay đổi 
nhận thức của gia đình, xã hội đối với người chuyển giới. Hình ảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng
Bốn năm trước, bộ phim tài liệu của Varan Việt Nam: Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã tạo ra một hiện tượng khi được công ty Blue Productions của nữ diễn viên Hồng Ánh phát hành độc lập và thu hút hàng chục nghìn lượt người xem.

Và tháng Mười năm nay, Đi tìm Phong (Finding Phong) của 2 đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, bộ phim tài liệu cũng của Varan tiếp tục được Blue Productions phát hành độc lập, gây được tiếng vang và ngay lập tức được hãng phim Galaxy nhận phát hành rộng rãi tại các hệ thống rạp chiếu bóng thương mại trên toàn quốc từ ngày 12/10.

Đây là một điều rất hiếm thấy và là một cột mốc đối với dòng phim tài liệu của Việt Nam, kể từ thời "Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" của đạo diễn Trần Văn Thủy từng làm được trong thập niên 80 của thế kỷ 20.

Hai cuộc hành trình vừa giống nhau vừa khác biệt


Thực ra Đi tìm Phong được thực hiện và hoàn thành gần với thời điểm Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng 4, 5 năm trước. Hai bộ phim tài liệu dài mang tính tiên phong của hai nữ đạo diễn Nguyễn Thị Thắm và Trần Phương Thảo (thực hiện cùng với đồng đạo diễn và bạn đời của Thảo - Swann Dubus) là thành quả của Varan Việt Nam - phong cách làm phim tài liệu trực tiếp được du nhập từ Pháp (quan sát và tường thuật về chủ thể, hạn chế sắp đặt, dàn dựng).

Cả hai bộ phim này đều chu du, tham gia rất nhiều LHP quốc tế, tạo được tiếng vang và đoạt được một vài giải thưởng quan trọng trước khi được trình chiếu tại Việt Nam. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng may mắn hơn khi được trình chiếu từ 4 năm trước. Đi tìm Phong thì phải mất từng đó thời gian cho những cuộc giới thiệu, thậm chí chiếu thương mại ở Pháp trước khi được trình chiếu rộng rãi cho khán giả Việt Nam.

Hai bộ phim này có nhiều điểm giống nhau, đều kể về thân phận của những nhân vật thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, chuyển giới) ở Việt Nam trong thời điểm mà xã hội có những thay đổi khá quan trọng về nhận thức đối với họ.

Nhưng đồng thời, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng và Đi tìm Phong cũng có những điểm khác biệt trong sự thay đổi nhận thức bên trong của nhân vật. Điều này làm cho khoảng thời gian phát hành cách nhau 4 năm của hai bộ phim này, dù với lý do khách quan lại trở nên hữu ý.


Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là bộ phim kể về hành trình trôi dạt của một cộng đồng những người chuyển giới sống bên lề xã hội. Dưới sự dẫn dắt của chị Phụng, một người chuyển giới, 35 con người trong cộng đồng chuyển giới sống rày đây mai đó, lang bạt qua những vùng quê nghèo từ miền Trung đến Mũi Cà Mau để kiếm sống bằng cách lấy họ ra làm trò mua vui cho khán giả. Họ luôn tự cho mình mang một "kiếp nạn, nghiệp chướng" của kiếp trước phải trả và chấp nhận sự kì thị của người đời. Và chỉ đến khi màn hạ, đèn tắt, mệt mỏi rã rời, họ mới trở về với thân phận bên lề của mình, với những nỗi niềm đeo bám dai dẳng và để lại nhiều nỗi buồn và sự day dứt cho khán giả. Kỹ thuật quay phim của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm giản dị, ít dụng công nhưng sự dụng công luôn có mặt trong những tình huống quan trọng nhất khiến phong cách tường thuật của cô tự do, ngẫu hứng, không theo dự định hay sắp đặt có tính toán.

Còn với Đi tìm Phong, dù không thiếu nỗi buồn, thậm chí là khá nhiều nước mắt (trong nửa đầu khi Phong tự quay phim như nhật ký của chính mình), nhưng bộ phim đã có một bước chuyển lớn trong nhận thức của nhân vật cũng như sự thay đổi của gia đình, của xã hội đối với người chuyển giới. Trong cuộc hành trình đi tìm bản thân mình, dù đôi lúc hơi để lộ chất "trình diễn" trước ống kính, Phong tự tin, quyết liệt với sự lựa chọn của mình. Và dù đối mặt với sự phản đối của gia đình, định kiến hay thông cảm, ủng hộ của bạn bè, Phong chưa bao giờ từ bỏ ý định của mình. "Thà con đau một lần, nhưng con hạnh phúc mãi mãi" - Phong tâm sự trước ống kính máy quay với người mẹ vắng mặt mà thực ra như đang nói với chính mình. Câu thoại bật lên nghe như từ một vở cải lương nào đó.

Cuốn nhật ký bằng hình mang tính riêng tư của Phong ở nửa đầu đôi khi bị sa vào lối trình diễn của một cô gái trong hình hài của một chàng trai từ Quảng Ngãi ra Hà Nội học trường Sân khấu- Điện ảnh và làm việc ở Nhà hát múa rối Trung ương. Chất "trình diễn" này của nhân vật đôi lúc làm cho bộ phim thiếu sự chân thật và thậm chí tạo cảm giác "giả tạo", ở những đoạn "mê lô" quá đà; nhưng đồng thời phần nào cũng thể hiện được sắc thái, tính cách của những người thuộc cộng đồng đồng tính, chuyển giới - thích bi kịch hóa cuộc đời của mình.

Nhưng hai đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus không để cho nhật ký bằng hình của nhân vật kéo lệch tông của bộ phim. Ở nửa sau, với sự đồng hành cùng nhân vật cùng ống kính quan sát, tường thuật sắc bén, chân dung của Phong, chuyến hành trình đến Thái Lan để phẩu thuật chuyển giới và đặc biệt là mối quan hệ giữa anh (cô) với những người bạn, đồng nghiệp và gia đình mình hiện lên rõ nét. Đây cũng là phần xuất sắc nhất của bộ phim, đưa khán giả đi từ sự thấu hiểu, đồng cảm với nhân vật đến những tiếng cười hài hước, thậm chí trào lộng bật ra tự nhiên trong các cuộc hội thoại về chủ đề tính dục táo bạo.

Một cái nhìn riêng tư nhưng cởi mở về người chuyển giới

Điều làm cho bộ phim tài liệu Đi tìm Phong thực sự đáng xem là khán giả có thể nhận thấy sự biến đổi thực sự xảy ra trước mắt họ trong gần 90 phút của phim. Đi tìm Phong phần nào đó giống như một bộ phim thuộc thể loại "road movie" (phim hành trình) mà nhân vật chúng ta gặp ở đầu phim không còn là họ ở cuối phim nữa.

Image captionNgày càng nhiều phim Việt Nam được sản xuất và phát hành

Chàng trai Lê Quốc Phong, cậu con út trong một gia đình có 7 người con ở Quảng Ngãi cô độc, buồn bã, hay khóc ở đầu phim dần dần trở thành một người phụ nữ trẻ tự tin, quyết liệt (cho dù vẫn còn ít nhiều bất an, lo lắng) với sự lựa chọn của mình. Cô gái Lê Ánh Phong ở cuối phim đã thực sự tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống và những niềm hy vọng được sống hạnh phúc trong một bản dạng mới đang dần dần thay đổi. Cách Phong đặt máy quay để quay cơ thể đang dần dần chuyển đổi của mình khi uống thuốc hormon nữ và cùng với đó là sự thay đổi tâm trạng đầy tích cực khiến nhân vật này trở nên sinh động và thú vị. Trong các cuộc đối thoại với những người bạn gái hay một người phụ nữ chuyển giới khác để học hỏi kinh nghiệm sống, yêu, trải nghiệm tình dục và thậm chí tán tỉnh đàn ông, bộ phim dần chuyển hướng sang màu sắc tươi sáng, tràn ngập tiếng cười hài hước.

Trong khi đó, với gia đình Phong, thành trì cuối cùng mà cô phải vượt qua; từ người mẹ đau khổ đến người cha già bạc tóc, từ các anh chị của Phong cũng đều dần dần học cách chấp nhận cô, đồng hành với chuyến hành trình của cô, dù bên trong họ chưa thực sự thấu hiểu. Người mẹ của Phong đau khổ cho rằng mình phải trả nợ cho nghiệp chướng từ kiếp trước và vẫn còn nhiều tư tưởng bảo thủ về giới, nhưng dần dần cũng học cách chấp nhận đứa con của mình. Đáng ngạc nhiên hơn cả là người cha của ông, một ông lão tóc bạc trắng ngoài 80 ở miền Trung, vùng đất vẫn còn khá nhiều thành kiến với người chuyển giới đã có cái nhìn đầy bao dung và cởi mở về vấn đề này: "Bất kỳ nó là ai, thuộc giới nào, thì nó vẫn là con của mình".

Gia đình Phong có thể không thực sự hiểu được khát vọng được sống là chính mình cũng như quá trình đấu tranh quyết liệt của cô, nhưng họ thể hiện sự hiểu biết và sự quan tâm, tình yêu thương thông qua hành động. Hai người anh trai và chị gái của Phong đồng hành cùng người em của mình đến Thái Lan trong quá trình phẩu thuật chuyển giới của Phong và luôn có mặt bên cạnh cô, ngay cả trong những tình huống riêng tư và tế nhị nhất.

Cái nhìn cởi mở và sâu sắc đó khiến ở nửa sau của Đi tìm Phong mang đến một thông điệp thực sự tươi sáng về sự thay đổi nhận thức của gia đình, xã hội đối với người chuyển giới nói riêng hay cộng đồng LGBT nói chung ở Việt Nam.

Đạo diễn Trần Phương Thảo, trong buổi chiếu ra mắt bộ phim ở TPHCM cũng thừa nhận rằng rất nhiều khán giả quốc tế, đặc biệt là ở các nước Nam Mỹ rất ngạc nhiên trước sự cởi mở của người Việt Nam - một đất nước mà trong suy nghĩ của họ vẫn còn rất nhiều tư tưởng bảo thủ và lạc hậu với chủ đề này.

Với những ý nghĩa tích cực đó, Đi tìm Phong không chỉ là một chuyến đi tìm lại bản dạng của chính mình của một cá nhân mà còn là một cuộc hành trình thay đổi nhận thức của gia đình và phần nào đó - xã hội đối với người chuyển giới.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45843110

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét