Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

Người mẫu trong tranh khỏa thân ‘Cội nguồn nhân gian’

Danh tính người mẫu trong tranh khỏa thân ‘Cội nguồn nhân gian’
Một trong những bí ẩn lớn nhất của hội họa thế giới đã được hé lộ, đó là danh tính của người mẫu trong bức tranh khỏa thân nổi tiếng “Cội nguồn nhân gian” vẽ vào năm 1866. Cội nguồn nhân gian (tiếng Pháp: L'Origine du monde, tiếng Anh: The Origin of the World) là tác phẩm tranh sơn dầu nổi tiếng của họa sĩ người Pháp, Gustave Courbet vẽ năm 1866. Bức tranh phác họa cận cảnh vùng bụng và cơ quan sinh dục của một người phụ nữ khỏa thân đang nằm dang chân trên giường. Các bộ phận khác của cơ thể như đầu, cánh tay, ống chân đều nằm ngoài khung hình với hàm ý nhấn mạnh tính gợi dục của tác phẩm. Tranh hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Orsay, thủ đô Paris, Pháp.

Bức tranh 'Cội nguồn nhân gian' của 
Gustave Courbet - Ảnh: REUTERS


Tác phẩm Cội nguồn nhân gian trong lần được chuyển đến trưng bày ở bảo tàng Gustave Courbet tại Ornans - Ảnh: AFP


Trong nhiều năm qua, danh tính của người mẫu khỏa thân trong bức tranh là một bí ẩn lớn nhất trong ngành mỹ thuật thế giới với nhiều suy đoán khác nhau.

Mới đây danh tính của người phụ nữ này đã được hé lộ. Có nhiều ý kiến cho rằng người mẫu chính là cô Joanna Hiffernan, người tình của họa sĩ Courbet.

Trang FRI của Pháp mô tả: “Phát hiện nói trên của tác giả cuốn “Cội nguồn thế giới, cuộc đời cô người mẫu”, thật ra là do tình cờ. Chính là khi tra cứu những thư từ liên lạc giữa Alexandre Dumas con với George Sand, mà Claude Schopp - chuyên gia về văn hào Dumas cha và con, đã giải quyết được một bí ẩn từ 152 năm qua''.

Cụ thể, trong một bức thư gởi cho George Sand, Dumas con chỉ trích họa sĩ Courbet về việc vẽ bộ phận nhạy cảm nhất của “cô Queniaux”. Quéniaux ở đây chính là Constance Quéniaux, một vũ công nhà hát Opera.

Nhà nghiên cứu Claude Schopp liền thông báo phát hiện này cho bà Sylvie Aubenas, giám đốc đặc trách về tranh ảnh của Thư viện Quốc gia Pháp (BnF). Bà Aubenas khẳng định chắc chắn 99% người làm mẫu cho Courbet chính là Constance Quéniaux, vì cô này nổi tiếng là có mái tóc đen tuyền và cặp chân mày đen rất đẹp, phù hợp với bộ lông rậm bao quanh bộ phận sinh dục trong bức tranh Cội nguồn nhân gian.


Joanna Hiffernan, người mẫu trong bức tranh La belle Irlandaise (Portrait of Jo) của Courbet, rất có thể cũng là người mẫu trong bức Cội nguồn nhân gian - Ảnh: Wikipedia

Trước đó cũng đã có nhiều giả thiết tương tự cho rằng cô gái không mặt trong tranh chính là người mẫu yêu thích của Courbet lúc bấy giờ, Joanna Hiffernan (biệt danh Jo). Hiffernan được họa sĩ vẽ bốn bức chân dung, trong đó có La belle Irlandaise (Portrait of Jo, Chân dung Jo, năm 1866).
Cô là bạn gái của họa sĩ James Whistler, bạn trong nghề của Courbet. Có thể cũng chính vì thế mà tình bạn giữa Courbet và Whistler đổ vỡ trầm trọng, khiến Whistler quay về London sau khi tác phẩm khỏa thân này ra đời. Dù rằng Hiffernan có mái tóc đỏ thuần khác với lông vùng kín tối màu của người mẫu trong tranh, nghi ngờ về việc chính cô làm mẫu vẫn tồn tại.
Về nguồn gốc của bức tranh có giả thiết cho rằng tác phẩm này đã được ông Khalil Bey, một nhà ngoại giao, cựu đại sứ của Đế quốc Ottoman ở Athens và Sankt-Peterburg, mua lại khi ông vừa chuyển đến Paris. 

Nhà phê bình văn học Sainte-Beuve giới thiệu ông với Courbet, Bey ngỏ ý đặt mua một bức tranh để thêm vào bộ sưu tập tranh khiêu dâm cá nhân của mình, cùng với các bức Le Bain turc (Phòng tắm Thổ Nhĩ Kỳ, tác giả Ingres) và Le Sommeil (Những cô gái nằm ngủ, tác giả Courbet, người mẫu có thể cũng là Hiffernan) mà ông đã sở hữu trước đó.
Thời gian sau, Khalil Bey đổ hết tài sản vào bài bạc, bức tranh được sang tay từ bộ sưu tập cá nhân này sang bộ sưu tập khác. Năm 1868, tranh được thương nhân đồ cổ Antoine de la Narde mua lại từ buổi chào bán của Bey.

Tiếp đến, Edmond de Goncourt sở hữu tranh từ một cửa hàng đồ cổ năm 1889. Theo Robert Fernier, người đã từng ra mắt hai tuyển tập nghệ thuật của Courbet và thành lập bảo tàng mang tên nhà họa sĩ, tới năm 1910, tranh lại được nhà sưu tập người Hungary, Ferenc Hatvany mua lại và mang về quê hương Budapest từ triển lãm Bernheim-Jeune. Đến cuối chiến tranh thế giới thứ hai, tranh bị Hồng quân Liên Xô lấy đi, sau đó được Hatvany chuộc lại và mang về Paris.

Năm 1955, tranh được bán đấu giá 1,5 triệu franc Pháp, tương đương 4.285 USD đương thời. Chủ mới của tranh là nhà phân tâm học Jacques Lacan. Ông và vợ là diễn viên Sylvia Bataille đã mang tranh về treo tại nhà ngoại ô ở Guitrancourt. Lacan nhờ anh trai, họa sĩ siêu thực André Masson, làm một khung tranh kép và vẽ thêm một bức tượng trưng lấy cảm hứng từ bức tranh gốc ở trên.

Công chúng New York cũng đã có cơ hội được chiêm ngưỡng Cội nguồn nhân giannăm 1988 trong sự kiện triển lãm Courbet Reconsidered tại bảo tàng Brooklyn, tranh cũng có mặt trong triển lãm Gustave Courbet ở viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan năm 2008. Sau khi Lacan qua đời năm 1981, Bộ trưởng bộ Kinh tế và Tài chính Pháp chấp thuận đơn thuế di sản của tác phẩm (estate tax) cho bảo tàng Orsay, đơn được thông qua năm 1995.

Tiểu Vũ (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét