Về bài báo ông Tư Sang: 'Tại sao anh Tư không chịu khó học sớm hơn'?
Một bài viết trên báo giấy Tuổi Trẻ nhân ngày Quốc Khánh của Việt nam (2.9), tác giả ông Trương Tấn Sang (Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt nam), với tiêu đề: Thời gian và cơ hội không chờ chúng ta. Đúng là, nếu không chịu thay đổi, nếu vẫn nhận 'niềm tin' qua báo cáo; nếu vẫn vĩ cuồng với quyền lực thì thời gian và cơ hội sẽ không còn chờ chính những người 'lãnh đạo cộng sản hiện đại' nữa. Bởi lòng dân thực sự không còn yên, nó đã là làn sóng ngầm (dựa trên sự vỡ vụn niềm tin vào nhà nước), đang sẵn sàng 'nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước'.
Bài viết của ông Trương Tấn Sang (Tư Sang) - nguyên Chủ tịch
nước trên báo giấy Tuổi Trẻ (30.08). Ảnh: FB Ngọc Vinh
'Tại sao anh Tư không chịu khó học sớm hơn'?Bài viết này được Facebooker, nhà báo Ngọc Vinh đánh giá là 'thú vị', xuất phát từ việc dẫn lại kinh nghiệm cầm quyền và phát triển đất nước của Lý Quang Diệu và Park Chung Hee. Một chi tiết đáng chú ý hơn là ông Sang chia sẻ, ông đọc xong cuốn Hồi ký của ông Lý Quang Diệu trong thời gian gần đây ('Gần đây, tôi có đọc bộ Hồi ký Lý Quang Diệu xuất bản năm 2017').
Facebooker này đặt câu hỏi: Tại sao anh Tư không chịu khó học ông Lý ông Park sớm hơn nhỉ - lúc anh Tư còn nắm quyền lực cai trị trong tay?
Thực ra, câu trả lời đơn giản chỉ là sự chi phối quyền lực lẫn nhau, nhưng thay vì một hệ chi phối bằng giải pháp kiềm tỏa quyền lực bằng hạn chế quyền lực, giám sát quyền lực qua tam quyền phân lập, thì tại Việt nam - sự chi phối này lại nằm ở sự thật.
Sự thật đó là, không ai trong hệ thống chính trị Việt nam mà không có phe cánh, càng có phe cánh mạnh, thì cá nhân càng leo lên được cao. Và để chi trả 'phí phe cánh' đó, thì bản thân cá nhân đó phải lạm dụng quyền lực. Tiền và quyền đổi chiều liên tục để thúc đẩy lợi ích chính trị, thế nên kê khai tài sản cá nhân tham gia chính trị, bao nhiêu năm vẫn dậm chân tại chỗ là vì vậy.
Từ yếu tố chi phối bằng sự thật trên, hay thẳng thắn hơn là 'tất cả đều nhúng chàm', nên ở Việt nam xuất hiện thêm cái gọi là 'hội chứng Nguyên'. Tức khi ông còn ngồi trong cơ chế quyền lực, ông rất ít khi nói hay đề cập đến những vấn đề nóng và giải pháp liên quan, nhưng khi ông về hưu (nguyên/ cựu lãnh đạo), thì 'lời hay, ý đẹp' lại tuôn ra. Thế mới kỳ!
Do vậy, chuyện Facebooker Ngọc Vinh đặt câu hỏi, tại sao ông Tư Sang không chịu khó học sớm, khi còn nắm quyền lực cai trị trong tay cũng là một câu hỏi mà bản thân nó đã mang tính giải đáp nêu trên.
Cơ chế đúng và niềm tin trong dân
Người viết chú ý nhiều hơn một chút, đó là sự thừa nhận của ông Tư Sang về việc đọc hồi ký Lý Quang Diệu, cũng như ông đã đọc cuốn Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc. Đây là điều đáng hoan nghênh, ít nhất là cả hai cuốn này đều cho thấy Việt nam phải mạnh dạn theo hướng nào để thoát khỏi một đất nước hạng 3 như hiện tại, trong đó bao gồm cả sự kiên quyết chống tham nhũng, và thiết lập kỷ luật - lòng tự trọng trong toàn bộ nhân viên nhà nước, sau đó phổ rộng ra người dân.
Quan trọng nhất của cả 2 sự thay đổi ở Singapore hay Hàn Quốc đó là thiết lập cơ chế đúng đắn, bởi cơ chế đúng thì phát triển đúng.
Và cơ chế đúng cũng tạo điều kiện xác lập lại niềm tin bị mất của người dân đối với chính quyền. Chẳng phải, ông Tư Sang từng thừa nhận 'nỗi sợ' về sự đánh mất niềm tin trong dân vào năm 2014 đó sao?
'Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào đảng, nhà nước, chế độ ta', ông Trương Tấn Sang cho biết.
Niềm tin trong dân là quan trọng, quan trọng đến mức cuộc chống tham nhũng có thành công hay không, quyền lực có được kiểm soát tốt hay không, thậm chí - để đưa đất nước từ hạng ba lên hạng một như Singapore được hay không, lệ thuộc rất lớn niềm tin dân còn hay không.
Vậy niềm tin sẽ phải được bắt đầu từ thế nào? Cách đơn giản nhất là phải biết dân mất niềm tin ra sao và người dân đang muốn gì.
Nhưng thời gian vừa qua, mọi thứ đã không đi theo chu trình đó, thay vì tìm cách bồi đắp hay tích lũy niềm tin, những nhà lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước tiếp tục tìm cách 'phá rối, sách nhiễu, giam cầm' niềm tin. Lý do bởi, niềm tin trong dân là do lãnh đạo 'tin' qua báo cáo cấp dưới, chứ chưa thực sự lắng nghe từ nhân dân. Và khi dự Luật đặc khu hay dự Luật an ninh mạng được khởi thảo, sắp được thông qua, thì dân lại đổ xuống đường biểu tình.
Dân xuống đường vào tháng 6, hát vang bài ca 'Trả lại cho dân' tại trung tâm Tp. HCM, lúc đó hẳn ôngTư Sang chắc hiểu 'lòng dân, niềm tin trong dân muốn gì' là như thế nào. Nhưng người 'lãnh đạo cộng sản hiện đại' lại có vẻ không thiết tha hay ưu tư về điều đó lắm, và tin rằng niềm tin trong dân có thể xốc bằng tuyên truyền qua tờ rơi, đài phát thanh; bằng sự trấn áp và giám sát chặt chẽ các phát ngôn trên mạng; bằng cả sự đe dọa cầm tù...
Dân cần quyền con người, dân cần xã hội dân sự, và dân cần một cơ chế với tam quyền phân lập! Liệu ông Tư Sang và những 'đồng chí' của mình có chịu lắng nghe?
Chậm còn hơn không
Facebooker Võ Đắc Danh bày tỏ về bài viết của ông Tư Sang: Nếu ta là TBT, ta không bao giờ tiếp tay cho mấy lão về hưu chém gió. Nhiều Facebooker khác cũng đồng tình như vậy, nhưng rõ ràng - thà được vậy còn hơn không.
Ít nhất không cựu Chủ tịch nước cũng đã đọc được những cuốn sách chạm đúng vào những vấn đề gây nhức nhối nằm trong bản chất thể chế Việt nam. Và dù không biết ông có 'tự chuyển biến, tự chuyển hóa' hay không, thì vị trí chính trị của ông cũng đã tạo ra trong bài viết một tác động nào đó đối với nhận thức của không ít người, nhất là những người đang trong diện được 'bảo trợ' chính trị. Thực tế, mặt dù về hưu, nhưng không ít vị Ủy viên Bộ chính trị (nằm trong tứ trụ) có một tác động không nhỏ trong đời sống chính trị Việt nam, và những 'phe cánh' mà họ gây dựng trước đó cũng sẽ tạo ra cho họ tiếng nói nhất định trong chính trường.
Còn không nữa, thì trong tinh thần 'lạc quan nhất' có thể, thì chí ít người viết cũng nghĩ rằng, đọc sách được cũng đã là một điều tốt, ít nhất nó cũng giúp ông cựu Chủ tịch nước không nằm trong 26% dân số chẳng bao giờ đọc sách. Và khi ông cựu Chủ tịch nước đọc sách hay, chia sẻ trên báo chí có thể giúp không ít vị đương nhiệm như Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hay TBT Nguyễn Phú Trọng tìm mua và đọc để 'khai dân trí', cũng vừa cổ vũ tinh thần đọc sách hay (như hai đầu sách nêu trên), thay vì đắm chìm vào những đầu sách như 'Tiến mạnh, tiến chắc lên XHCN' hay 'Đế quốc Mỹ chỉ là con hổ giấy'.
Nhưng đúng là, nếu không chịu thay đổi, nếu vẫn nhận 'niềm tin' qua báo cáo; nếu vẫn vĩ cuồng với quyền lực thì thời gian và cơ hội sẽ không còn chờ chính những người 'lãnh đạo cộng sản hiện đại' nữa. Bởi lòng dân thực sự không còn yên, nó đã là làn sóng ngầm (dựa trên sự vỡ vụn niềm tin vào nhà nước), đang sẵn sàng 'nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước'.
Ánh Liên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét