Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Bao giờ người Việt thoát kiếp nô lệ gia công ?

Các chuyên gia mà RFA tiếp xúc đều đồng ý đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cho đến nay thực chất chỉ là tận dụng giá nhân công thấp để làm giàu, và đóng góp không đáng kể vào việc chuyển giao công nghệ cũng như quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát kiếp gia công
Dù kim ngạch xuất khẩu được báo cáo liên tục tăng trong những năm qua và nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng khá; tuy nhiên, giá trị thực nhận được lại rất ít. Lý do được chỉ ra là do các doanh nghiệp Việt Nam chỉ gia công hàng hóa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Như thế Việt Nam đang làm giàu cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Công nhân đang làm việc tại nhà máy sản 
xuất dệt may tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Thực trạng làm công
Một báo cáo về dịch vụ gia công hàng hóa với nước ngoài được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm 19/9 cho thấy, hầu như các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đi gia công thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài và chỉ hưởng được một phần nhỏ từ phí gia công. Tổng phí gia công các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài năm 2016 được báo cáo là 8,6 tỷ USD.

Những ngành sản xuất mang lại nhiều kim ngạch cho Việt Nam được thuộc nhóm gia công, lắp ráp như điện thoại, máy tính, dệt may, da giày… Trong khi đó thì khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đều phát triển rất mạnh.

Các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, sử dụng nguồn vốn lớn còn các doanh nghiệp tư nhân VN thì không được hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

- TS. Huỳnh Bửu Sơn
Trong các cuộc họp chính phủ nhiều đại biểu quốc hội nêu rõ việc quá nhiều ưu đãi thu hút các dự án FDI nhưng lại chưa có chính sách hợp lý phát triển những ngành kinh tế phụ trợ quan trọng trong nước, Việt Nam có thể rơi vào “bẫy” gia công giá trị thấp.

Đồng tình với các đại biểu, Giáo sư- tiến sĩ Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho rằng, điều này đã được nhìn ra từ trước đây nhưng tiến trình khắc phục tình trạng này vẫn còn chậm.

Ông cho biết thêm: “Bởi vì hiện nay trong phát triển công nghiệp, VN vẫn đánh giá khu vực FDI là khu vực chuyên nghiệp hơn cả. Đồng thời nó cũng là cách thức để dẫn dắt những công nghiệp do các doanh nghiệp tư nhân của VN tham gia mà chủ yếu hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí là siêu nhỏ. Đây là một khó khăn lớn cho việc tiếp tục phát triển của công nghiệp VN.”

Vị chuyên gia này cho biết ngoài việc gia công hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu để thực hiện việc gia công sản phẩm đó.
Không đủ chuyên môn

Các chuyên gia kinh tế cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI hiện nay vẫn còn rất yếu, bởi vì cơ cấu doanh nghiệp Việt thường quá nhỏ và không đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho thị trường toàn cầu.

Chuyên gia ngành ngân hàng, tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn, cho biết nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đề xuất Việt Nam nên phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên liệu sản xuất trong nước để tăng thêm giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho biết:

“Trong một thời gian khá dài thì ngành công nghiệp phụ trợ này ít được để ý. Một phần do các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, sử dụng nguồn vốn lớn còn các doanh nghiệp tư nhân VN thì không được hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Chính vì vậy khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì doanh nghiệp VN chỉ dựa trên yếu tố là nhân công rẻ mà thôi nhưng mà hiện nay nhân công rẻ không còn là thế mạnh nữa là vì năng xuất lao động VN thấp hơn so với khu vực.”

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia về tài chính, thì doanh nghiệp Việt Nam thiếu chuyên môn, thiếu công nghệ để sản xuất ra các hàng hóa, mà các nhà tiêu thụ cũng như là khách hàng nước ngoài đòi hỏi. Ông chia sẻ:

Dây chuyền lắp ráp động cơ tại nhà máy Toyota ở Vĩnh Phúc. AFP
“Phần lớn là do các sản phẩm xuất khẩu, rất nhiều sản phẩm được sản xuất qua các quy trình sản xuất phức tạp công nghệ cao, trong khi các doanh nghiệp VN chưa tiếp thu được các công nghệ của FDI nên họ có xu hướng là gia công cho các doanh nghiệp FDI.”

Ngoài ra, vị tiến sĩ còn có nhận xét các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam họ không muốn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt còn vì vấn đề liên quan đến quyền sở hựu trí tuệ, giải quyết tranh chấp.

Các doanh nghiệp FDI chỉ khai thác vị thế Việt Nam về thương mại, tài nguyên và lao động giá rẻ để đặt cơ sở gia công tại nước ngoài.

Cần phát triển công nghiệp phụ trợ

Tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn cho rằng Việt Nam hiện nay đã thấy được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Nên chính phủ Việt Nam cần có thêm chính sách hỗ trợ, đầu tư vào ngành công nghiệp này vì trong tương lai có thể giúp Việt Nam thoát ra được vai trò gia công.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI được hưởng đủ chính sách ưu đãi của chính phủ, thế nhưng doanh nghiệp nội địa vẫn thiếu nguồn cung vì các doanh nghiệp ngoại chỉ cung ứng cho công ty mẹ ở nước ngoài.

Để tạo nguồn cung bền vững trong nước, chính phủ Việt Nam cần có những chính sách để thu hút nhà đầu tư sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp nội. Ông cho biết:

“Cái nhìn chung của tôi là các công ty FDI vào VN đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế VN nhưng chính phủ VN phải có những chính sách để tiếp thu các công nghệ của doanh nghiệp FDI và dần giới hạn lại giảm thiểu sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp FDI để doanh nghiệp Việt Nam tự cường sản xuất hàng hóa bán cho thị trường nước ngoài. Và đặc biệt là tận dụng được liên hệ của các doanh nghiệp FDI với tổ chức quốc tế bởi vì thông thường rất nhiều doanh nghiệp FDI vào VN là những công ty con của các tập đoàn thế giới nên VN nên tập dụng để mở rộng cánh cửa với thế giới.”

Các chuyên gia mà RFA tiếp xúc đều đồng ý đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cho đến nay thực chất chỉ là tận dụng giá nhân công thấp để làm giàu, và đóng góp không đáng kể vào việc chuyển giao công nghệ cũng như quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.

RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét