Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Tại sao những kẻ tự cao tự đại thường làm lãnh đạo

Tại sao những kẻ tự cao tự đại thường làm lãnh đạo
Hầu như công sở nào cũng có một người. Người mà lòng tự tin vượt quá khả năng của họ, người khinh thường đồng nghiệp và xem bản thân họ quá đặc biệt và duy nhất, đến nỗi họ sẽ nổi sùng nếu người khác không công nhận tài năng của họ.

Yêu bản thân quá mức
Trong tiếng Anh họ được gọi là narcissist, tức là những người yêu bản thân quá mức. Từ này bắt nguồn từ một thần thoại Hy Lạp kể rằng một thợ săn có tên là Narcissus đã yêu chính bản thân khi anh ta thấy hình ảnh của mình phản chiếu dưới một hồ nước. Đáng buồn là những kẻ tự cao bị ám ảnh về bản thân không phải là thần thoại ở công sở thời hiện đại. Nhận ra cách hành xử của họ sớm có thể giúp cho bạn đỡ được nhiều áp lực.



Narcissus - nhân vật được lấy tên để đặt cho căn bệnh tự yêu mình thái quá, trong bức tranh của Michelangelo Merisi da Caravaggio, vẽ hồi 1596

Trong thời gian đầu đi làm, cô Karlyn Borysen, tác giả của cuốn Zen Your Work, đã dính vào một bà chủ tự đại.

"Tôi vô cùng yêu mến bà ấy. Tôi nghĩ bà ấy rất có sức hút. Tôi nghĩ bà ấy thông minh, tôi thật sự rất háo hức được làm việc cho bà ấy," Borysenko kể. "Phải mất khoảng ba tháng làm việc và gặp bà ấy mỗi ngày tôi mới nhận ra rằng có cái gì đó rất không ổn và nhận ra rằng tôi đang làm việc cho một kẻ tự cao."

Borysenko nói cô ấy đã nhận thấy một phần quan trọng của công việc là phải nịnh nọt sếp, phải khiến bà ấy cảm thấy dễ chịu và phải đề cao bà ấy. "Nếu anh không làm như thế thì anh sẽ bị trả thù ghê gớm."


Khi điều này cứ liên tục lặp đi lặp lại, nó có thể khiến anh có cảm giác như là anh sắp nổi điên, cô cho biết. "Có những điều gì bà ấy thấy được mà tôi không thấy? Có những gì bà ấy hiểu mà tôi không hiểu? Và anh cần phải chấp nhận rằng mọi thứ phải là như cách bà ấy nhìn nhận thế giới xung quanh thay vì là những việc anh đang làm."

Borysenko không phải là người duy nhất ở công sở cảm thấy bị dày vò bởi tính tự cao tự đại của người sếp. Tuy nhiên thay vì đoàn kết do nhận thấy tất cả đều cùng cảnh ngộ, các đồng nghiệp của cô đã bắt đầu quay lưng lại với nhau do áp lực của cảm giác bất lực không thể thay đổi nguyên tắc của trò chơi. "Nó trở thành sự cạnh tranh để xem ai là người được sếp ưu ái," cô cho biết.

Tác động với doanh nghiệp

Tin xấu là vô số những nghiên cứu đã cho thấy những kẻ tự cao thường rất thành công trong sự nghiệp - thậm chí đôi lúc còn có thể có vai trò tích cực cho doanh nghiệp. Thiếu khả năng thấu cảm, tầm nhìn hạn hẹp, những lời dối trá và sự thao túng đều là những phẩm chất phổ biến ở những người hướng đến những vị trí quyền lực.

Tiến sỹ Tim Judge là một nhà tâm lý lãnh đạo và tổ chức tại Đại học Ohio State University. Nghiên cứu của ông phân tích những tác động của những kẻ tự cao đối với doanh nghiệp.

Ông nói rằng thông thường những kẻ tự đại có một số phẩm chất nhất định khiến họ thích hợp hơn với vai trò lãnh đạo.

"Chúng ta biết rằng những kẻ tự đại thường có sức hút hơn," ông nói. "Họ nhiều khả năng sẽ lèo lái tình hình - điều đôi khi cần thiết… và họ sẵn lòng hơn và có khả năng hơn để mạo hiểm khi cần thiết; và có những tình huống ở những công ty gặp khủng hoảng mà những phẩm chất này được mong đợi."

Do đâu mà có?

Vậy thì, trả lời thế nào cho câu hỏi ngàn đời 'bẩm sinh hay tu dưỡng' - bản tính tự cao tự đại là tính cách bẩm sinh hay được hình thành theo thời gian?



Tiến sỹ Tim Judge cho là cả hai. Mặc dù có một số nghiên cứu cho thấy những đặc tính bẩm sinh của bản tính tự đại, nhưng vẫn có những nghiên cứu khác cho thấy cách giáo dục của cha mẹ, mức thu nhập và những thứ xảy ra ở nơi làm việc cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự tự cao tự đại.

"Những ai sinh ra trong gia đình có địa vị kinh tế-xã hội cao hay có thu nhập cao dường như hay ghi điểm cao hơn," ông cho biết. "Phương cách giáo dục của cha mẹ vốn có xu hướng thúc đẩy lòng tự ái của đứa trẻ lên quá mức cũng có thể dẫn đến sự tự cao tự đại."

Tất cả những điều này nghe có quen thuộc với bạn không? Vâng, không có gì bất ngờ khi nhiều nhân vật nổi bật nằm trong nhóm tính cách này.

"Tôi nghĩ rằng đó là một nét tích cách thường thấy ở những lãnh đạo chính trị khi họ gặp khủng hoảng và đang lãnh đạo tạo ra sự thay đổi," Judge phân tích. "Không khó gì khi cho rằng rất nhiều tổng thống Mỹ có sức thu hút đều là những người tự cao tự đại," ông nói và đề cập đến các cố tổng thống John F Kennedy và Ronald Reagan như là những ví dụ.

Sẽ có sai lầm
Vậy thì cảm nhận của chúng ta rằng những kẻ tự cao tự đại thường rất thành công trong sự nghiệp của họ thì sao, mặc dù không nhất thiết là họ làm việc đặc biệt tốt?

Tiến sỹ Judge cho rằng nguyên do tựu chung là họ hoàn toàn tập trung vào nhu cầu của bản thân họ thay vì nhu cầu của người khác.

"Xét theo việc để thành công hơn nữa trong sự nghiệp," ông giải thích, "chúng ta biết rằng việc tập trung vào bản thân này sẽ có ích, cho nên tiền tài, danh giá công việc - nói thế thì hơi quá mạnh miệng nhưng nó đúng - hầu hết là những gì mà những kẻ tự cao tự đại quan tâm."

Tiến sỹ Judge nói tự cao tự đại là tính cách thường thấy ở các nhà lãnh đạo chính trị, trong đó có Tổng thống Mỹ John F Kennedy

Vậy thì, tự cao tự đại một chút có thể là tác nhân thúc đẩy sự thăng tiến trong sự nghiệp của bạn hay không? Nếu bạn cần phải thuyết phục nhà đầu tư hay khách hàng đưa tiền cho bạn, lòng tin vào bản thân là rất quan trọng. Nhưng đến khi nào thì sự tự tin đó hóa thành ảo tưởng?

Đó là một việc mạo hiểm, Don Moore, giáo sư về lãnh đạo tại Trường Kinh doanh Haas ở California, nói.

"Có rất nhiều tình huống trong cuộc sống mà việc bạn đánh lừa mình về việc bạn tài giỏi như thế nào sẽ dẫn đến một số lỗi lầm không may và có thể đoán trước được," ông nói.

Điều lý thú là trong kinh doanh, thường có những tình huống mà những người tự tin quá mức có vẻ như leo cao được đến đỉnh. "

Nếu như chúng ta chỉ xem xét trên mặt những lời tuyên bố tự tin của họ, chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu họa," Moore cảnh báo. "Chúng ta sẽ trở nên sùng bái, đề cao hay bỏ phiếu cho những kẻ không ra gì nhưng lại tự tin quá mức - những kẻ mà thật sự không thể nào làm được như những gì họ tuyên bố."

Bài học có ích

"Để được thăng chức lên vị trí lãnh đạo bạn cần phải tài giỏi và cần phải may mắn nữa," Moore nói. "Mọi người luôn có xu hướng nhận định sai rằng mình thăng tiến như thế là do năng lực của bản thân và nếu như bạn làm như thế thì bạn sẽ nghĩ rằng bạn tài giỏi hơn khả năng thật sự của bạn."


Chúng ta thấy điều này ở ông Donald Trump ở Mỹ. Ông ấy hoàn toàn tin chắc rằng ông ấy có thể làm tổng thống và do đó ông ấy đã trở thành tổng thống," Karlyn Borysenko nói

Nhưng bất chấp điều này, câu khẩu hiệu 'hãy giả vờ cho đến khi bạn đạt được mục đích' vẫn có giá trị nào đó.

"Đừng để mình mắc vào hội chứng ngộ nhận," ông Moore nói với ý nhắc đến trạng thái tâm lý mà bạn cho rằng mình không đủ tài cán và không thể đảm đương một công việc hay một trách nhiệm nào đó. "Hội chứng ngộ nhận là một vấn đề thật sự," ông giải thích, "và sự thiếu tự tin xảy ra trong những tình huống có thể đoán trước được… trong những công việc khó khăn khi chúng ta ý thức được hơn về những điểm yếu của bản thân, do đó lời khuyên có ích ở đây là bạn cần phải lấy một chút can đảm và vượt qua hội chứng ngộ nhận, tin vào bản thân để có thể nắm vững được công việc khó khăn."

Thật ra, chúng ta có thể học được một bài học quý giá về sự tự tin từ những người tự đại.

Karlyn Borysenko chỉ ra khả năng của những kẻ tự đại có thể tạo ra được thực tế mà họ mong muốn như là chất xúc tác để giúp họ đạt được điều mà họ muốn.

"Đó là bởi vì họ hành xử như thể thực tế mà họ tạo ra đó là sự thật và đôi khi đó chính là điều phóng họ lên đến mức độ thành công họ nhắm đến," cô giải thích.

"Chúng ta thấy điều này ở ông Donald Trump ở Mỹ. Ông ấy hoàn toàn tin chắc rằng ông ấy có thể làm tổng thống và do đó ông ấy đã trở thành tổng thống. Và điều đó có lẽ đã không xảy ra nếu như ông ấy không có lòng tin."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét