Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Đất Thủ Thiêm – Kỳ VII: Tao bắn nát đầu bọn bay!

"Ông trở về, hàng ngày nhìn cảnh xe ủi, xe cuốc cùng với nhân viên công lực đi cướp bóc, đập phá nhà cửa xung quanh mà trào dâng căm phẫn, thương xót cảnh tan nhà nát cửa của bà con. Nhiều lúc không kềm chế được, ông muốn ra tay… Nhưng ông kịp nghĩ, nếu bắn thì phải bắn mấy thằng “đầu sỏ”, chớ cái đám nầy chỉ là tay sai … Ông Hải đã bỏ ra nhiều ngày để nghiên cứu địa hình gia cư của những tay “đầu sỏ”, vào lối nào, ra lối nào, nhà có chó dữ hay không … Ông đã lên “phương án tác chiến”, đặt ra những tình huống bất trắc, và, ông viết sẵn mấy bản cáo trạng kể tội từng người. Xử xong người nào, đặt bản cáo trang lên ngực người đó rồi rút lui. Ông nói, khẩu súng của ông sẽ chừa sẵn hai viên đạn cho mình nếu gắp tình huống bất trắc.
Mười lăm ngàn hộ dân với hơn sáu vạn con người ở Thủ Thiêm đã xem các anh 
“đầu sỏ” là kẻ thù không đội trời chung, các anh “đầu sỏ” đã tự dựng cho mình tấm bia ở Thủ Thiêm, sẽ vĩnh cửu ngàn năm vì nó là bia miệng".
Đất Thủ Thiêm – Kỳ VII: Tao bắn!
Võ Đắc Danh: Ba ngôi nhà còn sót lại giữa cái hoang tàn đổ nát như sau một trận bom trên đường Lương Định Của, thuộc khu phố 1, phường Bình An là nhà của chị Vinh, ông Lực và Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải. Nó còn sót lại, có lẽ là vì, với chị Vinh và ông Lực, người ta không dám ném ra đường một người phụ nữ tật nguyền phải nương nhờ vào đôi nạng gỗ và một ông già chín mươi mốt tuổi đời, bảy mươi tuổi đảng bị tai biến nằm liệt giường. Còn với Thiếu tướng Hải, có lẽ vì người ta sợ cái câu: Đứa nào tới, tao bắn…!
Thiếu Tướng Trinh Sát Đặc Công HỒNG MINH HẢI
Khi chúng tôi tới thăm ông, ông hỏi các anh chị là nhà báo nhưng thuộc phe nào? Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông nói báo chí bây giờ nhiều phe quá, chẳng biết tin ai. Khi cuộc tiếp xúc đến hồi thân thiện, ông Hải kể rằng, năm 1968, sau khi đậu Tú tài, ông được tuyển vào khoa không quân trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, lúc bấy giờ ông đang là biệt động thành Sài Gòn. Cấp trên yêu cầu ông nên đi học sĩ quan để tiếp tục “hoạt động trong lòng địch” khi ra trường, nhưng ông từ chối, bỏ học vào chiến khu rồi theo đơn vị trinh sát đặc công. Chúng tôi ngồi nghe ông kể những câu chuyện “xuất quỷ nhập thần” của lính đặc công như huyền thoại, bất kỳ những đồn bót, những căn cứ quân sự của đối phương, lính đặc công vào ra như có phép tàng hình.

Sau chiến tranh Campuchia, ông được phong hàm Thiếu tướng, Tư lệnh phó binh chủng đặc công miền Nam.

Khi xảy ra câu chuyện Thủ Thiêm, bí thư kiêm chủ tịch quận Tất Thành Cang tới nhà ông thương lượng rất chân tình, rằng sẽ đổi căn nhà 160 mét vuông của ông bằng hai nền nhà gần siêu thị điện máy Chợ Lớn trên đường Lương Định Của, nghĩa là ông sẽ được đền bù thỏa đáng. Ông nhẩm tính, hai nền nhà kia trị giá tương đương chín tỷ đồng, ông sẽ lên quận 9 mua được hơn hai ngàn mét vuông đất vườn chỉ hơn năm tỷ, còn lại xây nhà, hai vợ chồng cùng hai đứa con ông sẽ có cuộc sống thanh nhàn, vui thú điền viên.

Nghĩ thế, ông bằng lòng trao đổi. Nhưng một hôm, ông Cang gọi ông lên cáo lỗi, rằng quỹ đất không còn, chỉ đổi với ông một nền. Sau một hồi tranh cãi, ông đứng lên nói thẳng: “Người lớn với nhau không thể nói hai lời. Vậy thì tao không đi đâu cả, tụi bây cứ tới cưỡng chế, nhưng nên nhớ phải mặc áo giáp và đội nón sắt đàng hoàng, đứa nào bước vô tao bắn… ! Máu tao đã đổ ngoài chiến trường nhiều rồi, giờ nầy tao không còn tiếc gì nữa, nhưng trước khi chết tao sẽ bắn nát đầu bọn cướp“.

Ông trở về, hàng ngày nhìn cảnh xe ủi, xe cuốc cùng với nhân viên công lực đi cướp bóc, đập phá nhà cửa xung quanh mà trào dâng căm phẫn, thương xót cảnh tan nhà nát cửa của bà con. Nhiều lúc không kềm chế được, ông muốn ra tay… Nhưng ông kịp nghĩ, nếu bắn thì phải bắn mấy thằng “đầu sỏ”, chớ cái đám nầy chỉ là tay sai …

Ông Hải đã bỏ ra nhiều ngày để nghiên cứu địa hình gia cư của những tay “đầu sỏ”, vào lối nào, ra lối nào, nhà có chó dữ hay không … Ông đã lên “phương án tác chiến”, đặt ra những tình huống bất trắc, và, ông viết sẵn mấy bản cáo trạng kể tội từng người. Xử xong người nào, đặt bản cáo trang lên ngực người đó rồi rút lui. Ông nói, khẩu súng của ông sẽ chừa sẵn hai viên đạn cho mình nếu gắp tình huống bất trắc.

Tôi hỏi vì sao ông không cùng với bà con đi kiện mà nghĩ tới chuyện mạo hiểm như vậy? Ông nói tôi là lính, không thích dây dưa, khi đã xem chúng nó là kẻ thù của nhân dân thì tôi ứng xử theo cách của người lính, hoặc là tấn công, hoặc là rút lui, hoặc là phòng thủ và tử thủ. Ngắn gọn như thế, không cần phải dài dòng.

Thế là hết Thủ Thiêm ơi!

Từ chị Phượng chủ tịch phường xin lỗi nhân dân đến anh Thiếu tá công an Trần Vĩnh Phúc treo cổ tự tử, giờ tới lượt Thiếu tướng Hồng Minh Hải luôn sẵn sàng trong tư thế tấn công, huống chi đến hàng trăm, hàng ngàn con người thấp cố bé miệng từng ngày ứa gan kêu cứu, gần hai mươi năm khổ đau chờ công lý đến mỏi mòn.

Hôm qua có một cô gái nhắn tin: “Chú ơi, con đã đọc nhiều câu chuyện đau lòng của chú viết về Thủ Thiêm, con mong chú kể tiếp câu chuyện của con, khổ lắm, nhà con bị cưỡng chế đập nát hết, con che tấm bạt dưới gốc cây lót tạm cái giường để hai mẹ con tá túc nhưng cũng bị họ cưỡng chế thêm lần nữa …”

Tôi đành phải nhắn tin xin lỗi cô gái, cháu ơi, làm sao chú đủ sức đủ tài để kể hàng trăm, hàng ngàn tấn thảm kịch Thủ Thiêm, bởi tội ác cứ nối dài tội ác và đau thương cứ chồng chất đau thương. Chú xin lỗi cháu! Mỗi con người, mỗi gia đình trên ĐẤT THỦ THIÊM giờ đây giống như những trang tiểu thuyết mà bản thân chú không đủ sức đủ tài.


Tan nát Thủ Thiêm

ĐÔI ĐIỀU VỚI CÁC ANH

Các anh là ai? Tôi biết các anh một cách mập mờ, loáng thoáng mà Thiếu Tướng Hồng Minh Hải đã viết sẵn cáo trạng định xử các anh.

Hầu hết các anh đều ít nhứt cũng có tấm bằng đại học, dù nó thật hay giả, dù các anh đã học phổ thông hay bổ túc văn hóa, thì điều chắc chắn rằng các anh đã học qua dòng văn học hiện thực phê phán mà trong đó có những tác giả lừng danh một thời như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan . . . với những tác phẩm tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến. Những tác giả ấy cũng đã bị phê phán rằng họ chỉ nhìn thấy hiện thực tối tăm, chỉ nhìn thấy cái tiền đồ tối đen như mực của chị Dậu mà không nhìn thấy cái tiền đồ rạng rỡ của dân tộc bởi chỉ vài năm sau, Đảng Cộng sản ra đời!

Nhưng, nếu giờ đây Ngô Tất Tố có đội mồ sống dậy, ông sẽ nói rằng nhân vật chị Dậu mà ông hư cấu làm gì so sánh được với những con người có thật như chị Vinh, chị Phượng, bà Giáp, cô Mỹ… ở Thủ Thiêm?

Giờ đây nếu Nguyễn Công Hoan có đội mồ sống dậy, ông sẽ nói rằng câu chuyện Nghị Lại bày mưu cướp đất của anh Pha mà ông hư cấu làm gì so sánh được với câu chuyện có thật của ông Hùng, anh Truyền bán gas, ông Nguyễn Hồng Quang … ở Thủ Thiêm?

Giờ đây nếu Nam Cao có đội mồ sống dậy, ông sẽ nói rằng Chí Phèo trước khi chết còn giết được Bá Kiến, huống chi anh Thiếu tá Công an Trần Vĩnh Phúc treo cố chết âm thầm.

Những nhà văn tài hoa ấy không thể hư cấu nổi một nhân vật như Thiếu Tướng đặc công Hồng Minh Hải, không thể hư cấu nổi chuyện phá đình, quật mộ tiền nhân, đập chùa, cướp bóc cả một cơ sở tâm linh và từ thiện của Mục sư Nguyễn Hồng Quang …

Nói chung, không thể có một nhà văn nào trên trái đất nầy có đủ sức tưởng tượng để hư cấu ra những câu chuyện mà chính các anh đã tạo ra ở Thủ Thiêm, một hiện thực đầy bi thương và tội ác, thậm chí rất man rợ xảy ra ngay trên đất nước nầy, bên cạnh một thành phố được nhân danh là VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, NGHĨA TÌNH, những khẩu hiệu mà chính các anh đã đẻ ra, treo đầy trên phố xá.

Cùng các anh (không quý mến)!

Tôi có đứa con gái út, cách đây gần mười năm, lúc đó cháu học lớp mười trường Quốc tế Mỹ tại Sài Gòn. Có lần cháu dịch một bài luận văn của cháu làm từ tiếng Anh sang tiếng Việt để nhờ tôi góp ý (Tôi còn nhớ rõ đó là thời điểm các anh đang cướp Eden bằng khói cay để giao cho Vincom), đại khái thầy giáo người Mỹ ra một đề văn nghị luận chính trị xã hội như thế nầy: “Bạn hãy chọn một vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm đề bày tỏ hai thái độ: Một là đồng tình, hai là phản biện”.

Cháu đã viết: Hiện nay, dư luận xã hội ở Việt Nam đang quan tâm nhất là vấn đề đất đai, những mâu thuẫn xảy ra giữa nông dân với chính quyền và các nhà đầu tư ở các dự án xây dựng khu công nghiệp và khu đô thị. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, muốn phát triển, ngoài mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao thì mục tiêu công nghiệp hóa và đô thị hóa là hai mục tiêu lớn và chính đáng. Nhưng vấn đề đặt ra là đất ở đâu để phát triển các khu công nghiệp và đô thị? Chỉ có một câu trả lời duy nhất là sử dụng đất nông nghiệp. Vì vậy, việc sử dụng đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp và đô thị là một vấn đề tất yếu, không có sự lựa chọn nào khác.

Đó là thái độ đồng tình.

Tuy nhiên, đất nông nghiệp là quyền lợi, là sự sống của người nông dân mà mục tiêu phát triển công nghiệp và đô thị là để phát triển kinh tế xã hội, vì vậy, trước khi sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng các dự án khu công nghiệp và khu đô thị thì chúng ta phải làm cho người nông dân, những chủ sở hữu đất nông nghiệp đó có dời sống tốt hơn trước, họ phải là người hưởng lợi đầu tiên trong các khu công nghiệp và đô thị đó. Nhưng với cách làm của Chính quyền Việt Nam hiện nay, họ dùng biện pháp gọi là “Thu hồi, giải tỏa, đền bù”, họ đẩy người dân ra khỏi quyền lợi ngay trên mảnh đất vốn là sự sống của họ, nghĩa là trả cho họ một số tiền tượng trưng rồi lấy đất của họ giao cho doanh nghiệp kinh doanh, người đã giàu thì giàu thêm, người dân vốn đã nghèo còn bị tước đoạt quyền lợi, thậm chí lâm vào cảnh khốn cùng. Đó là những nghịch lý đã trở thành bức xúc trong dư luận xã hội.

Cùng các anh (không quý mến)!

Đó là góc nhìn, là suy nghĩ của một đứa bé mười lăm tuổi, cháu chưa biết làm chính trị và cũng chưa có khái niệm về chính trị.

Còn tôi, cha của cháu bé ấy, chỉ nhân danh là người kể chuyện, có thể kể hay và cũng có thể kể rất dở. Chỉ được cái là kể rất chân tình và chân thành, chân thật, kể một cách không né tránh dù có những câu chuyện cay đắng, phủ phàng.

Tôi kể về bài tập làm văn ngây thơ và hồn nhiên của con tôi như một câu chuyện để tham khảo cho các nhà chức trách. Tôi kể chuyện bà con Thủ Thiêm để chúng ta cùng chia sẻ nỗi đau, (cũng chẳng hy vọng gì sự chia sẻ từ những trái tim lạnh và “bàn tay sắt”). Tôi kể câu chuyện về những dự định của Thiếu Tướng Đặc Công Hồng Minh Hải để các anh, ai là người trong cuộc biết được mà tự vệ, đề phòng.

Mười lăm ngàn hộ dân với hơn sáu vạn con người ở Thủ Thiêm đã xem các anh là kẻ thù không đội trời chung, các anh đã tự dựng cho mình tấm bia ở Thủ Thiêm, sẽ vĩnh cửu ngàn năm vì nó là bia miệng.

Cuối cùng, xin chào các anh (không thân mến)!

Người nông dân cầm bút:Võ Đắc Danh

(Chưa dám hứa sẽ còn tiếp)

(FB Võ Đắc Danh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét